Anime v Cartoon: Giống chỗ nào, khác nhau sao?
Đây là một bài tổng hợp những thông tin, kiến thức mà người viết đã đọc và thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, cả những gì tự đúc kết ra được. Nếu bạn chưa biết thì đọc cho vui, đã biết thì cũng vui để đọc.
Anime là gì? Tại sao ta lại ít khi nào nghe ai gọi là hoạt hình Nhật mà thường chỉ nhắc là anime? Và tại sao người ta cứ hay lẫn lộn gọi một số phim hoạt hình (cartoon) Âu Mỹ là anime? Bài viết này sẽ phần nào giải thích một số thắc mắc trên. Theo đó, ta sẽ so sánh những điểm giống và khác nhau giữa anime và phim hoạt hình do phương Tây sản xuất. Ngoài ra, người viết sẽ còn tổng hợp lại một số thể loại cũng như kiến thức cơ bản được lượm nhặt về anime để cho những bạn chưa rõ về một phần văn hoá của đất nước hoa anh đào.
Anime được hiểu theo cách cơ bản nhất là phim hoạt hình của Nhật, do Nhật sản xuất (ở hiện tại thì có thể do nước khác sản xuất nữa nhưng phong cách, hoặc dựa trên tác phẩm gốc của Nhật). Tuy là phát âm được mượn từ animation (hoạt hoạ) nhưng đối với cá nhân người Nhật, họ tự hào xem đây là một thể loại khá riêng biệt với phần được gọi là hoạt hình khác của thế giới, đặc biệt là Âu Mỹ thường được biết đến là cartoon. Với họ, anime là một phần của văn hoá đất nước và tuyệt vời là hầu như cả thế giới đều công nhận chuyện này.
Nhưng hiện tại, vẫn có nhiều người nhầm lẫn một số phim của Âu Mỹ là anime, hoặc vẫn gọi anime là cartoon nên bài viết sẽ so sánh những điểm giống và khác nhau giữa hai khái niệm này để mọi thứ được rõ ràng hơn.
Đầu tiên, điểm chung to đùng mà ai ai cũng biết giữa chúng chính là đều là hoạt hoạ (hoạt hình), là animation. Chúng đều đưa những nhân vật đa dạng lên màn ảnh bằng nét vẽ, màu sắc, kĩ thuật, âm thanh một cách sinh động, đầy cuốn hút. Về khán giả, ban đầu cả hai thể loại này đều hướng đến trẻ em, thanh thiếu niên nhỏ tuổi là chính. Nhưng dần dần nhờ sự đón nhận nồng nhiệt của các đối tượng khán giả khác nên mọi giới hạn được mở ra, nhiều thể loại đa dạng hơn xuất hiện khiến các bộ phim dần có hạn chế riêng, nhãn mác khác nhau.
Do không cùng cha, khác luôn cả bà ngoại nên giống nhau chỉ nhiêu đó thôi, còn khác nhau thì lại rất nhiều. Vì do tuổi đời bỏ khá xa bạn còn lại nên hoạt hình Âu Mỹ (bộ phim đầu tiên ra mắt năm 1911) được biết đến là người tiên phong, đặt tiền đề cho mọi thứ. Trong khi sau đó có một vài bộ phim của Nhật được ra mắt nhưng không để lại ấn tượng quá lớn. Cho đến khi Tezuka Osamu, một mangaka huyền thoại, được biết đến với nhiều tên gọi như: Thần manga, cha đẻ manga... với những tác phẩm đình đám như Black Jack, Chim Lửa, Đảo Giấu Vàng, đặc biệt nhất trong số đó là Astro Boy. Đây là bộ anime chuyển thể thành anime đầu tiên đạt được thành công vang dội trên thế giới, đưa khái niệm anime thành một nét riêng đặc trung không lẫn lộn với những bộ hoạt hình khác nổi trội cùng thời điểm đó như của Walt Disney vào khoảng 1970. Chính tác giả huyền thoại này cũng nói rằng ông ngưỡng mộ và lấy cảm hứng rất nhiều cho các sản phẩm của mình từ nhà Chuột.
Từ đó nền công nghiệp anime ngày càng mở rộng hơn, nhiều nhà sản xuất khác nhau cũng bắt tay vào làm ra nhiều tác phẩm nhưng nhìn chung hầu như anime thời điểm đó đều được chuyển thể từ manga. Và thứ khiến chúng khác nhau dễ nhìn ra nhất chính là phong cách và nét vẽ. Các phim hoạt hình Âu Mỹ thường hiếm có bộ nào tuân thủ các nguyên tắc cân xứng về ngoại hình của nhân vật, các nhà làm phim thường biến tấu linh hoạt khiến mỗi nhân vật đều đặc biệt khác nhau, không lẫn vào đâu được. Ví dụ điển hình như: The Simpson, Phineas & Ferb, The Powerpuff Girl... Và thứ họ hướng tới nhiều hơn là tính giải trí, sự hài hước, vui nhộn. Biểu cảm nhân vật cũng đa dạng, họ mặc sức diễn tả các sắc thái khuôn mặt một cách rất tự do, thậm chí là lố, cái ta thường không làm được ngoài đời (như ngạc nhiên đến rớt cả mắt, lè lưỡi dài, chân tay cơ thể xoắn vào nhau). Đặc biệt, họ thích nhân hoá động vật để làm nhân vật chính yếu trong tác phẩm như: Mickey Mouse, Tom & Jerry, Zootopia... Đây thường được gọi là Furry (đã được nhắc đến ở các bài viết khác).
