Biệt đội Avengers - Chúng ta không yêu phần anh hùng, mà yêu những người dưới lớp mặt nạ

Phim Siêu Anh Hùng · Ivy_Trat ·

Marvel đã xây dựng một biệt đội Avengers chúng ta không thể không phải lòng.

Bất chấp những chỉ trích, thể loại siêu anh hùng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền điện ảnh hiện nay. Và cái tên nổi bật nhất sau hàng loạt cú “flop” của thể loại này trong những năm cuối thập niên 90, như Batman and Robin (1997), và đầu thập niên 2000, như Daredevil (2003), phải kể đến Iron Man (2008). Đây là một cột mốc không ai ngờ đến được đã xoay chuyển cả dòng phim siêu anh hùng. Câu nói “I am Iron Man” từ Robert Downey Jr. đã đặt khởi đầu cho một vũ trụ điện ảnh trị giá hơn $20 tỷ tính đến thời điểm hiện tại.

Giờ đây, một kỷ nguyên mới đã đến với Vũ trụ Điện ảnh Marvel, đưa một thế hệ anh hùng mới đến với khán giả. Nhưng hình bóng của các người hùng đầu tiên của MCU không dễ gì phai nhạt trong lòng chúng ta. Với Black Widow chính thức bắt đầu giai đoạn 4, theo sau là Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings, đây hẳn là thời điểm thích hợp để nhìn lại đoạn đường chúng ta đã gắn bó với MCU và tự hỏi một lần nữa vì sao các Avengers lại thu hút chúng ta đến vậy?

Một điều phải thừa nhận là thể loại phim siêu anh hùng không dành cho bất cứ ai, tương tự như truyện tranh cũng không dành cho tất cả mọi người. Nhiều người cảm thấy các nhân vật truyện tranh là một điều gì đó trẻ con và ngớ ngẩn, việc nhìn chúng biến thành các khung phim cũng không khá hơn. Ở phía bên kia, có những khán giả đến với các bộ phim siêu anh hùng vì hâm mộ những bộ truyện tranh. Còn lại hầu như đều xem phim với vẻ trung lập và họ cần một phim giải trí. Thành công của Marvel là xóa mờ ranh giới giữa những bộ phận khán giả. Chúng ta có thể giải phẫu MCU thành một ca marketing hiệu quả, hoặc ta có thể nói thẳng luôn là Marvel thành công khiến người khác phải lòng các người hùng không hoàn hảo studio, chứ không phải các trang truyện.

Quả là một thiếu sót khi nhắc đến MCU mà không nói đến Iron Man. Captain America có thể là kẻ báo thù đầu tiên, nhưng chính Người Sắt mới là người hùng Avengers đầu tiên làm chúng ta mê mẩn với MCU.

Là một tay tỷ phú ăn chơi có trí lực thiên tài, Tony Stark ít khi để tâm đến thiệt hại mà việc kinh doanh vũ khí của anh gây ra. Cho đến khi tận mắt chứng kiến và nhận lấy hậu quả chiến tranh mà tập đoàn Stark đã góp công thúc đẩy, nhà tư bản giàu có này mới bắt đầu quyết tâm làm lại cuộc đời và sau đó trở thành một người hùng.

Tony Stark chưa từng được xây dựng là con người hoàn hảo và theo đó là chưa từng là người hùng hoàn hảo. Ít nhất thì bản tính ăn chơi của Bruce Wayne chỉ là vỏ bọc, ở Tony nó là lối sống của anh. Người Sắt cũng là kẻ tự phụ, ngạo mạn và có xu hướng tự hủy hoại bản thân rất cao. Chúng xuất phát từ việc phải trưởng thành mồ côi cha mẹ và gánh nặng thừa kế tập đoàn Stark. Nhưng sau tất cả, Tony vẫn bỏ lại các khuyết điểm để “trưởng thành” một lần nữa.

