[PHÂN TÍCH] Phim remake - Hướng sáng tạo đột phá hay tấm màn che giấu hiện trạng cạn kiệt ý tưởng?
Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·
Remake phim Việt – Những vấn đề “khó xoay” của nhà làm phim.
Remake phim hiện đang là trào lưu vô cùng thịnh hành nếu không muốn nói như một xu hướng đột biến của nền điện ảnh Việt trong suốt cả thập kỷ qua. Không thể phủ nhận sức hút cũng như hiệu ứng đến từ dòng phim remake (phim Việt hóa) với khán giả là vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc mãi chạy theo trào lưu này, liệu điện ảnh nước ta còn có thể dựa vào nguyên bản điện ảnh Việt Nam "thuần túy" để đạt được thành công lớn như các phim remake hay không? Hay phim Việt muốn thành công và tạo được tiếng vang thì phải là cái bóng của điện ảnh nước ngoài? Cùng Moveek lí giải nhé!
Trước tiên, phải kể đế những mặt lợi và cái hay của việc làm lại, mua lại kịch bản phim nước ngoài để Việt hóa. Chưa nói đến câu chuyện những bộ phim remake từ tác phẩm gốc kinh điển sẽ mang về nguồn doanh thu khủng cho nhà làm phim, chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận được, dòng phim remake khi khai thác kịch bản phim nổi tiếng nước ngoài sẽ luôn gây được sự tò mò, háo hức mà mong chờ hơn rất nhiều lần cho khán giả. Đơn giản, vì đó là bộ phim yêu thích của họ ở một phiên bản nào đó, nên khán giả hiếu kỳ muốn biết được ở bản Việt Nam, ai sẽ là người thủ vai nhân vật yêu thích đó của mình? Kịch bản có chỗ nào sửa đổi hay không? Liệu sẽ có gì mới lạ trong bản remake Việt Nam? Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến khán giả tò mò, chờ đón ra rạp xem phim.
Thứ hai, phải công nhận một điều rằng những kịch bản phim được remake đều là những kịch bản rất tốt, có chất lượng và chiều sâu cốt truyện rất xoáy. Kịch bản phim càng được đón chờ, săn đón là kịch bản càng hay, những vấn đề đặt ra trong các phim remake lại ở nhiều phiên bản thường thường mang tính quốc tế, đa quốc gia, xoay quanh những thứ gây nhức nhói, ám ảnh trong tâm lý người xem hoặc khía cạnh then chốt của xã hội. Vậy nên nếu nắm bắt được điểm sáng cũng như đột phá được trong cách sáng tạo, đạo diễn sẽ có được một mảnh đất vô cùng màu mỡ, nhiều tài nguyên có thể khai thác và sinh lời từ đó.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa cho thấy dòng phim remake có những điểm mạnh nhất định đó là việc dễ thu hút kinh phí đầu tư từ các nhà tài trợ hơn. Sự an toàn là điều các nhà đầu tư nhìn nhận đầu tiên, do vậy giữa việc chọn một phim đã thành công ở bản gốc, giờ được điện ảnh trong nước làm lại, phim đã có sẵn một lượng fan nhất định từ trước… Rõ ràng trên phương diện nhà đầu tư, việc đổ vốn vào một dự án phim remake sẽ chắc chắn hơn. Trong khi đó, nếu đầu tư vào một kịch bản Việt mới toanh, dù cho kịch bản có hay đến đâu, vẫn có những rủi ro tiềm tàng nhất định mà cơ bản nhất là khởi đi từ thị hiếu của khán giả. Thế nên các nhà đầu tư sẽ thấy lo lắng hơn vì không biết được phim ra rạp sẽ thắng bại ra sao.
Mặc dù vậy, làm phim remake đâu phải sẽ "dễ nuốt" như những gì đã phân tích ở trên? Số lượng phim Việt remake thất bại cũng nhiều không kém số lượng phim thành công. Để Việt hóa phim thành công, đạo diễn phải có một cái đầu đủ tỉnh táo, sáng suốt để làm sao có sự đổi mới từ các tình tiết, câu chuyện, bối cảnh so với bản gốc cho phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, tâm lý tiếp nhận của khán giả Việt mà vẫn giữ được cái hay, những điểm sáng độc đáo từ nguyên bản. Làm phim remake dù muốn hay không thì hai từ “so sánh” vẫn luôn treo trước mắt các nhà làm phim, đó cũng là tâm lý chung của bất cứ ai nếu cùng thưởng thức một nội dung, một ý tưởng nhưng được tái hiện nhiều lần ở nhiều phiên bản khác nhau. Cũng vì lẽ đó, dường như vì quá ngại sự so sánh, gây ảnh hưởng đến doanh thu nên một số phim remake chỉ dừng lại ở mức độ an toàn và không có nhiều sự đột phá.
