[TIFF] Điện ảnh Mỹ mùa thu 2019 - Tìm đâu sự tươi sáng?
Góc Nghệ Thuật · Tin điện ảnh · Maii ·
Từ Joker, Uncut Gems đến Hustlers... các phim đang đua nhau thể hiện mặt tối của nước Mỹ?
Thế giới dường như đang vỡ vụn và các phim ra mắt trong mùa thu này sẽ chứng minh điều đó. Dự đoán xu hướng của các bộ phim trước khi ra mắt thường là việc của kẻ vô công rỗi nghề, bởi các phim ra rạp vào khoảng thời gian rất khác biệt so vì nhiều lý do. Tuy vậy, năm nay, các phim đáng chú ý ra mắt tại LHP Toronto lại cùng có chung đặc điểm là nhuốm bầu không khí u ám lên màn ảnh rộng, cùng nhau dấy lên tiếng chuông báo động rằng nước Mỹ đang dần phát điên.
Hãy cùng xét đến câu chuyện của Joker. Đạo diễn Todd Phillips chắc chắc đã khơi gợi nhiều phản ứng tò mò khi biến siêu phản diện của Batman trở thành một nhân vật cô đơn mắc bệnh tâm thần, phần cũng bởi hiếm ai có thể ngờ một phim giật gân tâm lý u buồn như thế có thể đến từ vị đạo diễn đã nhào nặn nên phim hài The Hangover. Ảo tưởng về sự vĩ đại được thổi phồng do sự chia rẽ (trong lòng nước Mỹ) bị Joker châm biếm nặng nề, vừa “đổ dầu vào lửa” nhưng cũng vừa chế nhạo quan điểm cực đoan của các bên.
Với nam diễn viên Joaquin Phoenix cùng thân thể gầy còm đứng giữa trung tâm bộ phim, Phillips tỉ mỉ xây dựng hành trình phát điên của một người đàn ông khao khát trở nên nổi tiếng. Tuy vậy, thay vì trở thành một nghệ sĩ hài độc thoại như ước mơ của anh ta, tên hề u uất vô tình trở thành hiện tượng mạng sau một buổi diễn hỏng. Bị cười nhạo trên sóng truyền hình địa phương khiến anh ta trở thành một kẻ điên cuồng, giận dữ và yêu thích việc khơi mào hỗn loạn. Dù có bối cảnh những năm thập niên 70, nhưng chắc chắc là Joker đã ngoại suy triệt để nguồn gốc của internet troll – khái niệm nói về hành vi đăng các thông điệp, bài viết… gây tranh cãi lên các trang mạng nhằm kích động phản ứng và cảm xúc của những người xem bài viết ấy.
“Thời nay ai cũng tồi tệ,” Arthur Fleck của Joaquin Phoenix nói, “Đủ tồi để khiến cô phát điên.” Sự tồn tại của một phim lấy cảm hứng từ truyện tranh nói về cuộc đời đáng buồn của một phản diện, vừa thu hút sự chú ý trong những tháng cuối năm vừa nói lên nhiều điều về sự đảo lộn trong xã hội hiện nay, khi các phản diện ngoài đời thật và những kẻ xúi giục càng lúc càng nổi bật hơn bao giờ hết.
Joker chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cuộc tranh cãi dữ dội về đạo đức khi đi sâu vào góc nhìn và tâm thần của nhân vật chính, thậm chí làm chúng ta thương hại cho tình trạng điên loạn của anh ta. Cuộc tranh luận đó tuy không có câu trả lời rõ ràng, nhưng lại sâu sắc hơn JoJo Rabbit, bộ phim được cho là thuộc thể loại châm biếm, “anti-hate” (chống lại quan điểm của các nhóm thù ghét), xoay quanh một đứa trẻ Phát Xít sống trong thời đại Thế Chiến thứ II ở Đức, có một người bạn tưởng tượng là Hitler. Bộ phim của Waititi cố gắng trả lời cho sự hồi sinh của làn sóng phân biệt và các nhóm thù ghét trên khắp thế giới bằng cách đưa ra một giải pháp làm thế nào để thoát khỏi những góc nhìn tiêu cực.
