Mẹ Chồng – Sự ngu muội của những người phụ nữ đã giết chết tình yêu của những người đàn ông

Đánh giá phim · SarahTran ·

Mẹ Chồng không chỉ là câu chuyện kể về những người phụ nữ phải chịu đựng các luật lệ hà khắc mà còn là câu chuyện về những người phụ nữ tự tạo bi kịch cho chính họ và những người yêu thương họ.

Kéo xuống để xem tiếp

Lấy bối cảnh ở ngôi làng giả tưởng mang tên Đại Điền vào những năm 50, Mẹ Chồng của Lý Minh Thắng xoay quanh cuộc chiến giữa những người phụ nữ trong gia đình hội đồng Lịnh. Tác phẩm khai thác sự bất hòa giữa mẹ chồng – nàng dâu kéo dài qua nhiều thế hệ, từ mối quan hệ giữa bà Hai Lịnh (Diễm My) với cô Ba Trân (Thanh Hằng), cho đến khi Ba Trân trở thành mẹ chồng và sự bất hòa lại tiếp diễn khi Tuyết Mai (Midu) về làm dâu. Bên cạnh đó, phim còn nói về sự tranh đấu giữa những người vợ để chiếm được tình cảm của người chồng và có được địa vị trong nhà. Nhưng Mẹ Chồng không chỉ đơn giản là câu chuyện kể về những người phụ nữ phải chịu đựng các luật lệ hà khắc, sống với áp lực phải sinh con nối dõi tông đường, mà còn là câu chuyện về những người phụ nữ tự tạo bi kịch cho chính họ, cho thế hệ sau, và đặc biệt là sự ngu muội của những người phụ nữ đó đã giết chết tình yêu của những đàn ông đáng thương dành cho họ.

Tình yêu của Hai Nhứt dành cho Ba Trân

Tuy chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn ngắn đầu phim nhưng mỗi một cảnh phim của Hai Nhứt (Song Luân) đều cho thấy tình yêu của anh dành cho Ba Trân. Từ nụ cười hạnh phúc của anh khi cô mới bước về nhà chồng cho đến gương mặt đau khổ và cắn rứt khi phải làm theo ý mẹ mình, cưới thêm người vợ thứ là Bảy Loan (Ngọc Quyên). Nhưng cho dù phải cùng Bảy Loan làm tròn nhiệm vụ nối dõi tông đường, tình yêu của anh dành cho Ba Trân vẫn không hề thay đổi. Thậm chí khi Ba Trân bị cô lập ở ngôi nhà bên hồ, Hai Nhứt vẫn đến thăm cô và tìm cách mang cô trở về. Nhưng chưa kịp thực hiện ý nguyện này thì Hai Nhứt đã qua đời trong vụ tai nạn ở bến phà. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ thì khán giả sẽ thấy rằng Hai Nhứt qua đời không bao lâu sau khi Ba Trân sử dụng bùa ngải để chiếm được tình cảm của anh, và sự ra đi của Hai Nhứt lại là sự ra đời của Thiện Khiêm (cũng do Song Luân thủ vai) – đứa con mà Bảy Loan hạ sinh. Liệu rằng cái chết của Hai Nhứt chỉ là tai nạn, hay thực chất là do bùa ngải mà Ba Trân sử dụng có tác động đến chuyện này?

Nếu như bà Hai Lịnh không bắt ép Hai Nhứt cưới thêm vợ khác, không thúc giục con trai mình nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ nối dõi tông đường, không dồn Ba Trân vào bước đường cùng để cô phải dùng đến bùa ngải, thì anh có ra đi sớm như vậy không? Suy cho cùng thì từng sự việc do bà Hai Lịnh và cô Ba Trân gây ra đã dần dần dẫn đến cái chết của Hai Nhứt.

Tình yêu của Hai Phước dành cho “vợ đẹp” Tuyết Mai và cho mẹ Ba Trân

Hai Phước (Lâm Vinh Hải) cho dù có ngốc nghếch tới cỡ nào thì anh vẫn tình yêu là gì. Thoạt đầu, khán giả có thể nghĩ tình yêu mà Hai Phước dành cho Tuyết Mai chỉ là thứ tình cảm ngô nghê đơn giản bởi vì Tuyết Mai đẹp hơn vợ Tư Thì (Lan Khuê). Nhưng ở đoạn cuối khi Tuyết Mai bị ép buộc phải uống thuốc phá thai, Hai Phước là người đứng ra bảo vệ và nhận thức rõ được việc mình đang làm. Ở thời điểm đó, anh biết rõ mình không chỉ là con trai của cô Ba Trân, mà còn là chồng của Tuyết Mai và đứa con trong bụng cô. Cảnh phim đó đã cho thấy sự trưởng thành trong cách suy nghĩ của Hai Phước và chứng tỏ tình yêu thật lòng của anh dành cho Tuyết Mai với tư cách là một người đàn ông đối với một người phụ nữ, chứ không phải như một đứa con nít xuyên suốt phim.

