[PHÂN TÍCH] Góc nhìn và quan điểm của người xem đối với phim Việt

Tin điện ảnh · PhanNguyenSangSang ·

Vì sao phim Việt luôn là dòng phim “drama” bậc nhất khi xuất trận tại rạp?

Có một câu hỏi luôn làm các nhà làm phim lẫn khán giả rất băn khoăn: Có phải khán giả Việt đã quá chán phim Việt? Có phải khán giả đã quay lưng với phim của nước nhà? Thực ra, phải hiểu một điều mà đó vốn dĩ là lẽ đương nhiên, rằng chúng ta sẽ thường rất trông chờ và có những đánh giá có phần khắt khe hơn cho phim Việt so với phim nhập khẩu. Tuy nhiên, không vì thế mà người xem “ngang ngược” chê bai những bộ phim do các nhà sản xuất trong nước làm ra, hãy nhìn nhận và đánh giá ở đa phương diện, từ cả phía người xem lẫn nhà sản xuất, có phải một phần cũng do sự hời hợt từ chính khâu sản xuất phim? Hãy cùng tìm hiểu một vài góc nhìn của khán giả từ tích cực đến tiêu cực đối với phim Việt hiện nay nói chung nhé!

Thực ra, khán giả Việt không quay lưng với phim Việt, điều này có thể được khẳng định khá chắc chắn ngay từ chính những lần quay trở lại của các phim như Gái Già Lắm Chiêu, Bố Già… Một bộ phận lớn khán giả có góc nhìn công tâm và khách quan thường sẽ không có khái niệm chì chiết, rời bỏ phim Việt, học chỉ quay lưng với những phim dở và đầu tư qua loa, hời hợt mà thôi. Tuy nhiên, khán giả Việt chúng ta thường có quan niệm khá “hùa” nhau tạo thành một làn sóng hưởng ứng hoặc phản đối theo đợt rất có sức “lan tỏa”. Lấy một ví dụ cụ thể và đã tạo thành những luồng ý kiến tranh cãi vô cùng lớn Bố Già. Khi phim vừa ra rạp, những ý kiến tích cực từ đánh giá của khách mời công chiếu và khán giả đã tạo thành một khối toàn thể, kích thích sự tò mò và mong chờ từ phía khán giả. Chính vì thế, ngay khi vừa ra rạp những ngày đầu tiên, doanh số từ phòng vé của Bố Già chính thức phá hàng loạt những kỉ lục một cách vô cùng dễ dàng.

Các đánh giá về phim cũng vô cùng tích cực, hàng loạt những lời khen có cánh về câu chuyện phim kể, cảm xúc nhân vật mang lại trong phim… Đã làm cho chính các nhà làm phim tự tin có phần “thái quá” về tác phẩm lần này mà mang hẳn đi tranh đề cử ở giải thưởng lớn nhất hành tinh về điện ảnh. Và sau đó khi bộ phim nhận về các đánh giá thấp từ phía những người có chuyên môn cao, hưởng hẳn “một rổ” và chua thối từ trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes, hàng loạt khán giả lại quay lưng, thậm chí là chê bai và tẩy chay phim. Vậy, lỗi này là nằm ở phía nhà làm phim còn quá non nớt trong việc xây dựng một tác phẩm chuẩn chỉnh hay do khán giả nước nhà đã quá “a dua” và thiếu nhất quán trong lập trường?

Không khác là mấy so với Bố Già, “couple đại náo” Em Và Trịnh cùng Trịnh Công Sơn vừa với ra rạp trong thời gian gần đây cũng đã nhận về hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau trong vòng chưa tròn một tháng, “tiến trình phản ứng” cũng “y chang” Bố Già. Từ khi cụm từ “trap boy” bị gắn mác mặc định cho hình tượng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim, sự tò mò từ phía người hâm mộ đến rạp không còn “’thuần khiết” như lúc đầu. Đa phần họ đến với phim vì sự tò mò, sự cười cợt và để “kiểm chứng khẳng định”.

Quá nhiều sự đối lập trong rạp phim cho từng khoảng thời gian, từ sự nán lại tung hô bằng những tràng pháo tay dài tận vài phút cho đến những ngày khán giả “vỗ đùi” cười cợt, thậm chí phát ngôn những lời nói vô cùng khiếm nhã, đùa giỡn “vô duyên” dành cho bộ phim nói chung và hình tượng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói riêng. Khán giả có đang thực sự mang những quan điểm khách quan và xuất phát từ đánh giá cá nhân hay không? Hay “3 phần chính mình, 7 phần tự phát theo số đông?”

VOV
VOV

Thực sự mà nói, chinh phục khán giả Việt không khó, giữ được sự chinh phục đó đến những phút cuối trước khi rời khỏi rạp từ khán giả mới khó. Một bộ phim hay đối với khán giả Việt nếu không phải quá xuất sắc, tròn chỉnh về mọi phương diện như Parasite của Hàn Quốc khi thu về doanh số khủng với hơn $204,58 triệu cùng loạt giải thưởng đẳng cấp khác, hay chưa thể xuất sắc về một phương diện nhất định như Tình Người Duyên Ma ở Thái Lan dù công chiếu bao nhiêu phần đều cháy rạp bấy nhiêu. Thì đối với khán giả Việt, phim hay đơn giản chỉ cần là một bộ phim vừa đủ, vừa thỏa mãn, đừng quá tham lam mà khai thác quá nhiều song chẳng đâu vào đâu. Và gần đây, còn một chi tiết khá mới mà thông qua các bộ phim trong thời gian vừa qua mình đã rút ra được chính là sự tiếp cận bền vững từ khán giả xuyên suốt quá trình phim “On Air”. Đảm bảo được hai yếu tố quan trọng trên, phim có thể cơ bản “an toàn” trên đường bay.

Đánh giá khách quan, khán giả Việt không sai khi có phần hà khắc với phim trong nước để phim Việt ngày càng phát triển, song cũng chính vì sự thiếu chính kiến trong nhận định, thiếu lập trường khách quan trong đánh giá đã dẫn phim Việt nói chung và các nhà làm phim Việt nói riêng đi vào “lối mòn”. Không phủ nhận phim trong nước đã và đang từng bước ngày càng phát triển nhưng cần phải có những sự chuyển biến mạnh mẽ hơn cả về phía nhà sản xuất lẫn khán giả để vực dậy một thị trường phim Việt Nam đang bão hòa như hiện nay.