Bao Giờ Có Yêu Nhau - Bản tình ca khắc khoải và đẹp mênh mông như tâm hồn người con gái
Tin điện ảnh · PhucDu ·
Thật sự rất sung sướng khi giữa thời điểm điện ảnh Việt Nam phát triển như vũ bão với hàng loạt những phim giải trí vừa hời hợt vừa rập khuôn, vẫn có những điểm sáng rất tuyệt vời của những tác phẩm được đầu tư chất xám kĩ lưỡng và được gia công bằng cả tâm hồn.
Thật sự rất sung sướng khi giữa thời điểm điện ảnh Việt Nam phát triển như vũ bão với hàng loạt những phim giải trí vừa hời hợt vừa rập khuôn, vẫn có những điểm sáng rất tuyệt vời của những tác phẩm được đầu tư chất xám kĩ lưỡng và được gia công bằng cả tâm hồn. Bao Giờ Có Yêu Nhau của Dustin Nguyễn là một trong những điểm sáng đó. Nếu mang chính hình ảnh trong bộ phim ra để ví dụ thì đó là hình ảnh giọt nước mắt trong veo của Linh (Minh Hằng) bay lên giữa vực sâu tăm tối, là mặt hồ đầy sen trắng lung linh giữa đồi cát trong đêm.
Sau Lửa Phật đầu voi đuôi chuột và Trúng Số duyên dáng một cách bất ngờ, Dustin Nguyễn đã thực sự chứng minh được với khán giả Việt Nam rằng anh là một đạo diễn có một tâm hồn rất đẹp, rất thơ qua tác phẩm thứ 3 của mình, Bao Giờ Có Yêu Nhau.
Câu chuyện của Bao Giờ Có Yêu Nhau không quá mới mẻ. Được dựa trên một vở kịch kinh dị tâm lý lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian "Sự tích Trầu Cau", pha vào đó một chút huyền bí của Phật Giáo và sự chung thủy trong tình yêu, tác giả và biên kịch của Bao Giờ Có Yêu Nhau đã tạo ra được một kịch bản rất khác lạ. Cộng với sự tinh tế trong góc nhìn và cảm quan của Dustin Nguyễn, Bao Giờ Có Yêu Nhau chính là một ly nước cất vô cùng quý giá giữa hằng hà các loại nước giải khát đóng chai đang đầy rẫy ngoài thị trường, là một bản tình ca du dương nhưng cũng đầy khắc khoải khi khơi gợi trọn vẹn nét đẹp trong tình yêu của người con gái.
Minh Hằng đã có sự trở lại với màn bạc vô cùng thuyết phục với 3 vai diễn có nội tâm phức tạp trong cùng một phim. Đặc biệt nhất chính là đoạn Minh Hằng và Quý Bình gặp tai nạn ở Bàu Trắng. Ở phân đoạn có nhiều tình tiết đan xen trộn lẫn này, cả Minh Hằng lẫn Quý Bình đều đã có những giây phút thăng hoa với chính nhân vật của họ. Một bên là Linh đang đau khổ cùng cực khi bị cưỡng hiếp, một bên là Huy đang tha thiết van nài bọn thủ ác dừng tay. Đây chính là đoạn cao trào nhất phim và hứa hẹn sẽ làm khán giả sởn gai ốc vì không khí cuồng bạo và sự đau đớn được đẩy lên đến tận cùng trong phân cảnh này, sau khá nhiều những giây phút dài dòng và bay bổng ở phần đầu. Dường như cô nữ sinh Phụng ngây ngô ngày nào của Gọi Giấc Mơ Về hay cô gái hầu phòng nhiều mộng mơ tên An trong Những Nụ Hôn Rực Rỡ,loại vai diễn đã đóng khung hình tượng của Minh Hằng, không còn xuất hiện trong Bao Giờ Có Yêu Nhau nữa. Thay vào đó là Linh sống trọn vẹn cho tình yêu mình lựa chọn, là Phương chất chứa nhiều u sầu nhưng vô cùng đáng thương. Hai vai (hay có thể nói là 4 vai) ở cả 2 kiếp đều được lột tả rất tách bạch, là cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Minh Hằng.
