Cỗ Máy Tử Thần – Mortal Engines có gì đáng mong đợi ngoài kỹ xảo choáng ngợp?
Tin điện ảnh · Maii ·
Cỗ Máy Tử Thần - Mortal Engines nắm trong tay chất liệu gốc vừa sâu sắc, vừa có tính giải trí và phù hợp nhiều lứa tuổi.
Cỗ Máy Tử Thần – Mortal Engines sắp tới đây sẽ mở màn cho tháng 12 nhiều bom tấn ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Philip Reeve, kịch bản do Peter Jackson đồng chấp bút cùng với Fran Walsh và Phillippa Boyens.
Phim xoay quanh thế giới hậu tận thế, một người phụ nữ trẻ tên Hester Shaw (Hera Hilmar) trở thành người duy nhất có thể ngăn chặn London – giờ đã trở thành một thành phố khổng lồ có thể di chuyển, săn tìm và nuốt chửng mọi thứ trên đường đi của nó. Hester được sự giúp sức của Tom Natsworthy (Robert Sheehan) và Anna Fang (Jihae), bước vào hành trình không thể quay đầu, chống lại kẻ đứng đầu London đang âm mưu thống trị thế giới.
Dựa trên tiểu thuyết nổi tiếng ra mắt năm 2001, vậy chúng ta thực sự có thể trông đợi gì ở Cỗ Máy Tử Thần ngoài việc đây là bom tấn kỹ xảo và cái tên Peter Jackson?
Thực tế thì Peter Jackson chỉ tham gia với tư cách là đồng biên kịch, còn việc đạo diễn thuộc về Christian Rivers. Rivers gặp Peter Jackson năm 17 tuổi và đã tham gia tất cả các dự án của “tiền bối” ở vị trí quay phim, làm kỹ xảo… Rivers có thể được xem là “học trò” của Peter Jackson và Cỗ Máy Tử Thần chính là bước đệm đầu tiên giúp anh thoát khỏi cái bóng của vị đạo diễn đã làm nên thành công của trilogy huyền thoại Chúa Nhẫn – The Lord of the Rings.
Cơ hội thành công đối với Rivers hiện tại là 50/50, hoặc là tỏa sáng với những gì anh học được từ Peter Jackson và sở hữu bom tấn đầu tiên trong sự nghiệp, hoặc thất bại của bộ phim sẽ là lời nhắc nhở đối với vị đạo diễn này rằng anh còn phải cố gắng nhiều.
Cốt truyện đầu tiên và trailer của phim ngoài việc phô diễn kỹ xảo thì hiện tại chưa thấy có gì mới mẻ. Chẳng cần phải xem phim, bạn cũng có thể đoán được cả câu chuyện thế nào, cô nàng nữ chính báo thù cho mẹ, đối đầu với trùm phản diện muốn thống trị thế giới, cô gặp người đồng hành bất đắc dĩ là nam chính, cả 2 cùng hợp tác, yêu nhau và giải cứu nhân loại… Nếu quả thực đây là tất cả nội dung của phim thì Cỗ Máy Tử Thần thực sự chẳng đáng mong đợi. Còn hàng tá phim ngoài rạp có kỹ xảo ấn tượng chẳng kém như Aquaman, Bumblebee hay Mary Poppins Returns, thêm vào đó là nội dung mới mẻ hơn hoặc ít nhất cũng khiến người xem tò mò hơn.
Thực tế nếu cuốn sách Cỗ Máy Tử Thần chỉ có vậy thì nó đã chẳng thắng giải Nestlé Smarties Book Prize và nằm trong danh sách đề cử của Whitbread Award năm 2002. Nestlé Smarties Book Prize là giải thưởng tôn vinh sách thiếu nhi ở Anh và là một trong những giải thưởng uy tín lâu đời cũng như được tôn trọng nhất. Giải Whitbread Book Awards là giải thưởng tôn vinh những cuốn sách vừa có giá trị văn học cao, vừa có tính giải trí, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Cỗ Máy Tử Thần nắm trong tay chất liệu gốc sâu sắc ở nhiều mặt chứ không đơn thuần là câu chuyện phiêu lưu về một cô gái đi giải cứu thế giới. Bối cảnh của cuốn sách được đặt trong dòng thời gian hậu tận thế và địa chất của Trái Đất đã bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhằm tránh né các cuộc động đất, núi lửa… nhân vật Nikola Quercus trong truyện đã bắt đầu chế tạo và gắn những cố máy khổng lồ để giúp London có thể di chuyển bằng những bánh xe, bắt đầu săn lùng và “ăn” các thành phố khác để tìm kiếm tài nguyên.
Công nghệ này lan rộng và một thuyết tiến hóa mới được hình thành – Municipal Darwinism – tạm hiểu là thuyết tiến hóa Darwin áp dụng cho đô thị/thành phố, chọn lọc “tự nhiên” theo kiểu mạnh được yếu thua. Các thành phố nhỏ sẽ bị xé xác và người dân trong đó sẽ bị bắt làm nô lệ, điều khiển những cỗ máy lớn để các tầng lớp cao hơn sống sung sướng phía trên.
Trớ trêu thay, việc nuốt chửng các thành phố nhỏ hơn không giúp London nói riêng hay các thành phố lớn hơn “tiến hóa” bởi công nghệ mới đã bị dừng lại, kiến thức và khoa học mới đã bị hao mòn bởi chiến tranh. Các lục địa khác bị những thành phố lớn thống trị đang chết dần chết mòn. Những nơi khác của thế giới cố gắng ngăn chặn loại công nghệ hủy diệt vốn đang dần giết chết tài nguyên còn lại của Trái Đất.
Thêm nữa là các yếu tố liên quan đến hệ thống tầng lớp trong xã hội khi người giàu và thành phần có tiền chiếm trọn tài nguyên, sống an toàn ở phía trên trong khi các tầng lớp dưới phải sống gần những cỗ máy, tiếng ồn và sự ô nhiễm trầm trọng.
Thông điệp của Cỗ Máy Tử Thần có chiều sâu và rất dễ dàng áp dụng cho xã hội hiện đại của chúng ta khi con người đua nhau phát triển công nghệ bất chấp sự vô đạo đức và hậu quả của nó, tiến hành chiến tranh, sử dụng tài nguyên vô tội vạ và chỉ chăm chăm hưởng thụ mà không quan tâm Trái Đất đang phải gồng mình hứng chịu những gì. Liệu lúc lên phim, các yếu tố này có được giữ lại và thể hiện trên màn ảnh?
Vẫn còn khá sớm để đánh giá những gì mà Cỗ Máy Tử Thần phiên bản điện ảnh mang lại, nhưng nếu không thể giữ được những chi tiết hay trong chất liệu gốc thì bộ phim sẽ trở nên có vẻ quá bình thường. Cùng chờ xem các nhà làm phim sẽ đem đến cho chúng ta một Cỗ Máy Tử Thần như thế nào, và liệu phim có đủ sức đương đầu với những “ông lớn” khác trong tháng 12 “nóng bỏng”?