Avengers: Infinity War – Giải thích 35 Easter Egg và những mối liên kết
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Never ·
Các nhà làm phim cũng quyết tâm không qua loa với những chi tiết nhỏ cũng như những yếu tố về mặt âm thanh, hình ảnh, màu sắc, và những khoảnh khắc mang tính cá nhân, nhỏ nhoi đó lại mang rất nhiều ý nghĩa.
Kéo xuống để xem tiếp
Avengers: Infinity War là một bộ phim chuyển thể truyện tranh đặc sắc với những pha hành động mãn nhãn của anh em nhà Russos. Cùng Lord of The Rings, Infinity War là một tác phẩm tính cả về phạm vi và quy mô đều thuộc loại chưa từng có trước đây. Nhưng bất chấp quy mô và sự hoành tráng vốn có, các nhà làm phim cũng quyết tâm không qua loa với những chi tiết nhỏ cũng như những yếu tố về mặt âm thanh, hình ảnh, màu sắc, và những khoảnh khắc mang tính cá nhân, nhỏ nhoi đó lại mang rất nhiều ý nghĩa.
Với số lượng những màn hành động nhiều như vậy, đương nhiên chúng ta sẽ có ít không gian hơn cho các Easter Egg, nhưng không phải không có. Các Easter Egg này trải rộng từ những mối tương quan với văn hóa đại chúng cho tới những chi tiết có liên quan trực tiếp tới tác phẩm truyện tranh, nền tảng cho Infinity War. Và sau đây là 35 Easter Egg mà chúng tôi đã tìm thấy.
35. Logo mới của Marvel Studios
Cũng như trong đoạn video chúc mừng 10 năm mà Marvel từng đăng trên YouTube, logo Marvel Studios xuất hiện ở phần đầu Infinity War đã có một chút thay đổi với con số 10 màu đỏ thay thế cho chữ I và O trong từ Studios để kỉ niệm sự kiện này.
Chỉ những thay đổi vô cùng nhỏ - như việc không phát đoạn nhạc mở đầu khi giới thiệu của MCU – đã khiến mọi thứ có vẻ mới mẻ và khác lạ hơn.
34. Dòng thoại “We have a Hulk”
Bộ phim mở đầu với con tàu tị nạn của dân Asgard mà chúng ta từng thấy ở cuối Thor: Ragnarok, đang trên đường đưa God Of Thunder (Thần Sấm) và những người dân còn sống tới một nơi chốn mới để định cư tại Trái Đất trước khi con tàu của Thanos xuất hiện. Mặc dù chúng ta không được chứng kiến quá trình xâm nhập, nhưng rõ ràng đã có một thứ gì đó vô cùng khủng khiếp xảy ra bởi tất cả người dân Asgard đều nằm la liệt dưới đất, có vẻ như đã chết, đúng như những gì trailer mô tả.
Trước khi đầu hàng và giao nộp khối Tesseract cho Thanos (gần như bị ép buộc), Loki đã muốn chống lại hắn ta, mượn lời của Tony Stark trong The Avengers: “We have a Hulk” và để Banner biến đổi rồi tấn công Thanos từ phía sau.
Số phận của Loki lần này cũng được định đoạt bởi câu nói của Thanos “LẦN NÀY thì không còn hồi sinh nữa”, gợi nhớ lại vụ giả chết của Loki trong The Dark World. Làm thế nào mà Thanos biết được vụ đó thì còn phải chờ xem xét.
33. Banner đã thực hiện cú đáp của Silver Surfer
Sau cảnh mở đầu, trước khi Thanos phá hủy con tàu của người Asgard (và giả thiết là hắn đã để một nửa số người còn sống mà chạy thoát từ trước), Heimdall đã kịp thời đưa Hulk xuống Trái Đất để cảnh báo những người bạn Avengers của mình về cuộc xâm lăng của Thanos (rồi sau đó anh cũng bị Thanos giết chết).
Hulk đã rơi xuống Sanctum Sanctorum, biến hình về thành Banner rồi chuyển lại lời nhắn. Và cái cách anh rơi vào thánh đường của Doctor Strange cũng y hệt cách Silver Surfer – người báo hiệu về cuộc xâm lược của Thanos trong truyện – rơi vào thánh đường.
