Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa – Mẹ ơi, con sẽ về mà
Đánh giá phim · Grewi ·
30 năm ấy liệu có đủ để người ta quên đi những gì xảy ra trong quá khứ, có khiến con người ta đổi dạ thay lòng, có làm con người ta trở thành những kẻ vô tình với nhau?
Trước khi đọc bài viết này, bạn hãy tìm kiếm nhạc phim Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa do ca sĩ Khắc Minh thể hiện, nghe nó và cảm nhận cùng tôi.
Có người mẹ chờ con suốt 30 năm trời trong căn nhà nhỏ ở khu chung cư cũ giữa chốn Sài Thành hai mùa mưa nắng. 30 năm người mẹ ấy không rời khỏi nhà, nhất mực tin rằng cậu con trai sẽ có một ngày trở về. 30 năm đủ để một chốn nhỏ từng chen lấn người và người trở nên đìu hiu với bốn mảnh đời ở lại. 30 năm cũng là cái thời gian một đứa trẻ vấp phải khó khăn từ bé thơ trưởng thành cho cuộc sống đầy tất bật. Nhưng 30 năm ấy liệu có đủ để người ta quên đi những gì xảy ra trong quá khứ, có khiến con người ta đổi dạ thay lòng, có làm con người ta trở thành những kẻ vô tình với nhau?
Tôi là kẻ thích xem phim khi mình chưa biết gì nhiều về bộ phim đó, đọc qua loa một vài nhận xét từ bạn bè, không muốn bị phá hỏng cảm xúc vì một review nào khác. Đôi lúc, tôi còn chẳng buồn xem trailer mà vẫn đến rạp thưởng thức điều mình mong chờ. Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa là bộ phim mà tôi chỉ xem qua teaser đầu tiên để đưa ra quyết định sẽ phải đến với những lời ru tiếng hát của cô Kim Xuân.
Nỗi nhớ mẹ lại ùa về khi tôi viết những dòng này. Mấy ngày trước mẹ có gọi hỏi tôi lễ này con có về không. Tôi nói với mẹ là con ở lại làm bài. Giọng mẹ ngập ngừng đôi chút trước khi bảo tôi nhớ giữ gìn sức khỏe, mùa này nóng mà nắng mưa lại thất thường, dễ bệnh tật lắm. Giá mà tôi ở nhà bây giờ để đưa mẹ đi xem bộ phim này, người mẹ chưa từng đến rạp phim một lần nào của tôi. Chợt nghĩ tới câu hát “Nhìn lại mình còn được đi khắp muôn nơi. Thua gì ai trần gian chốn này. Để mẹ già ngồi đây vá khâu. Mình đơn côi nhìn nắng chiều buông” trong ca khúc Trở Về của nhạc sĩ Xuân Nghĩa do ca sĩ Thái Thùy Linh thể hiện.
Còn có gì đau đớn hơn khi sống trong dằn vặt về quá khứ, về những điều mình đã làm, về những chuyện mà mình chẳng thể nào được quên. Người mẹ ấy chỉ lỡ bảo con mình trốn đi một thời gian để khi mọi chuyện lắng xuống hãy trở về nhà. Người mẹ ấy đâu ngờ rằng con trai bà đi là biền biệt 30 năm không một lần quay lại. Người chồng đổ lỗi cho bà, hàng xóm đổ lỗi cho bà và chính bản thân bà cũng đổ lỗi cho mình.
30 năm sống trong chờ đợi, 30 năm sống cùng khổ đau, 30 năm để những phố phường Sài Gòn đã thay da đổi thịt, 30 năm con người cũng rời bỏ nhau mà đi.
Nơi chốn cũ năm nào là xóm làng tấp nập. Buổi chiều về các bà các chị cùng nhau xem cải lương. Mấy cậu thanh niên với mấy ông già cạnh bên bàn cờ chén rượu. Cô gái đi khách về đêm có chàng trai trẻ nặng lòng chờ cổng. Hai vợ chồng cãi nhau, mấy đứa trẻ liên hoan say xỉn, chiếc bánh bao ấm nóng trao tay, kẻ khóc, người buồn, chuyện xảy ra đâu ai ngờ.
Tình người còn đó, tình mẹ con vẫn ấm nồng, người mẹ nhớ con trai, người hàng xóm có sống vui ngày nào, cô gái năm xưa nay có khác, chàng trai trẻ bấy giờ vẫn một tình thương.
Cậu thanh niên bước vào cuộc đời của người mẹ nhớ con. Cậu ngẩn người trước những gì mình thấy được, giấc mơ ướt đẫm đêm khuya sao mà chân thật thế, những mảnh đời kia sao lại lắm đắng cay. Cậu thanh niên ấy có biết rằng chính bản thân đã biết câu trả lời. Nhưng tại sao cậu vẫn ngập ngừng không thể nói ra.
Người hàng xóm bao năm vẫn dõi theo, vẫn ở cạnh bên người mẹ kia. Người hàng xóm tốt bụng đăng kí cho bà mẹ tham gia cuộc thi hát để tìm con mình. Người hàng xóm kể một câu chuyện vui, ông chỉ nói rằng tại sao khi về già kể chuyện vui mà ông lại khóc. Ông nhớ về điều gì? Có phải là những chuyện ông chẳng thể thể nói ra. Khi mọi thứ đã quá dồn nén, con người mạnh mẽ đến mấy liệu có sai lầm để rồi lại bước tiếp những sai lầm.
Người mẹ có cười khi gặp lại con. Những giọt nước mắt suốt bao năm qua có lại tuôn rơi. Tôi thẫn thờ khi người mẹ ấy hát lên những dòng xúc cảm của mình. Những lời nhắn nhủ đọc ra từ tận đáy lòng. Nghĩ gì bây giờ khi dòng chữ trắng đã chạy dài trên nền đen, tiếng vỗ tay vang lên một lúc rồi dừng lại, những con người bắt đầu nhúc nhích ra về.
Trời đang mưa, lòng lại tràn đầy nỗi nhớ. Ngồi gõ những dòng chữ khi hai mắt đã cay xè, bờ vai mệt mỏi muốn chạy về với gia đình, tôi tự hỏi bản thân đang nghĩ gì về những chuyện làm buồn lòng mẹ cha. Bản thân còn đang phụ thuộc vào đồng tiền ba má gửi, cũng còn chưa biết sẽ về đâu trong năm cuối cùng của mái trường đại học. Càng lớn, số lần nhớ nhà lại càng ít đi, nhưng càng lớn, nỗi nhớ nhà lại càng khó chịu hơn.
“Má dạy con không được nói dối, má biểu con trốn đi là má sai rồi. Má xin lỗi con, Nam ơi.”
Những gam màu lạnh lẽo hoài cổ bỗng chuyển sang ánh xanh đầy mới mẻ, con người ta hiểu rằng hạnh phúc đã chợt ở cạnh bên. Từng góc máy trở nên rộng hơn, cái nhìn cũng bớt xa xăm, vì đó có thực là niềm vui hay trong chốc lát con người ta lại nhận ra rằng đâu mới là sự thật.
Kết phim, tôi lại hỏi bản thân ở giữa chốn Sài Gòn này, đâu mới là nắng, đâu mới là mưa?
*Hình ảnh trong bài được lấy và chỉnh sửa từ MV bên dưới: