4 đặc điểm cơ bản để nhận dạng một bộ phim của Zack Snyder
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Maii ·
4 đặc điểm dưới đây là phong cách làm phim quen thuộc của Zack Snyder.
Sau tất cả thì Zack Snyder được biết đến nhiều nhất với phong cách hình ảnh và quay phim độc đáo, đặc biệt là ở các cảnh hành động. Cho đến nay thì ông chỉ mới đạo diễn duy nhất một phim gốc (Sucker Punch, chưa tính Army of the Dead chưa ra mắt), đa phần các phim còn lại đều dựa trên truyện tranh hoặc tiểu thuyết hình ảnh.
Snyder thường được đem lên bàn cân so sánh với Michael Bay, vốn là đạo diễn nổi tiếng với các phim bom tấn hành động nhưng bị chê bai về mặt chất lượng kỹ thuật, việc nhận định một bộ phim của Snyder là xuất sắc hay tệ hại vẫn thường gây ra tranh cãi, cũng như việc thể hiện một nhân vật anh hùng trong phim của ông là hấp dẫn hay đã phá hỏng nguyên tác vẫn thường châm ngòi cho cuộc chiến giữa các fan. Tuy nhiên, “mọt phim" vẫn đánh giá cao Zack Snyder ở nét độc đáo và cuốn hút riêng về mặt hình ảnh, cũng như cách thể hiện các anh hùng trong phim theo hướng thực tế và đầy khiếm khuyết, đôi khi có đổi mới hoặc cải biên so với nguyên tác.
Khởi đầu sự nghiệp bằng việc quay quảng cáo, Zack Snyder có được bộ phim điện ảnh đầu tay mang tên Dawn of the Dead năm 2004, remake lại từ phiên bản cult classic của George A. Romero năm 1978. 3 năm sau, bom tấn 300, dựa trên tiểu thuyết hình ảnh của Frank Miller ra đời. Đây là bộ phim đánh dấu phong cách làm phim riêng của Snyder, sau này được nối tiếp bằng những phim như Watchmen (2009), Legends of the Guardians: The Owls of Ga'Hoole (2010), Sucker Punch (2011)... Nổi bật nhất trong số các bộ phim này là Man of Steel (2013), bộ phim ông kết hợp với Christopher Nolan (biên kịch) để mang đến một hướng đi mới dành cho Người Đàn Ông Thép.
Thế mạnh của Zack Snyder, chắc chắn là ở mặt thị giác. Các nhà phê bình dù khó tính đến đâu cũng thừa nhận rằng phim của Snyder mang phong cách hành động tràn đầy năng lượng có thể lôi cuốn người xem vào trong từng phút giây. Dưới đây là các đặc điểm “nhận dạng” một bộ phim của đạo diễn Zack Snyder.
1. Nguyên tác trở thành storyboards
Rất lâu trước khi quay khung hình đầu tiên của bất cứ một bộ phim nào, các đạo diễn bắt tay vào xây dựng hướng đi hình ảnh bằng các bản vẽ, kịch bản phân cảnh (storyboards)... Cho đến nay, Snyder đã viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn không nhiều phim điện ảnh, chủ yếu là các phim dựa trên truyện tranh hoặc tiểu thuyết hình ảnh. 80% phim của Zack Snyder liên hệ trực tiếp đến nguyên tác bằng việc biến các trang truyện tranh hoặc hình ảnh của tiểu thuyết trở thành storyboards.
Phim dựa trên truyện tranh không phải thể loại mới, nhưng không ai theo sát hình ảnh của nguyên tác như Snyder. Phim của ông trông rất giống như một cuốn truyện tranh sống động trên màn. Ông kết hợp bảng màu mang phong cách của mình, quay các cảnh hành động theo hướng riêng, chơi đùa cùng tốc độ của các khung hình, di chuyển camera rõ ràng, có mục đích.
2. Bảng màu mang phong cách Zack Snyder
Các siêu anh hùng trong phim của Zack Snyder đều chuyển thể từ truyện tranh. Nhưng các phim không chuyển thể từ truyện tranh như Dawn of the Dead remake hay Legend of the Guardians vẫn có chút màu sắc của siêu anh hùng trong đó. Các nhân vật trong phim của ông đều vĩ đại, họ như bị bó buộc trong một thế giới chật hẹp, dù thế giới đó có chứa người ngoài hành tinh, zombie hay cả Batman.
