[Tổng hợp] 7 bộ phim về quái vật kinh điển của Universal
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · KNTT ·
Những bộ phim này đã đặt tiêu chuẩn cho một thể loại kinh dị mới với những những màn hóa trang, quay phim và kỹ xảo tiên tiến.
Nếu bạn là một người hâm mộ của thể loại phim quái vật, chắc hẳn bạn đã biết đến những ma ca rồng, xác ướp Ai Cập, con quái vật của Frankenstein,... Chúng xuất hiện ở tất cả phương diện văn hóa đại chúng phương Tây từ đồ chơi, sách truyện, âm nhạc cho đến phim ảnh. Điều gì đã khiến chúng nổi tiếng như vậy? Và tại sao hãng Universal lại muốn tái xây dựng một vũ trụ điện ảnh của những con quái vật này, với thất bại đầu tiên đó là bộ phim The Mummy của Tom Cruise? Câu trả lời cũng nhằm ở chính Universal, nơi mà những nhân vật giả tưởng này lần đầu xuất hiện trên màn ảnh, được gọi là những con quái vật kinh điển của Universal. Hãy cùng Moveek điểm qua dàn quái vật kinh điển này của Universal nhé.
1. Dracula (1931)
Được dựa trên cuốn tiểu thuyết mang phong cách gothic của Bram Stoker, vở kịch Broadway vào năm 1927 cũng như những bộ phim chuyển thể trước đó, Dracula của đạo diễn Tod Browning và nhà quay phim Karl Freund (người được cho là đã thực hiện phần lớn công việc đạo diễn khi Tod trở nên buồn chán) là một trong những bộ phim đáng nhớ về ma cà rồng nổi tiếng này. Bela Lugosi, người đã từng vào vai Bá Tước Dracula trong vở kịch Broadway trước đó, quay trở lại trong bộ phim này và mang đến một màn trình diễn đáng nhớ với cái nhìn mê hoặc và tấm áo choàng dài của ông. Tuy bộ phim đôi lúc có cảm giác như một sự pha trộn giữa sân khấu kịch và phim câm, thế nhưng theo một cách nào đó điều này đã bổ sung vào hiệu ứng ghê rợn của Dracula. Bên cạnh đó, có rất nhiều thứ đáng nhớ khác về Dracula như những âm thanh căng thẳng, đáng lo ngại một cách kỳ lạ của bài Swan Lake ở đoạn credit mở đầu, những cảnh quay các sinh vật kỳ dị, đoạn giải thích ở giữa bộ phim về thế nào là ma ca rồng và cách để giết chúng, người phụ nữ thiếu vải bị Dracula phù phép và câu thoại bất tử của Lugosi: "Tôi không bao giờ uống... rượu" (I never drink... wine).
2. Frankenstein (1931)
Thành công của Dracula đảm bảo rằng Universal vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực quái vật, với dự án Frankenstein dựa trên của cuốn tiểu thuyết của Mary Shelley được ra mắt gần 9 tháng sau đó. Lugosi ban đầu được nhắm vào vai con quái vật của Frankenstein, một cỗ máy giết người tàn nhẫn - một ý tưởng bây giờ chỉ tồn tại dưới hình dạng của một tấm poster dường như được truyền cảm hứng bởi King Kong.
Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi James Whale ngồi vào chiếc ghế đạo diễn và tuyển một diễn viên người Anh cao sừng sững với bản tính dịu dàng vào vai con quái vật. Boris Karloff mang đến sự hoang mang của một đứa trẻ cho vai diễn, khiến cho con quái vật của ông càng trở nên bối rối và bị hiểu nhầm hơn là quái dị.
Qua bàn tay của Whale, câu chuyện của Shelley không còn tập trung vào sự không kiểm soát của các tiến bộ khoa học và những triết lý của Chủ nghĩa Lãng mạn nữa, mà là về bi kịch của một kẻ bị xã hội chối bỏ và phải chấp nhận số phận rằng sẽ không bao giờ hiểu được cái thế giới đã tạo ra hắn.
Whale mang đến một bầu không khí ghê rợn và màn hóa trang của Jack Pierce với hình ảnh biểu tượng của con quái vật - một cái trán vuông và nhiều cái chốt gắn trên cổ - đã giúp hoàn thiện bộ phim. Tuy gây tranh cãi và thường bị kiểm duyệt ở thời điểm công chiếu, Frankenstein vẫn là một bộ phim cảm động và là một trong những cái tên hay nhất thuộc thể loại của nó, chỉ để bị vượt qua bởi phần hậu truyện đầu tiên. Và dĩ nhiên, chúng ta không thể nào quên được câu thoại rất nổi tiếng: "Nó còn sống, nó còn sống, nó còn sống!" (It's alive, it's alive, it's alive!).
