10 bộ phim kinh dị ấn tượng năm 2019 có thể trị chứng "ngộ độc" jump-scare
Ivy_Trat ·
Dưới đây là 10 phim kinh dị được đánh giá cao trong năm 2019.
Phim kinh dị là thể loại phim ảnh thu hút khán giả nhưng bi giới phê bình đánh giá là thiếu sót. Tuy nhiên, năm 2019 này, nhiều bộ phim của dòng phim kinh dị đã nhận được nhiều lời tán dương từ cả hai giới với vẻ nghệ thuật, độc lập sáng tạo và khả năng thu hút khán giả rộng hơn. Nên có thể nói, năm 2019 là một năm thành công của thể loại kinh dị.
Dưới đây là danh sách 10 bộ phim kinh dị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong năm 2019.
10. The Lighthouse (2019)
Bộ phim kinh dị The Lighthouse của đạo diễn Robert Eggers, người đã có chiến thắng giòn giã trên cả 2 mặt trận phòng vé và giới phê bình với The Witch vào năm 2015, có lẽ là bộ phim ấn tượng và táo bạo nhất năm nay, bất kể thể loại nào mà phim thuộc về.
Tương tự như The Witch, The Lighthouse không chỉ tập trung vào bộ phận khán giả yêu thích của thể loại kinh dị, mà đưa tất cả những ai xem phim bước vào thế giới của những giai đoạn quá khứ thông qua ngôn ngữ và bối cảnh. Với The Lighthouse, Eggers hòa trộn những yếu tố của huyền thoại dân gian, văn hóa thủy thủ, những con mòng biển đáng sợ, thời tiết khắc nghiệt, thần thoại Hy Lạp vào một mạng lưới những phép ẩn dụ được kết nối liền lạc. Bộ phim đã lột tả hoàn mỹ cơn điên loạn mà những người gác hải đăng phải trải qua khi mọi thứ xung quanh họ dần bị bóp méo cho đến khi ranh giới giữa thực và ảo biến mất hoàn toàn.
Eggers hiểu được sự thống khổ là thứ làm người ta hứng thú nhất để xem, khi mà không có sự ngơi nghỉ giữa các phân cảnh. Nên ông nói rằng bản thân cũng muốn say sưa trong sự khổ sở của những nhân vật mình tạo ra. Đây là một sự mạo hiểm hiếm vị đạo diễn nào muốn thực hiện. Từng khung hình của bộ phim này luôn níu giữ người xem trong trạng thái ngột ngạt không đứt đoạn của bối cảnh, làm người xem cảm nhận được cuộc sống ẩn dật não nề của hai người đàn ông sống ở ngọn hải đăng ấy. Phần nhạc của phim cũng sáng tạo không kém. Eggers sử dụng những hồi kèn dồn dập của còi foghorn, một loại còi cảnh báo tài thuyền qua lại về những mối nguy hại trong khu vực, ở ngay đầu phim và sau này kết hợp chúng vào phần nhạc phim để tạo nên phần âm thanh phù hợp với bối cảnh của phim.
Robert Pattinson và Willem Defoe đã đem đến một màn diễn xuất đầy ấn tượng. Cả hai đã thành công đem khán giả đắm chìm vào trạng thái siêu thực và để họ cảm nhận được trải nghiệm mà 2 nhân vật đã trải qua trong phim. Thêm vào đó, bối cảnh gồm những đợt gió râm ran không ngừng thổi qua ngọn hải đăng và độ mặn của không khí được truyền tải không chê vào đâu được trên nền trắng đen. Không gian đìu hiu lấn át người xem. Từ đó, bộ phim đổ ầm lên người xem như một cơn sóng hùng mạnh kéo đến công phá ngọn hải đăng.
Eggers thực sự đã tạo nên một câu chuyện cô đọng có thể thôi miên người xem vào hiện thực mà Eggers đã kỳ công thêu dệt. Nghiêng về tính ẩn dụ khá nhiều và có cách kể chuyện lắc léo, The Lighthouse muốn nắm bắt được bản chất của công việc gác đèn. Tóm lại, đến với The Lighthouse mang đến một trải nghiệm điện ảnh không giống bất cứ dự án phim nào khác.