Rõ ràng, với việc Silver Surfer nằm ngoài tầm với của Marvel cho tới khi vụ mua bán với Fox được hoàn thành, họ sẽ phải chọn ra những nhân vật khác để thay thế thực hiện nhiệm vụ.
32. Morgan Stark
Sau khi Hulk được gửi tới Trái Đất để cảnh báo về mối đe dọa từ Thanos và nói với Doctor Strange về mối nguy hiểm này, Strange đã tới gặp Tony Stark để chuyển lại lời cảnh báo và mời Iron Man giúp đỡ bảo vệ Trái Đất và viên Time Stone. Anh đã cắt ngang cuộc nói chuyện của Stark với Pepper Potts về giấc mơ trong đó cặp đôi sẽ có em bé. Chi tiết này thực ra khá buồn cười vì anh ấy tin chắc rằng đây là điềm báo và cô ấy thực sự phải đang mang thai.
Họ sau đó đã thảo luận về việc có con và Tony nhắc tới việc họ sẽ đặt tên con trai mình theo tên người bác của Pepper là Morgan. Cái tên đó thực ra được lấy từ trong truyện và Morgan Stark là em họ của Tony Stark, người luôn tin rằng cha của Tony, Howard Stark đã lừa dối bố hắn ta, Edward Stark để chiếm đoạt toàn bộ tải sản của công ty Stark. Gã từ đó vẫn luôn cố gắng cướp lại công ty từ tay Tony.
Thành thực mà nói thì đây không phải một cái tên lý tưởng để đặt tên em bé cho lắm.
31. Những gợi nhớ về Trận chiến ở New York
Mặc dù trong The Avengers, Loki được xây dựng trở thành kẻ đầu sỏ trong kế hoạch xâm lược Trái Đất, nhưng Infinity War đã thay đổi câu chuyện bằng cách để Bruce Banner xác nhận với Tony Stark rằng chính Thanos là người đã PHÁI Loki xuống Trái Đất.
Trận đánh đó đặc biệt ám ảnh Stark và bị coi như một hiện tượng của chứng bệnh PTSD (Rối loạn stress sau sang chấn) vẫn luôn dai dẳng nơi anh kể từ Iron Man 2. Đây cũng là một cách thông minh để trói buộc Stark và Thanos lại với nhau. Họ đối xử với nhau như những kẻ thù cũ cùng chung một trải nghiệm – New York – và nó thực sự nâng nhân vật Tony lên một tầm cao mới, người trước đó từng bị coi là muốn Thanos trả giá vì nhu cầu cá nhân.
Thậm chí ngay từ cảnh post-credit cuối The Avengers, trận đánh này đã phần nào được ám chỉ có liên quan tới Thanos khi hắn tự gánh lấy sự thất bại của Loki lên mình.
30. Trò đùa về Ben & Jerry
Để thể hiện sự nổi tiếng của nhóm Avengers, thậm chí bất chấp bản Hiệp nghị Sokovia và sự lo lắng của công chúng về những hành vi vô tổ chức của các siêu anh hùng, bộ phim đã nhắc đến việc Tony Stark đã được lấy tên để đặt cho một vị kem của Ben & Jerry như một cách tôn vinh anh. Vị kem đó có tên là Stark Raving Hazelnuts và một lần nữa, được đặt tên theo tâm hồn bay nhảy, vui vẻ, thứ đôi khi thậm chí vượt qua cả khát vọng đánh đuổi Thanos của bản thân anh.
Wong cũng nhắc đến một vị kem khác đặt tên theo Avengers là Hulk-A-Hulk-A-Burning-Love.
Gã khổng lồ trong ngành kem này không phải công ty duy nhất được nhắc tên trong bộ phim: khi lần đầu đến với Wakanda, Okoye đã nói rằng khi mở cửa vương quốc với thế giới bên ngoài, cô từng hi vọng thế giới sẽ để họ tổ chức Olympics hoặc ít nhất cũng phải mở lấy mấy cửa hàng Starbucks ở đây.
29. Spider Sense (Giác quan nhện) của Peter Parker
Bất chấp tất cả những thiết bị đặc biệt mà Tony Stark đã thêm vào bộ Spider-Suite của Peter Parker trong Homecoming, bản thân cậu vẫn chưa thể hiện được kỹ năng nổi tiếng của mình là Spider Sense. Nhưng khả năng này đã được thể hiện ngay lúc cậu xuất hiện, khi cậu có thể cảm nhận được con tàu của Black Order trước cả khi nhìn thấy tận mắt, rồi sau đó, cậu cũng biết the Guardians chuẩn bị đáp xuống Titan trước khi họ thực sự đáp xuống mặt đất.
