Bạn có công nhận đây là 7 bộ phim Hollywood được phỏng theo nguyên tác Nhật Bản?
Tin điện ảnh · Wasabi ·
Nền truyện tranh của quốc gia này có múc ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ hấp dẫn độc giả trong khu vực Châu Á mà đã lan tới Hollywood, thánh địa của điện ảnh.
Khi nhắc tới manga chúng ta không thể không nhắc tới Nhật Bản, nơi sản sinh ra những tuyệt phẩm như Dragonball, Doraemon, Yugi-oh... Nền truyện tranh của quốc gia này có múc ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ hấp dẫn độc giả trong khu vực Châu Á mà đã lan tới Hollywood, thánh địa của điện ảnh. Từ đó các bộ phim và nhân vật dựa theo những tác phẩm manga nổi tiếng đã được ra đời. Hãy cùng Moveek khám phá những điểm tương đồng giữa các bộ phim này nhé !
1. The Lion King và Kimba Sư Tử Trắng
The Lion King hay Vua Sư Tử là bộ phim nổi tiếng của hãng Disney được sản xuất vào năm 1994, kể về cuộc đời của chú sư từ Simba và hành trình tìm lại công lý cho cha và giành lại lãnh thổ từ Scar, người chú tàn ác.
Bộ phim là một thành công vang dội của hãng Disney, tuy nhiên nhiều người cho rằng Lion King được phỏng theo tác phẩm lừng danh Kimba the White Lion (Kimba Sư Tử Trắng) của cố họa sĩ Osamu Tezuka vào năm 1950 với cốt truyện tương tự nhau. Nếu Simba là hành trình tìm lại công lý thì với Kimba đó là việc trưởng thành và thấu hiểu giữa con người và các sinh vật trong rừng sâu. Hai bộ phim có những điểm giống nhau đến nỗi nam diễn viên Matthew Broderick của phim Lion King vẫn nghĩ rằng anh đang lồng tiếng cho phiên bản làm lại của Kimba Sư Tử Trắng. Một thông tin bên lề nữa chính là bộ phim The Lion King được cho rằng dựa theo tiểu thuyết lừng lẫy Hamlet của nhà biên kịch William Shakespeare đại tài khi tác phẩm này cũng là hành trình phục hận thay vì công lý của vị hoàng tử xứ Đan Mạch đối với những kẻ đã hãm hại gia đình mình.
2. The Matrix và Ghost in the Shell
The Matrix hay Ma trận là một bộ phim ăn khách của anh em nhà Wachowskis, ra mắt vào năm 1999 đã đem tới một luồng gió mới cho thể loại phim sci-fi với những công nghệ hiện đại và thế giới số vô cùng ấn tượng trong phim. Tuy nhiên Ghost in the Shell, tác phẩm anime lừng lẫy tạo nên tên tuổi của đạo diễn Mamoru Oshii, một tác phẩm dòng cyberpunk ra đời vào năm 1995 đã thực hiện được điều này trước đó, và có thể nói đây là tác phẩm được các nhà làm phim tại Hollywood vay mượn khá nhiều các chi tiết của nó để tạo nên các tác phẩm sci-fi của riêng mình.
The Matrix của anh em nhà Wachowskis đi sâu về thế giới số và công cuộc chiến đấu giữa con người và máy móc trong khi Ghost in the Shell lại tập trung vào hành trình của Makoto - một thiếu tá vô cùng đặc biệt đối đầu với những thế lực ngầm trong thế giới hiện tại. Từ những chi tiết kết nối qua việc cắm dây vào sau gáy của nhân vật đến việc giao tiếp thông qua suy nghĩ khiến The Matrix có khá nhiều điểm tương đồng với Ghost in the Shell.
3. The Hunger Games và Battle Royale
Cả hai tác phẩm nói trên đầu mang cho người xem từ những màn giao đấu mãn nhãn đến những phút giây rùng rợn đáng sợ.
Battle Royale của tác giả Koushun Takami vào năm 1999 và bộ phim live action được ra mắt 1 năm sau đó đã trở thành một tuyệt tác kinh điển của nền điện ảnh Nhật. Bộ phim về những trận chiến sinh tử giữa các học sinh Nhật được tổ chức bởi chính phủ Nhật Bản đã tạo ra rất nhiều tranh cãi và các chỉ trích cũng như lệnh cấm chiếu từ một số quốc gia vì tính bạo lực tột cùng của nó. The Hunger Games của đạo diễn Gary Ross đã chịu ảnh hưởng khá nhiều từ bộ phim trên, với hành trình chiến đấu để bảo vệ những người mình yêu thương của Katniss Everdeen, cô gái trẻ tuổi buộc phải trưởng thành và trở thành sát thủ trên chiến trường sinh tử. Tuy bộ phim chưa đạt được những thành công như Battle Royale về mặt hình ảnh và thông điệp mang lại cho người xem, nhưng chúng ta không thể phủ nhận The Hunger Games đã được các thành tích ấn tượng về mặt phòng vé cũng như trở thành bàn đạp vào Hollywood cho nữ diễn viên trẻ Jennifer Lawrence.
4. Pacific Rim và văn hóa mecha
Pacific Rim ra đời vào năm 2013 kể về cuộc chiến bảo vệ nhân loại dưới sự tấn công từ các Kaiju xuất phát từ những khe nứt sâu thẳm của các người máy khổng lồ với các tên Jaeger là một tác phẩm tuyệt vời của một đạo diễn tuyệt vời (Guillermo del Toro). Bộ phim là sự ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa mecha - máy móc xuất phát từ Nhật Bản như Mobile Suit Gundam, Neon Genesis Evangelion... nhưng rõ ràng nhất phải nhắc đến Gigantor, một anime series từ năm 1963 khá thân thuộc với khán giả Nhật với hình tượng robot khá giống với jaeger Gipsy Danger chiến đấu với những tổ chức xấu xa nằm bảo vệ hòa bình cho thế giới. Đạo diễn Guillermo del Toro có thể đã lấy cảm hứng cho phiên bản hiện đạo của Pacific Rim từ những văn hóa mecha rất đỗi thân thuộc với Nhật Bản này.
5. Avatar và Princess Mononoke
Nếu như phương Tây có James Cameron với những bộ phim hành động mãn nhãn như dòng phim The Terminator, Titanic... thì phương Đông có Hayao Miyazaki với những bộ phim hoạt hình đi vào lòng người như Castle in the Sky, My Neighbor Totoro... Năm 2009, tác phẩm thai nghén suốt 15 năm - Avatar của đạo diễn James Cameron được công chiếu với thế giới và nó là một quả bom phòng vé, thu được hơn $2,7 tỷ và được ca ngợi như tác phẩm xuất sắc nhất của ông sau Titanic năm 1997, vì không chỉ phá đổ mọi kỉ lục phòng vé, bộ phim còn đặt ra một thước đo mới cho các bộ phim kĩ xảo 3D. Có lẽ do thành công quá lớn này đã khiến bộ phim trở thành tấm bia cho các mũi dùi nhằm hạ bệ nó ngay trước khi ra công chiếu, một trong những cáo buộc này phải kể đến chính là cốt truyện khá tương đồng với bộ phim nổi tiếng Princess Mononoke của Hayao Miyazaki, họa sĩ gạo cội của hãng phim hoạt hình Ghibli với các điểm trong cốt truyện khá giống nhau khi cả hai đều nói về hành trình của người được chọn bởi các thế lực sêu nhiên, tình yêu sét đánh với một cô gái xa lạ và cuộc chiến chống lại đồng loại của mình.
6. Edge of Tomorrow và All You Need Is Kill
Edge of Tomorrow có lẽ là bộ phim chuyển thể dựa theo manga ổn nhất, khi bám sát theo cốt truyện của manga All You Need Is Kill của tác giả Hiroshi Sakurazaka. Bộ phim dưới sự chỉ đạo của Doug Liman có chăng lược bớt những chi tiết quá máu me trong truyện và thay vào đó các tình tiết khai thác các khía cạnh về nam nhân vật chính do nam diễn viên Tom Cruise thủ vai và nữ bạn diễn của anh Emily Blunt. Tuy bộ phim không thu về được tiền phòng vé nhiều và vai diễn còn nhiều điểm chưa tốt nhưng Edge of Tomorrow vẫn là một tác phẩm chuyển thể đạt được sự hòa hợp nhất với nguyên tác All You Need Is Kill.
7. Her và Chobits
Trí thông minh nhân tạo luôn là một chủ đề thu hút khá nhiều độc giả. Her, một bộ phim ra mắt năm 2013 của đạo điễn Spike Jonze kể về câu chuyện tình cảm vô cùng đặc biệt của Theodore Twombly do nam diễn viễn viên Joaquin Phoenix thủ vai và trí thông minh nhân tạo của anh, Samantha được lồng tiếng bởi Scarlett Johansson và sau đó mọi thứ trở nên khá phức tạp khi anh chàng nhận ra Samantha cũng có những cảm xúc riêng.
Bộ phim khai thác chủ đề khá hay về trí thông minh nhân tạo lúc bấy giờ, tuy nhiên, chủ đề này đã được CLAMP, một nhóm bốn nữ họa sĩ hàng đầu tại Nhật Bản thông qua các tác phâm nổi tiếng như Cardcaptor Sakura, xxxHolic, X/1999... truyền tải qua tác phẩm Chobits của họ. Nội dung của Chobits xoay quanh một anh chàng sinh viên Hideki và một cô nàng robot persocom anh tình cờ nhặt ven đường và được anh đặt tên là Chii và từ đó một câu chuyện tình đã nảy sinh giữa Hideki và Chii, cô nàng persocom với khuôn mặt vô cùng ấn tượng.