Martin Scorsese: Điện ảnh ngày nay quá an toàn, phục vụ chủ nghĩa tiêu thụ tức thời
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Đạo diễn Martin Scorsese vừa đăng tải bức tâm thư nhằm giúp cộng đồng yêu phim hiểu rõ hơn về những nhận định bị bóp méo của ông về dòng phim siêu anh hùng, đặc biệt là Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Cách đây không lâu, một trong số ít đạo diễn bậc thầy hiếm hoi của Hollywood Martin Scorsese đã làm cộng đồng yêu thích điện ảnh chia rẽ với những lời nhận xét của ông về những bộ phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Hôm 4/11, Scorsese đã tự mình viết một bức tâm thư được tờ New York Times đăng tải để giải thích những lời nhận định của ông về MCU. Để đảm bảo tính khách quan của bài viết, người dịch sẽ dịch bài theo ngôi thứ nhất mà Martin Scorsese đã sử dụng trong bài của mình.
Khi tôi (Martin Scorsese) còn ở England vào đầu tháng 10 năm nay, tôi đã trả lời phỏng vấn với tạp chí Empire. Họ hỏi tôi về những bộ phim của Marvel. Tôi nói rằng tôi đã cố xem hết những phim đó và nhận ra rằng chúng không dành cho tôi, rằng chúng có công thức gần với mấy công viên giải trí hay sử dụng hơn là điện ảnh, điều mà tôi yêu thích hầu như gần cả cuộc đời mình, nên cuối cùng, tôi không nghĩ đó là điện ảnh.
Một số cá nhân đã chăm chăm vào phần cuối của câu trả lời trên và coi nó như một lời sỉ nhục, hoặc bằng chứng biểu hiện cho sự thù ghét tôi dành cho Marvel. Nếu ai muốn diễn giải lời nói của tôi theo hướng trên, tôi e là mình không thể làm gì để ngăn họ được.
Nhiều thương hiệu điện ảnh được những cái tên đạo diễn tài năng xây dựng. Bạn có thể thấy bằng chứng ngay trên màn hình. Trên thực tế, khi nói những bộ phim (Marvel) ấy không làm tôi hứng thú, tôi muốn nói đến sở thích và cảm nhận cá nhân của bản thân mình. Tôi biết nếu tôi trẻ hơn bây giờ, nếu tôi trưởng thành ở một giai đoạn khác, tôi đã có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của những bộ phim ấy và, thậm chí, muốn tự làm một bộ phim như vậy. Nhưng tôi đã qua cái tuổi ấy lâu rồi để xem những bộ phim như thế và tôi đã sẵn có một nhận thức về điện ảnh khác xa với thị hiếu của Marvel, như việc Trái Đất khác với chòm sao Alpha Centauri vậy.
Đối với tôi, đối với những nhà làm phim tôi yêu thích và kính trọng, với những người bạn làm phim vào thời điểm tôi cũng bắt đầu dấn thân vào phim ảnh, điện ảnh thời đó nghiêng về sự mặc khải (người dịch: nhận ra điều gì đó) – về mặt thẩm mỹ, về cảm xúc và tinh thần. Điện ảnh khi ấy xoay quanh những nhân vật – gồm sự phức tạp trong nội tâm, sự mâu thuẫn và nghịch lý trong bản tính con người – và cách chúng khiến con người tổn thương hoặc yêu mến lẫn nhau, và rồi cuối cùng dẫn đến sự đối mặt với chính bản thân họ. Điện ảnh còn là đối mặt với những gì xảy ra bất ngờ, về những cuộc đời được nhấn mạnh và diễn giải, và về cảm giác những khả năng có thể diễn ra được truyền tải qua một loại hình nghệ thuật.
Và đó là yếu tố quan trọng với chúng tôi: điện ảnh là một loại hình nghệ thuật. Hồi đó, người ta đã bàn luận về nhận định này, và chúng tôi đã đứng lên vì vị thế bình đẳng của điện ảnh bên cạnh văn học, âm nhạc, và vũ đạo. Và chúng tôi hiểu được nghệ thuật có thể được tìm thấy ở nhiều nơi đa dạng như chính các loại hình nghệ thuật vậy, điển hình như các bộ phim như The Steel Helmet của đạo diễn Sam Fuller, Persona của Ingmar Bergman, It’s Always Fair Weather của Stanley Donen-Gene Kelly, Scorpio Rising của Kenneth Anger, Vivre Sa Vie của Jean-Luc Godard và The Killers của Don Siegel.
