Manchester by the Sea – Gần gũi và chân thành
Đánh giá phim · Moveek ·
Một sự diệu kì của điện ảnh là ở khả năng đưa khán giả đến một vùng đất xa lạ, cảm nhận niềm vui hay nỗi đau của vùng đất đó, của con người hay sự việc nơi đó, để nhận thấy được rằng những điều của một nơi xa lạ hóa ra về căn bản lại rất đỗi quen thuộc, bất kì nơi đâu cũng có thể xảy ra dưới dạng này hay dạng khác.
Một sự diệu kì của điện ảnh là ở khả năng đưa khán giả đến một vùng đất xa lạ, cảm nhận niềm vui hay nỗi đau của vùng đất đó, của con người hay sự việc nơi đó, để nhận thấy được rằng những điều của một nơi xa lạ hóa ra về căn bản lại rất đỗi quen thuộc, bất kì nơi đâu cũng có thể xảy ra dưới dạng này hay dạng khác. Vì vậy, chứng tỏ được thuộc tính vừa đa dạng, vừa thống nhất của loài người và thông qua đó kéo thế giới gần lại và thấu hiểu nhau hơn, Manchester by the sea là một bộ phim đạt đến ngưỡng tuyệt vời của sự diệu kì này. Trong phạm vi hạn hẹp của câu chữ và kiến thức, tôi chỉ có đôi chút cảm nhận về nội dung và bối cảnh phim như sau.
Bài viết có tiết lộ nội dung, bạn đọc cân nhắc trước khi kéo xuống.
Về nội dung, chuyện phim chủ yếu xoay quanh nhân vật Lee cùng sự loay hoay với nỗi đau quá lớn của anh với vùng đất quê nhà, nơi mà ngọn lửa lò sưởi chính tay anh đốt một cách bất cẩn trong chếnh choáng hơi men của một đêm bù khú cùng bạn bè đã thiêu rụi căn nhà cùng 3 đứa con nhỏ. Nỗi đau đó dằn vặt anh, ám lấy cuộc sống khiến anh phải bỏ xứ ra đi nhưng cũng chẳng thể nguôi ngoai. Tự tha thứ cho mình có lẽ là điều khó nhất trên đời, và cần một quá trình dài vô phương định lượng cùng những xúc tác nhất định. Có 2 điểm trong nội dung phim này thể hiện điều đó mà tôi rất thích. Điểm thứ nhất là việc người anh trai Joe ghi rất rõ trong di chúc điều mong muốn là cậu em trai Lee nặng-lòng-đau-thương đó sẽ trở thành người giám hộ cho con trai mình khi Joe có thể qua đời do căn bệnh suy tim. Bằng cách gán ghép cuộc sống của một người đàn ông đau thương và một cậu thiếu niên, Joe đã trao cho Lee cơ hội để một lần nữa nhận lấy trách nhiệm của một người cha, mà Lee đã vô tình chính tay hủy hoại. Điều này thể hiện rõ cái chất của tình cảm gia đình mà phim gửi gắm, Joe hiểu rất rõ nỗi đau của Lee và rất thương em trai mình. Điểm thứ hai là việc cuối cùng Lee vẫn từ chối ở lại Manchester. Lee đã có những cố gắng, nhưng thật sự anh hiểu điều gì anh phải đối mặt và điều gì là tốt cho bản thân anh. Khi nỗi đau không phải của chính mình, chúng ta không bao giờ hiểu được chính xác cảm giác nó như thế nào. Giống như đoạn lời sau trong một bài hát của Lady Gaga:
"Till it happens to you, you won't know khow it feel...
No it won't be real"
Đó là cách mà cuộc sống diễn ra, sự tha thứ không đến dễ dàng như trong những bộ phim mơ mộng. Tuy nhiên, câu nói của Lee trong phân cảnh gần cuối với cậu cháu trai Patrick là Lee sẽ cần tìm một chỗ ở rộng rãi hơn đặt được ghế sofa để Patrick đôi lúc có thể đến chơi nếu muốn, và cảnh hai cậu cháu ném banh cùng nhau trên đường sau lễ hạ huyệt ở nghĩa trang cho thấy Lee đã bắt đầu mở được lòng mình. Di chúc và tấm lòng yêu thương của người anh Joe quá cố đã không uổng phí. Đây cũng chính là thông điệp mang tính nhân bản của nội dung phim.
