7 hành vi rùng rợn trá hình trong các bộ phim rom-com

Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·

7 hành vi này nếu xuất hiện ngoài đời thì quả thật đáng quan ngại.

Hài kịch và lãng mạn là một bộ đôi bền chặt của phim ảnh. Cùng nhau, chúng tạo thành thể loại rom-com (romance-comedy) với những câu chuyện tình yêu màu hồng không khác gì truyện cổ tích. Rom-com là một sự lựa chọn nhẹ nhàng, vui tươi cho các tín đồ điện ảnh hoặc những ai chỉ muốn xem phim với nửa kia của mình vì câu chuyện tình yêu luôn kết thúc có hậu dù chứa nhiều chi tiết chỉ có thể tồn tại trong trí tưởng tượng.

The Independent
The Independent

Cơn sốt rom-com đã bắt đầu vào thời kỳ phim ảnh còn trắng đen. Giai đoạn 90 và 2000 đánh dấu sự tái sinh và sự đạt đỉnh của thể loại này, bắt đầu với một bộ phim được coi là kinh điển cho lễ tình yêu When Harry Met Sally (1989).

Đây là lúc thể loại rom-com được thêm thắt yếu tố người lớn hơn. Rom-com tuổi-teen cũng phổ biến không kém. Trong khi đó, các TV series lấy chủ đề đời thường như F.R.I.E.N.D.S, How I Met Your Mother, The Big Bang Theory, Sex and the City… đều có yếu tố rom-com được kết hợp chặt chẽ với cốt truyện.

Mặc dù cũng thích nghi với thời đại để tồn tại, những chi tiết định hình các bộ phim rom-com hầu như không thay đổi. Hầu hết phim đều bắt đầu bằng tình huống một cô gái gặp một chàng trai trong một tình huống trớ trêu. Cô ấy và anh ấy có thể đến từ 2 thế giới khác nhau, có thể đến từ hai phía đối địch, hoặc là hai nửa của một tình bạn bền lâu.

Cả hai nảy sinh mâu thuẫn trong lối sống và tính cách, nhưng định mệnh dường như đã an bài cho họ bên nhau. Trước khi kết cục đó diễn ra, cô gái và anh chàng sẽ tạm thời xa nhau vì một hiểu lầm. Từ đó, anh ấy hoặc cô ấy bỗng nhận ra bản thân thực sự yêu người kia và tái hợp với nhau để làm nên một kết thúc có hậu.

The Take
The Take

Rom-com có điểm chung là một câu chuyên tình yêu màu hồng, nhưng khi chúng ta thực sự nhìn nhận các bộ phim, cả phim ảnh lẫn truyền hình, không còn màn khói lung linh hay những cử chỉ khẳng định tình yêu lãng mạn, thể loại bắt đầu trở nên kinh dị. Dưới đây là 7 hành vi rùng rợn được dán mác lãng mạn được yêu thích trong rom-com, chứng minh thể loại này chẳng trong sáng như chúng ta tưởng.

1. The Notebook và màn đu đưa trên đu quay của nam chính

Màn rủ crush đi chơi kinh dị của Noah - <em>The Notebook (2004) </em>(MadbuzzHK) 
Màn rủ crush đi chơi kinh dị của Noah - The Notebook (2004) (MadbuzzHK) 

Hãy nhìn vào những rom-com được yêu thích, chúng chứa đầy những hành vi đáng ngờ. Các nhân vật trong nhiều bộ rom-com thường có các hành động mà tôi gọi là định tình và họ thường là nam. Các hành động này sẽ khiến chúng ta nổi da gà nhưng dưới con mắt của các nhà làm phim lại trở nên lãng mạn. Ví như Noah (Ryan Gosling) trong The Notebook (2004).

Một trong những cách để hỏi crush đi chơi là một vấn đề đau đầu. Nhưng Noah có một cách “đặc biệt”. Đó là phục kích Ellie (Rachel McAdam) lúc ấy không hề biết anh ta là ai ở hội chợ, chờ khi cô và bạn hẹn leo lên đu quay và nhảy lên. Sau đó, đu người ra khỏi ghế, bám vào thành lan can và dọa sẽ buông tay nếu cô không đồng ý đi chơi với anh ta.

Dĩ nhiên là Ellie nhận lời, để khỏi phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một người lạ mặt. Thế mà Noah thậm chí còn có gan ép Eliie nói rằng cô nhận lời là do tự nguyện, chứ không phải đang đáp ứng yêu cầu của anh ta theo kiểu ban ơn.

