[CẢM NHẬN] Loving Vincent - Lời giải cho câu hỏi vì sao Vincent Van Gogh là nghệ sĩ vĩ đại
Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·
Vincent Van Gogh – Người nghệ sĩ với tình yêu nghệ thuật bất diệt.
Kéo xuống để xem tiếp
Vincent Van Gogh đích thị là một nghệ sĩ vĩ đại bởi xuyên suốt cuộc đời ông từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi chỉ hai từ có thể dùng để diễn tả: Bi kịch. Song, dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn, trắc trở của số phận, Van Gogh luôn mang trong mình một tình yêu bất diệt đối với nghệ thuật hội họa và dường như chưa bao giờ từ bỏ nó. Một người nghệ sĩ thật thụ là người có thể thông qua các tác phẩm của mình lột tả hết những tâm tư, tình cảm của bản thân và truyền đến người lĩnh hội một cách chân thật và trọn vẹn nhất, Vincent Van Gogh đã làm được điều đó. Trong lá thư cuối cùng mà ông gửi cho em trai, ông có viết: “Chúng ta không thể nói gì nhiều hơn những bức tranh của mình”. Các nhà làm phim đã làm đúng như vậy và để những bức tranh kể câu chuyện thực sự về Vincent Van Gogh.
Cuộc đời ông trải qua quá nhiều những cung bậc nhuốm màu u uất và cô độc: Ngay từ cái tên của ông cũng được mẹ của mình lấy từ tên của một người anh quá cố đặt cho và trong tâm trí của bà, ông sẽ không bao giờ có thể sánh kịp người anh đó. Vincent Van Gogh đã có niềm đam mê hội họa từ bé và cho đến năm 27 tuổi, ông mới thật sự bắt đầu toàn tâm toàn ý đặt để tâm trí và thời gian của mình vào đây. Ông yêu hội họa như máu xương của mình, vẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông, ông vẽ bất kỳ lúc nào, bất cứ mọi không gian, địa điểm hay thậm chí đặt giá vẽ ngay dưới cơn mưa mà người người đang trốn chạy.
Người ta nói Van Gogh là một kẻ điên và thất bại nhưng liệu có phải nhà thiên tài hội họa này đang dùng chính cái điên trong nghệ thuật, cái trầm tư tĩnh lặng với thế giới xung quanh để dồn toàn bộ vào từng nét vẽ của mình? Hay bởi vì cuộc đời của ông vốn quá cô độc, lẻ loi, đi đến đâu cũng bị xua đuổi, hắt hủi, chỉ có thể trải lòng, tự an ủi và mua vui cho bản thân qua chính những tác phẩm mà mình vẽ nên, trải hết sự lòng vào từng nét họa?
Trong phim Loving Vincent, có một đoạn khi người chủ thuyền kể lại cho Roulin – anh chàng đưa lá thư quan trọng đến nhà em trai Vincent, cũng là người cho chúng ta theo chân xuyên suốt cuộc hành trình để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Vincent. Như lời kể, chỉ cần một con quạ cũng có thể làm Vincent cảm thấy vui vẻ và có cảm hứng sáng tác nghệ thuật, một cơn mưa bất chợt sẽ không làm cho Vincent cảm thấy khó chịu hay cảm thấy xui xẻo, thay vào đó là lấy ngay cọ vẽ ghi lại toàn bộ khung cảnh tuyệt vời dưới cơn mưa ấy.
Với Vincent Van Gogh, nghệ thuật dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức, len lỏi vào tận sâu tâm hồn, ông có thể không cần một ai bên cạnh, nhưng không thể nào sống nếu thiếu hội họa. Đến những phút cuối cùng của cuộc đời, hội họa vẫn luôn gắn chặt bên cạnh ông, bên khẩu súng ngắn, bên cánh đồng hoa hướng dương bất tận.
Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng tác vào hai năm cuối đời, cũng là thời gian ông lâm vào cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng, thường bỏ bê sức khỏe bản thân. Đỉnh điểm là khi ông tự cắt bên tai trái của mình vì xích mích với người bạn thân thiết cùng phòng, họa sĩ Paul Gauguin và sau những ngày tháng đó, ông sống một cuộc đời trầm lặng, trông thật cô đơn, lẻ loi bên cạnh sự bạc bẽo, coi thường từ những người xung quanh, kể cả đó là một đám trẻ. Cuối cùng, Vincent Van Gogh vẫn chọn cách tự kết liễu đời mình vì sợ bản thân đã đem đến gánh nặng cho em trai cùng mọi người.
Sinh thời, Van Gogh không đạt được thành công, ông chỉ thật sự trở nên nổi tiếng sau khi đã chết và hiện lên trong trí tưởng tượng của công chúng như một thiên tài hội họa vĩ đại nhưng chưa gặp đúng thời. Vincent Van Gogh chính là một nghệ sĩ vĩ đại và đắt giá nhất lúc bấy giờ, mặc dù sự thành công và những cống hiến của ông không được công nhận đúng lúc, song những gì đã được gọi là “giá trị thực thụ của nghệ thuật” sẽ mãi mãi không bao giờ bị mất đi mà chỉ đang chực chờ ngày được công chúng cảm thụ thành công và hân hoan đón nhận.