Đạo diễn: Kỹ thuật hay nghệ thuật?

Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Đạo diễn kỹ thuật và đạo diễn tác giả có gì khác nhau?

Từ trước tới giờ, khi nhắc tới đạo diễn, đa phần khán giả đều nghĩ đây là một người đơn thuần đứng đằng sau chỉ đạo tất cả mọi công việc trên trường quay, để mọi khâu trong quá trình sản xuất đều phát huy được hết khả năng vốn có của họ. Nói chính xác hơn, ai cũng tin rằng đạo diễn chỉ là một người chuyên về kỹ thuật, nhưng có phải đúng như vậy không?

Nguồn: Master Class
Nguồn: Master Class

Đúng nhưng chưa đủ. Thật ra, đạo diễn còn được phân ra làm hai dạng: Đạo diễn kỹ thuật (director) và đạo diễn tác giả (auteur). Đầu tiên, hãy nhìn vào một bộ phim, đạo diễn chắc chắn là người có vai trò tối quan trọng cho sự thành bại của nó, nhưng để tạo dấu ấn cho nó, khiến người xem nhìn vào một tác phẩm là biết ngay đây là ai lại là một vấn đề khác. Hãy cùng với Moveek tìm hiểu sơ lược một chút về khái niệm đạo diễn, để xem thế nào là một đạo diễn điện ảnh thực thụ và sự khác biệt giữa đạo diễn kỹ thuật đơn thuần và đạo diễn với vai trò như một tác giả.

1. Khái niệm đạo diễn

Như mọi người đã biết, đạo diễn thường là người đứng đằng sau mỗi khung hình, kiểm soát mọi khía cạnh trong việc làm phim để sản phẩm của mình hoàn hảo nhất có thể. Đạo diễn còn là cầu nối giữa ekip kỹ thuật của đoàn làm phim với diễn viên, cũng như là người triển khai tầm nhìn của biên kịch thành một bộ phim hoàn chỉnh. Nói khái quát sơ về vai trò của người đạo diễn, thì nôm na họ được xem như là người tối quan trọng sau vai trò của nhà sản xuất. Vai trò của người đạo diễn giống như là “đầu tàu” của đoàn làm phim, hướng bộ phim theo đúng ý đồ của kịch bản và đảm bảo mọi thứ xuất hiện trên khung hình đều đạt hiệu quả thị giác lẫn cảm xúc tốt nhất. 

Nguồn: Full Cycle Video production studio
Nguồn: Full Cycle Video production studio

Định hướng ban đầu của phim sẽ bị chệch hướng nếu không có đạo diễn. Kịch bản sẽ không đạt được tới hiệu quả cảm xúc nếu không có sự liên kết với các góc máy trong quay phim. Các diễn viên sẽ không có được tinh thần của nhân vật nếu không có sự hỗ trợ liên kết của đạo diễn với nội dung câu chuyện. Nói chung, đạo diễn chính là đội trưởng của cả nhóm, không cần phải quá chuyên môn một khâu nào nhưng chắc chắn phải biết rõ ràng chúng để dẫn dắt người đảm nhận nó, đảm bảo phát huy hết khả năng của họ.

Nguồn: careers in film
Nguồn: careers in film

Tính can thiệp của đạo diễn trong các khâu sản xuất phim tuy rộng vậy, từ chọn diễn viên tới bối cảnh, hình ảnh, góc máy và diễn xuất, nhưng đôi khi không phải là quyết định chủ chốt của bộ phim, mà có phần phụ thuộc vào tầm nhìn nhà sản xuất. Đạo diễn đúng hơn là đảm bảo truyền đạt ý tưởng nguyên bản từ nhà sản xuất đến với ekip làm phim, rồi mới triển khai nó.

No film school
No film school

Sự quan trọng trong vai trò đạo diễn cũng thể hiện khác nhau qua từng thời kì của điện ảnh thế giới. Ngày nay, sự quan trọng của đạo diễn và nhà sản xuất trộn lẫn với nhau, nếu đạo diễn đã có tiếng tăm, thì tiếng nói trong đoàn làm phim là điều hiển nhiên. Do vậy, những đạo diễn có cá tính mạnh, cái tôi lớn, xung đột trong quá trình làm phim với chính studio và nhà sản xuất về mặt sáng tạo cũng không có gì lạ. 