The Notebook coi hành động này không chỉ là một cử chỉ tỏ tình bình thường, mà còn gắn cho nó mác lãng mạn, ngụ ý rằng vì tình yêu, hành động nào cũng phải điên rồ như vậy mới chứng minh được ý nguyện của người đàn ông. Trên thực tế, Noah sẽ được một vé vào nhà giam với tội danh quấy rối. Hoặc một chuyến đi giám định tâm thần, nếu The Notebook là một bộ phim tâm lý như Gone Girl (2014).

2. Theo dõi một người bạn chưa từng gặp vì tin rằng người đó có thể là định mệnh của mình, hoặc chỉ đơn thuần là theo dõi crush.

Nếu như nữ chính không ngọt ngào như Annie thì sao nhỉ? - <em>Sleepless in Seattle (1993) </em>(The Take)
Nếu như nữ chính không ngọt ngào như Annie thì sao nhỉ? - Sleepless in Seattle (1993) (The Take)

Cánh nữ cũng có nhiều lựa chọn để tỏ tình với crush nữa đấy. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào thứ gọi là tình yêu ngay ánh nhìn đầu tiên, Annie Reeds (Meg Ryan) trong Sleepless in Seattle (1993) là một nhân vật “nên học theo”.

Không chỉ hoãn đám cưới với hôn phu Walter, cô còn bay đến Seattle và chủ động theo dõi kiến trúc sư Sam Baldwin chỉ vì một lần nghe anh ta nói về người vợ đã mất trên một đài phát thanh. Theo dõi ở đây đúng nghĩa là đứng từ xa nhìn Sam chơi đùa với con trai, không nói chuyện, không tiếp xúc, lặp đi lặp lại trong nhiều ngày. Dĩ nhiên, sự khác biệt của hành động này là vì Sleepless in Seattle (1993) là một bộ phim lãng mạn và hài hước, nên nó không được coi là hành vi bất thường, mà là hành động vì tình yêu đích thực.

Mark (Andrew Lincoln) trong Love, Actually (2003) thì bí mật bám đuôi Juliet từ khi cô nàng trở thành bạn gái của Peter – bạn thân của Mark. Nhưng thay vì bỏ cuộc, Mark vẫn tiếp tục níu giữ mối tình không đi tới đâu này. Kết quả là những thước phim do Juliet đóng chính ra đời và màn tỏ tình huyền thoại dưới trời tuyết với những tấm bảng. Lỡ như Peter là người mở cửa thì sao nhỉ?

3. Một mối tình xác định mục đích rõ ràng

Sao 2 người này đến với nhau được nhỉ? - <em>How to Lose a Guy in 10 Days (2003) </em>(Popsugar)
Sao 2 người này đến với nhau được nhỉ? - How to Lose a Guy in 10 Days (2003) (Popsugar)

Nếu bạn mơ mộng về một cuộc tình chân thật không vụ lợi, sự khởi đầu của nó nên được chú trọng, trừ khi bạn là Benjamin "Ben" Barry (Matthew McConaughey) trong How to lose a Guy in 10 Days (2003). Anh chàng này chủ động tán gái chỉ để thắng một cuộc cá cược. Nói đi cũng phải nói lại, cô gái anh ra quen Andie Anderson (Kate Hudson) chỉ muốn thử nghiệm giả thuyết của cô ấy trong mối quan hệ. Một mối tình với mục đích rõ ràng đó chứ!

4. Catfishing rất lãng mạn

Sierra Burgess là một kẻ thua cuộc thực sự - <em>Sierra Burgess is a Loser (2018) </em>(Daily Ruin)
Sierra Burgess là một kẻ thua cuộc thực sự - Sierra Burgess is a Loser (2018) (Daily Ruin)

Tình yêu còn trở thành lý do để chúng ta thông cảm với Sierra Burgess (Shannon Purser) trong Sierra Burgess is a Loser (2018) khi giả dạng một cô gái khác để tán tỉnh anh chàng trong mơ của mình. Một hành động được gọi là “catfishing” và được coi là lừa đảo. Chưa kể đến sử dụng danh tính giả mạo đó để hôn anh chàng đó luôn.

5. Đối tượng bị mất trí là một điều tốt 

<em>While You were Sleeping (1995) </em>(tvseans.com)
While You were Sleeping (1995) (tvseans.com)

Nhiều nhân vật rom-com cảm thấy tán tỉnh quá mất thời gian. Giải pháp tốt nhất là chọn một đối tượng đang bị mất trí nhớ hoặc có tiền sử bệnh tâm thần, như Kate Sulivan (Anna Faris) trong Overboard (2018).