Về sau, chúng ta cũng có một chi tiết nhỏ gợi nhớ đến bộ truyện tranh (và một dòng thoại trong Homecoming) khi Peter cố gắng thuyết phục Iron Man để cậu tiếp tục được ở lại chiến đấu: “How can you be a friendly neighbourhood Spider-Man with no neighbourhood?” (Làm sao cháu trở thành cậu bé Spider-Man thân thiện nhà hàng xóm mà không có hàng xóm đây?)
28. Vai cameo của Stan Lee
Như một truyền thống của phim Marvel, Stan Lee luôn có một vai cameo trong phim và lần này ông xuất hiện trong cảnh đầu tiên của Spider-Man. Khi Peter Parker cảm nhận được sự tồn tại của con tàu ngoài hành tinh, cậu đã bảo Ned đánh lạc hướng cho mình có thể an toàn chạy ra khỏi xe buýt để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thực ra cậu cũng không thực sự cần phải hỏi, bởi Ned đã tự nhìn thấy con tàu và cũng hoảng loạn la lên rằng tất cả bọn họ rồi sẽ chết hết. Tất cả mọi người sau đó cũng phát hoảng, ngoại trừ tài xế xe – do Stan Lee thủ vai – người nói rằng “Có gì mà phải loạn lên thế, chưa thấy tàu không gian bao giờ à?”. Không phải một trong những vai cameo xuất sắc nhất của Stan Lee trong MCU, nhưng vẫn hài như thế.
27. Trò đùa về Spongebob Squarepants
Lần đầu tiên Tony Stark diện kiến Ebony Maw, một trong những tay sai của Thanos tại New York, như thường lệ, hắn lại đưa ra lời khẳng định rằng các anh hùng của chúng ta phải lấy làm may mắn vì sắp được chết dưới lý tưởng cao đẹp của Thanos.
Doctor Strange đã cắt đứt câu nói dài dòng của tên villain với vẻ ngoài kì quặc bằng câu “Get lost, Squidward!” (Lạc đường rồi, Squidward!), rõ ràng chỉ ra sự giống nhau giữa tên người ngoài hành tinh đầu trọc với ông hàng xóm mang vẻ u sầu của Spongebob Squarepants trong Bikini Bottom.
26. Iron Spider (Người nhện sắt)
Như đã được tiết lộ trước khi phim ra mắt, Peter Parker sẽ được mặc bộ Iron Spider – hay ít nhất là phiên bản mới của bộ giáp kinh điển trong truyện.
Bộ giáp với tông màu và những chức năng tương tự trong truyện, với những cái “chân” sau lưng giúp cậu tăng sự nhanh nhẹn và ổn định trong các cảnh chiến đấu. Để cậu có được bộ giáp tại thời điểm này cũng khá thích hợp bởi trong truyện Stark đã đưa cho Parker bộ giáp ngay từ đợt Civil War, mặc dù Parker sau đó đã khám phá ra rằng Stark đã giấu một thiết bị theo dõi trong đó để loại bỏ cậu ngay khi cậu trở thành một mối đe dọa.
25. Happy Trails!
Sau khi đưa cho Peter Parker bộ giáp Iron Spider để cứu mạng sống cậu ta sau khi lỡ bám lên con tàu của Black Order và đi ra ngoài vũ trụ, Tony Stark đã cố gắng bảo vệ Parker bằng cách đưa cậu về nhà.
Nhân lúc Peter không ý thức được, Tony đã mở dù của bộ giáp và cố gắng đưa Peter quay lại Trái Đất, với câu chào tạm biệt đơn giản mượn tạm từ nhân vật John McClane của Bruce Willis trong Die Hard: “Happy trails!”
24. Nomad
Sau khi từ bỏ chiếc khiên ở cuối Civil War, Steve Rogers đã không còn là Captain America nữa. Anh không còn có vẻ ngoài hay ăn mặc giống ngày xưa và sự xuất hiện của anh dưới lòng đất làm ta nghĩ tới quãng thời gian anh từng hoạt động dưới cái tên Nomad trong truyện tranh.