3. The Bride of Frankenstein (1935)
Là phần hậu truyện hiếm hoi có thể vượt qua được bộ phim gốc, The Bride of Frankenstein có sự quay trở lại đầy tự tin của đạo diễn Whale, với một sự nhạy cảm hơn về mặt hình ảnh và nhiều yếu tố hài hước hơn phần phim đầu tiên. Nhưng chính cái cách mà ông nhấn mạnh vào sự đáng thương và tính người của con quái vật (vẫn do Karloff thủ vai) mới khiến bộ phim trở nên đáng nhớ.
Bằng một cách nào đó sống sót qua các sự kiện của phần phim đầu tiên, con quái vật lang thang khắp nơi vì cô độc và bị hiểu nhầm, cho đến khi gặp gỡ người thầy lớn tuổi của kẻ đã tạo ra hắn, người đã xúi giục hắn tham gia vào một âm mưu để khiến Frankenstein (Colin Clive, người cũng quay trở lại từ phần phim đầu tiên) tạo ra một người bạn tình cho con quái vật. Cảnh phim mà cô dâu (Elsa Lanchester) gặp gỡ người-sẽ-làm-chồng của cô là một trong những cảnh nối tiếng nhất thuộc dòng phim quái vật, nhưng cũng là buồn nhất, một khoảnh khắc mà bất kì ai đã từng trải qua sự tan vỡ trong tình yêu cũng sẽ nhận ra được.
4. The Mummy (1932)
Mặc dù đen tối và lãng mạn hơn thể loại phim kinh dị, The Mummy đã nhanh chóng đi theo con đường của những Dracula và Frankenstein vào năm 1932. Trong khi những bộ phim Mummy sau này của Universal, bắt đầu với The Mummy's Hand vào năm 1940, có sự xuất hiện của con quái vật với dáng đi kéo lê và được quấn băng quanh người, The Mummy lại chịu ảnh hưởng của Dracula nhiều hơn với Boris Karloff trong vai vị Pha-ra-ông với chất giọng nhẹ nhàng vô tình được hồi sinh, trở nên ám ảnh với một người phụ nữ thời hiện đại, người làm hắn nhớ tới người bạn tình đã chết.
Đạo diễn Karl Freund đã mang đến cho bộ phim một chất liệu thơ mộng không giống với bất kì một bộ phim nào thuộc dòng phim quái vật của Universal, và Karloff tiếp tục cho thấy tài năng diễn xuất qua việc biến nhân vật của ông thành một con quái vật nhưng lại mang hình hài của con người, một kẻ bị chi phối bởi sự cô độc và ám ảnh bởi một quá khứ tàn nhẫn. The Mummy's Hand khởi động thành công một làn sóng các bộ phim Mummy thứ hai tuy vẫn mang tính giải trí nhưng lại thiếu đi những ẩn ý gây ám ảnh của bộ phim gốc.
5. The Invisible Man (1933)
Giống với The Mummy, bản phim năm 1933 của James Whale dựa trên quyển sách The Invisible Man của H.G. Wells là một bộ phim mà nhiều người cảm thấy đã xem qua rồi, chỉ bởi cảnh tượng một Claude Rains bị băng bó lẩn lút quanh một ngôi làng Anh Quốc khá quen thuộc. Nhưng Rains lại là một kiểu quái vật khác trong bộ phim này: thông thái, dí dỏm và có phần đanh đá. Mặc dù khuôn mặt của ông hoàn toàn bị che khuất, Rains rất ấn tượng trong vai một nhà hóa học tự khiến bản thân trở nên tàng hình và tận dụng điều đó để gây rối.
Whale rõ ràng thích thú với sự coi thường đạo đức của Rains đối với một xã hội lịch sự ở nước Anh. Kết quả dẫn đến một bộ phim kinh dị hài hước hơn nhiều người nghĩ, mặc cho phần kỹ xảo khá tiên tiến lúc bấy giờ và rất nhiều xác chết trong câu chuyện. Có lẽ bởi vì sự nhạy cảm đặc biệt đó mà phải mất một thời gian sau Universal mới bắt đầu sản xuất các phần tiếp theo của The Invisible Man, nhưng dòng phim này cũng dần quay trở lại vào những năm 40, bắt đầu với hai bộ phim cùng được ra mắt vào 1940 là The Invisible Man Returns và The Invisible Woman. Để phù hợp với tông của bộ phim gốc, những phần hậu truyện này thường nhẹ nhàng hơn so với các bộ phim kinh dị khác của Universal.
