Manchester by the sea - Hương vị biển buồn

Đánh giá phim · siomiochan ·

Ẩn giấu bên trong sự tẻ nhạt của thị trấn là chân dung người đàn ông Lee Chandler (Casey Affleck) trong tình trạng bế tắc được phản ánh qua từng thước phim của Kenneth Lonergan.

Thật khó để diễn tả được cảm xúc sau khi xem bộ phim này, một bộ phim có màu xanh buồn như bờ biển Manchester by the sea - một thị trấn ven biển thuộc bang Massachusetts, Mỹ vào những ngày cuối đông - tĩnh lặng và lạnh lẽo. Ẩn giấu bên trong sự tẻ nhạt của thị trấn là chân dung người đàn ông Lee Chandler (Casey Affleck) trong tình trạng bế tắc được phản ánh qua từng thước phim của Kenneth Lonergan.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi xem tiếp.

Một bộ phim bao trùm sự mất mát...

Có thể thấy ở đầu phim, hình ảnh Lee Chandler được khắc họa là một người đàn ông cộc cằn, thô lỗ, ít nói, sống rất khép kín, hiện đang làm nghề thợ sửa ống nước, điện đóm ở Boston. Cuộc sống của anh cứ tẻ nhạt trôi qua, anh phải tiếp xúc với những khách hàng khó chịu, công việc của anh chỉ lẩn quẩn trong khu dân cư nhỏ ở Boston: xúc tuyết, tư vấn, sửa chữa ống nước, dọn dẹp rác thải khi khách hàng nhờ. Công việc tẻ nhạt ấy đôi lúc khiến anh bị mất kiểm soát bản thân, không ít lần nói ra những từ ngữ thô tục, khó nghe khiến anh bị ông chủ phàn nàn.

Vào một ngày mùa đông, Lee vội vàng thu xếp công việc để về lại thị trấn Manchester by the sea khi nghe tin anh trai Joe (Kyle Chandler) bị đột quỵ do chứng sung huyết tim. Những ngày Lee ở lại thị trấn để giải quyết những vấn đề tồn đọng như tìm nơi mai táng cho anh trai, gặp luật sư để giải quyết di chúc. Khi được tin Joe đã ủy thác cho Lee làm người giám hộ cho cháu trai Patrick 16 tuổi, Lee đã tìm cách ủy thác việc trở thành người giám hộ. Cũng từ đó, bộ phim dần dần bóc tách những điều được ẩn giấu trong nội tâm của Lee.

Hai nỗi đau và mất mát vô tình xảy ra trong những ngày đông lạnh lẽo ở phía Bắc nước Mỹ. Bi kịch đầu tiên đã khiến Lee Chandler mất tất cả, cảm giác mặc cảm, tội lỗi bao trùm lấy anh, khiến anh luôn dè chừng, xa lánh người khác. Lý do Lee một mực từ chối trở thành người giám hộ cho cháu trai cũng như không thể ở lại sinh sống tại thị trấn ở bờ biển này vì trong quá khứ, anh đã phạm một lỗi lầm quá lớn. Dẫu rằng tai nạn ấy đã khiến anh đối mặt với cảnh sát và pháp luật, nhưng phía cảnh sát không thể bắt anh vì sự bất cẩn, hậu đậu của chính mình. Mặc dù Lee không bị bắt giam, nhưng chính Lee đã tự định đoạt tội trạng của mình, để rồi tự giam cầm con người mình trong tâm trí. Anh đã phát điên khi bước về phía cảnh sát cướp súng nhằm tự sát. Sau lần tự sát hụt anh luôn mang trong mình hình phạt tự dằn vặt chính mình bằng sự cau có, mệt mỏi.

Sự mất mát thứ hai khiến Lee không thể trốn tránh mọi người. Khi anh buộc lòng quay về Manchester by the sea và buộc phải kết nối với những người xung quanh thông qua đám tang của người anh Joe, đặc biệt trong mối quan hệ giữa cháu trai trong một thời gian dài cắt đứt. Nghĩa tử là nghĩa tận, có những mối quan hệ tưởng chừng bị cắt đứt mãi mãi, có những tội lỗi dẫu có trốn tránh, chối bỏ, rồi một ngày họ buộc phải đối mặt với nhau. Lee trở nên khó xử khi phải từ chối làm người giám hộ cho đứa cháu trai Patrick, mặc dù hai chú cháu có mối quan hệ thân thiết từ quá khứ. Lee bối rối khi hay tin vợ cũ đang mang thai với người chồng sau và khi Lee nghe những câu tha thứ của vợ dành cho mình, anh chẳng còn cảm thấy được điều gì cả.

Randi: I said a lot of terrible things to you. My heart was broken and now yours is broken too.

Lee: No, you don't understand. There's nothing...

Randi: That's not true.

Thời gian là liều thuốc tàn nhẫn!