Điều này cũng hoàn toàn ăn nhập với bộ đồ xanh tối anh mặc (vốn là bộ đồng phục cũ sau khi những chi tiết có màu sáng bị xé bỏ hoặc làm tối đi).
Một điểm đáng chú ý nữa là trong phim, chỉ duy nhất một lần có người gọi anh bằng danh hiệu Captain là Vision, sau khi anh cứu họ (Vision và Scarlet Witch) ở Scotland. Ngoài ra, anh được nhắc tới chỉ đơn giản là Steve Rogers và điều này càng củng cố cho sự thật rằng anh đã từ bỏ vị trí trong quá khứ của mình.
23. Defender
Trong hầu hết thời lượng của phim, Groot đã biến thành phiên bản tuổi teen luôn ôm khư khư trò chơi điện tử trong tay và say mê với trò chơi đến nỗi gần như mặc kệ mọi thứ. Trò chơi mà cậu bé chơi đã được tiết lộ là Defender on the Atari.
Đây không phải một sự lựa chọn trò chơi ngẫu nhiên mà mọi thứ trong cốt truyện lần này về cơ bản đều có liên quan tới Infinity War. Trong trò chơi, nhiệm vụ của người chơi là giết chết những kẻ xâm lược ngoài hành tinh trong khi bảo vệ mọi người trên mặt đất khỏi bị bắt đi. Nói cách khác, đây là phiên bản game của chính Infinity War.
22. Kevin Bacon & sự gợi nhớ đến Footloose
Trong Guardians of the Galaxy, Star-Lord từng nhắc tới việc anh là một fan cứng của Footloose và Kevin Bacon và Bacon từng là một người hùng vĩ đại đã cứu cả một thị trấn chỉ với một điệu nhảy.
Khi Thor nhắc tới the Avengers như “Earth’s mightiest defenders” (những người bảo vệ ngoan cường nhất của Trái Đất), Mantis đã nói “cũng như Kevin Bacon”, gợi nhớ lại câu khẳng định của Peter rằng Bacon là một người hùng có thật.
Sau đó, đoạn nhảy nhót giúp đánh bại Ronan lại một lần nữa được nhắc lại và Peter Parker đã nói: “cũng như Footloose” như một sự gợi nhớ về những nhân vật huyền thoại những năm 1980.
21. Nidavellir & Peter Dinklage
Mặc dù đã hiểu rằng anh có thể điều khiển Sấm sét mà không cần sự trợ giúp từ bất kì món vũ khí nào trong Thor: Ragnarok, nhưng Thor vẫn dành phần lớn thời gian của mình trong phim để lên đường tìm kiếm một thứ vũ khí hùng mạnh đủ để đánh với Thanos.
Câu trả lời của anh là tìm tới Nidavellir, hành tinh của tộc người lùn để yêu cầu Eitri, vua của họ giúp anh rèn một món vũ khí. Khi ở đó, anh, Rocket và Groot đã không chỉ khám phá ra rằng Eitri là người đã đúc ra chiếc Infinity Gauntlet cho Thanos mà vị vua này còn được thủ vai bởi Peter Dinklage, một vai diễn tuy ngắn nhưng vô cùng xuất sắc.
20. Stormbreaker
Mặc dù Eitri đã bị Thanos phế bỏ hai tay để anh không thể làm ra món vũ khí nào khác nữa, Thor vẫn thành công thuyết phục vị vua của tộc người lùn này đúc cho anh chiếc Stormbreaker – món vũ khí huyền thoại vốn được làm ra dành riêng cho những vị vua của Asgard.
Món vũ khí với tạo hình chiếc rìu này cũng được lấy từ trong truyện và vốn là thứ được trao cho Beta Ray Bill sau khi đánh bại Thor trong cuộc chiến và dành được chiếc Mjolnir. Cảm thấy có lỗi, anh đã chọn lấy chiếc Stormbreaker như một phần thưởng từ Odin, món vũ khí này cũng được làm từ kim loại Uru y hệt như phiên bản chúng ta được thấy trong Infinity War.
19. Những điểm tương quan với Harry Potter
Kì lạ thay, trong một vài cảnh của Infinity War, ta có thể thấy nhiều mối tương quan trực tiếp với siêu phẩm Harry Potter.
