Truy Sát - Táo bạo ở mức 'an toàn'
Tin điện ảnh · Moveek ·
Phim hội tụ được nhiều thể loại của hành động, có đua môtô, hết môtô thì đến ôtô, không có môtô không có ôtô thì chạy bộ, có đấu súng, đấu võ, bắn cung, phần cuối phim còn có cả đấu kiếm khá hay.
**Bài Review có tiết lộ một số chi tiết phim**
Truy Sát kể câu chuyện về thiếu tá Nguyễn An An (Trương Ngọc Ánh) thuộc đội cảnh sát phòng chống ma túy, với tính cách bướng, thích tự ý hành nghề, An lúc nào cũng hoạt động một mình trong công cuộc tìm hiểu về đường dây buôn lậu ma túy mặc dù cô thừa biết đây là một việc cực kỳ nguy hiểm. Qua nhiệm vụ tìm hiểu buổi đấu giá từ thiện bức tượng chưa rõ niên đại nhưng chứa vài lạng kim cương bên trong do Trưởng phòng cảnh sát Minh (Vĩnh Thụy) giao, An lần được dấu vết của Băng Sói và lao vào cuộc chiến sống còn với băng đảng này. An có một đứa em trai tên Bình (Thịnh Vinh), hai chị em tên An – Bình mà trời không cho được bình an, trong quá trình điều tra thì không may Băng Sói đã tìm bắt được Bình, từ đó An An vừa phải chiến đấu chống lại nhóm tội phạm, vừa phải giải thoát cho em trai.
Phim có ý tưởng khá, nhưng cách triển khai chưa tốt, cốt truyện không khó đoán, nói thẳng ra là hầu như phim chẳng có thắt mở gì quan trọng, xem đến nửa phim thì hầu như ai cũng có thể mường tượng ra được kết cục như thế nào, chỉ có điều nó ít khốc liệt hơn kỳ vọng, do đó mọi chú ý của người xem sẽ tập trung vào cách đạo diễn triển khai các diễn biến của phim để dẫn đến kết cục đó như thế nào. Phim hội tụ được nhiều thể loại của hành động, có đua môtô, hết môtô thì đến ôtô, không có môtô không có ôtô thì chạy bộ, có đấu súng, đấu võ, bắn cung, phần cuối phim còn có cả đấu kiếm khá hay nhưng chưa đủ đã, tất cả các yếu tố trên thiếu tá Nguyễn An An đều có đủ, đúng là thiếu tá tiềm năng. Nhìn chung phần hành động của phim được làm khá tốt, hầu như các phim có Trương Ngọc Ánh đều đảm bảo được điều này.
Trong phim có một số tình tiết nếu biết tận dụng thì có lẽ đã đẩy được cao trào lên nhiều hơn, chẳng hạn như Phượng – vai phản diện nữ duy nhất, không chết quá sớm thì có lẽ sẽ có một trận đấu tay đôi giữa Phượng và An ở cuối phim, vì trước đó vị hôn thê của Phượng là Tài được cho là bị thiếu tá An giết chết. Một nhân vật khác là em trai Bình của An là người khù khờ, bị Băng Sói bắt cóc, nếu để Bình hy sinh thì có lẽ sẽ làm tăng sự căm phẫn của nhân vật An với các nhóm tội hơn, và như thế vai diễn Bình của Thịnh Vinh mới thực sự có ý nghĩa với bộ phim.