Xuyên suốt bộ phim là những cảnh flashback đan xen liên tục nhằm mở ra câu chuyện được ẩn bên trong sự mất mát của các nhân vật tại một thị trấn ven biển có màu ảm đạm, u buồn.

Patrick ở độ tuổi 16 còn nông nổi, bỗng một ngày nhận ra bên cạnh mình không còn ai thân thiết. Mẹ cậu - Elise đã bỏ nhà đi rất lâu với trạng thái nghiện rượu nặng, mặc dù bà muốn nhận nuôi cậu nhưng lại bị cản trở của người dượng - chồng sau của bà. Người chú Lee Chandler luôn tìm cách chối bỏ quyền bảo hộ đến khi cậu đủ 18 tuổi. Khi cậu phải đứng ở giữa những sự lựa chọn, một là về nhà mẹ sống cùng người dượng kế không mấy thân thiện, hoặc là cậu phải rời vùng thị trấn này và đến Boston sống cùng chú đến năm 18 tuổi. Cái cách cậu phản ứng với những biến cố trong cuộc đời - ở độ tuổi 16 nông nổi, khiến cho tôi cảm thấy thương cảm.

Phía sau những hành động nông nổi của cậu bé 16 tuổi như việc cậu có ban nhạc, quen một lúc hai người bạn gái, have sex, nổi loạn rồi hoảng sợ khi nhìn những miếng thịt trên ngăn đá, cậu bật khóc khi nhận ra người cha đáng thương của mình đang nằm lạnh lẽo đợi chờ đến ngày tuyết tan rồi mới được chôn cất.

Patrick: You don't want to be my guardian, that's fine with me.

Lee: It's not that. It's just the logistics.

Patrick: All my friends are here. I got two girlfriends and I'm in a band. You're a janitor in Quincy. What the hell do you care where you live?

Với Lee ở lần quay lại Manchester by the Sea, Lee vừa nuối tiếc, đau buồn khi không kịp trò chuyện cùng anh trai lần cuối, vừa sợ hãi muốn bỏ đi thật nhanh khi nhận ra thị trấn bé nhỏ này quá lạnh lẽo bởi thời tiết. Lee thật sự cảm thấy khó xử khi tìm cách ở lại thị trấn này, nhưng có vẻ hàng xóm không mấy thiện cảm với anh, họ luôn cảnh giác và có phần xa lánh anh.

Người ta thường nói, thời gian là liều thuốc tốt để chữa lành tất cả. Câu chuyện Lee gây ra tai nạn đối với người dân ở xứ Manchester by the sea đơn thuần chỉ là một chuyện phiếm bình thường, họ có thể bàn tán rồi bẵng một thời gian không gặp Lee, họ chẳng thể nhớ nỗi chính xác vụ tai nạn ấy ra sao. Chỉ có Lee vẫn mang trong mình một mặc cảm và không bao giờ cho phép bản thân mình tha thứ cho chính mình. Cách Lee trò chuyện với hàng xóm một cách gượng gạo và cách họ nhắc về Lee, về danh từ “huyền thoại ấy”, họ luôn có một khoảnh cách nhất định. Trong Lee là một khoảng trống rỗng và chính anh không biết anh sẽ làm gì với khoảng trống ấy.

Lee Chandler gặp lại Randi ở bối cảnh cô rất hạnh phúc với người chồng sau và có một cậu nhóc xinh xắn. Dẫu cho Randi nói những lời tha thứ nhưng dường như trong Lee đã có một khoảng trống quá lớn và sâu, sâu đến mức, Lee không còn cảm nhận được nỗi đau ấy là gì. Khi anh mang trong mình nỗi đau quá khứ quá lớn, lớn đến mức dập tắt hoàn toàn những mầm mống hạnh phúc. Trong trái tim người đàn ông ấy, những vết thương tinh thần chưa bao giờ lành lặn.

Mạch phim khá chậm nhưng khắc họa được tính đặc trưng của vùng địa lý phía Đông Bắc nước Mỹ, hình ảnh mùa đông ở New England cứ lặng lẽ trôi qua, không quá khắc nghiệt hệt như Lee Chandler lạnh lùng, ơ thờ. Tuy nhiên, phim không chỉ có một màu u ám và bế tắc, tận cùng của sự bế tắc vẫn còn le lói một chút hy vọng cho Patrick và Lee, hệt như câu hát trong bài Anthem của Leonard Cohen.

“There is a crack, a crack in everything. That’s how the light gets in” 

 

Có thể thấy con người nơi đây, hệt như địa lý nơi họ ở. Dẫu vẻ bề ngoài xềnh xoàng, họ cư xử có chút cộc cằn,đôi lúc họ nói những lời lẽ văng tục nhưng cách họ thể hiện tình cảm rất chân thành. Một bộ phim có một màu phim rất buồn, rất đời và thật sự không phù hợp cho những người đang mong đợi sự giải trí thông thường.