Những điều tiếc nuối của Cha cõng con

Tin điện ảnh · Moveek ·

Cha cõng con vừa thừa lại thiếu khiến tôi có đôi lần “mông lung như một trò đùa”

Tôi không phủ nhận Cha cõng con dở khi đặt bộ phim trong bối cảnh nền điện ảnh nước nhà hiện nay, đây là một trường hợp hiếm hoi được nhiều người đánh giá cao về mặt chất lượng. Tuy nhiên, Cha cõng con vừa thừa lại thiếu khiến tôi có đôi lần “mông lung như một trò đùa”.

Ê kíp phim đã bỏ thời gian và công sức quay ở nhiều địa điểm như Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn. Trong phim không hề nhắc đến tên địa danh và vẽ ra một bối cảnh câu chuyện về cha con Cá sống ở một miền quê heo hút, cư dân thưa thớt. Sau biến cố Cá mắc cơn bạo bệnh, cha con họ lại rời bỏ miền quê lên thành phố và kết thúc bằng việc cõng con chạm đến thành phố tương lai, như một chọn lựa duy nhất khi phải đối mặt với nghịch lý của số phận.

Cha cõng con bị rườm rà bởi cách kể chuyện lê thê, khiến tôi có cảm giác đang xem phim truyền hình, cũng vì thế cảm xúc mà tác phẩm muốn đem lại cho khán giả chưa thực sự “chín”. Ví như hình ảnh chú mù. Trong trailer và poster, khán giả dễ hiểu nhầm chú mù là nhân vật chính, thực tế chú mù chỉ đến và đi hệt như một cơn gió. Việc chú mù xuất hiện trong cơn lũ đã vẽ cho những đứa trẻ nông thôn về giấc mơ thành thị rồi chú lặng lẽ đi mất khi lũ rút đi. Hình ảnh chú gắn liền với chiếc xe đạp khiến tôi tự hỏi: chú sẽ sử dụng chiếc xe đạp này như thế nào?

Hay hình ảnh cô gái trong làng xuất hiện, cậu bé Cá khi hỏi cha mình: cô ấy sẽ là mẹ con hả bố? Con muốn có mẹ. Nhưng rồi cơn bạo bệnh đến, cha con Cá vội vã lên thành phố, bỏ lại tình làng nghĩa xóm. Cô gái trẻ bị họ lãng quên đến tận cuối phim. Tôi tự hỏi rằng, đâu là giấc mơ thuần khiết của một đứa trẻ miền quê? Phải chăng là một cuộc sống gia đình trở nên tươm tất hơn khi có một người phụ nữ có thể tắm rửa, ngày ngày có bát cơm nóng để ăn hay là cơ hội được lên thành phố để kiểm chứng việc chú mù kể là thật?

Tôi cứ tiếc mãi về hình ảnh hai ông cháu sống chật vật hai năm trong bệnh viện. Việc ông lão bị phát hiện đang trộm con gà con nấu cháo trong sự túng quẫn, giá mà đạo diễn Lương Đình Dũng có thể thêm tình tiết ông lão cầm tô cháo lên phòng nhìn thấy cảnh cháu ông đang nằm trên băng ca được đẩy khỏi phòng bệnh. Khán giả sẽ thấy rõ hơn ranh giới giữa sự sống và cái chết và cũng như sự tuyệt vọng khi mọi sự cố gắng của ông trở nên vô nghĩa.

Về hình ảnh chú gà con xuyên suốt mạch phim là một dấu chấm hỏi. Có thể thấy, chú gà có sức sống mãnh liệt, là người bạn đồng hành cùng cha con Cá từ miền núi xuống miền xuôi, vào bệnh viện, chú đã trốn thoát khỏi tay ông lão một cách phi thường nào đó, chú gà lại tiếp tục đồng hành cùng Cá lên tận nơi cao nhất của tòa nhà tương lai, thấy được tổ của các chú chim sắt.

Xét tổng thể, Cha cõng con là một bộ phim tương đối chỉn chu và tử tế của đạo diễn Lương Đình Dũng. Với tôi bộ phim hệt như một đĩa cơm sườn thơm ngon, đang ăn lại nhai phải sạn đôi lần, bỗng dưng cảm thấy cảm xúc không còn vẹn tròn để rồi phải thốt lên rằng: tiếc quá, giá mà…