Đầu tiên, Vision đã phải chịu đựng những cơn đau viên Mind Stone đem lại khi nó “cảm nhận” được đang có điều gì đó không đúng và cảnh báo anh, y như cách vết sẹo của Harry đã cảnh báo cậu. Sau đó là việc sử dụng phép thuật để biến những thứ vũ khí sát thương cao thành đàn bươm bướm trong trận đánh ở Titan.
Trên tất cả, cách các nhân vật dần tan biến ở cuối phim cũng tương tự như cái chết của Voldemort và việc Thanos gặp lại đứa bé Gamora sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình – có vẻ như tại kiếp sau – cũng rất giống cuộc gặp mặt tại Nhà ga Ngã Tư Vua ở cuối The Deathly Hallows. Không đời nào tất cả những thứ này lại chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên được.
18. Màn tái xuất của Chitauri
Sau sự dẫn dắt thất bại của Loki tại Trái Đất dẫn đến hậu quả toàn diệt trong The Avengers, đội quân Chitauri đã một lần nữa xuất hiện trên quy mô lớn trong cảnh hồi tưởng về quá trình Thanos “nhận nuôi” Gamora.
Chúng ta được chứng kiến chúng xâm lược hành tinh quê hương của Gamora với cách thức y hệt khi chúng tiến đến New York, bao gồm cả những con vật khổng lồ nhiều chân biết bay và chính bọn chúng đã giết chết nửa số đồng bào của Gamora theo lệnh của Thanos. Lần này, khi Thanos tái xuất, chúng đã bị thay thế bởi đội quân Outrider lấy từ trong cốt truyện của Infinity.
17. Arrested Development
Sau Civil War, anh em nhà Russo lại tiếp tục đưa ra thêm Easter Egg liên quan tới tác phẩm nổi tiếng trước đó của mình là Arrested Development. Easter Egg này xuất hiện trong Infinity War như một phần trong bộ sưu tập của Collector tại Knowhere.
Ở một trong những tủ kính trưng bày (ngay phía tay phải màn hình khi nhóm Guardians đi qua đống đồ sưu tập) có một người đàn ông màu xanh dương trông vô cùng quen đang mặc trên người một chiếc quần đùi cắt ngắn. Rõ ràng đây là một chi tiết gợi nhớ lại khoảng thời gian trong Arrested Development khi Tobias Funke quyết định “nhuộm xanh bản thân”.
16. Drax và Mantis bị vô hiệu hóa
Trong một phân cảnh khác tại Knowhere, khi Thanos phát hiện ra nhóm Guardians đang ở đó để ngăn hắn chiếm được viên Reality Stone, hắn đã vô hiệu hóa Drax và Mantis bằng cách lần lượt biến cơ thể họ thành đá và những dải lụa.
Đây là một cảnh tương tự như trong truyện khi hắn đối phó với đứa em trai Eros và Nebula. Đây chắc chắn không phải một sự trùng hợp và là một cách tuyệt vời để thể hiện sức mạnh của viên Reality Stone.
15. Grimace
Tại thời điểm khi Tony Stark đối đầu trực diện với Thanos, người nổi tiếng thích châm chọc như Tony đã gọi người ngoài hành tinh màu tím này là “Grimace”, tên của một nhân vật ngu ngốc từng xuất hiện trong chiến dịch tuyên truyền của McDonalds.
Trong khi đây rõ ràng là một trò đùa được đưa ra để nhạo báng về vẻ ngoài của Thanos, chúng ta cũng có thể hiểu đây là một lời sỉ nhục nặng nề liên quan tới trí tuệ của hắn. Grimace trong quảng cáo của McDonalds cũng là một kẻ xấu xa chuyên đi cướp sữa lắc, một việc có lẽ cả Thanos cũng thấy chướng mắt.
14. White Wolf
Sau khi Captain America gợi ý cho nhóm Avengers đưa Vision đến Wakanda để nhờ Shuri tìm cách gỡ bỏ viên Mind Stone ra khỏi đầu anh một cách an toàn, chúng ta lại lần nữa được lên đường tới quốc gia châu Phi đầy bí mật này.
Ở Wakanda, chúng ta được chứng kiến sự tái xuất của Bucky và cũng như trong cảnh post-credit của Black Panther, anh được gọi với biệt danh White Wolf và được tặng một cánh tay mới làm bằng Vibranium.
