Phim Tết 2016: Khi mì ăn liền hết 'ngon'?

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Nhân dịp xuân về, Moveek xin điểm lại một chặng đường dài của điện ảnh Việt qua sản phẩm lâu đời : phim “mì ăn liền”.

Vào thập niên 90, khi nền điện ảnh còn chưa đa dạng như hiện nay, thì những cuộn băng video với những tiểu phẩm hài dễ cười dễ quên (hay còn gọi là hài “mì ăn liền”) đã từng rất được ưa chuộng. Công thức đó đã được áp dụng vào phim Việt một thời gian dài với những bộ phim thành công về doanh thu nhưng không đọng lại gì nhiều. Tiêu biểu như “Khi đàn ông có bầu”, “Hello cô Ba”, “Công chúa teen và Ngũ Hổ Tướng” v.v…

Và giờ đây, công thức đó liệu có còn tác dụng?

Công thức “vạn người mê”

Sau thời kì mở cửa, kinh tế Việt Nam cũng như văn hóa thưởng thức điện ảnh tăng trưởng từng ngày. Tuy vậy, giai đoạn đầu của những năm 2000-2010, phim ảnh Việt Nam vẫn loanh quanh trong mùa phim Tết. Và với quan niệm “Tết mà, căng thẳng làm gì”, của người dân, các nhà làm phim trong nước bấy giờ như Phước Sang ở miền Nam và những hãng phim nhỏ miền Bắc chọn chủ đề hài để đảm bảo “vui cả làng”: nhà sản xuất có doanh thu, khán giả có niềm vui Tết.

Và với thị trường ít cạnh tranh lúc đó, những bộ phim “mì ăn liền” đã ra đời với công thức : hài, nội dung đơn giản đến không thể đơn giản hơn, kỹ xảo vui mắt và dàn sao từ sân khấu hài chuyển qua. Từ “Khi đàn ông có bầu” năm 2005,  đến “Võ lâm truyền kỳ” năm 2006, rồi đến “Hello cô Ba” v.v. là những ví dụ cho thành công của dòng phim này.

Bàn tiệc bị chia ra

Nhưng may thay cho khán giả Việt, thị trường điện ảnh mở rộng đã thu hút nhiều nhà làm phim khác tham gia. Các nhà sản xuất Việt kiều như Johnny Trí Nguyễn đem về hương vị hành động của Hollywood với “Dòng máu anh hùng” năm  2007, hay Victor Vũ khai thác khía cạnh tâm lý trong “Giao lộ định mệnh” năm 2010. Những nhà sản xuất này đã cho thấy điện ảnh Việt không chỉ có mùa phim Tết với thể loại hài “mì ăn liền”.

Nhu cầu khiến tạo ra nguồn cung. Nhưng đôi khi, nguồn cung chính là cách định hướng nhu cầu tốt nhất.

Nhìn vào số liệu các bộ phim qua một số năm như sau:

Năm 2012

  • Hello cô ba: 28 tỷ đồng
  • Thiên mệnh anh hùng: 16.4 tỷ
  • Lời nguyền huyết ngãi: 16.2 tỷ
  • Lệ phí tình yêu: 10.45 tỷ đồng
  • Vũ điệu đường cong: 2.77 tỷ đồng
  • Cưới ngay kẻo lở: 34 tỷ đồng
  • Ngôi nhà trong hẻm: 2.4 tỷ đồng
  • Mùi cỏ cháy: 5.2  tỷ đồng
  • Nàng men chàng bóng: 10 tỷ đồng

Năm 2013

  • Tèo em: 84 tỷ đồng
  • Nhà có 5 nàng tiên: 60 tỷ đồng
  • Mỹ nhân kế : 52 tỷ đồng
  • Bay vào cõi mộng: 4 tỷ đồng
  • Âm mưu giầy gót nhọn: 7.5 tỷ đồng
  • Tía ơi: 5 tỷ đồng

Năm 2014

  • Cô dâu đại chiến 2: 40 tỷ đồng
  • Năm sau con lại về: 30 tỷ đồng
  • Quả tim máu: 91 tỷ đồng
  • Bí mật lại bị mất: 15 tỷ đồng
  • Đoạt hồn: 12 tỷ đồng
  • Để mai tính 2: 100 tỷ đồng
  • Chàng trai năm ấy: 60 tỷ đồng

Năm 2015

  • Siêu nhân X: 16 tỷ đồng
  • Quý tử bất đắc dĩ: 44 tỷ đồng
  • Ngày nảy ngày nay: 35 tỷ đồng
  • Hợp đồng bắt ma: 20 tỷ đồng
  • Sơn đẹp trai: 22 tỷ đồng
  • Ma dai: 22 tỷ đồng
  • Lật mặt: 70 tỷ đồng
  • Bộ ba rắc rối: 10 tỷ đồng

(*số liệu từ 1 số nguồn internet)

Chúng ta có thể thấy sự  độc chiếm của phim “mì ăn liền” đã mất đi trong vòng 4 năm trở lại đây. Đây là kết quả tất yếu khi mà dân số Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm trẻ, luôn yêu cầu cái mới. Và bản thân các nhà sản xuất cũng muốn tạo ra sản phẩm đột phá, để thu được cả danh tiếng lẫn doanh số.

Mì ăn liền trong cuộc sống vẫn có một vai trò nhất định. Tương tự, những bộ phim hài dễ xem đôi khi có một tác dụng xoa dịu tinh thần người xem sau một thời gian dài làm việc vất vả. Và nhìn xa hơn nữa, những bộ phim này đóng vai trò như vật chứng của sự chuyển giao từ một nền điện ảnh nghèo nàn sang một nền điện ảnh mạnh mẽ, đa dạng. Chúng ta hãy cùng chờ mong sự lùi xuống của dòng phim “mì ăn liền” với sự tôn trọng và cùng các nhà sản xuất mở ra một kỉ nguyên mới cho điện ảnh Việt.

#Ngân Long