Song song với tình yêu nam nữ dành cho Tuyết Mai là tình mẫu tử của Hai Phước và cô Ba Trân. Hai Phước biết đau lòng khi nhìn thấy mẹ khóc. Anh nghe theo lời mẹ không phải chỉ như một đứa trẻ biết vâng lời, mà còn là một người đàn ông không muốn mẹ mình phải rơi nước mắt hay đau khổ. Có lẽ tình yêu của Hai Phước dành cho Tuyết Mai có lớn như thế nào vẫn không thể lớn bằng tình yêu anh dành cho mẹ mình.

Nhưng trớ trêu thay, hai người phụ nữ mà anh yêu nhất trong đời lại là hai người gián tiếp giết chết anh. Hai Phước yêu Tuyết Mai thật lòng nhưng cô chỉ lợi dụng tình yêu đó để có được tiền, địa vị và đối phó với mẹ chồng mình. Còn Ba Trân vì quá ích kỉ, hà khắc và cố chấp nên giằng co để giết Tuyết Mai cho bằng được, nhưng rồi cuối cùng người chết lại là Hai Phước khi anh cố bảo vệ Tuyết Mai. Nếu Ba Trân không quá cố chấp thì có lẽ bi kịch đã không xảy ra.

Tình yêu của Thiện Khiêm dành cho Tuyết Mai và cho mẹ Bảy Loan

Vì tiền bạc và địa vị, Tuyết Mai không chỉ gián tiếp đẩy Hai Phước vào chỗ chết mà ngay từ đầu còn giết chết mối tình giữa cô và Thiện Khiêm. Đáng lẽ ra cô đã có thể lựa chọn bỏ đi cùng Thiện Khiêm làm lại từ đầu, nhưng vì cố chấp và ngu muội, cô vẫn nhất quyết ở lại nhà họ Huỳnh sinh ra đứa con để có được địa vị.

Cũng giống như Hai Phước, tình yêu của Thiện Khiêm dành cho mẹ Bảy Loan thậm chí còn lớn hơn cả tình yêu nam nữ dành cho Tuyết Mai. Nhưng trớ trêu thay, Bảy Loan cũng là người phụ nữ ngu muội như Tuyết Mai. Bà đáng lẽ ra có thể nghe lời con trai để lựa chọn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rốt cuộc vẫn cố chấp sống một cách tủi nhục ở nhà họ Huỳnh, và cuối cùng chọn cách tự tử để giải thoát. Nhưng sự giải thoát của Bảy Loan lại gây ra nỗi đau cho người ở lại. Thiện Khiêm không chết như những người đàn ông khác trong phim, nhưng có lẽ cái kết của anh còn bi thảm hơn gấp nhiều lần khi phải sống với nỗi đau do chính những người phụ nữ trong nhà họ Huỳnh gây ra.

Và cuối cùng là tình yêu đáng thương mà Hai Đìa dành cho Ba Trân

Xuyên suốt bộ phim, thứ khiến người xem khắc khoải nhất chính là ánh mắt của Hai Đìa dành cho Ba Trân. Ba Trân đúng là đã sử dụng bùa ngải để sai khiến Hai Đìa, nhưng tình yêu của anh dành cho cô đã có từ rất lâu, có lẽ là ngay từ cái ngày Ba Trân về làm dâu nhà họ Huỳnh. Có lẽ nếu không có sự can thiệp của bùa ngải thì Hai Đìa vẫn sẽ bất chấp làm tất cả vì người anh yêu. Tình yêu của anh dành cho cô là tình yêu thầm lặng nhưng lớn lao, để rồi thứ anh nhận được là sự ích kỉ và tàn độc của Ba Trân. Khi Ba Trân đến tìm Hai Đìa trước lúc anh bỏ đi, người xem cứ ngỡ rằng tình yêu của anh đã “cảm hóa” được cô, nhưng hóa ra người duy nhất mà Ba Trân yêu nhất trên cõi đời này lại là chính mình.

Suy cho cùng, mọi bi kịch trong Mẹ Chồng đều là do chính những người phụ nữ gây ra. Họ tự tạo ra những luật lệ hà khắc, tự đặt nặng vấn đề nối dõi tông đường, tự áp đặt mình vào những khuôn khổ đó rồi cứ thay nhau tạo ra bi kịch từ thế hệ này cho đến thế hệ khác. Họ không chỉ khiến gia tộc lừng lẫy nhất làng Đại Điền tan nát, mà còn tự tay giết chết đi tình yêu chân thành của những người đàn ông dành cho mình.