Trong truyện, White Wolf là một đứa trẻ mồ côi mất bố mẹ trong một tai nạn máy bay và sau đó được T’Chaka nhận nuôi. Anh đã bị bắt nạt bởi những người Wakanda khác bởi màu da của mình nhưng sau đó đã vươn lên trở thành đội trưởng đội bảo vệ bí mật của Wakanda trước khi bị T’Challa ghen ghét và trục xuất khỏi đất nước. Câu chuyện này rõ ràng không có gì liên quan tới Bucky, nhưng ít nhất chúng ta cũng thấy mừng vì lại được thấy một cái tên quen thuộc khác xuất hiện trên màn ảnh rộng.
13. Cảnh tra tấn Strange
Trong cốt truyện Infinity do Jonathan Hickman vẽ, Thanos xâm lược Trái Đất để tìm kiếm những viên Infinity Gems và sai Ebony Maw tìm kiếm thêm thông tin về địa điểm của chúng. Hắn ta tra tấn Doctor Strange có được những thông tin mình muốn và vị bác sĩ này, trong cơn đau đớn, đã không thể bảo vệ viên đá.
Cảnh phim khi anh bị tra tấn bởi những cây kim của Maw rất tương tự như cảnh trong tryện khi Maw tìm cách thâm nhập vào trí óc của Strange…
Nhưng ở đây, Strange đã không phản bội lại đồng đội của mình.
12. The Aliens & Những mối tương quan với Alien
Cũng như trong Captain America: Civil War, Spider-Man đã sử dụng những hiểu biết về phim ảnh của mình để giúp bản thân và các đồng đội Avengers thoát khỏi tình huống khá khó khăn. Khi cậu và Tony (và Áo choàng Levitation) cố gắng cứu thoát Doctor Strange khỏi sự kiểm soát của Ebony Maw, Peter đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời và hỏi Tony liệu anh đã từng “xem bộ phim từ rất lâu trước kia là Aliens chưa?”
Cậu sau đó đã áp dụng một phương pháp trong bộ phim khoa học viễn tưởng kinh dị kinh điển này và khiến Ebony Maw bị hút ra ngoài không gian qua lỗ hổng của con tàu vũ trụ, khiến hắn bị đông cứng và chết trong điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ.
Và để tái khẳng định Peter là một mọt phim chính hiệu, cậu đã tiếp tục đưa ra một mối tương quan khác với Alien khi cảnh báo rằng nếu có một con alien nào xuất hiện và cố gắng đẻ trứng vào trong ngực cậu thì cậu không lấy nó làm ấn tượng gì đâu. Cậu sau đó đã sợ phát khiếp khi thấy Mantis và lo lắng rằng cô sẽ đặt trứng vào trong cơ thể cậu.
11. Flash Gordon
Trong một cảnh quay khi Peter Parker hỏi Quill liệu điệu anh từng nhảy trước mặt Ronan có giống Footloose không (và Quill cũng hỏi cậu xem đó có phải bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại không), Tony Stark đã cố gắng sỉ nhục Star-Lord bằng cách gọi anh là Flash Gordon. Đó là một nhân vật truyện tranh từ những năm 1930, một người Trái Đất bị bắt cóc và bị đưa vào trong không gian. Đây cũng chính xác là cách xây dựng nhân vật Peter Quill mà Marvel đã sử dụng trong phim.
10. Vormir
Sau hàng tháng trời suy đoán, cuối cùng hóa ra tất cả mọi người đều đã đoán sai về địa điểm giấu viên Soul Stone trong Infinity War. Qua cảnh hồi tưởng của Nebula, chúng ta được biết Gamora đã từng nhìn thấy tấm bản đồ nhưng sau đó đã hủy nó đi để giấu không cho Thanos biết. Cuối cùng cô cũng phải khai thật rằng viên Stone đang được giấu ở Vormir, nơi trong truyện là một hành tinh ở Thiên hà Kree trong hệ thống sao Heigentar, quê hương của Vorm – một sinh vật trông giống thằn lằn hoạt động về đêm và từng đối đầu với The Avengers trong truyện.
Một lần nữa, cái tên này được đưa ra hầu hết là để thông báo cho các fan truyện tranh biết rằng họ hoàn toàn nhận thức được mình đang làm gì chứ thực ra không có một mối liên hệ nào với hành tinh nguyên bản trong truyện.