(Thông tin thêm: Jojo Rabbit vừa thắng giải Audience Award tại LHP Toronto. Trong lịch sử, nhiều phim đoạt giải này đã được đề cử giải Oscar hoặc đoạt giải quan trọng nhất Best Picture (Phim hay nhất) như La La Land, 12 Years a Slave, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri; Room, và Silver Linings Playbook).
Tuy nhiên, nỗ lực của phim trở nên nhạt nhòa và phù phiếm do cách thể hiện. Bằng việc đưa một hệ tư tưởng thù địch vào trong một bộ phim hài với những câu thoại hơi ngớ ngẩn, Jojo Rabbit thất bại trong việc trả lời cho câu hỏi tại sao người ta lại có những suy nghĩ nguy hiểm đến thế. Nếu Joker thể hiện “sự thù ghét” (hate) thì Jojo Rabbit thể hiện việc chống lại sự thù ghét đó (anti-hate), mặc dù cả hai phim đều mở ra thách thức trong việc đối mặt với các góc nhìn tiêu cực mà vẫn tỉnh táo.
Nước Mỹ không chỉ đơn thuần chìm trong tranh cãi về quan điểm xã hội, mà cả về vấn đề kinh tế cũng dấy lên nhiều nghi ngờ. Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khoảng 10 năm trước, xứ sở cờ hoa dường như đang chuẩn bị một cuộc khủng hoảng khác chực chờ đâu đây. Hustlers của Lorence Scafaria cho thấy khó khăn về tài chính có thể thúc đẩy một âm mưu táo bạo được hình thành như thế nào. Dựa trên câu chuyện có thật, Hustlers xoay quanh các vũ nữ thoát y ở New York chuốc thuốc và tống tiền những người đàn ông giàu có mà họ dụ dỗ được. Phim cho thấy chính xác một người phụ nữ trẻ nhiệt tình như Dawn (Constance Wu) có thể trở thành kẻ đắc lực để hợp tác cùng một người như Ramona (Jennifer Lopez) trong một phi vụ nguy hiểm, dần thu hút sự chú ý của pháp luật. Khi bị một phóng viên (Julia Stiles) nhũng nhiễu, bằng câu trả lời của mình, Ramona đã mô tả thông điệp chính của bộ phim: “Cả đất nước này là một câu lạc bộ thoát y”. Thời điểm câu nói ấy xuất hiện, Hustlers thực sự đã thể hiện hết mình.
Mặt khác, đất nước này cũng có thể coi là một cửa hàng trang sức, nơi mà Howard (Adam Sandler) đang điều hành các hoạt động mờ ám khác trong Uncut Gems của anh em Safdie. Howard trong phim cố gắng bán một món nữ trang quý hiếm cho cầu thủ bóng đá đội Celtics, Kevin Garnett, trong khi cầm các món nữ trang khác để cá độ vào trận đấu sắp tới. Đây chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi kế hoạch lố bịch này của anh ta đổ bể. Cũng giống như Hustlers, Thành phố New York trở thành bối cảnh chính để các nhân vật cạnh tranh nhau nhằm giành giật sự giàu có, nhưng cuối cùng đều thất bại.
Đấy cũng đồng thời là câu chuyện chính của Bad Education với Hugh Jackman trong vai một giám thị đã hợp tác cùng trợ lý của anh ta do Alison Janney thủ vai, để biển thủ $2 triệu của trường Roslyn ở Long Island. Phim hài đen này có nét tương đồng với Hustlers ở chỗ khắc họa từng bước mà nhân vật biện minh cho hành động phạm pháp của mình để trục lợi.