9. Crawl (2019)
Crawl của đạo diễn Alexandre Aja không giống với những gì người ta tưởng tượng sau khi xem xong đoạn trailer. Mặc dù về cơ bản phim vẫn là một câu chuyện sinh tồn trong thảm họa thiên nhiên với cách xây dựng đơn giản, nhưng nếu nhìn tổng thể, Crawl có một phong cách đặc trưng xuyên suốt ở khâu dựng ảnh. Nhân vật chính của phim, vận động viên bơi lội Haley (Kaya Scodelario) và người cha Dave (Barry Pepper), không thuộc dạng nhân vật có thể dễ bị “bay màu” thường thấy của dòng phim này.
Không có gì nhiều để nói về Crawl, trừ việc phim đã đáp ứng được mục đích mà bộ phim đề ra: một bộ phim giải trí mùa hè được làm có tâm. Vùng nước đầy rẫy các sấu, hai cha con gặp nạn, và cơn bão kéo đến tàn phà nơi họ đang sống đều được xây dựng tỉ mỉ dưới dạng CGI mang tính chân thật cao. Thường ở thể loại phim như Crawl, công thức được sử dụng là cốt truyện của Jaw, một tác phẩm điện ảnh kinh điển của dòng phim này. Trong đó, người biên kịch luôn tìm ra cách phức tạp để đẩy nhân vật của mình vào tình thế hiểm nguy để tạo cơ hội tấn công cho con cá mập. Ở đây, công thức quen thuộc này được sáng tạo thêm không chỉ bằng cách thêm vào một sinh vật nguy hiểm hơn nhiều lần (so với cá mập), mà còn đặt người xem vào những tình huống thực tế, điền hình như cuộc sơ tán khó đoán mà người dân Florida thường phải trải qua trong đời thực.
Crawl không dành cho những ai muốn thưởng thức những bộ phim với nhiều tầng ý nghĩa hay thách thức tư duy. Tuy nhiên, phim vẫn cho thấy tính nghệ thuật nhất định của thể loại này đã được làm đúng cách. Bộ phim này hiển nhiên không thể sánh được với Jaw – hiếm phim nào làm được lắm, nhất là với câu chuyện được thêm thắt nhiều yếu tố như tội lỗi, ám ảnh của những nhân vật có chiều sâu. Dù thế, Crawl vẫn là bộ phim đáng thời gian của những ai yêu thích thể loại này, hoặc những ai đã quá mệt mỏi với những bộ phim với những nỗ lực rẻ tiền trong việc tái hiện công thức của dòng phim quái thú vs con người.
8. Ready or Not (2019)
Không phải phim nào nằm trong danh sách này cũng có chủ đề nghiêm túc cả. Ready or Not thuộc dạng hài đen nhiều hơn so với các phim còn lại. Phim kết hợp thái độ kể chuyện mỉa mai với khiếu hài kỳ quái mà sống động để vừa có thể khiến người xem cười với những tình huống và phong tục kỳ quái của nhà Le Domas, lại vừa có thể đắm mình vào bối cảnh của phim.
Ready or Not xoay quanh cô gái Grace (Samara Weaving) bước vào cuộc hôn nhân với một chàng công tử xuất thân siêu giàu Alex (Mark O’Brien). Những nhân vật nổi bật khác trong phim gồm người anh cả lúc nào cũng trong trạng thái cay cú một điều gì đó Daniel (Adam Brody) – người căm ghét truyền thống và tính ái kỷ của gia đình mình.
Bối cảnh phim được thiết kế vô cùng công phu. Tình tiết phim diễn ra trong một tòa dinh thự kiểu Victoria được trang trí ấn tượng và khoe khoang độ giàu có của gia đình Le Domas.
Xuyên suốt thời lượng 95 phút, Ready or Not liên tục chơi đùa với những mong đợi của khán giả, cho đến khi bộ phim thấy cần thiết phải trả lời những thắc mắc của họ. Nhìn chung, Ready or Not là một bộ phim đẫm máu có đủ yếu tố tình cảm để kết nối các nhân vật và những nỗi niềm của họ đến tận giây phút cuối cùng của phim. Khác hẳn với những bộ phim kinh dị tầm thường dễ quên khác, Ready or Not vừa vui tươi vừa lôi cuốn người xem theo phong cách rất riêng.
7. Hagazussa: A Heathen’s Curse (Hagazussa) (2019)
Hagazussa lần đầu tiên được công chiếu ở những liên hoan phim năm 2017, sau đó được đem đi phát hành tại Đức vào năm 2018. Phải đến năm nay, bộ phim mới đến được thị trường Bắc Mỹ. Đây là bộ phim lột tả câu chuyện kinh dị dân gian của Đức dưới sự chỉ đạo của đạo diễn kiêm biên kịch Lukas Feigelfeld. Phim đặt người xem vào bầu không khí chân thật mang đậm hơi thở nước Đức trong từng chi tiết. Bên cạnh đó, phim cũng đóng vai trò là phiên bản truyền miệng của lịch sử những ngôi làng ở vùng Alpine hẻo lánh.