9. Sự trở lại của Red Skull
Một trong những nhân vật xuất hiện gây bất ngờ nhất trong Infinity War có lẽ chính là Red Skull, người từng tan biến trong Captain America: The First Avengers khi hắn chạm vào khối Tesseract. Hắn xuất hiện ở Vormir như một sự tồn tại kẹt giữa ranh giới sự sống và cái chết, đảm nhận vai trò người thủ hộ bí mật của viên Soul Stone.
Hắn tiết lộ mình đã bị kẹt ở Vormir kể từ Thế Chiến II và có nhiệm vụ nói cho bất cứ người nào đang muốn tìm kiếm viên Soul Stone về cái giá phải trả để có được nó – linh hồn của người họ yêu quý. Hiện tại, khi không còn viên Stone để thủ hộ nữa, hắn ta hoặc đã được giải phóng tự do hoặc đã chết hoàn toàn.
Và trên tất cả, hắn xuất hiện với thời trang Thần Chết, một hình tượng hoàn toàn phù hợp với nhân vật thủ hộ gốc trong truyện Infinity Gauntlet là Thần Chết.
8. Chi tiết liên quan tới Kinh thánh
Sự hi sinh mà Thanos phải làm ra với sinh vật duy nhất hắn yêu quý – Gamora – đem lại cảm giác rất giống với phiên bản hiện đại của câu chuyện trong Kinh thánh về Abraham, người đã bị Chúa ra lệnh phải dâng lên đứa con trai Isaac như một sự hi sinh. Trong câu truyện đó, Chúa đã can thiệp sau khi Abraham thể hiện sự sợ hãi trước Chủ Nhân của mình và Isaac đã được cứu, nhưng câu chuyện của Thanos và Gamora thì bi kịch hơn rất nhiều.
7. Dải Lụa Đỏ Của Cyttorrak
Khi nhóm Avengers và Guardians hợp tác trên hành tinh Titan để làm theo kế hoạch gây xao nhãng rồi vô hiệu hóa Thanos để tháo chiến Gauntlet khỏi tay hắn ta, Doctor Strange đã đọc ra một trong những câu thần chú nổi tiếng nhất của anh trong truyện.
Câu thần chú Dải Lụa Đỏ Của Cyttorrak sẽ giúp biến ra một dải năng lượng màu đỏ trên tay Strange như một tấm băng để che mắt Thanos, và rõ ràng đây là một câu thần chú mạnh khi hắn đã gặp nhiều khó khăn khi đánh với Strange ngay từ trước khi Mantis cố gắng làm mê muội trí não hắn.
Trong Infinity War, câu thần chú này đã được thực hiện y hệt như trong truyện.
6. Một phát ngay mặt
Đây là một chi tiết khá dễ bị bỏ qua, nhưng trong cảnh chiến đấu trên Titan, Spider-Man đã lại thực hiện được một hành động giống trong truyện.
Chớp lấy cơ hội để cố gắng làm chậm lại những hành động của Thanos, cậu đã tình cờ bắn một lớp mạng nhện trúng mặt tên Mad Titan, một cảnh tượng y hệt như trong truyện. Ngoài ra còn một cảnh khác cũng được tái hiện y như trong truyện, đó là khi Thanos tóm được Spider-Man và ném cậu xuống đất.
5. Giết Vision
Mặc dù khác với trong phim, trong truyện Vision không được kết hợp với viên Mind Stone, nhưng Thanos vẫn giết chết Vision ngay khi hai người đối đầu bằng cách giống hệt như trong phim.
Trong truyện, Vision thực ra đã có lợi thế hơn Thanos khi tên Titan này phải đồng thời đối phó với Hulk, nhưng khi anh tấn công hắn lần thứ hai từ phía sau, Thanos đã sẵn sàng và thành công giết chết anh. Trong phim, Thanos cũng làm vậy khi gỡ viên Mind Stone ra khỏi đầu Vision, kéo theo một loạt những dây nối trong đầu anh.
4. Cái búng tay
Mặc dù khá bất ngờ khi một hãng phim hướng đến đối tượng người xem chủ yếu là các gia đình như Disney lại biến một động tác thuần khiết như vậy trở thành hành vi có thể giết chết hàng triệu người chỉ trong tích tắc, nhưng họ thực sự đã để Thanos kết liễu hàng triệu mạng người chỉ với một cái búng tay trong Infinity War.