Trái lại, người Nhật thường quan tâm đến phần hình thể nhân vật. Mắt họ phải to, long lanh, lóng lánh, tỉ lệ cơ thể cân xứng theo khái niệm phác hoạ người của mỹ thuật, cứ xem mấy bộ nổi nổi như Inuyasha, Naruto, Fairy Tail là thấy ngay. Mỗi mangaka đều có phong cách và nét vẽ đặc trưng cho riêng mình nên điều này cũng hình thành nên ưu, khuyết điểm. Điểm tốt là tạo nên phong cách riêng biệt nhìn vào một phát là biết ba má là ai ngay, khó lẫn đi đâu được nhưng điểm trừ là rất nhiều bộ anime sa lầy vào đóng khung, mất đi sự đa dạng của tạo hình khiến các nhân vật nhìn 10 như một chỉ khác nhau quần áo, tóc tai, màu mắt. Đổi cho nhau phát là chả biết ai là ai (ví dụ điển hình nhưng sợ bị ném đá chắc là Sword Art Online). Về biểu cảm thì tuy không phải là không đa dạng nhưng anime vẫn tuân thủ thực tế, không quá biến tấu lạ lùng, ngay cả bộ cho trẻ em là Doraemon cũng biểu hiện rõ điều này. Ngoài ra, họ cũng chú trọng nhiều đến từng các chi tiết nhỏ như cánh hoa, chiếc lá bay, sợi tóc, sợi lông mi, các đồ vật, bối cảnh đối với anime cũng rất quan trọng.
Về nội dung, phía Âu Mỹ thường là những bộ gồm những tập phim với những câu chuyện độc lập, ít liên kết với nhau là mấy. Cartoon thường là thể loại phiêu lưu, hài hước, gia đình, tình bạn, tình yêu thuần khiết và hướng nhiều đến khán giả nhỏ tuổi như: Gravity Falls, Pucca, Winnie the Pooh. Xa hơn thì có thể thiên nặng về hướng người lớn, tâm lý hoặc thể loại siêu anh hùng như: Bojack Horseman, Batman... Còn anime lại chú trọng hơn về liên kết mạch truyện và thể loại phim thì đa dạng khủng khiếp cũng có tên gọi bằng tiếng Nhật riêng như: shoujo, shounen, slice of life (không phải tiếng Nhật mà chỉ thấy anime sử dụng là nhiều), seinen, horror,... Và đối tượng khán giả nhắm đến cũng rất nhiều. Tuy nhiên có một số bộ anime tuy dành cho thanh thiếu niên lại hơi cổ xuý da thịt quá nhiều và đây cũng là một điểm yếu của anime trong mắt fan cartoon là lợi dụng fan service, hình thể hơi hướng tình dục quá mức không cần thiết. Bên cạnh đó, anime còn có thể loại người lớn hoặc dành riêng cho những người có gu đặc biệt như: hentai, shoujo ai/ yuri (mang hướng đồng tính nữ), shounen ai/yaoi (mang hướng đồng tính nam)...
Đó là những điểm khác và giống nhau cơ bản nhất theo người viết tìm hiểu được. Về phần kỹ thuật chuyên môn thì xin không nói đến ở đây vì mình không phải người trong ngành và cũng chỉ xem vì yêu thích và giải trí. Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề nên được nhắc đến là chúng ta đôi khi vẫn gọi phim hoạt hình của Mỹ với tạo hình và phong cách hơi giống của Nhật là anime thì có thể là đúng hoặc chưa đúng. Như đã nói ở trên, anime là một khái niệm riêng của Nhật Bản gọi cho phim hoạt hình do họ làm ra, sản xuất hoặc ít nhất là cốt truyện gốc là manga Nhật. Vì thế nếu một bộ của Âu Mỹ chỉ được gọi là anime khi có một trong những yếu tố trên, không thì chính xác phải gọi là animation chịu ảnh hưởng bởi phong cách anime hơn. Hoặc ta có thể gọi là phim hoạt hình Âu Mỹ mang phong cách anime, chẳng hạn như: Avatar: The Last Airbender hay phim mới cùng studio trên Netflix: The Witcher: Nightmare of the Wolf.
Tổng kết, dù giống hay khác nhau như thế nào, anime và hoạt hình Âu Mỹ vẫn có những điểm vô cùng tuyệt vời và mang lại các giá trị về tinh thần tích cực cho chúng ta tuỳ theo sở thích, gu chọn lựa với mỗi người. Còn cá nhân người viết thì tham lam nên cái gì cũng thích, phim hay là xem!
Ảnh: Tổng hợp