Ông xây dựng các bảng màu đơn sắc, dùng tất cả các sắc độ, tông, sắc thái của một màu duy nhất. Các màu này được thêm sắc trắng để làm nhạt hoặc thêm sắc tối để tăng độ tương phản. Vị đạo diễn thích các chủ đề đen tối và thường đi sâu vào lầm lỗi của con người, cũng như cho thấy một anh hùng không hoàn hảo. Thế giới trong phim của ông thường tàn nhẫn, tối tăm và lạnh lùng hư vô.
Ở một cảnh trong Man of Steel, chúng ta thấy rõ thế giới trong phim của Snyder như thế nào với bảng màu đơn sắc xanh lá/xám, càng tăng cảm giác u ám. Kể cả nhân vật Superman, vốn không giống Batman, thường xuất hiện trong bộ suit sáng màu như xanh lam và đỏ, mạnh mẽ và lạc quan. Nhưng trong phim của Snyder, tông màu của bộ suit được tăng độ tương phản, sậm hơn, để đồng bộ với số phận của nhân vật trong phim. Đặc điểm này đã dần trở thành xu hướng trong các phim về Superman của Snyder.
Trong Sucker Punch thì sắc xanh lá đậm và xanh lam mang đến không khí lạnh lùng và cô lập của một Nhật Bản trong trí tưởng tượng xa u ám của Baby Doll. Cách sử dụng màu trong phim của Snyder rất mạnh mẽ, nhiều màu đã gắn bó rất chặt chẽ với một nhân vật cũng bởi ấn tượng của nó trong một phân cảnh đặc biệt. Màu sắc được sử dụng lên nhân vật đã gần như định hình chính nhân vật đó, chẳng hạn như chiếc áo choàng đỏ là biểu tượng của can đảm, sức mạnh… được sử dụng lên các chiến binh Sparta trong 300.
Đối với các nhân vật chuyển thể từ truyện tranh, màu sắc của các nhân vật đương nhiên theo sát nguyên tác trong truyện tranh, nhưng được tô điểm bằng các sắc trắng hay sắc tối (như Dr. Manhattan hay Superman), sau đó được đặt trong tổng thể nền đơn sắc tương phản hoặc liên kết để càng làm nổi bật nhân vật. Trái ngược với phim siêu anh hùng của Marvel, các nhân vật chính trong phim sống đơn giản ở Trái Đất, ở Malibu, ở New York hay San Francisco, thì phim DC của Snyder đưa người xem vào một thế giới lạ kỳ, xanh xám, tăm tối lạ thường của các siêu anh hùng như Metropolis hay Gotham, nơi mà Superman hay Batman đang sinh sống, tự do hơn, dễ dàng dẫn dắt một câu chuyện với viễn cảnh lớn hơn.
Việc sử dụng các màu sắc liên kết với nhau đã tạo nên rất nhiều bộ phim tuyệt đẹp về mặt hình ảnh, không chỉ riêng các phim của Snyder. Màu sắc trong phim có thể định hình nhân vật và tô đậm chủ đề của phim, tạo nên tông và tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp. Vì màu sắc và tâm lý trong phim có mối liên hệ trực tiếp với nhau, việc sử dụng thành thạo màu sắc để thể hiện tông và tính cách, đặc điểm nhân vật trong phim sẽ khiến một bộ phim trở nên xuất sắc hơn nhiều.
Việc theo sát nguyên tác hình ảnh giúp công việc của Snyder dễ dàng hơn, thêm nữa là những gì tinh hoa nhất của nguyên tác đều được giữ lại để thoả lòng fan. Các phim của Snyder đa phần kinh phí lớn, vì thế mà các nhà đầu tư, sản xuất, studio đều muốn nhúng tay vào suốt quá trình thực hiện. Khi một bộ phim chuyển thể từ truyện tranh lên sóng, điều mà người xem mong muốn nhất, chính là nguyên tác trở nên sống động trên màn ảnh. Vừa thoả lòng người xem, vừa thoả mãn đối tác và nhà đầu tư. Nhưng nhà làm phim vẫn có cách làm bộ phim chuyển thể đó đậm hơi thở của mình từ góc quay, chuyển động, cách dẫn dắt, khắc hoạ nhân vật theo góc nhìn mới… những thứ vốn không thể dựa vào nguyên tác, mà phải dựa vào chính bàn tay của nhà làm phim.