Chúng còn hiện diện trong các bộ phim của Alfred Hitchcock, người mà theo tôi đã trở thành người đại diện cho thương hiệu của chính ông, hay có thể nói ông ấy đại diện cho thương hiệu của chúng ta. Mỗi một bộ phim của Hitchcock là một sự kiện đáng nhớ. Đươc ngồi trong một rạp phim kiểu cũ đã chật kìn người để coi Rear Window là một trải nghiệm phi thường. Những sự kiện thế này là sự kiện được tạo ra nhờ vào mối quan hệ giữa khán giả và phim ảnh, và cảm nhận được mối quan hệ ấy là một cảm xúc đầy rung động.
Theo một cách riêng, mỗi một bộ phim của Hitchcock giống như một công viên giải trí theo chủ đề. Vừa viết tôi vừa nghĩ đến Stranger on a Train, bộ phim có đoạn cao trào diễn ra ở một cỗ vòng quay ngựa gỗ tại một công viên giải trí thực thụ, và trải nghiệm được coi Psycho vào suất chiếu mở màn vào nửa đêm. Người ta đến rạp để được ngạc nhiên và phấn khích và họ đã không thất vọng.
60, 70 năm sau, chúng ta vẫn xem lại những thước phim ấy và vẫn chúng vẫn không ngừng làm ta ngạc nhiên. Nhưng liệu những cảm xúc kinh ngạc và phấn khích ấy đã liên tục thôi thúc chúng ta xem đi xem lại các bộ phim đó? Theo tôi thì không. Cách North by Northwest được xây dựng thật khiến người ta sửng sốt, nhưng tất cả chúng chỉ là những bối cảnh, thành phần, và những cảnh quay vô hồn nếu không có những cảm xúc đau đớn đến lay động xuất phát từ câu chuyện trung tâm hoặc sự mất mát mà Cary Grant đã thể hiện xuất thần với nhân vật của mình. Đoạn cao trào của Stranger on a Train là một kỳ công, nhưng chính màn kết hợp giữa các nhân vật chủ chốt và màn thể hiện khơi gợi cảm giác bồn chồn ở chính khán giả mới là điều hằn dấu ấn khó phai đến tận bây giờ.
Nhiều người nhận xét rằng các thước phim của Hitchcock đều nhìn giông giống nhau. Điều này thì đúng, ngay cả Hitchcock cũng trăn trở về điều đó. Nhưng sự giống nhau hiện diện trong các bộ phim thương hiệu ngày nay lại rất khác biệt với giai đoạn của chúng tôi. Những yếu tố làm nên điện ảnh với tôi đều xuất hiện trong các bộ phim Marvel. Yếu tố thiếu vắng chính là sự mặt khải, bí ẩn hoặc sự thách thức cảm xúc. Không có gì mạo hiểm về chúng cả. Các phân cảnh được xây dựng chủ yếu để thỏa mãn một nhu cầu nhất định, và chúng được thiết kế thành nhiều biến thể của một lượng hữu hạn các chủ đề.
Những bộ phim Marvel được gọi là sequel, nhưng trên tinh thần, phim đều là các tác phẩm được tái tạo, và tất cả các bộ phim đều được tự động đón nhận, vì đơn thuần là không còn cách nào khác. Đó chính là bản chất của các thương hiệu điện ảnh hiện đại: nghiên cứu thị trường, lấy khán giả làm thuốc thử, kiểm tra, chỉnh sửa, tái kiểm tra và tái chỉnh sửa cho đến khi thành phẩm sẵn sàng được tung ra thị trường. Nói cách khác, các bộ phim ngày nay khác xa với những bộ phim trước kia. Khi tôi xem những bộ phim của những đạo diễn như Paul Thomas Anderson, Claire Denis, Spike Lee…, tôi biết mình sẽ được coi cái gì đó mới lạ và được trải nghiệm điều gì đó không ngờ hoặc thậm chí không thể diễn tả bằng lời. Qua đó, cách tôi nhận thức về điện ảnh sẽ được mở rộng.
