King Kong canh bạc lớn của ngành giải trí
Tin điện ảnh · HeisenbergPhu ·
Trong thế giới quái thú khổng lồ rộng lớn của điện ảnh nói chung và sách truyện nói riêng, King Kong là cái tên phổ biến nhất mà không ai không thể không biết đến nó, con khỉ đột khổng lồ dường như bất khả chiến bại nhưng lại yếu mềm trước một cô gái xinh đẹp - một giai nhân và quái thú kinh điển!
Kong – Vua của loài khỉ đột
1. Nguồn gốc của vị vua:
King Kong là một nhân vật viễn tưởng trong bộ phim viễn tưởng cùng tên, lần đầu tiên nó xuất hiện là vào năm 1933 – thời điểm công nghệ điện ảnh vẫn chưa phát triển cao, phim vẫn còn màu trắng và đen nhưng lúc này, King Kong nhận được rất nhiều lời khen từ những nhà phê bình và khán giả. Tiếp sau đó, những phần làm lại của phim tiếp tục được ra mắt vào những năm 1976 và 2005 (của đạo diễn tài ba Peter Jackson). Không dừng lại ở đó, Kong còn xuất hiện trong những dự án spin-off, series truyền hình, video game hay comics. Đây là một con quái thú có thể gọi là hung hãn và gần như tội nghiệp nhất trong thế giới quái vật.
Kong được sáng tạo bởi Merian C. Cooper, nó là con khỉ đột khổng lồ sống trên một hòn đảo tách biệt - Skull Island nằm ở Ấn Dộ Dương. Skull Island là một nơi kỳ bí và hoang sơ, không chỉ có Kong mà còn tồn tại những sinh vật cổ xưa như khủng long, dơi khổng lồ hay những bộ tộc man rợ. Hòn đảo được bao bọc bởi những rặng đá tảng sắt bén khiến những tàu thuyền khó có thể lại gần.
Tác giả Merian C. Cooper là một người đam mê sự mạnh mẽ bắt đầu bằng những chữ “K“ ví dụ như: Komodo, Kodiak và Kodak. Sau khi ý tưởng này lóe lên trong đầu, Cooper nghĩ đến việc sẽ cho một con khỉ đột ở Congo uýnh nhau tơi bời với một lũ rồng komodo (một loại bò sát to lớn và hung tợn, có nhát cắn gây chết người). Sau đó ý tưởng này dần chuyển thành King Kong đối đầu với khủng long T-Rex như các bạn thấy trên phim. Nếu các bạn tinh ý thì có thể nhận ra Kong là từ có vần được hợp lại từ Komodo và Congo.
Khi Cooper đến RKO và viết bản thảo đầu tiên của câu chuyện, nó được gọi đơn giản là The Beast. Nhưng không may, phía RKO không chấp nhận mẫu truyện này vì cho rằng nó quá nhạt nhẽo. Ban đầu tiêu đề của phim dự tính sẽ là Jungle nhưng cha đẻ không muốn như vậy, ông muốn một tiêu đề phải nhấn vào trọng tâm của nhân vật chính chứ không phải đơn thuần là một tiêu đề gợi ý chung chung, thế nên Kong được xác nhận. Nhưng buồn cười thay, David O. Selznick - giám đốc sản xuất lại nghĩ rằng từ Kong có thể khiến khán giả liên tưởng đến một phim tài liệu đơn giản nên ông bắt buộc phải thêm từ King và rồi King Kong chính là cái tên phim được thống nhất.
Năm 1933, Kong được miêu tả như một người tiền sử khổng lồ có trí khôn.
Kích thước của nó thay đổi theo từng bản phim khác nhau.