Trong khi Bruce Wayne, người có hoàn cảnh tương tự, làm chúng ta cảm thấy anh quá cao thượng khi trở thành một hiệp sĩ với tính cách hy sinh, Tony Stark lại khiến người xem có cảm giác con người hơn. Các khuyết điểm của Tony khiến hành trình của anh mang một tầng ý nghĩa gần gũi với khán giả - những người cũng có những thiếu sót của chính mình. Chúng cũng chứng tỏ bộ giáp không làm nên Tony Stark, mà chính Tony Stark mới làm nên Người Sắt. Người Dơi là một ý tưởng anh hùng, nhưng Tony Stark là một người hùng và các khuyết điểm thôi thúc anh ta vượt qua chúng làm người hùng này mạnh mẽ. Nghe có vẻ hơi sến, nhưng sự tồn tại của Người Sắt nhắc nhở chúng ta việc vượt qua bản thân trắc trở như thế nào và nếu một con người tồi tệ như Stark có thể làm được, hẳn chúng ta cũng vậy.

Iron Man không phải là một bộ phim xuất sắc hay độc đáo, nhưng Tony Stark đã giúp định hướng những phần còn lại của MCU. Bất chấp những khung cảnh hoành tráng, kỹ xảo trau chuốt và các trận chiến với các thế lực có khả năng khiến cả vũ trụ phải khốn đốn, về cơ bản, Marvel quan tâm đến khái niệm siêu anh hùng, nhưng họ còn quan tâm những ai mang chức danh đó hơn nữa.

Marvel studio đã làm tương tự với nhân vật trọng yếu thứ 2 của biệt đội Avengers, Captain America/Steve Rogers. Trường hợp của Steve Rogers có chút khó khăn hơn. Trước khi Captain America: The First Avenger ra mắt, Steve Rogers là nhân vật tưởng chừng như không thể chuyển thể trong bối cảnh hiện đại. Vốn là nhân vật được tạo ra trong giai đoạn Mỹ bước vào Thế Chiến II, Captain America không khác một công cụ tuyên truyền sự anh hùng của nước Mỹ là bao. Những bộ truyện gắn liền với cái tên này có ranh giới rõ ràng giữa quân đồng minh và phát xít, đầy những khuôn mẫu tiêu cực về người Nhật và kết thúc với sự thất bại của phát-xít dưới bàn tay của Mỹ.

Những trang truyện của Captain America khi ấy chỉ nhấn mạnh sức mạnh vũ phu của anh ta, không phải tính cách của người hùng, tôn vinh duy nhất một điều về nhân vật này là lòng yêu nước. Cùng lúc ấy, trái ngược với Tony Stark, chúng cũng đóng khung Steve Rogers vào sự hoàn hảo. Nói một cách khác thì nhân vật này là phiên bản của Superman trong MCU vậy, không thể bị tha hóa và sở hữu mọi đức tính tốt đẹp đại diện cho xứ cờ hoa. Điều đó không dễ gì làm nên một nhân vật hấp dẫn hay kết nối với người xem. Làm thế nào để biến anh ta thành một nhân vật mà khán giả hiện đại có thể liên tưởng đến là vấn đề của Marvel trong bối cảnh ngày càng nhiều người phản biện thứ gọi là tư tưởng nước Mỹ xuất sắc (Ameica Exceptionalism – cho rằng Mỹ là quốc gia siêu việt).

Khi lên màn ảnh một lần nữa, Marvel đã chuyển đổi “cuộc chiến” của Steve Rogers. Cuộc vật lộn của Steve Rogers là giữa thay đổi và những điều không thể xoay chuyển, giữa những gì trước và sau huyết thanh, giữa niềm tin của bản thân và thời cuộc. Đặt Captain America vào bối cảnh hiện đại, Steve Rogers rơi vào cuộc chiến giữa niềm tin ấy và Tổ quốc anh phụng sự. Thực tế đã buộc anh ta phải đặt nhiều nghi vấn và câu trả lời cuối cùng khiến anh chống lại phiên bản mà nước Mỹ đã trở thành.

Trong mối mâu thuẫn đó, những phẩm chất làm nên Steve Rogers ngoài lòng ái quốc có cơ hội được tỏa sáng, cho thấy sự đặc biệt của Steve không đến từ ống nghiệm, mà xuất phát từ bản tính của anh. Ngoài can trường và quả cảm ra, Steve Rogers còn kiên định với lý tưởng của bản thân, không thỏa hiệp nếu hoàn cảnh không cấp thiết và cũng không dễ dàng từ bỏ (Bucky luôn nằm trong danh sách này).