Hagazussa có đầy đủ các yếu tố làm nên một bộ phim kinh dị điển hình: từ một bàn thờ đầu lâu cho đến yếu tố ma thuật đầy rẫy trong phim. Nhưng có lẽ bộ phim này không dành cho khán giả đại chúng, vì hình ảnh của phim có khả năng làm người xem vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, những ai vượt qua được điều đó, họ sẽ có được một trải nghiệm điện ảnh đầy ma mị và đáng nhớ.
Bộ phim không dựa vào những chiêu trò hù dọa sáo mòn của dòng phim kinh dị để lôi kéo người xem, mà tận dụng bối cảnh và tính chân thật có thể ám ảnh người xem trong nhiều ngày sau khi bộ phim kết thúc. So với các bộ phim khác trong danh sách này, Hagazussa hướng đến một bộ phận khán giả riêng biệt hơn, nhưng phim cũng dành cho ai muốn thử nghiệm một bộ phim kinh dị táo bạo hơn so với công thức chung chung của thể loại kinh dị.
6. The Hole in the Ground (2019)
Được Lee Cronin biên kịch và chỉ đạo, The Hole in the Ground là bộ phim kinh dị chuyển thể từ truyện dân gian xứ Ireland (Ai-len). Lấy quang cảnh hiểm trở của miền hoang dã ở Ireland làm bối cảnh chính, bộ phim nhấn mạnh nỗi sợ của bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái và mô tả quá trình các nhân vật chính bị cuốn vào một câu chuyện mê tín lâu đời ở vùng đất này. Do có khái niệm khá phức tạp, nên đây không hẳn là bộ phim có thể lôi kéo nhiều người xem. Bù lại, phim thể hiện sâu sắc sự mê tín Ireland như thể đang thể hiện một loại hình nghệ thuật chân chính.
Mặc dù không được độc đáo cho lắm khi phim vẫn có đầy đủ những chi tiết điển hình của một bộ phim xoay quanh quỷ ám và nhập hồn, nhưng chính phong cách của phim mới là thứ làm The Hole in the Ground tỏa sáng. Toàn bộ khung cảnh phim đều chìm trong những gam màu xám khác nhau. Chúng làm thế giới xung quanh bị bao phủ trong một sự u ám khiến bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng bất giác muốn bảo vệ con mình một cách thoái quá. The Hole in the Ground có thể không có những tình tiết phát triển đáng kinh ngạc nào, nhưng, sự thiếu vắng này cho phép phim có chỗ cho những kỹ thuật quay phim khéo léo và cách trình bày hấp dẫn để phim, dưới một tổng thể, vượt lên những khuyết điểm của nó.
5. Us (2019)
Vào năm 2017, cú hít kinh dị Get Out của Jordan Peele đã làm nên kỳ tích khi đem về 3 đề cử Oscar và 1 chiến thắng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất (dành cho Peele). Get Out được coi là hiện tượng văn hóa do sự kết hợp tài tình giữa vấn đề sắc tộc vào thể loại kinh dị. Năm nay, Us đã lập lại tiền lệ của Get Out, nhưng với sự khác biệt rõ rệt. Trong khi Get Out chỉ tập trung vào vấn đề sắc tộc, Us lại đào sâu vào một loạt các vấn đề xã hội liên quan sâu sắc đến sắc tộc và phản ánh một nước Mỹ mà hai lĩnh vực này ngày càng đan xen mạnh mẽ ngoài đời thực.
Us được xây dựng sao cho các nhân vật trong đây đều tương tác với chủ đề chính của phim. Peele thì cố gắng nắm bắt những ý tưởng nhiều lúc khá trừu tượng, nên các nhân vật đều thấy mình như bị cuốn vào cơn lốc của những ý tưởng này.
