[PHÂN TÍCH] Cảnh nóng - Ranh giới giữa nghệ thuật cảm xúc và phản cảm lố lăng

Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·

Bao nhiêu là đủ cho những phân cảnh giới hạn người xem? Cảnh nóng - Con dao hai lưỡi mà các nhà làm phim luôn sợ đứt tay.

Trong thời buổi mà phim ảnh gần như đã phủ sóng toàn bộ mọi khía cạnh trong đời sống tinh thần, “cảnh nóng” trên phim luôn là một đề tài gây tranh cãi rất lớn dù chỉ vài giây thoáng qua. Đứng giữa ranh giới dùng cảnh nóng để bày tỏ cảm xúc và sự chi phối lố lăng là vô cùng mong manh, đòi hỏi các nhà làm phim phải vô cùng tỉnh táo để có thể giải quyết được bài toán khó: nghệ thuật hay mánh khóe rẻ tiền. Thực chất “cảnh nóng” trên phim vốn dĩ là điều hết sức bình thường, không thiếu những bộ phim nổi tiếng với doanh thu cao và đoạt giải Oscar cũng có cảnh nóng. Vậy, bao nhiêu là đủ cho những phân cảnh giới hạn người xem này xuất hiện trong một bộ phim? Con dao hai lưỡi này "bén" đến cỡ nào? Cùng Moveek phân tích trong bài nhận định này nhé.

Một câu hỏi luôn được đặt ra với số đông những người “khó tính” khi nhìn nhận về khía cạnh này: Tại sao lại phải có cảnh nóng trong phim? Câu trả lời vốn dĩ vô cùng đơn giản, hầu hết những bộ phim trên thế giới đều khai thác chủ đề về tình yêu, thứ tình cảm tuyệt vời nhất trên cuộc đời, mà trong tình yêu thì tình dục luôn đóng một vai trò cực kì quan trọng, tuy không phải quyết định hết mọi chuyện nhưng thực chất cũng không thể thiếu. Song, điện ảnh lại là tấm gương phản chiếu hiện thực của sống một cách chân thực nhất, nó có tác động rộng khắp, sức phổ biến nhanh, mạnh và sâu rộng nhất trong xã hội. Chính vì thế, để khai thác được triệt để những cảm xúc của nhân vật trong phim, cảnh nóng được đưa vào để xúc tiến và truyền tải điều ấy một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất đến khán giả.

Không thể phủ nhận, nếu cảnh nóng được đưa vào và khai thác một cách đúng mực, hiệu quả trong phim thì hiệu ứng mà nó mang lại là vô cùng lớn, tích cực, giúp khán giả có thể hiểu hơn, cảm nhận được rõ hơn những tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhân vật trong tác phẩm. Một ví dụ điển hình về việc khai thác cảnh nóng đúng mực và đạt được hiệu quả, huyền thoại Titanic nức tiếng một thời. Trong Titanic có hai cảnh nóng “chuẩn mực” tiêu biểu, cảnh nóng đầu tiên trong phim là cảnh nhân vật Jack vẽ Rose và nhân vật Rose nằm trên ghế dài, khỏa thân hoàn toàn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, Rose chỉ xuất hiện trên màn ảnh với thời lượng cực ngắn, vô cùng ngắn nhưng nó lại chính là chi tiết quan trọng cho toàn bộ tuyến truyện bởi vì khi đó, Rose đang đeo sợi dây chuyền có viên kim cương xanh mà sau này, nhóm người thám hiểm xác con tàu đã tìm thấy.

Nàng Rose của Jack dù trần như nhộng vẫn không hề thái quá (nguồn ảnh: Internet)
Nàng Rose của Jack dù trần như nhộng vẫn không hề thái quá (nguồn ảnh: Internet)

Cũng chính từ đây, người ta mới tìm được Rose lúc về già và chính bà đã kể lại toàn bộ thiên tình sử của mình trên con tàu định mệnh năm ấy. Cảnh nóng thứ hai cũng là cảnh nóng cuối cùng trong phim là cảnh Jack và Rose ân ái nhau trong chiếc xe cổ ở kho hàng tầng hầm con tàu. Chi tiết này thể hiện sự hòa hợp thực sự giữa hai con người về cả thể xác lẫn tinh thần, họ thực sự yêu nhau, họ thuộc về nhau, họ là của nhau cho dù ở hai tầng lớp khác trong xã hội. Đến cuối cùng, khi con tàu đâm vào núi băng trôi, họ vẫn quấn lấy nhau, không chia lìa, mặt kệ cái chết đang cận kề trước mắt.