Nguồn: Cineblitz
Nguồn: Cineblitz

Đạo diễn kỹ thuật thường được nhà sản xuất thuê để thực hiện tầm nhìn của mình đối với ý tưởng sáng tạo của bộ phim, tức là người thay nhà sản xuất tạo nên bộ phim. Họ sẽ tối ưu hóa mọi khâu để truyền tải nội dung từ kịch bản đến hình ảnh trên phim hơn là dính líu đến công đoạn sáng tạo.

Điều này càng ngày càng thay đổi, nhất là từ thời đại phim ảnh phục hưng trở đi, khi cái tôi và tính riêng biệt dần tăng cao. Thế nên, khái niệm đạo diễn đơn thuần không còn đủ và đúng như ngày xưa nữa. Để tạo nên thương hiệu riêng, họ cần đem cái tôi, dấu ấn của họ vào bộ phim, hay đúng hơn là biến phim ảnh trở thành tác phẩm của đạo diễn hơn là một người chuyên về kỹ thuật phim ảnh không hơn không kém.

2. Đạo diễn tác giả (auteur) là gì?

Đạo diễn tác giả có vẻ là một khái niệm khá mơ hồ với độc giả Việt Nam, nhưng thực chất đã xuất hiện từ rất lâu. Khái niệm này lần đầu tiên được xuất hiện trong bài luận Une certaine tendance du cinema francais (A certain trend in French Cinema) của đạo diễn Francois Truffaut trên quyển tạp chí về điện ảnh Cahier du Cinema (Cinema Notebook) năm 1954. Từ “auteur” xuất phát từ tiếng Pháp, có nghĩa là tác giả.

Ông chỉ ra rằng những đạo diễn thực thụ là những người có thể mang tầm nhìn và nét riêng trong phong cách đạo diễn của mình vào những tác phẩm, thay vì là những người chỉ truyền tải lên màn ảnh những nội dung có sẵn từ kịch bản đã hoàn chỉnh, rồi triển khai theo một khung sườn cứng nhắc như một người chuyên về kỹ thuật hơn là làm nghệ thuật. Truffaut còn cho rằng một đạo diễn có quyền kiểm soát và linh hoạt trong trong mọi khía cạnh của bộ phim. Đặc biệt, một kịch bản tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành bại của bộ phim. 

Andrew Sarris - người đã mang cụm từ Auteur Theory trở thành chính thống
Andrew Sarris - người đã mang cụm từ Auteur Theory trở thành chính thống

Cụm từ “The Policy of the authors” hay còn gọi là "Auteur Theory" từ đó được ra đời để chỉ điều này, chỉ học thuyết của những đạo diễn mang tính nghệ thuật và nét riêng vào bộ phim mình chỉ đạo chứ không còn tập trung đơn thuần về mặt kỹ thuật nữa. Làn sóng của những đạo diễn muốn tạo được bứt phá, thương hiệu riêng bắt đầu dâng cao. Những đạo diễn dần nhận ra tầm quan trọng của việc tạo một dấu ấn cá nhân lên những tác phẩm của mình đạo diễn, để mọi người nhìn nhận mình như một tác giả làm nghệ thuật hơn là một người chuyên về kỹ thuật. 

Quentin Tarantino - vị đạo diễn có phong cách riêng biệt và độc đáo bậc nhất (Nguồn:sense of cinema)
Quentin Tarantino - vị đạo diễn có phong cách riêng biệt và độc đáo bậc nhất (Nguồn:sense of cinema)

Tính thương hiệu của bộ phim dưới sự kiểm soát của một đạo diễn tác giả được xảy ra theo nhiều cách. Đầu tiên kể đến là qua những kịch bản được viết bởi chính đạo diễn đó, vì không ai sẽ hiểu tác phẩm hơn là người viết ra nó. Các góc máy, cảnh quay và dựng phim là những thứ mà người đạo diễn có thể tạo nên ảnh hưởng nhiều nhất đến phim của họ. Quan điểm cá nhân và triết lý con người cũng được áp dụng phần lớn lên tác phẩm. Điều này thể hiện được sự tự do trong sáng tạo mà một người làm nghệ thuật nên có, rời xa sự kèm cặp của các studio và nhà sản xuất.