Trong truyện, Thanos đã búng tay để phô trương trước Death với hi vọng có thể quyến rũ cô ta, và trong phim, cử chỉ này đã quét sạch một nửa sự sống trên Trái Đất. Việc chứng kiến mọi người chết trong phim là một sự gợi nhớ rõ ràng với người xem về việc Marvel Studios và anh em Russo thực sự không hề có ý định đùa giỡn với những chi tiết dù là nhỏ nhất.
3. Cái kết bình yên của Thanos
Nếu cái búng tay và kiếp sau là một quyết định dũng cảm, thì cảnh cuối cùng trước phần credit là một cái tát vang dội cho các fan của Thanos. Khi được hỏi về việc hắn sẽ làm sau khi có được tất cả viên Stone và thành công quét sạch một nửa sự sống trong vũ trụ, hắn từng nói mình cuối cùng cũng có thể nghỉ ngơi và ngồi xuống ngắm bình minh. Và đó chính xác là những gì chúng ta được thấy ở cuối phim.
Bất chấp sự thật là hắn vừa mới giết hại nửa dân số của mọi sinh vật trong vũ trụ, Thanos vẫn quay lại quê hương của mình để nghỉ ngơi, tự mỉm cười với bản thân một cách hài lòng sau khi hoàn thành nhiệm vụ hắn tự đặt ra cho bản thân mình.
Đây chính xác là hình ảnh của Thanos trong truyện khi hắn “về hưu” để sống một cuộc sống tĩnh lặng tại một hành tinh xa xôi vô danh trong vũ trụ. Nhưng hãy cùng hi vọng mọi thứ sẽ không chỉ diễn ra đơn giản như thế trên phim.
2. Bài hát chủ đề mới cho Avengers
Sau những bi kịch xảy ra do một cái búng tay của Thanos và nụ cười mỉm của hắn, bộ phim kết thúc trong yên lặng một lúc trước khi bản nhạc chủ đề được phát – một cách xây dựng để khiến chúng ta sống trong những cảm xúc bàng hoàng trước đó thêm một lúc.
Và sau đó, bản nhạc chủ đề mang âm điệu buồn, u ám hơn của the Avengers do Alan Silvestri sáng tác đã được phát như một lời khóc thương cho những sự mất mát của chúng ta. Không có gì ngạc nhiên khi đoạn nhạc này cũng hoàn toàn phù hợp với hình ảnh logo của Avengers bị đốt cháy thành tro bụi. Đây là một pha ghi điểm xuất sắc của Silvestri và chắc chắn là một trong những bản nhạc hay nhất trong toàn bộ MCU tính đến thời điểm hiện tại.
1. Captain Marvel
Có lẽ bởi đoạn kết phim đem lại những tác động quá lớn tới cảm xúc của người xem mà các nhà làm phim chỉ để lại một đoạn post-credit ở cuối phim. Chúng ta được chứng kiến Nick Fury và Maria Hill lái xe trên đường phố New York trước khi một chiếc ô tô trước mặt họ gặp tai nạn và họ phát hiện ra người tài xế đã biến mất một cách bí ẩn.
Sau khi quan sát thêm một lát, bản thân Hill cũng dần hóa thành tro bụi do một cái búng tay của Thanos tại Wakanda đã xóa sổ một nửa sự sống trên vũ trụ và một Fury lâm vào hoảng sợ đã lục tìm trong túi để lấy ra một máy truyền tin. Ông cuối cùng cũng tan biến, không kịp hoàn thành nốt câu chửi thề “motherfu…”, nhưng đã kịp gửi đi tín hiệu thông qua chiếc máy nhỏ cầm trên tay.
Khi máy quay sắp đóng lại, chúng ta được thấy một xác nhận rằng tin nhắn đã được gửi đi và màn hình hiện lên logo của Captain Marvel. Đây là một cách hay để dự báo về nhân vật này mà không hoàn toàn làm lộ diện danh tính của cô.
Ngoài những Easter Egg kể trên, các bạn còn phát hiện ra thêm chi tiết hay ho nào khác không? Nếu có, hãy cùng để lại bình luận cho mọi người cùng biết nhé.
Nguồn: What Culture