Cô Hầu Gái - Khi phim kinh dị Việt đã có "ma"
Tin điện ảnh · kkpham ·
Khi khán giả đã dần quay lưng với dòng phim kinh dị, hoặc những bộ phim hài gắn mác kinh dị của Việt Nam, thì sự xuất hiện của Cô Hầu Gái như 1 tia sáng hy vọng mới giúp lấy lại lòng tin từ khán giả cũng như mở đường tiên phong phá bỏ "lời nguyền" không được có ma trong phim Việt.
Phim kinh dị tâm linh thật sự không có yếu tố hài nhảm câu khách.
Được truyền cảm hứng từ câu chuyện có thật của chính đạo diễn, Cô Hầu Gái đưa khán giả trở về 1 đồn điền cao su thời kì Việt Nam Pháp thuộc - nơi đã là mồ chôn oan ức cho không biết bao nhiêu người phu công nhân. Tại đây, cô gái trẻ tên Linh hay tin cần người giúp việc nên đã đến xin việc tại ngôi biệt thự tráng lệ nhưng đầy u ám của ông chủ người Pháp. Cũng chính từ đây, hàng loạt các sự kiện kỳ bí theo những lời đồn thổi rợn người về hồn ma người chủ ngôi dinh thự xảy ra với cô hầu gái trẻ khi những cái chết bí ẩn lần lượt xảy ra.
Sở hữu câu chuyện khá hấp dẫn, đạo diễn Derek Nguyễn đã tài tình xây dựng và giữ mạch phim hết sức chắc tay. Không chỉ có câu chuyện ma mị mà bối cảnh phim cũng được chăm chút kĩ càng với những cú flycam càng làm cho đồn điền Sa Cát hiện ra thêm phần lạnh lẽo. Cùng với hiệu ứng âm thanh hù dọa rất chất lượng, phim đã tạo nên được 1 không khí ghê rợn gây đáng sợ. Thêm vào đó, với các nút thắt mở kĩ lưỡng, rõ ràng đây là ý đồ cài cắm các tình tiết của đạo diễn ngay từ đầu phim, khiến khán giả phải tập trung cao độ theo dõi từng chi tiết nhỏ dẫn đến cú twist cuối phim. Một điều đáng ghi nhận ở Cô Hầu Gái đó chính là phim đã có "ma" thật sự, chứ không phải chỉ là các giấc mơ ảo tưởng hoặc những câu chuyện trời ơi đất hỡi xuất hiện phút chót để phim có thể ra rạp như phần lớn các phim kinh dị khác.
Nước cờ mạo hiểm của đạo diễn Việt Kiều.
Về diễn xuất, mặc dù diễn còn khá đơ, nhiều phân đoạn chỉ biết trơ mắt và trơ mắt ra nhìn, nhưng nhì chung Nhung Kate đã chịu hy sinh làm xấu cho vai diễn với tay chân nứt nẻ, môi thâm đen ra kiểu cô gái quê mùa. Diễn viên nam chính người ngoại quốc cũng có màn thể hiện vừa phải. Mặc khác, tuyến nhân vật phụ (toàn những diễn viên gạo cội) lại là 1 điểm nhấn khá thú vị và hấp dẫn của phim. Từ nghệ sĩ Kim Xuân, diễn viên Phi Phụng cho tới Kiến An đều làm tròn vai diễn của mình, góp phần tạo nên chất "ác" tôn lên không khí ma mị u tối của bộ phim. Có thể thấy rõ ràng 1 điều rằng, trong bộ phim đầu tay nay, đạo diễn Việt kiều đã rất mạo hiểm khi chọn những cái tên hoàn toàn không bảo chứng doanh thu phòng vé, lại thêm nhân vật nam chính người Pháp hoàn toàn xa lạ khiến khán giả có phần nghi ngại và thờ ơ với phim. Tuy nhiên, chính vì ít được kì vọng nên hiệu ứng bộ phim mang lại có thể nói hoàn toàn ngoài mong đợi.
Dẫu vẫn còn một vài thiếu sót chủ yếu về thoại phim cũng như kịch bản vẫn còn chưa logic trong cách giải quyết vấn đề: nhiều nhân vật và chi tiết rất đáng xem (như nhân vật hồn ma phu nhân chẳng hạn) lại chưa được khai thác hợp lý. Nhưng nhìn chung, Cô Hầu Gái là 1 bộ phim kinh dị chỉnh chu, được đầu tư công phu và bài bản đáng xem giữa 1 rừng phim kinh dị (hoặc gắn mác kinh dị) nhưng chỉ toàn hài nhảm. Liệu đây có phải là 1 dấu hiệu mừng cho dòng phim kinh dị nói riêng và điển ảnh Việt Nam nói chung?