Quay trở lại câu chuyện kịch bản, thực chất chuyện phim không phức tạp. Gặp gỡ, yêu nhau, gia đình ngăn cấm, cương quyết bên nhau, tai nạn xảy ra dẫn đến chia xa. Một câu chuyện rất bình thường và phổ biến nhưng tuyệt đối không hời hợt. Hiếm có một phim Việt Nam nào sở hữu một kịch bản có độ sâu về chiều dọc thay vì chiều ngang như Bao Giờ Có Yêu Nhau. Những chi tiết rất nhỏ được nêu ra từ đầu phim đều được sắp đặt một cách có chủ đích. Tại sao Linh lại đi tìm cây Thủy Tùng chứ không phải một cây nào đó khác? Tại sao Huy lại kể cho Linh nghe câu chuyện về cái hồ sinh ra từ nước mắt người phụ nữ bị bội ước? Tại sao lại chọn hình ảnh hoa sen để làm điểm dẫn dắt chính cho toàn câu chuyện? Sẽ không có một câu trả lời nào rõ ràng cho những câu hỏi trên khi phim kết thúc. Nhưng nếu cảm được cái đẹp trong nhiều tầng nghĩa mà phim đề cập, bạn vẫn hòan toàn có thể tự trả lời cho chính bản thân mình. Đặc biệt là những cô gái, mình không chắc sẽ có bao nhiêu phần trăm những cô gái trẻ nhận ra phái nữ được tuyên dương nhiều đến thế nào qua bộ phim, nhưng bản thân mình cảm thấy họ quá đẹp. Không hẳn là cái đẹp dịu dàng từ nhan sắc của Minh Hằng mà còn là cái đẹp trong sự cam chịu và son sắc của Linh và Phương, như chính cây Thủy Tùng dù vô sinh nhưng vẫn vươn cao vững chãi. Thêm nữa là sự sắp đặt về tương quan số phận giữa hai kiếp người khá khéo léo khi cho đến cuối cùng, Linh vẫn không phải là người có được Huy và Phương vẫn không phải người Huy muốn có. Sự nhầm lẫn đó như giễu cợt lên sự vô tâm của đàn ông và cảm thông sâu sắc với sự vẹn tình của người phụ nữ, như cô bé trong chiếc áo nâu sòng lặng lẽ cắm cành sen trắng xuống giữa sa mạc nóng rát và lặng nhìn theo chiếc xe lật nhào mang theo một đoạn tình tai ương vào vòng luân hồi chờ đợi. Thật may mắn vì sau hai kiếp trầm luân, Linh và Phương đã có thể cùng nhau hòa hợp như cây Thủy Tùng lớn rất nhanh trong đoạn cuối, để ở đâu đó trên thế gian, Huy sẽ biết cô gái anh yêu vẫn còn chờ anh quay lại.
Tuy nhiên, phim vẫn có những điểm trừ đáng kể. Thoại phim chưa tốt, không có câu thoại nào thật sự xuất sắc để người nghe sẽ khắc cốt ghi tâm. Còn câu "Khi nào sen nở đầy bàu trắng, anh sẽ cưới em" dù được lặp đi lặp lại (cốt để ghi nhớ) thì lại thật sự không mấy ấn tượng như ý đồ của biên kịch. Phần hình ảnh của phim dù được làm khá tốt khi từng vạt nắng, từng cánh hoa đều được tính toán rất kĩ lưỡng trên khung hình, kĩ xảo cũng được dùng khá nhiều nhưng có đoạn tốt và đoạn không tốt. Ví dụ, cảnh trên poster (phần dưới) là một cảnh dùng kĩ xảo đẹp, khi Phương và Huy trò chuyện bên hồ sen trắng. Nhưng cảnh trước đó, khi hai người nắm tay nhau bay trên trời trong nền nhạc của Lê Cát Trọng Lý thì lại rất sến và giả. Một vấn đề nữa là Minh Hằng trong phim có khá nhiều cảnh bị thương: té trong rừng, té từ trên vách đá, rơi xuống vực nhưng hầu như mặt lại không bị thương, quần áo thân xác tâm hồn tơi tả thế nào thì mặt vẫn đẹp. Nhạc phim cũng có điểm tốt và điểm chưa tốt. Điểm tốt là cách chia nhạc theo 3 phần phim rất hợp lý, "Anh Từ Đâu" rất tươi vui của Minh Hằng ở phần đầu, "Mùa Yêu" da diết và mông lung của Lê Cát Trọng Lý ở đọan giữa và đặc biệt, ca khúc "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" cực kì ám ảnh của danh ca Thái Thanh ở đoạn cuối, khi câu chuyện quá khứ đầy khắc khoải được kể lại vỏn vẹn trong bài hát này nhưng lại vô cùng có cân lượng. Mọi điều khuất tất và gút mắc tâm lý đều được tháo gỡ trong đoạn phim rất giá trị này. Còn điểm chưa tốt của nhạc phim chính là 2 bài hát nước ngoài đầu phim và cuối phim đã góp phần làm loãng đi chất nghệ thuật rất thuần Việt mà đạo diễn đã cố công xây đắp.
Nếu xét một cách công tâm, Bao Giờ Có Yêu Nhau ở mức "được" của tổng thể vì nhiều thứ còn hạn chế, chưa thứ gì bật lên hoàn toàn. Nhưng nếu chỉ nói về nội dung, Bao Giờ Có Yêu Nhau xứng đáng là một phim giải trí hiếm hoi có độ sâu về kịch bản ngang ngửa phim nghệ thuật. Vì thế, sẽ không khó lý giải nếu đại đa số khán giả trẻ sẽ không cảm thấy phim hay. Cũng may mắn vì Minh Hằng sẽ là cái tên kéo nhiều khán giả đến rạp (hy vọng phim không lỗ) nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc trong vai trò người dẫn dắt chủ đạo của bộ phim cùng với Quý Bình.
Một lần nữa, phải cúi đầu và vỗ tay để cảm ơn Dustin Nguyễn đã không dừng lại sau thất vọng của khán giả dành cho Lửa Phật. Anh đã hai lần làm giới mộ điệu điện ảnh phải bất ngờ về tài năng cầm trịch của mình. Hãy ra rạp để công nhận điều đó và tặng cho bản thân một thời gian trải nghiệm xứng đáng.