Về bối cảnh, có thể nói bối cảnh vùng đất Manchester, Newhampshire chính là thứ đưa bộ phim thẳng đến những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất như Quả cầu vàng hay Oscar. Bởi đây là một câu chuyện phim mang tính đặc thù địa lý rất cao, và thể hiện rõ những đặc tính con người của chính vùng đất đó. Có thể thấy điều này xuyên suốt toàn bộ phim, từ sự cộc cằn và lời lẽ văng tục của những người đàn ông với nhau cho đến cách thể hiện tình cảm không hoa mỹ nhưng rất chân thành của con người... Do đó, nếu chỉ xem phim mà không quan tâm đến địa lý bối cảnh của bộ phim thì khán giả sẽ không thể thấu hiểu được những hành động, lời nói và nỗi đau của nhân vật. Có thể tạm so sánh vùng đất này với cái xóm Nhơn Thành trong Không ai qua sông của Nguyễn Ngọc Tư vậy, cái xóm có con Nhí xa xứ lấy chồng Đại Hàn rồi trở về quê bằng hũ tro trên đôi tay của mẹ, có thằng Út Nữa giữa mùa chán chết chém bạn vì hơi men bải hoải, có đám thanh niên bán đất mua xe rồi tế thân mình với cột đèn đêm nọ... Câu chuyện tự tay đốt nhà của Lee cũng vậy, cũng là một trong những câu chuyện râm ran trên môi của người dân ở cái thành phố nhỏ bên bờ biển mà ai cũng biết ai đó. Nó trở thành chuyện phiếm trong một chầu bia, tin sốt dẻo sau một buổi lễ nhà thờ, và dần trở thành một câu chuyện bình thường như bao câu chuyện khác. Nhưng nó luôn là một vết thương với Lee, vết thương sâu thêm khi Lee bắt gặp những ánh mắt nhìn mình dù vô tình hay hữu ý. Thành phố Manchester này mang đến cho khán giả những câu chuyện rất đặc trưng của nó, thông qua kịch bản phim đoạt Giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất của chính đạo diễn Kenneth Lonergan. Chắc chẳng phải là sự trùng hợp khi nhà sản xuất Matt Damon, và diễn viên chính Casey Affleck đều xuất thân từ khu New England – nơi lấy bối cảnh bộ phim. Bản thân sự thể hiện cảnh quay của phim cũng chủ yếu xoay quanh đối thoại giữa những người đàn ông của vùng đất này. Điều đó giống như chính họ đang kể lại cho khán giả nghe câu chuyện của vùng đất quê hương mình, nơi mà từ nhỏ họ đã tiếp xúc với rất nhiều các nhân vật, các bối cảnh y hệt như trong phim. Và bằng cách đó, họ thể hiện được niềm tự hào về quê hương, rằng dù chỉ là tầng lớp nhân dân lao động ít học với tính cách cộc cằn và lời lẽ văng tục, nhưng trong những con người của vùng đất đó là tình cảm rất thực và chân thành. Có lẽ chính những tình cảm đó đã hỗ trợ Casey Affleck thể hiện hết mực thành công vai diễn của mình, và anh hoàn toàn xứng đáng nhận Giải Oscar danh giá cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Tóm lại, Manchester by the sea đã cho khán giả thấy được một nước Mỹ không chỉ có New York hiện đại với nhà cao chọc trời hay Los Angeles hoa lệ với những khát khao nghệ thuật cháy bỏng, mà còn có những vùng đất khác với những con người lao động chân chất cùng những tình cảm đáng quý, rất Mỹ và cũng rất người.
Nguồn: Năm Sáng