Đạo diễn Todd Phillips đang trao đổi với Joaquin Phoenix về nhân vật (Nguồn: Studio Binder)
Đạo diễn Todd Phillips đang trao đổi với Joaquin Phoenix về nhân vật (Nguồn: Studio Binder)

Khác với một đạo diễn thông thường, đạo diễn tác giả thường là một thế lực sáng tạo chủ chốt cho một bộ phim và có quyết định khá quan trọng cho thành bại của phim. Kịch bản như đã nói trên, có thể do chính tay đạo diễn viết, hoặc hợp tác với một hay nhiều biên kịch khác để hoàn thiện kịch bản (với những kịch bản quá dài và phức tạp, một người không thể ôm xuể). Trước đây, đạo diễn có vai trò chuyển tầm nhìn của nhà sản xuất và kịch bản có sẵn sang hình ảnh, thì giờ đây biên kịch sẽ cùng đạo diễn chuyển tải tầm nhìn của họ lên phim, cả hai cùng hợp tác để tạo nên một tác phẩm đậm dấu ấn riêng.

David Fincher - mọi khung hình đều phải có ý nghĩa (Nguồn:The Playlists)
David Fincher - mọi khung hình đều phải có ý nghĩa (Nguồn:The Playlists)

Tầm nhìn riêng của đạo diễn cho bộ phim cũng được áp dụng cho góc máy và hình ảnh xuất hiện trên màn ảnh. Cũng như phần biên kịch, đạo diễn sẽ hợp tác với những người có chuyên môn đặc trưng cho việc đó như quay phim, đạo diễn hình ảnh và biên tập dựng phim để mang suy nghĩ, sự đặc trưng riêng biệt của nội dung kịch bản và chuyển nó thành một góc máy và cảnh quay. Nếu như đạo diễn kỹ thuật đặt máy quay ở đây chỉ để quay, thì đạo diễn tác giả đặt máy quay ở đây để diễn tả cảnh quay, hay nói đúng hơn là để cảnh quay có ý nghĩa chứ không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật.

Alfred Hitchcock (Nguồn:Aural Cave)
Alfred Hitchcock (Nguồn:Aural Cave)

Một trong những nhà làm phim đi đầu và nổi tiếng với khái niệm đạo diễn tác giả là Alfred Hitchcock. Nhìn vào những bộ phim của ông, khán giả đều có thể thấy chung một đặc điểm, phong cách kể chuyện cũng như các góc máy kinh điển tạo nên thương hiệu, đến mức có hẳn một danh xưng “Bậc thầy của sự kịch tính”. Sau này, nhiều đạo diễn tác giả càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn, ai mà quên được phong cách đặc tả bạo lực với lối kể chuyện độc đáo của Quentin Tarantino, hay sự lạnh lẽo và u ám từ cảnh quay và câu chuyện trong thế giới của David Fincher. 

Nói chung, đạo diễn tác giả có phần linh hoạt về mọi mặt trong khâu sản xuất phim và mang phong cách nghệ thuật của một nghệ sĩ nhiều hơn. Đạo diễn mang tới sản phẩm, nhưng đạo diễn tác giả thì mang tới tác phẩm. Chính cái tên đạo diễn tác giả cũng đã nói lên vai trò thực sự của người đạo diễn trong việc làm phim, đó chính là “tác giả” cho cả một tác phẩm nghệ thuật hơn là một người chuyên về mặt kỹ thuật khô khan.

3. Những hiểu lầm trong lý thuyết về đạo diễn tác giả

John Huston - một trong những đạo diễn giỏi nhưng không phải đạo diễn tác giả
John Huston - một trong những đạo diễn giỏi nhưng không phải đạo diễn tác giả

Đạo diễn tác giả đa phần đều là đạo diễn giỏi, nhưng đạo diễn giỏi thì chưa chắc là một đạo diễn tác giả. John Huston là một ví dụ điển hình, ông là một trong những tên tuổi đời đầu khi điện ảnh đang từng bước phát triển, và cũng là thời điểm mà lý thuyết đạo diễn đang nổi trội trong cộng đồng. Thế nhưng, những tác phẩm của ông không hề thấy một phong cách nào cụ thể, phong cách làm phim của ông biến hóa theo từng bộ phim, đúng hơn, ông là một người biết nắm bắt cơ hội để tạo ra một bộ phim hay nhờ vào kịch bản chất lượng.