Vậy, chắc bạn đang tự hỏi vấn đề nằm ở đâu. Sao không để phim siêu anh hùng và các thương hiệu điện ảnh khác được yên? Lý do rất đơn giản. Ngày nay, các phim như thương hiệu điện ảnh Marvel đã trở thành lựa chọn hàng đầu với khán giả trong nước và quốc tế. Đây là giai đọan hiểm họa với điện ảnh. Bên cạnh đó, các rạp phim độc lập ngày càng ít đi. Cơ cấu thị trường cũng thay đổi và dịch vụ streaming trở thành kênh phân phối chính. Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn không biết đến nhà làm phim nào không muốn làm một bộ phim màn bạc hay không muốn nhìn dự án của họ được trình chiếu trước khán giả trong rạp.
Tôi là một trong số đó. Tôi nói lên điều này với tư cách là người vừa mới làm một bộ phim cho Netflix. Họ, và chỉ mình họ, đã tạo cơ hội cho tôi được làm một Irishman theo đúng với những cách xưa cũ. Tôi sẽ luôn cảm kích Netflix về điều đó. Chúng ta hiện đang đều đặn dành một khoảng trời cho những phim chiếu rạp, trước khi chúng được thu vào đĩa. Điều này thật tuyệt. Liệu tôi có muốn phim của mình được chiếu ở rạp lâu hơn nữa. Ồ, có chứ. Nhưng dù cho bạn có làm phim với ai đi nữa, thì các rạp chiếu luôn tràn ngập những bộ phim thuộc thương hiệu điện ảnh nào đó.
Và nếu bạn nói với tôi đây là vấn đề giữa cung và cầu, tôi e tôi không thể đồng ý với bạn. Vấn đề ở đây tương tự như câu đố trứng hay gà có trước vậy. Nếu người cấp chỉ cấp mãi một mặt hàng, thì người mua chỉ có thể mua mãi một mặt hàng ấy.
Đến đây, bạn có thể đang tự hỏi tại sao người ta không về nhà coi những thứ khác trên Netflix, iTunes hay Hulu? Được chứ - nơi nào cũng được trừ màn bạc ra, nơi mà các nhà làm phim định trình chiếu dự án của họ.
Trong vòng 20 năm qua, nền công nghiệp phim ảnh đã thay đổi trên mọi khía cạnh. Nhưng sự thay đổi nặc danh lại diễn ra lặng lẽ trong bóng tối: triệt tiêu sự mạo hiểm. Nhiều bộ phim ngày nay là thành phẩm hoàn hảo cho sự tiêu thụ tức thời. Nhiều trong số chúng được các cá nhân tài ba xây dựng nên. Chúng đều giống nhau, thiếu đi điều cần thiết cho nền điện ảnh: tầm nhìn thống nhất của một cá nhân nghệ sĩ. Vì tầm nhìn của một nghệ sĩ riêng lẻ luôn là nhân tố hiểm họa nhất.
Dĩ nhiên, tôi không ngụ ý rằng phim ảnh nên trở thành một môn nghệ thuật được bao cấp. Khi hệ thống studio ở Hollywood còn ở thời kì hoàng kim, mối quan hệ giữa các nghệ sĩ và những người điều hành công ty luôn tồn tại những mâu thuẫn, nhưng đó là sự mâu thuẫn có hiệu quả. Chính sự mâu thuẫn ấy đã thôi thúc sự hình thành những bộ phim kinh điển nhất mọi thời đại. Theo như Bob Dylan nhận định, những bộ phim ấy là “quả cảm và nhìn xa trông rộng.”
Ngày nay, sự mâu thuẫn ấy không còn nữa. Giờ nền công nghiệp tồn tại những cá nhân thờ ơ trước nghệ thuật và có thái độ vừa phủ nhận vừa ham muốn độc quyền đối với lịch sử điện ảnh dưới. Đây là sự kết hợp chết người. Hiện nay, đáng buồn thay, điện ảnh được chia làm 2 lĩnh vực. Một là phim mang tính giải trí chung chung. Bên kia là điện ảnh. Hai lĩnh vực này sẽ có dịp được hòa quyện vào nhau, nhưng những dịp này đang ngày một hiếm hoi hơn. Và tôi sợ rằng sự sinh lời của một lĩnh vực đang bị làm dụng để định hình hoặc thậm chí là làm suy yếu mảng còn lại.
Gửi cho những ai đang nung nấu ý định làm phim hoặc chỉ mới bắt đầu bước vào nghề, tình hình điện ảnh lúc này đang cực kỳ thù địch với nghệ thuật. Chỉ riêng việc tôi viết lên những lời này thôi cũng mang đến cho tôi nỗi buồn vô hạn.