Khâu nhạc phim vô cùng ấn tượng, như trailer đã chứng minh. Âm nhạc kết hợp với chủ đề hiện thực, Us có khả năng khơi dậy nhiều cái nhìn nhiều chiều và ý kiến từ các khán giả khác nhau. Tuy nhiên, dù cho những ý kiến ấy nghiêng về tiêu cực hay tích cực, chúng đều sẽ có điểm chung: chúng đều đồng ý màn biểu diễn của Lupita Nyong’o thật ấn tượng. Về phần hài hước, Us lại có phần hụt hơi hơn khi so với Get Out, vì diễn viên hài chính của phim Tim Heidecker chỉ xuất hiện trong khoảng 2 phân cảnh. Nhưng, người xem phải nhận ra, đến một lúc nào đó của phim, Us và Get Out là 2 bộ phim riêng biệt, nên đừng đi tìm hình bóng của Get Out trong Us.
Mặc dù cốt truyện của Us có thể bị sa lầy hoặc tản mát ở một số phân đoạn, Us vẫn là một nỗ lực táo bạo của một nhà làm phim muốn truyền tải thông điệp cá nhân thông qua nghệ thuật của mình. Với chiến thắng của Get Out, Peele có thể tự mãn và không mạo hiểm với dự án tiếp theo, những rõ ràng là anh không làm vậy.
4. The Wind (2018)
Là một trong số cái tên trong danh sách này có ngày công chiếu ở năm 2018, nhưng phải đến năm 2019, The Wind mới tiếp cận được khán giả. The Wind kể về Lizzy (Cailin Gerard) và người chồng Isaac. Cả hai đến định cư ở vùng đất nằm ở biên giới phía tây vào thế kỷ 19 (nơi thuộc Mexico ngày nay). Cả hai gặp phải một vật thể siêu nhiên ở vùng đất đó. Sự cô lập và những cơn gió không bao giờ ngừng thổi khiến Lizzy ngày càng sợ hãi sự xuất hiện của thực thể bí ẩn, trong khi Isaac không tin rằng mình đang gặp phải một hiện tượng siêu nhiên. Lizzy và Isaac trở thành nguồn động lực thúc đẩy bộ phim và những tình tiết diễn ra sau khi cả hai dọn đến vùng đất trống trong phim.
Những bộ phim như The Wind khơi dậy nỗi sợ của khán giả thông qua sự cô lập hoàn toàn mà một người phải chịu đựng. Trong trường hợp này, người đó là Lizzy. Sự cô lập khỏi con người có thể là một món quà với một số người, nhưng đối với số khác, nó chẳng khác gì một màn tra tấn tinh thần. Sự biệt lập khiến trí óc con người mụ mị đi, khiến họ chìm vào hoang tưởng. Và chủ đề siêu nhiên thường trở thành lý do để hợp lý hóa những ý nghĩ điên rồ xuất phát từ sự cô lập.
Những màn hù dọa quá mức không cần cho The Wind, vì trí óc con người cũng đủ làm người ta khiếp sợ. Điều này làm The Wind trở thành một câu chuyện ma đơn giản nhưng được xây dựng kĩ lưỡng có thể thỏa mãn bất cứ khán giả nào.
3. Luz (2019)
Được nhà làm phim người Đức Tilman Singer lên kịch bản và chỉ đạo, Luz xoay quanh môt cô gái trẻ bị một thực thể quỷ dữ đeo bám. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi vì tránh được lối mòn mà những dự án kiểu này thường hay sa vào.
Luz sở hữu một bối cảnh ám ảnh tới mức có thể hù dọa người xem với những chiêu dọa đơn giản nhất – lý giải vì sao bộ phim không phụ thuộc vào jump-scare hay CGI. Phong cách tiếp cận chủ đề quỷ ám của phim không những cứu khán giả khỏi những màn dọa ma rẻ tiền, mà còn tạo cơ hội cho bầu không khí quỷ dị được hình thành một cách có hệ thống và từ tốn.
Luz tuy bị phê bình về sự bão hòa về chủ đề và một số phân đọan được làm chưa tới, nhưng cái kết của phim được coi là điều gây kinh ngạc nhất và để lại ấn tượng khó quên. Bộ phim có thể không phải là phim phá cách nhất năm nay, nhưng tính sáng tạo và việc tránh được sự tự mãn (mà các bộ phim kinh dị dễ dàng vướng phải) đã đưa Luz vào danh sách những bộ phim kinh dị ấn tượng nhất năm 2019 này.
2. Depraved (2019)
Depraved mang đến cho người xem một phiên bản hiện đại của câu chuyện kinh dị kinh điển Frankenstein được Mary Shelley sáng tác vào thế kỷ 18. Bộ phim không những được hiện đại hóa một cách độc đáo, vừa giữ được thông điệp đạo đức của nguyên tác gốc, mà còn giới thiệu những chủ đề mới mẻ có sức kết nối mạnh mẽ với con người ở thế kỷ 21. Đúng với cái tên của mình – depraved có nghĩa là “suy đồi” – Depraved sử dụng những hành động không tự nhiên đến không tưởng để lôi kéo khán giả khám phá những giá trị đạo đức của con người hiện đại.