Người phụ nữ này đã bắt cóc Leonardo Montenegro trong tình trạng mất trí nhớ tạm thời và lừa anh ta trở thành chồng cô, cùng nhau chăm sóc những đứa con. Dĩ nhiên, phim kết thúc với việc họ yêu nhau thật. Thực tế thì cô nàng sẽ trở thành tội phạm lừa đảo và bắt cóc. Phiên bản Overboard (1987) cũng khá hơn chút nào.

Ít nhất thì Lucy Eleanor Moderatz (Sandra Bullock) của While You were Sleeping (1995) có thể đồng cảm với Kate, dù Kate chỉ muốn trả đũa Leonardo, còn Lucy thì giả vờ làm hôn thê của một Peter đang hôn mê và mất trí nhớ chỉ để được gần anh ta.

Lý do muôn thuở biện minh cho hành động này là gì? Dĩ nhiên là tình yêu. Lucy đã vô tình phải lòng Peter trong những lúc gặp anh ta ở nhà ga. Vấn đề là Lucy, làm công việc soát vé tàu, chỉ gặp Peter ở ga tàu. Trong khi Pete còn không biết cô là ai, dù mất trí hay không.

6. Cứ kiên trì là có được cô gái

Take the hint, Tom! - <em>500 Days of Summer (2009) </em>(Jester Review)
Take the hint, Tom! - 500 Days of Summer (2009) (Jester Review)

Đây là chiêu trò ưa thích được các nam chính rom-com vận dụng trong phân đoạn anh ta tán tỉnh crush. Trong How I Met Your Mother mùa 3, Ted Mosby để ý bác sĩ Stella Zinman và miệt mài theo đuổi cô, mặc dù trước đó, Stella đã nói chắc chắn là không nhận lời. Trước đó nữa, Ted đã làm tương tự với Robin và đinh ninh cô là định mệnh của anh ta, bất chấp quyền quyết định của Robin.

500 Days of Summer (2009) cũng là một điển hình của hành động này. Tom (Joseph Gordon-Levitt) đã miệt mài theo đuổi Summer dù cô đã nói rất rõ ràng cô không tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương và bản thân cô không phù hợp với mối quan hệ nào. Nhưng Tom thề không bỏ cuộc cho tới khi Summer thay đổi ý định.

Trong hoàn cảnh thực tế, chủ thế nhận các kiểu tình yêu này sẽ bỏ chạy đằng trời, nhưng rom-com lại thường đẩy hai người này lại với nhau, như thể cô gái là phần thưởng cho sự kiên trì của anh ta và lời nói không đồng ý của cô ấy không có giá trị.

7. Vì tình yêu, mọi thứ đều được tha thứ

Vì biên kịch bảo thế! - <em>The Kissing Booth (2018) </em>(Tunefind)
Vì biên kịch bảo thế! - The Kissing Booth (2018) (Tunefind)

Lý do mà các phim rom-com luôn kết thúc có hậu có lẽ là vì tình yêu thật sự mù quáng khiến các đối tượng tình ái trong phim bỏ qua các hành vi đáng suy ngẫm của các đối tượng đi tán tỉnh dùng để chấp nhận đến với họ. (Hoặc có lẽ là vì những kẻ đi tán tỉnh trong rom-com đều đẹp đến lạ lùng).

Noah trong The Kissing Booth (2018) chẳng hạn. Anh ta bộc lộ những hành vi xem chút biến anh ta thành Joe của You (2018 - ) như kiểm soát nữ chính Elle (Joey King) và đe dọa những bạn trai khác ở trường không được hẹn hò cô, có tính khí khác thường, ghen tuông. Nhưng rốt cuộc Elle và Noah vẫn thành đôi (Từ chối hiểu!). Kết quả của mối tình này là phần 2 dở tệ của The Kissing Booth.

Hiện nay, rom-com còn bao gồm bộ phận LGBTQ+, các nhân vật chính đến từ các chúng tộc khác nhau. Và trong thời đại của #Metoo và các phong trào khuyến khích thế hệ trẻ yêu chính mình hơn, rom-com còn đặt mục tiêu truyền tải những thông điệp tích cực về tình yêu, hình thể và các mối quan hệ như Tall Girl (2019), Sierra Burgess is a Loser (2018)….

Nhưng điều đó không có nghĩa là thể loại này đã dừng lãng mạn hóa các hành vi rất đáng quan ngại chỉ để tô hồng tình yêu hơn thực tế. Có lẽ chúng ta nên bỏ luôn cụm thể loại rom-com và chuyển các phim này qua địa phận kinh dị với tư cách là khúc dạo đầu của những kẻ sát nhân hàng loạt trước khi ra tay với nạn nhân thì hơn.