Kể cả các phim thương mại ra mắt lại Liên hoan phim Toronto cũng đi sâu vào chủ đề chung này. Knives Out của Rian Johnson có các nhân vật trung tâm là một gia đình giàu có, hách dịch và chia rẽ sau khi người đứng đầu gia tộc (Christopher Plummer thủ diễn) bỗng dưng qua đời. Với sự xuất hiện của vị thám tử Benoit Blanc (Daniel Crag), phim vạch trần sự đấu đá và tính ích kỷ khiến gia đình này trở nên rất ngột ngạt. Chả trách người đàn ông quá cố thích dành thời gian bên cạnh người chăm sóc gốc Nam Mỹ của mình là Marta (Ana de Armas), ngôi sao thực sự của bộ phim bên cạnh các tên tuổi nổi tiếng khác như Jamie Lee Curtis, Chis Evans, Michael Shannon…
Khi câu chuyện của Knives Out càng tiến gần hơn đến cao trào, Marta phải vượt qua sự phân biệt và căm ghét của một gia đình coi sự hiện diện của cô trong gia đình của họ là điều hiển nhiên. Phim cho thấy quan điểm chống đối sự bài ngoại của chính quyền ông Trump, cũng như nhắc nhở tầng lớp siêu giàu của Mỹ (The OnePercenters) rằng thế giới này không chỉ có một mình họ và vì sao họ không nên là những người nắm quyền.
Mùa phim thu cũng không hoàn toàn tập trung vào những vấn đề khó khăn về mặt giải pháp đến thế. Với A Beautiful Day in the Neighborhood, bộ phim của đạo diễn Marielle Heller theo chân một nhà báo của tờ Esquire (Matthew Rhys) phải học cách đối mặt với cảm xúc của mình sau khi được chỉ định phỏng vấn người dẫn chương trình truyền hình dành cho trẻ em là Fred Rogers (Tom Hanks) (Fred Rogers là nhân vật có thật và đã gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em ở Mỹ. Chương trình của ông nổi tiếng với các bài hát dễ thương, nhẹ nhàng và mang tính giáo dục cao).
Heller cố gắng mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc và có chiều sâu bằng cách cấu trúc bộ phim giống một tập của chương trình truyền hình Mister Roger’s Neighborhood. Phim đi ngược lại với Joker bằng cách bày ra giải pháp làm thế nào để tránh những suy nghĩ tiêu cực bằng việc tập trung vào sự tích cực trong cuộc sống. Thế giới ngày nay có lẽ không xứng đáng với linh hồn dịu dàng của ông (Fred Rogers mất năm 2003) nhưng những bài học đáng giá của Rogers vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay. Ai nghĩ rằng mình cần một bộ phim tươi sáng để xem sau khi thưởng thức Joker thì sẽ cảm thấy A Beautiful Day in Neighborhood chính là điều mình cần.
Ngoài ra, Just Mercy cũng có thể là một lựa chọn đáng giá khác. Phim chính kịch của Destin Daniel Cretton là câu chuyện về một sinh viên vừa tốt nghiệp Harvard (Michael B. Jordan) đang chiến đấu để chứng minh một người đàn ông da màu ở Alabama (Jamie Foxx) bị tuyên án tử hình rằng anh ta vô tội. Just Mercy mang đến một câu chuyện khá quen thuộc trong các phim cùng đề tài, tuy chưa hẳn là xuất sắc hơn.
Tuy vậy, Just Mercy là một nỗ lực cần thiết khác trong việc vạch trần sự thối nát của hệ thống tư pháp. Ở điểm này, phim có phần tương đồng với Marriage Story của Noah Baumbach.
Bộ phim đầy cảm xúc của Baumbach kể về một cặp đôi đang trải qua một cuộc li dị sau quá nhiều bất đồng không thể hòa giải. Cả Just Mercy và Marriage Story đều cho thấy quan điểm về tầm quan trọng của tính nhân văn trong một hệ thống luật pháp được thiết lập nhằm lờ đi cái gọi là tình người. Nếu so với sự tăm tối của nhiều phim ra mắt trong mùa thu này, các phim như thế cho ta chút hi vọng vào sự tươi sáng và tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi các cuộc bàn luận về những phim này tiếp tục được đẩy lên cao trào thì sự lạc quan có lẽ là điều hơi xa xỉ.
Nguồn: IndieWire