Xoay quanh cựu bác sĩ quân đội Henry (David Call), người đang trải qua chấn thương tâm lý nặng nề do phải chứng kiến quá nhiều sự tàn bạo đẫm máu của chiến tranh ngày này qua ngày khác, bắt tay vào “chế tạo” một con người từ những bộ phận bị cắt lìa, đạo diễn Lary Fessenden đã thành công đưa quái vật Frankenstein vào bối cảnh hiện đại. Thông qua những trải nghiệm của Hendry, khán giả thấu hiểu được chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) đã thúc đẩy hành động của anh ta ra sao.
Giới phê bình dành tặng những lời nhận xét có cánh cho Depraved. Họ ấn tượng với cách đạo diễn Fessenden làm hồi sinh một câu chuyện kinh điển với hơi thở hiện đại, mà vẫn giữ được những yếu tố đã khiến nguyên tác trở nên đáng sợ đến ớn lạnh. Mặc dù thế, phim vẫn làm khán giả chia rẽ do bản chất nội tâm của phim.
Depraved không phải là loại phim có thể phù hợp với mọi bộ phận khán giả. Nên nếu muốn trải nghiệm Depraved, người xem trước hết phải từ bỏ mong đợi “được” hù cho sợ. Thay vào đó, người xem hãy để câu chuyện này dẫn dắt mình vào bầu không khí rợn người được hình thành từ từ qua các tình tiết.
1. Midsommar (2019)
Midsommar đươc coi như một sự tân trang của Wicker Man (1973) kết hợp với Hereditary (2018) và Rosemary’s Baby (1968). Với bộ phim này, đạo diễn Ari Aster thêu dệt một câu chuyện kinh dị dân gian ám ảnh tâm trí những ai đã chọn ngồi lại thưởng thức phim.
Lấy nhân vật Dani (Florence Pugh), một sinh viên cao học ngành tâm lý học , và bạn trai Christian (Jack Reynor), người đã miễn cưỡng rủ cô đi cùng trong chuyến đi đến một ngôi làng ở Thụy Điển, làm trọng tâm, Midsommar giấu sự quỷ quyệt sâu bên dưới bối cảnh tràn ngập ánh nắng và đẹp như tranh vẽ của ngôi làng Harga xuyên suốt thời lượng phim, và để nhịp điệu được dàn dựng tỉ mỉ lẫn khung hình ngập trong hoa cỏ muôn màu bồi đắp nổi lo âu không thể lý giải ngày một được đẩy lên cùng cực. Cho đến khi cảm giác ấy đổ sầm vào nhân vật chính, khán giả mới nhận thức được sự thật kinh hoàng mà phim che đậy bấy lâu nay. Yếu tố cho phép nỗi lo âu này hòa quyện vào khung cảnh thiên nhiên trù phú của ngôi làng Hagar là phần nhạc phim có sức mê hoặc và kỹ thuật quay phim khiến con người ta không thể ngồi yên.
Dưới tư cách là một bộ phim cố gắng khác biệt với những bộ phim kinh dị thông thường, Midsommar lại gây tranh cãi dữ dội trong giới phê bình lẫn khán giả. Họ, những nhà phê bình, không ưu ái bộ phim này như cách họ đã dành cho Hereditary. So với Hereditary, Midsommar không bì được với tính giải trí và cảm giác trọn vẹn mà những thước phim về đề tài quỷ ám mang lại vào năm ngoái. Câu chuyện dân gian trong Midsommar có vấn đề về nhịp điệu và, về tổng thể, bộ phim có chút gây chán nản ở một số đoạn. Tuy nhiên, bất chấp những khuyết điểm trên, bộ phim vẫn là một dự án táo bạo, lôi cuốn, và xứng với một vị trí trong danh sách 10 bộ phim kinh dị ấn tượng nhất năm 2019.
Midsommar không phải là kiểu phim dành cho bất cứ bộ phận khán giả nào. Thậm chí, khán giả đại chúng có thể bỏ qua hẳn bộ phim. Nhưng, đối với những ai yêu thích dòng phim kinh dị dân gian và không có vấn đề với sự phá cách của đạo diễn, bộ phim có thể mang lại cảm giác thỏa mãn.
Nguồn: Taste of Cinema