Truy Sát sở hữu một dàn diễn viên cực kì đẹp, vì thế phim rất biết tận dụng lợi thế này, các cảnh khoe thân được tận dụng triệt để, nhưng lần này không phải các chị khoe thân, màn khoe thân của các chị chỉ là phụ, bởi sân khấu lần này là của các anh. Có thể nói rằng, cứ cách khoảng 10 phút lại có một cảnh khoe thân, khoe nhiều đến nỗi người xem bị ngộp, xuống biển khoe thân, lên giường khoe thân, kiểm tra xe cũng khoe thân, cảnh đánh nhau cũng ráng để nhân vật bị lột áo nhằm khoe thân, nhưng được cái thân ai cũng chuẩn nên khán giả được dịp rửa mắt, một điểm cộng cho phim Truy Sát. Có lẽ nhờ dùng phần hình bù qua cho phần diễn nên ai trong phim nhìn cũng khá đơ, biểu cảm không thật, nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng để bàn. Điều đáng nói nhất của phim đó là phần thoại quá tệ, điển hình cho sự cố này là Vĩnh Thụy, dù vào vai cảnh sát nhưng lời thoại của anh lúc nào cũng chậm rãi kể cả những lúc bực tức, giống như lời nói của Vĩnh Thụy được cài đặt sẵn thời gian giãn cách giữa các âm tiết vậy, tệ hơn nữa là có những đoạn nghe như hát tuồng, phần thoại của Trương Ngọc Ánh cũng gặp phải lỗi tương tự, do đó không thể hiện được hết tính cách cương trực và khí phách cần thiết của những người trong ngành cảnh sát. Bên phía phản diện cũng gặp vấn đề với thoại, các anh trùm chửi bới người khác nhưng vẫn rất văn minh không bao giờ gọi nhau bằng “mày – tao”, xã hội đen bây giờ được giáo dục tốt thật. Cách biểu đạt cảm xúc của phía vai phản diện cũng chưa tới, có lẽ các anh xã giao với trùm Tây nhiều quá, nói tiếng nước ngoài nhiều quá rồi nên quên cách biểu lộ cảm xúc của người Việt chăng, băng nhóm tội phạm mà nghe giọng chỉ thấy buồn cười chứ không thấy sợ.
Phim được đầu tư khá nhiều về cảnh quay, các trường đoạn hành động được thực hiện ở nhiều bối cảnh rất hoành tráng, không thua kém gì các phim Hollywood, đây có lẽ là một điểm cộng hiếm hoi mà Truy Sát có được. Tuy nhiên, phần kỹ xảo của phim lại không tốt, các cảnh cháy nổ nhìn vô cùng giả, lại một điểm trừ cho Truy Sát.
Có nên xem Truy Sát dưới định dạng 4DX hay không?
Truy Sát là phim Việt Nam đầu tiên được trình chiếu dưới định dạng 4DX, cho nên rất khó có thể đưa ra nhận xét khen chê cho phim này vì chưa có một tiêu chuẩn từ một phim Việt nào khác để nhận định. Các hiệu ứng mà phòng chiếu 4DX tại Việt Nam hiện có bao gồm: rung lắc, quạt gió, ánh sáng, hơi nước, mùi và khói, phim Truy Sát có đủ tất cả các hiệu ứng trên. Nếu so sánh với các bom tấn hành động từ Hollywood thì chắc chắn hiệu ứng 4DX của Truy Sát chưa có gì ấn tượng cả, các hiệu ứng rung lắc chủ yếu đến từ các phân cảnh đánh đấm vốn không liên quan đến chuyển động của ghế ngồi, mà phim này chủ yếu lại là các cảnh đánh đấm nên trải nghiệm 4DX sẽ không trọn vẹn, hơn nữa hiệu ứng phun hơi nước lại bị tận dụng quá mức cần thiết cho dù cảnh phim đó không hề có nước. Hiệu ứng tốt nhất có lẽ là ánh sáng, tuy ít nhưng một cảnh trong phim tận dụng khá hiệu quả.
Nhìn chung, Truy Sát có lẽ đã là một bộ phim hay nếu nhìn nhận được và khắc phục được ngay từ đầu 1/2 số lỗi trên, do đó Truy Sát chưa thể là sự lựa chọn hoàn hảo trong thời điểm này khi đang có rất nhiều bộ phim hay khác được trình chiếu ngoài rạp. Tuy vậy, Truy Sát vẫn phù hợp để giải trí nhẹ nhàng vì phim không quá nặng về yếu tố hành động, tâm lý tội phạm, nội dung cũng dễ hiểu cho những ai thích hành động nhưng không thích suy luận. Nên xem phim này ở định dạng 2D vì định dạng 4DX không có gì nổi bật, trừ khi bạn muốn ủng hộ điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều phim 4DX hơn.
Nguồn: MT