6. The Wolf Man (1941)
Universal ngừng việc cho ra mắt các bộ phim kinh dị vào giữa những năm 30 và quay trở lại một cách mạnh mẽ vào những năm 40. Vào năm 1941, hãng phim đã giới thiệu một trong những nhân vật đáng nhớ khác: The Wolf Man. Lon Chaney là một trong những ngôi sao phim kinh dị lớn nhất của Universal vào những năm 20, và The Wolf Man đã giúp xây dựng sự nghiệp của con trai ông, Creighton, người bắt đầu sử dụng cái tên Lon Chaney Jr. vào giữa những năm 30 (và sau đó chỉ là Lon Chaney gần thời điểm The Wolf Man ra mắt). Do được dựa trên những câu truyện cổ tích và truyền thuyết hơn là những nguồn tư liệu văn học có sẵn, The Wolf Man có nội dung ngắn gọn và rõ ràng hơn những cái tên kinh điển của Universal trước đó.
Ngay những phút đầu tiên, nhân vật của Chaney là Larry Talbot đã biết được tất cả mọi thứ về lời nguyền của con ma sói, chỉ ngay trước khi bản thân anh bị trúng lời nguyền. Talbot - người kế thừa tài sản của người cha hẹp hòi và ghẻ lạnh - bị cắn bởi một con ma sói trong lúc đang hẹn hò với một cô bán hàng đã đính hôn với người khác, và Siodmak và Waggner cũng không ngại việc liên kết chứng hoang tưởng hóa sói (lycanthropy) với sự ngớ ngẩn và ham muốn của nhân vật chính. Tuy Chaney không phải là diễn viên có biểu cảm tuyệt vời nhất ở Hollywood, thế nhưng ông đã vào vai một con người vụng về rất tốt, và khi biến đổi thành một con thú, ông cực kì đáng sợ, tuy có cảm giác hơi bi kịch.
7. The Creature from the Black Lagoon (1954)
Vào những năm 1950, Universal bắt đầu thay đổi cách tiếp cận đối với thể loại kinh dị, với việc thêm vào những yếu tố khoa học viễn tưởng và tính thực tế của phim tài liệu. Bộ phim quái vật vào 1954 Creature From The Black Lagoon xây dựng câu chuyện như thể nó được xé ra từ một cuốn sách giáo khoa, bắt đầu với sự tường thuật tường tận về sự tiến hóa trước khi cho thấy những nhà khảo cổ học khám phá ra hóa thạch của một sinh vật nửa người/nửa cá. Ngay sau đó, một cuộc thám hiểm đến vùng Amazon đã được tiến hành, với một nhóm các nhà khoa học lần theo dấu vết và những lời đồn của người dân địa phương, cho đến khi họ chạm trán sinh vật chết người và cực kì khỏe mạnh tên là Gill-man (gill dịch ra là mang cá).
Nhưng điều khiến sinh vật này trở thành một niềm cảm hứng như vậy - đủ để sinh ra hai phần hậu truyện vào năm 1955 và 1956 - chính là cốt truyện về người đẹp và quái vật. Những con quái vật nổi tiếng nhất của Universal luôn khiến người xem đồng cảm và/hay có sức hút, và Gill-man thì có cả hai, khi hắn trở nên say đắm với người bạn gái xinh đẹp của một nhà khoa học (Julia Adams thủ vai) và cố gắng thể hiện tình cảm của mình trong lúc né súng phóng xiên của những người thợ lặn.
Creature From The Black Lagoon là một bộ phim khá sến sẩm và là một phần của vô số những bộ phim quái vật rẻ tiền vào những năm 1950, nhưng đạo diễn Jack Arnold đã tạo ra một khoảng không gian đáng tin cho những con người cứng như gỗ và con quái vật lằm bằng cao su này để cùng tồn tại, nhất là những cảnh phim ở dưới nước, nơi mà Gill-man bí mật bơi ở bên dưới Adams và bắt chước theo từng động tác của cô, cùng lúc vừa có cảm giác xinh đẹp vừa như một cơn ác mộng.
Nguồn: The A.V. Club