Michael Bay - tốt sơn hơn tốt gỗ (Nguồn:No film school)
Michael Bay - tốt sơn hơn tốt gỗ (Nguồn:No film school)

Không phải đạo diễn nào có một phong cách chung ở toàn bộ những bộ phim của mình thì đều là đạo diễn tác giả. Ngoài những góc máy, phong cách hình ảnh điển hình, kịch bản cũng là thứ rất quan trọng tạo nên điều đó, vì danh xưng đạo diễn tác giả sẽ vô nghĩa nếu một kịch bản của họ tệ hại không đâu vào đâu.

Điển hình của kẻ hở này là đạo diễn Michael Bay, ai cũng có thể nhận ra phong cách đặc trưng, những vụ nổ hỗn loạn, chủ nghĩa anh hùng lòe loẹt với cảnh hành động với cắt cảnh gấp rút, nhưng nội dung thì tệ hại, còn nhân vật trong phim thì ngớ ngẩn, thô kệch. Đây chính là một "kẻ hở" của lý thuyết đạo diễn tác giả, vì dù vẫn có nét riêng, vẫn có những dấu hiệu để nhận ra được đây là phim của ai, nhưng bộ phim của vị đạo diễn chỉ dừng ở mức chấp nhận được. 

Phim ảnh là sản phẩm của tập thể, không phải cá nhân (Nguồn: Variety)
Phim ảnh là sản phẩm của tập thể, không phải cá nhân (Nguồn: Variety)

Danh xưng đạo diễn tác giả hay lý thuyết về nó giai đoạn đầu cũng vấp phải khá nhiều tranh cãi, việc tâng bốc một cá nhân trong một tập thể khiến lý thuyết về đạo diễn tác giả càng bị ghét bỏ bởi người trong ngành. Nói đi cũng phải nói lại, về cơ bản thì sản xuất ra một bộ phim là công sức của cả một ekip hàng chục con người, là hệ thống dây chuyền của rất nhiều người qua việc tạo ra một bộ phim, vậy nên việc nói tác phẩm chỉ đến từ một mình đạo diễn tác giả đã gây nên nhiều sự phản đối từ những người trong giới và ngay cả những vị đạo diễn mang danh xưng đó.

Thêm nữa, đạo diễn tác giả không phải là người nghiễm nhiên "miễn nhiễm" với việc làm ra một bộ phim tồi. Thế nhưng, trước khi được gọi là đạo diễn tác giả, các nhà làm phim cũng đều đã trải qua quá trình thăng trầm trong sự nghiệp, thành công và thất bại trước khảo nghiệm của thời gian hay sự đón nhận của công chúng. Vì vậy, cho dù trong "gia tài" của họ xuất hiện một chú "cừu đen" thì năng lực làm phim của một đạo diễn tác giả là điều khó có thể nghi ngờ. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận đạo diễn kỹ thuật và những bộ phim giải trí. Đạo diễn không được gọi là tác giả, không có nghĩa là họ không thể làm phim hay.

Nguồn: David Guilloid
Nguồn: David Guilloid

Dù là đạo diễn thông thường, chỉ tập trung vào công việc chỉ đạo hay là một đạo diễn tác giả, người mang nét riêng trong phong cách chỉ đạo vào bộ phim của mình, thì tên gọi nào cũng đều chỉ để chỉ một người có vai trò quan trọng trong nhất cho cả đoàn phim. Cái danh xưng "đạo diễn tác giả" đúng hơn là điểm mốc cho mọi đạo diễn muốn tạo ra một tác phẩm mang nét riêng của mình, phân biệt mình với một đạo diễn khác bằng một bộ phim "để đời", hơn là thứ để phân biệt đâu là một đạo diễn giỏi hay dở. Vì nói gì thì nói, một đoàn làm phim đâu chỉ có mỗi đạo diễn, mà còn có rất nhiều người góp sức, cùng nhau tạo nên một sản phẩm chất lượng với sự dẫn dắt của người đứng đầu tài ba. 

Nguồn: Film Studies, tổng hợp.