Em chưa 18 – Tuổi nào cũng thế thôi

Đánh giá phim · Phan Duy Văn ·

Có rất nhiều lí do để người ta thích Em chưa 18: nhạc phim hay, diễn viên đẹp và diễn tốt v.v. Nhưng có lẽ vượt lên trên hết là một thông điệp về tình yêu : dù ở tuổi nào đi nữa, thì tình yêu vẫn cần sự thấu hiểu và gắn bó.

Có rất nhiều lí do để người ta thích Em chưa 18: nhạc phim hay, diễn viên đẹp và diễn tốt v.v. Nhưng có lẽ vượt lên trên hết là một thông điệp về tình yêu : dù ở tuổi nào đi nữa, thì tình yêu vẫn cần sự thấu hiểu và gắn bó.

Phim sử dụng một tình huống gần như là vô lí trong đời thực để dẫn dắt người xem: Linh Đan (Kaity Nguyễn) vì muốn trả đũa bạn trai Tony (Will) mà dụ dỗ Hoàng (Kiều Minh Tuấn) ngủ cùng mình rồi quay clip lại. Đây là thủ pháp quen thuộc của những phim hài tình cảm: buộc 2 nhân vật có tính cách, lối sống hoàn toàn khác nhau phải gắn bó với nhau vì 1 lý do gì đó để rồi yêu nhau. Nếu ở Hollywood ta có Knocked up (Dính bầu) kể về cô phóng viên vì lỡ qua đêm với 1 gã thất nghiệp mà sống chung và yêu gã, hay The Proposal (Lời cầu hôn) do Ryan Reynold và Sandra Bullock kể về một bà sếp phải giả vờ đính hôn với cấp dưới nhằm cứu vãn sự nghiệp.

 

Giờ đây, ở Việt Nam, ta có cô bé 17 tuổi vì xốc nổi mà đe dọa gã trai gần 40 tuổi làm bạn trai của cô.

 

 

Có thể nói kịch bản đã rất thành công ở khâu gây shock: chuyện 1 cô bé dụ dỗ một gã trai như thế là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trong con mắt của khán giả trung niên và những nhà đạo đức học trên mạng. Thế nhưng, nếu khai thác không khéo hoặc lạm dụng yếu tố hài nhảm thì chắc chắn Chánh Phương phim có thể gom đủ đá mà đổi thành công ti xây dựng luôn.

May thay, với một kịch bản hài hước, đáng yêu, bộ phim đã thắng lợi bước 2: bắt lấy hồn người xem khi họ “lỡ” bước vào rạp. Suốt bộ phim là những tràng cười, những tiếng ồ lên của khán giả (và của cả tôi nữa) vì sự hài hước rất Việt Nam và không hề quá trớn. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy phim Việt Nam không bị vấp phải lỗi “thoại đọc bài”. Những câu thoại rất xì tin của tuổi học trò do dàn cast là hot face trong cộng đồng mạng, những câu thoại rất đậm tình cha con do Quang Minh, một diễn viên xuất sắc hải ngoại thốt ra… tất cả tạo nên sự gần gũi, đồng cảm cho người xem. Người ta thấy hiện ra trước mắt họ là một tuổi thanh xuân có yêu, giận, khóc cười… chứ không phải một kịch bản được đọc ro ro như những phim khác.

Chánh Phương phim có thế mạnh về dựng phim: từ phim lịch sử, hành động đến hài lãng mạn, họ đều có cách bố trí màu sắc hài hòa và những khung hình đậm chất điện ảnh. Thế nhưng lần này nghệ thuật dựng phim của Chánh Phương đã có 1 tiến bộ : sử dụng gương mặt mới mà thích hợp chứ không “ưu tiên gà nhà”. Kiều Minh Tuấn không hoàn toàn là 1 soái ca. Nhưng chính vì thế mà anh phát huy tôt ưu thê của mình: khả năng diễn xuất qua gương mặt, lời nói. Điều đó quá là hợp với nhân vật Hoàng: một tay sát gái với cái miệng dẻo quẹo. Nếu giao vai này cho Johnny Trí Nguyễn hay Thái Hòa, những “khuôn mặt thân quen” của Chánh Phương thì bộ phim này sẽ mất 50% sức hút. Bên cạnh đó, nếu là người quen xem phim Việt, bạn sẽ thấy Kiều Minh Tuấn trong Em chưa 18 là một trời một vực so với Kiều Minh Tuấn của Lộc Phát (Lê Bảo Trung đạo diễn). Rõ ràng, kịch bản hay và khả năng dựng phim tốt của hãng Chánh Phương đã cho họ Kiều cơ hội thể hiện tài năng.