Wallpaper Access
Wallpaper Access

Sự hiện diện của Steve Rogers trong thế giới của MCU cho thấy không phải lúc nào người ta cũng nên thay đổi. Một Captain America vẫn giữ mãi các giá trị cũ là lời nhắc nhở thế giới (trong MCU) đã mất đi những gì – đáng nói nhất có lẽ là dũng cảm để làm điều đúng đắn, thay cho nền chính trị luôn đặt lợi ích lên đầu. Nhưng Marvel cũng không giữ lại sự hoàn hảo của anh. Steve Rogers cũng cứng đầu và có nhiều quyết định sai lầm. Và cái tên Bucky không khác gì Kryptonite của anh. Steve Rogers cũng có một mặt tối của chính mình. Anh thầm mong và khao khát những cuộc xung đột, nơi mà những kỹ năng của anh có ích và hữu dụng. Xung đột cũng khiến anh có lý do để không phải nghĩ đến những gì anh đã bỏ lại và những ai đã bước tiếp mà không có anh.

Steve không phải là nhân vật người xem có thể kết nối – khán giả hiện đại không trải qua chiến tranh như Thế Chiến II và tỉnh dậy ở một thời đại xa lạ, nhưng anh ta là nhân vật chúng ta có thể thấu hiểu.

Marvel cũng chứng minh ngay cả những “quái vật” cũng xứng đáng có cơ hội thứ hai, dù đó là sát thủ hay người Khổng Lồ Xanh. Bất chấp những gam màu sáng sủa của các bộ phim, các bộ phim của Marvel đề cập đến nhiều chủ đề rất nặng nề. Một trong số này đã gần như hủy hoại danh tiếng của studio. Đó là khoảnh khắc Black Widow bộc bạch về quá khứ của mình trong Avengers: Age of Ultron.

Marvel làm rất tốt khoảng nhân vật nam, nhưng họ lại trở nên thiếu sót khi nói đến các nữ siêu anh hùng. Và không cho Black Widow một câu chuyện xứng đáng trước khi quá muộn đến nay vẫn là sai lầm lớn nhất của Marvel. Nhưng họ đã không thất bại ở một phương diện. Studio vẫn để Black Widow có một trái tim. Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng chúng vẫn có trọng lượng diễn họa từng mảnh ghép quá khứ của Natasha. Age of Ultron đã nhấn mạnh nguồn gốc của biệt danh Black Widow ngay trước khi bộ phim cùng tên ra đời vào năm nay. Từ một cô bé bình thường, Natasha bị tước đoạt cuộc sống bình thường, trải qua quá trình đào tạo hết sức vô nhân đạo thành sát nhân không gớm tay, trở thành một người hùng bên cạnh những cá nhân nổi trội hơn cô rất nhiều.

Người ta không bị thu hút bởi vóc dáng mà yêu thích cô bởi những góc khuất nội tâm. Natasha Romanoff, được đào tạo để trở thành sát thủ, từ một kẻ sát nhân bất chấp tuổi tác nạn nhân thành một con người chân chính sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để người bạn thực sự duy nhất của cô được đoàn tụ với gia đình.

Nhìn lại đoạn đường từ Avenger (2012) đến Avengers: Endgame (2019), đây là những câu chuyện có ý nghĩa đối với chúng ta, kết nối chúng ta với những sai sót của họ, miêu tả những anh hùng này không chỉ tập trung vào sức mạnh của họ hay những điều vĩ đại họ có thể làm. Việc nhìn thấy những người đằng sau danh tính anh hùng liên tục nhắc nhở chúng ta rằng, bên dưới bộ quần áo, những người này không chỉ là nhân vật 1 chiều bước ra từ trang truyện, mà có thể là bạn, hoặc đứa bạn ngồi cùng lớp. Những người hùng này là các bài học, là những lời nhắc nhở về những gì làm nên người hùng – Đó là các cuộc vật lộn, không chỉ với bản thân, mà còn với cả những chướng ngại từ đâu “rơi” xuống. Dĩ nhiên là việc xem phim rất vui cũng phần nào khiến việc thích thú các nhân vật này dễ dàng hơn. Và đây là lý do tại sao chúng ta không thể không yêu họ.

Cùng nhìn lại hành trình trở thành gia đình được cộng đồng moveek yêu thích nhất màn ảnh của The Avengers tại đây.