Tháng Năm Rực Rỡ tuy thành công lớn về doanh thu nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã dựa nhiều vào những cái có sẵn, không có quá nhiều sự sáng tạo trong nội dung ý tưởng. Hay ngay cả Tiệc Trăng Máu cũng vậy, mặt dù tạo được hiệu ứng và doanh thu cao, song cốt truyện và motif trong tá phẩm hầu như không có quá nhiều thay đổi so với nguyên bản, cho thấy thành công của tác phẩm phần nhiều nằm ở "nền ngọt" có sẵn.
Tiếp đến là vấn đề về diễn viên. Không thể phủ nhận điện ảnh Việt Nam có những cái tên rất sáng giá, song cái bóng của những tên tuổi ở bản gốc là quá lớn, khiến diễn viên mang một áp lực vô cùng nặng nề. Sự chú ý của khán giả cũng dường như bị chi phối phần nhiều ở mảng diễn viên khi đón chờ một tựa phim quen thuộc được Việt hóa lại. Từ bản truyền hình cho đến điện ảnh, hầu hết các phim remake Việt đều không đáp ứng được nhu cầu của khán giả về mặt diễn viên.
Điển hình như bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời khi vừa có thông tin sẽ được remake đã khiến khán giả vô cùng đón chờ, nhưng sự non trẻ, lối diễn xuất chưa thực sự truyền tải được cảm xúc cùng bối cảnh có nhiều điểm bất hợp lý đã làm cho phim không đạt được thành công như mong đợi. Đứng trước những thách thức về mặt bị so sánh, các đạo diễn phải thật sự cân nhắc, “đo ni đóng giày” kỹ càng cho từng vai diễn để có thể làm lại một tác phẩm thành công và cân tầm nhất có thể so với bản gốc.
Cuối cùng, điều mà ngay từ đầu Moveek đã đề cập với các bạn: Phim remake Việt sẽ là hướng sáng tạo mới cho các nhà làm phim, hay thực sự chỉ là bức màn che giấu cho sự cạn kiệt trong ý tưởng? Phim remake thực sự không phải là xu hướng như người ta đang nghĩ, mà nó giống như một sự ứng phó trong điều kiện điện ảnh đang thiếu kịch bản hay. Dòng phim này ngày càng được chuộng đối với các nhà làm phim như một minh chứng cho sự bù đắp cần thiết của một thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh, song nguồn nhân lực, tài nguyên trong ý tưởng không thể đáp ứng kịp. Khách quan mà nói “thù lao” cho biên kịch Việt hiện tại có khi chưa chiếm được 1% trong tổng doanh thu cả một bộ phim, đây có khi cũng là yếu tố chính dẫn đến việc “chảy máu chất xám” ở những khối óc “phù thủy” của biên kịch Việt. Rõ ràng, có nhiều phim hơn để phục vụ cho thị hiếu và nhu cầu của khán giả là điều vô cùng hợp lý, phim remake cũng góp phàn rất lớn cho thị trường phim Việt trở nên sôi động hơn, nhất là sau thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Thế nhưng liệu rằng nếu một nền điện ảnh chỉ chủ yếu làm lại các phim có kịch bản từ các quốc gia khác thì điện ảnh nước ta sẽ có cái gì độc đáo, riêng biệt để chạm đến thị hiếu? Những vấn đề, những câu chuyện liên quan đến văn hóa, đời sống của đất nước mình liệu còn có dịp được xuất hiện trên màn ảnh hay không?
Phim remake có thể thỏa mãn được yếu tố giải trí nhất thời cho công chúng cũng như là khoảng không để các nhà biên kịch có thể nghỉ ngơi. Tuy nhiên, xét về mặt giá trị hiện thực ở mức độ lâu dài, đặc biệt ảnh hưởng cho nền điện ảnh của một quốc gia, những đóng góp của phim remake chỉ nên dừng lại ở một chừng mực nhất định.
Một nền điện ảnh phát triển đúng nghĩa là khi có sự dung hòa, tiếp thu những tinh hoa của nền điện ảnh lớn trên thế giới, làm giàu cho văn hóa đất nước, chứ không thể chỉ vì thiếu phim mà hoàn toàn sao chép, vay mượn, mua lại từ nước bạn. Remake phim là một lối đi khả thi, song không phải và không thể là duy nhất. Hãy viết lên những bộ phim thật hay mà câu chuyện của nó được xuất phát từ chính vấn đề, văn hóa, con người Việt Nam. “Người Việt xem phim Việt”.