Diễn cùng Kiều Minh Tuấn là cô bé hot face Kaity Nguyễn. Và đây là bước mở đầu thành công của cô bé khi diễn tả xuất sắc vai Linh Đan: một cô bé tưởng như yếu đuối nhưng vô cùng mạnh mẽ trong tình yêu. Có thể do vai diễn này là một hình mẫu phù hợp, nhưng  sức hút của cô là một điều không thể chối cãi. Người ta cười khi cô chọc ghẹo Hoàng, thốt lên “Ôi đáng yêu quá” khi cô ngủ và cánh mũi phập phồng như một nàng mèo con nũng nịu. Những điều đó không phải chỉ tập luyện là được, mà còn cần một cốt cách bẩm sinh.

 

Và dàn diễn viên phụ đóng vai bạn học cũng là một điểm sáng. Dù bối cảnh trường học quốc tế trong phim quá là xa lạ với giới học sinh phổ thông: học sinh được nhuộm tóc, đeo khuyên tai v.v. nhưng dàn cast lại thể hiện đúng chất học sinh qua những sắc thái tình cảm không lẫn vào đâu được: khi thì nhí nhố chọc ghẹo nhau, khi lại bịn rịn khi sắp phải xa mái trường, những rung động, đau khổ khi vừa biết yêu v.v. Sự xuất sắc đó khiến ngay cả người xem khó tính cũng phải “ngưng bắt lỗi” để hòa mình vào bầu không khí sục sôi của tuổi trẻ trong phim.

Bên cạnh đó, cũng như cái cách mà Hoàng giúp Hùng (cha Linh Đan) hiểu hơn về cô bé, nhạc phim được sử dụng rất khéo léo: nó vừa giúp khán giả teen thích thú khi nghe những giai điệu thân quen, vừa khiến khán giả lớp trung niên (vốn khó tính và coi thường dòng nhạc trẻ) có sự tiếp xúc và tìm hiểu thêm về gu nhạc của con cháu mình. Mang âm hưởng pop, hip hop… nhạc phim đã khuấy động khán phòng và cho thấy nhà sản xuất thực sự quan tâm đến khán giả, hiểu khán giả muốn gì.

Nếu có điểm trừ, thì tôi nghĩ đó là quá trình Hoàng yêu Linh Đan vẫn còn thiếu một chút điểm nhấn. Mọi thứ diễn ra có vẻ vẫn còn hơi nhanh. Nếu đạo diễn có thể dành một vài khung hình để nhấn nhá cảm xúc mà Hoàng dành cho Linh Đan thì vừa có thể tạo cảm giác “đủ” mà lại có đất cho Kiều Minh Tuấn diễn tả cảm xúc của mình.

Ngoài ra, hình xăm trên vai Linh Đan là một điểm trừ không đáng có. Cô bé được miêu tả là một con ngoan trò giỏi, nhưng trong cảnh cuối phim cái hình xăm to đùng hiện lên tạo cảm giác rất sai biệt so với những gì đạo diễn đã xây dựng.

Cơ mà, bộ phim quá đáng yêu để có thể chê.

Kết: Có những bộ phim lấy bối cảnh miền quê nhưng một kịch bản hời hợt và cách dàn dựng cẩu thả khiến nó xa lạ với khán giả Việt. Nhưng cũng có những bộ phim dù bối cảnh xa lạ nhưng lại có hồn để làm người ta yêu thích, tự hào vì phim Việt.

Em chưa 18 là một niềm tự hào xứng đáng tràng vỗ tay của khán giả nước nhà.