Ngưng ảo tưởng nhờ Hậu Duệ Mặt Trời đích thực!
Tin điện ảnh · tranbaoduy ·
Cùng với làn sóng văn hóa Nhật, Hàn đổ bộ vào Việt Nam, đã có một sự hâm mộ không hề nhẹ và sự hiểu nhầm về cuộc sống ở hai quốc gia “Thiên đường” này. Các bạn trẻ lầm tưởng rằng cuộc sống của người Nhật chỉ có hoa anh đào và nhạc pop xập xình, hay thậm chí cuộc sống quân nhân của Hàn Quốc bóng lộn như giày của chàng Đại Úy trong Hậu Duệ Mặt Trời.
Trước đây Moveek đã có bài về Misaeng, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc thể hiện đời sống viên chức xứ Hàn rất chân thật. Nay xin được gửi đển các bạn bộ phim Haken no Hinkaku (tạm dịch: Phẩm cách Haken, sản xuất năm 2007) từ xứ sở của Hậu Duệ Mặt Trời đích thực, mà người ta còn gọi là Nhật Bản. Chúc các bạn xem film vui và ngừng ảo tưởng.
“Haken” là gì? Phẩm cách “Haken” lại là gì?
Trước thời kì đại khủng hoảng ở thập niên 90, các công ti Nhật sử dụng chính sách tuyển dụng trọn đời và thăng chức theo năm. Do đó mà các nhân viên thường cố gắng để được vào công ti và cống hiến cho công ti như một gia đình đích thực. Quan hệ Cấp trên - Cấp dưới cũng rất nghiêm khắc. Đổi lại, công ti phải chu cấp và đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho nhân viên.
Tuy nhiên đại khủng hoảng xảy ra, hàng loạt công ti phá sản. Những công ti còn thoi thóp thì phải tái cơ cấu, sa thải bớt nhân viên. Những nhân viên bị đuổi việc, những bạn học sinh sinh viên mới ra trường thì khó tìm được công việc trọn đời hơn.
Thế là “haken” ra đời. Họ là những nhân viên tạm thời cho các công ti cần người nhưng không thể mướn người trọn đời. Một haken là nhân viên của một công ti haken, sau đó công ti haken sẽ tìm công ti cần tuyển haken và giới thiệu. Lương của haken thường là rẻ hơn, không được đãi ngộ nhiều như nhân viên chính thức và bị phân biệt đối xử, hợp đồng của họ cũng chỉ khoảng 3 tháng.
Trong bối cảnh đó, nhân vật Ohmae Haruko (do Shinohara Ryoko đóng) xuất hiện. Cô ta mang biệt danh “Siêu Haken” bước vào bộ phận Marketing của công ti thực phẩm S&F cùng với cô bé Mori Miyuki (Kato Ai đóng), một haken “gà mờ”. Cả hai đã cùng nhau trải qua 3 tháng cực kì đáng nhớ trong bộ phận này. Qua đó người ta hiểu thêm về cái gọi là “phẩm cách haken” đã giúp Ohmae ngẩng cao đầu.
Họ đã gặp Trưởng bộ phận Marketing, Satonaka Kensuke (do Koizumi Kotaro đóng) hiền lành và nhiệt huyết, anh chàng Shouji Takeshi (Oizumi Yo đóng) lắm mồm và khó tính và cùng các nhân viên khác, trải qua mọi khó khăn.
Bộ phim chỉ có 10 tập, nhưng người xem có thể thấy những bức tường ngăn cách trong giới viên chức Nhật: một Ohmae cực kì tài giỏi, nhưng chỉ vì là Haken mà bị phân biệt đối xử. Hay sự trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong hệ thống tuyển mộ. Có thể nói, cuộc sống ở xứ sở hoa anh đào không hoàn toàn là thiên đường khi có quá nhiều áp lực. Thế nhưng xuyên suốt những tình huống “dở khóc dở cười” trong phim, người ta thêm cảm phục cái khí chất bất khuất, kiên trì của người Nhật.
Bởi vì dẫu cho có bị coi thường, Ohmae không bao giờ bỏ cuộc khi được giao nhiệm vụ (dù thật ra rất ít thứ trên đời này có thể làm khó được cô ta). Cái ý chí đó lan qua cả cô bé Mori vốn định bỏ việc tìm việc mới vì quan niệm “Haken mà, làm đâu chả được”. Ohmae không lên gân, không giáo điều như những bộ phim khác. Cô ta chỉ nói “Cái cách mà cô làm việc là cái cách mà cô sống”, một câu nói đã thức tỉnh những ai muốn tìm “việc nhẹ lương cao” hay “làm tàng tàng sống tàng tàng”.
Vì là film hài nên một số tình tiết trong film được làm quá lên. Nhưng những đoạn trầm khi kể về quá khứ của Ohmae, khi kể về sự đấu tranh trong nội tâm của các nhân vật lại rất thực và cảm động. Diễn xuất của các nhân vật phục vụ tốt cho ý đồ của câu chuyện, tạo cảm giác gần gũi dù cho khán giả là người của nước khác.
Có thể nói, “Haken no hinkaku” là bộ phim mà bạn chỉ tốn 1 ngày là xem xong. Nhưng nó sẽ đọng lại trong đầu bạn mỗi khi bạn đứng trước ngã rẽ cuộc đời: lựa chọn sự êm ái hay sự phấn đấu?
Nhân tiện thì, người Hàn đã kịp thời làm một bản remake của Haken no hinkaku với cái tên God of the Workplace (2013) do Kim Hye Soo đóng. Có vẻ như sau giai đoạn bị Nhật Bản đô hộ từ 1910 đến 1945 đến nỗi bị bắt đặt tên bằng tiếng Nhật, người Hàn vẫn còn chưa bỏ thói quen remake lại đồ của Nhật dẫu cho văn hóa điện ảnh của họ đã rất mạnh.