[REVIEW] 1990 (2022)

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

1990 đánh trúng tâm lý của tuổi 30. Còn lại thì dài dòng, lan man mà không đi tới đâu.

Nằm trong phim Tết 20221990 là 3 câu chuyện của 3 phụ nữ ở tuổi 30, gồm Linh Lan (Ninh Dương Lan Ngọc), Nhã Ca (Nhã Phương) và Jessica Diễm (Diễm My). Họ là bạn thân từ thời “con chấy cắn đôi”, gắn kết qua những năm tuổi trẻ cho đến tận cột mốc tam tuần như bây giờ. Khác nhau về tính cách, cả ba cũng đưa ra những lựa chọn và có cuộc sống khác nhau hoàn toàn. Các sự kiện trọng yếu diễn ra trong cuộc đời cả ba, khiến bức tranh tưởng chừng như hoàn hảo bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Còn tình bạn của ba người thì bị thử thách không ngừng.

Tâm sự tuổi 30 của phụ nữ là một chủ đề nói dễ không dễ, nhưng khó thì cũng chẳng khó. Điều quan trọng là có một kịch bản có tâm. Ban đầu, 1990 tưởng chừng đã có một thứ như vậy, nhưng về sau, phim ngày càng đuối dần khi quá ôm đồm thêm tuyến truyện hoàn toàn không cần thiết chỉ để tạo yếu tố giật gân.

1990 diễn giải song song 3 câu chuyện của 3 nhân vật chính, rồi kết nối chúng lại với nhau khi cả ba ngồi lại trút nỗi buồn. Đây là giai đoạn người viết đặt hi vọng cho 1990. Giai đoạn này 1990 làm một cách mượt mà, để cả ba tuyến truyện có thời lượng diễn ra mà không làm lu mờ lẫn nhau. Nhờ vào đó, 3 nhân vật cũng có cơ hội bộc lộ tính cách, cũng như sự khác biệt giữa họ. Đây cũng là giai đoạn 1990 đưa ra những vấn đề mà phim phải giải quyết khi phim kết thúc. Nhưng có vẻ như, mọi thứ quá sớm để nói trước. Sau đoạn khởi đầu khá tốt, 1990 lại sa đà vào những sai lầm cũ trong phim Việt.

1990 nuôi tham vọng khá lớn với chủ đề của nó. Nhắm vào tâm lý của phụ nữ ở ngưỡng 30 của 3 nhân vật, nên phim trên thực tế là tổng của 3 bộ phim song hành. Điều này chẳng sao cả, nếu phim có thể hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Nhưng không. Các câu chuyện cần sự quan tâm trong đây hiện lên rất lở dỡ và nửa mùa. Đã thế, các tuyến truyện nhiều khi thiếu logic. Còn nhân vật lại không được xây dựng nhất quán.

1990 đã chủ động tô điểm các mặt khác nhau giữa Linh Lan, Nhã Ca và Jessica, nhưng nếu tách riêng ra, họ không thể tự mình nổi bật, dù có khả năng diễn xuất đáng kể. Ngay cả Nhã Phương cũng đã có chút tiến bộ từ hồi đóng Song Song. Nhã Ca của Nhã Phương là một nhà văn mà 1990 mô tả là đang vật lộn, nhưng cuối cùng vật lộn với cái gì thì phim không đề cập tới. Như vậy là đã lấy đi một phần nút thắt của nhân vật. Hơn nữa, tuyến truyện của cô cũng chẳng đi tới đâu. Rốt cuộc thì chồng cô có ngoại tình không? Cô có chấp nhận lời tán tỉnh của anh chàng fan cuồng không? Có lẽ đây là câu hỏi mà người xem cảm thấy khó chịu nhất. Rõ ràng là 1990 đã theo đúng chủ đề khi để Nhã Ca rung động lần nữa ở tuổi 30, rồi cho cô nàng một hồi hối hận vì đã chọn gia đình trên sự nghiệp, rồi phim đem con bỏ chợ luôn. Không để Nhã Ca hoàn thành câu chuyện của mình.

Điều tương tự diễn ra ở nhân vật Linh Lan của Ninh Dương Lan Ngọc. Cô được xây dựng là người phụ nữ thành công trong sự nghiệp rơi vào mối nghi ngoặc với hôn nhân. Dù biết anh chàng hỏi cưới cô khá tuyệt vời, những trăn trở làm vợ, làm mẹ khiến Linh Lan sợ hãi. Đây là chi tiết khá đắt giá phản ánh đúng tâm trạng của phụ nữ hiện đại. Và nhân vật này chỉ dừng lại ở đó. Sau đó, mọi thứ làm nên chiều sâu và đa sắc cho cô trở nên thật mơ hồ, lạ là nó lại thiếu ở chỗ cần có nữa mới đáng nói. Thật ra, nếu không có phần mô tả bằng chữ của phim, người ta cũng không biết Linh Lan có sự nghiệp thành công hay không. Mà sự nghiệp đó là gì cũng chẳng ai biết. Nghe có vẻ vạch lá tìm sâu nhưng đây là chi tiết quan trọng trong câu chuyện của Linh Lan mà. Không biết cô có gì thì sao khán giả đồng cảm với việc cô sắp mất đi thứ đó?

Jessica do Diễm My thể hiện thì thoát được kiếp mơ hồ của Linh Lan nhưng lại trúng ngay màn dư thừa của kịch bản. Jessica – nhân vật đại diện cho tư tưởng thù ghét hôn nhân cực đoan – là tâm điểm chính cho màn cao trào không thể lạc quẻ hơn ở 1990. Điều an ủi ở Jessica là tuyến truyện của cô có đầu đuôi rõ ràng, nhưng rõ ràng là biên kịch của phim chưa biết điểm dừng. Tệ hơn là khi 1990 mô tả cô sắc sảo, thông minh bao nhiêu thì lại ra quyết định trái ngược bấy nhiêu. Thay vì chêm vào tình tiết bị bắt cóc “lãng xẹt”, 1990 nên tập trung vào hoàn thành hai câu chuyện của Linh Lan và Nhã Ca thì hay hơn. Cuối cùng thì nội dung phim mới quan trọng và có vai trò kể chuyện, chứ không phải phần credit phim.

Điểm sáng hiếm hoi của 1990 là màn tung giữa 3 nữ diễn viên chính. Họ đã làm hết sức, phim cho thấy rõ điều đó. Họ thật sự toát lên mối gắn kết giữa cả 3. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các nhân vật này có sự đột phá hay đặc sắc nào. Nhìn qua nhìn lại, Nhã Phương hay Ninh Dương Lan Ngọc vẫn thủ các vai mà họ thường xuyên đóng mà thôi!

Có lẽ đây là phim tập trung vào phái nữ, nên cánh nam trong phim hiện lên khá mờ nhạt – đáng nói là vai trò của họ thật ra không hề nhỏ và có độ trọng yếu nhất định trong quá trình phát triển của các nhân vật chính. Không cho họ được thời lượng hợp lý là sự mất mát về mặt logic của phim. Chưa kể đến các tình huống trong đây không được tự nhiên và khá “gồng”, đôi lúc lại còn hài hước một cách gượng gạo.

Nhìn chung, 1990 có khởi đầu khá thuận lợi, nhưng mọi thứ sau đó đã vụt khỏi tầm kiểm soát theo thời gian. Quả là 1 bước lùi đáng tiếc đến từ đạo diễn Nhất Trung.