Trên màn ảnh Việt cũng thế, chỉ khi khai thác đúng, cần và đủ, cảnh nóng sẽ không bao giờ là dư thừa trong việc bộc bộ tối đa cảm xúc và tâm lý nhân vật. Bộ phim Cánh Đồng Bất Tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là một trong số đó, khi mới ra rạp tác phẩm cũng gây xôn xao dư luận về những cảnh nóng quá sức táo bạo. Nhiều khán giả và nhà phê bình phim nhận xét, cảnh nóng trong phim đã được xử lý khá tinh tế qua góc quay và ánh sáng nghệ thuật, truyền tải được “sức nóng” cần lan tỏa nhưng không gây phản cảm.

Một cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư (nguồn ảnh: Internet)
Một cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư (nguồn ảnh: Internet)

Tuy nhiên, nếu phim Việt nào cũng đều khai thác được tối ưu mặt tích cực của “sex” như vậy thì chẳng còn gì để phải bàn cãi. Thực chất đánh giá, có rất ít phim Việt làm được điều tương tự. Ngoại trừ một vài cái tên như như Mùa Len Trâu, Sống Trong Sợ Hãi, Đảo Của Dân Ngụ Cư…Vấn đề khai thác cảnh nóng trong phim đang gặp phải khá nhiều những bất cập vì tính phản cảm của nó.

Bộ phim Kiều vừa mới ra mắt đã hứng phải một rổ gạch đá khi làm nhiều trò lố lăng, phản cảm, lợi dụng "sex" câu kéo khiến khán giả cảm thấy "nóng mắt" với sự "phèn" không một chút ý nghĩa. Hay bộ phim Vợ Ba cũng vấp phải nhiều lùm xùm xung quanh cảnh nóng của diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My khi mới chỉ 13 tuổi là những í dụ điển hình cho sự sai lệch trong tư tưởng đưa “sex” lên màn ảnh để chèo kéo phòng vé. Từ chính những “ý tưởng rác” này mà nhiều lúc khán giả Việt cảm thấy ngán ngẫm, mơ hồ và mệt mỏi với sự “nhồi nhét” không cần thiết của những cảnh xôi thịt thừa thải này.

Sự phản cảm bắt đầu khi sex bị nhồi nhét thiếu tinh tế mà không mang được ý nghĩa (nguồn ảnh: Internet)
Sự phản cảm bắt đầu khi sex bị nhồi nhét thiếu tinh tế mà không mang được ý nghĩa (nguồn ảnh: Internet)

Nhìn chung, cảnh nóng xét cho cùng cũng chỉ đơn thuần là thứ "gia vị" giúp tăng hương vị cho cảm xúc trong phim, là điều thuộc về cảm xúc của con người nên rất đỗi bình thường. Thế nhưng, cần phải cân nhắc, khai thác một cách vừa phải, có ý nghĩa và tính xúc tiến cho mạch diễn biến câu chuyện về sau. Cảnh nóng trong phim bao nhiêu là đủ? Thực chất không có một câu trả lời nào xác đáng nhất cho câu hỏi này, tùy vào cảm nhận của nhà làm phim, của người thưởng thức tác phẩm để nhận định trong khuôn khổ từng tác phẩm.

Song, khi cảnh nóng có ý nghĩa và được phơi bày dưới góc nhìn nghệ thuật, nó tự nhiên sẽ làm người xem ảm thấy dễ chịu và hài lòng. Ngược lại, sẽ chẳng ai dại bỏ tiền ra rạp chỉ để xem những cảnh nóng nửa vời, không nhằm mục đích gì, một thứ "sex" mà bất cứ đâu trên Internet cũng có thể tìm thấy.