3. Hiệu ứng slow-motion hay fast-motion
Khi xem phim của Snyder thì các cảnh slow-motion chẳng còn lạ gì đối với khán giả. Slow-motion hay fast-motion không phải là hiệu ứng mới, từng rất nổi tiếng trong các phim như Matrix, Die Hard, Terminator, Inception... Snyder sử dụng hiệu ứng này của điện ảnh để tái hiện lại các chuyển động mắt khi người xem đang đọc một cuốn truyện nhưng dưới dạng một bộ phim điện ảnh, đồng thời tạo không khí kịch tính và gay cấn. Việc gia giảm tốc độ khung hình thao túng thông tin được đưa ra trong một cảnh và thu hút sự chú ý của người xem, hướng đôi mắt người xem vào một chi tiết đặc biệt nào đó trong phim, hệt như cách một khung hình đặc biệt trong truyện tranh.
Trong Justice League, kỹ thuật này được tô đậm khi gắn liền với nhân vật Flash, siêu anh hùng với sức mạnh là tốc độ.
4. Snap zoom
Một trong những phong cách khác nữa của Snyder đó là snap zoom, thường là để cả cảnh không không bị cắt giữa chừng, không phải gián đoạn sắp xếp một cảnh khác hay thay đổi ống kính.
Khi làm phim tài liệu, hành động cần được quay lại trong thời gian thực, và việc snap zoom cho phép nhà làm phim làm được điều đó. Nếu có một chi tiết đáng chú ý xuất hiện thì cảnh ngay lập tức sẽ được phóng to. Trong phim của Snyder, kỹ thuật này đẩy không khí khẩn trương lên khi kết hợp với chuyển động khác của nhân vật. Chẳng hạn như cảnh dưới đây trong Man of Steel.
Không giống như phim tài liệu, nhà làm phim chẳng cần dùng snap zoom để cho khán giả thấy Jor-El đang cưỡi một con quái thú hay kẻ thù đang theo đuôi, nhưng đây là kỹ thuật cho thấy hiệu quả mạnh mẽ và sống động của một cảnh phim. Thêm nữa, đối với một đạo diễn làm phim chuyển thể từ truyện tranh hay tiểu thuyết hình ảnh, người thường xuyên kết hợp yếu tố kỳ ảo với thế giới thực thì snap zoom giúp yếu tố kỳ ảo đó càng liên kết chặt chẽ với thế giới thực. Hãy quan sát thêm một cảnh chiến đấu khác trong 300 để thấy rõ phong cách này.
Snap zoom và hiệu ứng slow-motion hay fast-motion giúp vị đạo diễn hạn chế các cảnh cắt không cần thiết trong các phân đoạn hành động phức tạp, tạo cho người ta cảm giác của một cảnh long take, nhằm giúp trải nghiệm của người xem được liên tục. Việc này cũng khiến việc biên tập cảnh phim trở nên không cần thiết. Kể cả khi một đạo diễn không sử dụng slow/fast motion hay snap zoom thì việc quay một cảnh long take hành động vẫn là quyết định táo bạo, điển hình như cảnh hành động trong Oldboy của Park Chan-wook hay cảnh hành lang trong Marvel's Daredevil...
Tranh cãi xoay quanh các bộ phim của Zack Snyder chưa bao giờ có hồi kết, nhưng người ta vẫn không thể phủ nhận những gì ông đã làm được. Sau thất bại với Justice League bản rạp, cùng nhiều chiến dịch kêu gọi ra mắt #SnyderCut, WB. cuối cùng cũng thoả lòng fan khi tung bộ phim nguyên bản lên kênh dịch vụ streaming HBO Max vào năm 2021, sau khi chi thêm kinh phí để hậu kỳ phần kỹ xảo cho hoàn chỉnh, mang đến cho khán giả tầm nhìn ban đầu của Zack Snyder.
Sắp tới, khán giả của Netflix sẽ được thưởng thức một bộ phim khác của ông là Army of the Dead, xoay quanh một băng cướp đến sòng bài ở Las Vegas - vùng đang cách ly zombie để thực hiện phi vụ lớn nhất trong cuộc đời họ. Liệu đây có phải là bộ phim hit tiếp theo của Snyder?
Nguồn: Studiobinder