Năm 2005, Universal và Peter Jackson đã quyết định hồi sinh hình tượng Kong sau hơn 30 năm vắng bóng. Bằng công nghệ điện ảnh tân tiến và góc nhìn cực đặc sắc của đạo diễn, họ đã đem đến cho người xem một King Kong và Skull Island chân thật nhất từ trước đến giờ. Bạn hẳn choáng ngợp với những gì được thấy trong phim, và tôi phải nói nhấn mạnh rằng một vài phim bom tấn lúc bây giờ chẳng thể so với bản King Kong 2005 lúc đó. Nó thành công từ nội dung cho đến đồ họa, mọi thứ đều hoàn hảo.
Trong phiên bản đó, Peter nhấn mạnh Kong không chỉ có một mình, nó có bố - mẹ và đồng loại nhưng không may tất cả đều đã chết và chỉ còn lại một thành viên cuối cùng trên hòn đảo. Kong phải chịu đựng sự cô đơn tưởng chừng như vô tận. Mỗi ngày Kong phải chiến đấu và đối mặt với vô vàn nguy hiểm, những con khủng long bạo chúa hung dữ hay những con dơi hút máu khổng lồ trên đảo chỉ để sinh tồn và Kong có thể đã già đến 100 - 120 năm tuổi.
2. Du hành sang Nhật cùng Godzilla
Trong những năm 1960, studio Toho (Nhật Bản) được phép mượn bản quyền từ RKO và sản xuất King Kong vs Godzilla (1962) và King Kong Escapes (1967). Năm 1962, Toho đã chính thức quyết định cho Vua khỉ đột đối đầu với “đứa con tinh thần“ của họ - Godzilla huyền thoại. Đây là một trận chiến khá thú vị, mặc dù công nghệ điện ảnh lúc đó chưa mấy phát triển nhưng có thể nói là có để lại chút ấn tượng cho khán giả.
Nhưng điều này làm Cooper không mấy vui vẻ khi biết rằng “con trai” của ông đã bị thay đổi khá nhiều sau khi ở Nhật. Không chỉ vậy, Cooper còn phát hiện ra RKO cũng đã hưởng lợi từ các sản phẩm được cấp phép gồm nhân vật King Kong như mô hình bộ dụng cụ sản xuất bởi Công ty Cổ phần Nhựa Aurora. Và thế là cuộc chiến pháp lý bắt đầu nảy sinh giữa Cooper và hãng RKO.
3. Những dự án tương lai
Sau khi có được bản quyền điện ảnh của King Kong, hãng Legendary đã chính thức bấm máy phần reboot mới mang tên Kong: Skull Ssland và dự kiến ra mắt vào năm 2017. Nhiều bối cảnh trong phim được quay tại Việt Nam – với những danh lam và địa hình núi non hùng vĩ . Tiếp sau đó, họ sẽ xây dựng thế giới Kaiju của mình bằng việc diễn lại cuộc chiến lịch sử của King Kong và Godzilla vào năm 2020.
Những hình ảnh đầu tiên của Kong: Skull Island tại Quảng Bình – Việt Nam.
King Kong The Ride
Không chỉ dừng lại ở đấy, Universal studios quyết tâm vắt cạn tiền từ nhân vật này. Họ đưa ra một dự án giải trí mang tên Kong The Ride, một khu vui chơi cảm giác thật dựa trên công nghệ 3D và các phương tiện di chuyển giải trí nhằm tạo cảm giác cho chúng ta như đang có mặt trong thế giới của King Kong.
Hãy xem qua clip và bạn sẽ mê mệt vì nó:
Suy cho cùng, nhân vật tuy cũ nhưng nếu biết tận dụng và khai thác tốt, thì dù có làm bao nhiêu thì nó vẫn thu hút một lượng lớn khán giả đặc biệt nếu đấy là một hình mẫu có gắn liền với tuổi thơ của bạn.
Và như bạn đã biết, WB. và Godzilla đã chính thức bắt đầu xây dựng vũ trụ quái vật của họ, hãy chờ đợi cuộc đối đầu kinh điển lần thứ 2 giữa Kong và Godzilla.