[REVIEW] 21 Cây Cầu (21 Bridges)

Đánh giá phim · tinlethanhnhan ·

Là một bộ phim dán mác trinh thám, 21 Cây Cầu sở hữu cốt truyện dễ dãi và kết cục không hề bất ngờ.

Kéo xuống để xem tiếp

Chadwick Boseman đang là một trong những diễn viên gốc Phi sáng giá ở Hollywood hiện nay, sau màn hóa thân thành vị thẩm phán tòa án tối cao gốc Phi đầu tiên Thurgood Marshall (2017) được đánh giá rất cao và anh có thành công lớn tại phòng vé với Black Panther (2018), có thể thấy Chadwick có thực lực chứ không phải nổi tiếng nhờ ánh hào quang từ phim siêu anh hùng. Đạo diễn của phim Brian Kirk thường biết đến nhiều ở các phim truyền hình, tuy nhiên các tập phim do ông đạo diễn cũng được đánh giá khá cao, chẳng hạn như: Boardwalk Empire (làm 1 tập mùa 1), Game of Thrones (3 tập mùa 3) hay Great Expectations (3 phần phim ngắn). Giữa cơn khủng hoảng thiếu phim kịch bản gốc ở Hollywood liệu sự kết hợp của họ có đem lại thành công cho 21 Cây Cầu hay không?

Chadwick Boseman vào vai Thanh tra đội trọng án Andre. Ảnh: IMDb.
Chadwick Boseman vào vai Thanh tra đội trọng án Andre. Ảnh: IMDb.

Phim 21 Cây Cầu kể về hành trình thanh tra đội trọng án Andre (Chadwick Boseman) và thanh tra đội phòng chống ma túy Frankie (Sienna Miller) truy tìm 2 tên tội phạm Michael (Stephan James) và Ray (Taylor Kitsch). Manhattan bị cô lập, 21 cây cầu cùng mọi phương tiện ra vào hòn đảo nổi tiếng này bị chặn đứng, đội cảnh sát có 4 giờ để phá án trước khi trời sáng và buộc phải mở lại các tuyến giao thông toàn New York. Vụ án có vẻ càng rắc rối hơn khi truy lùng họ lại phát hiện thêm những âm mưu to lớn và sự phản bội từ những tên cảnh sát biến chất bán mình vì đồng tiền bẩn. Giữa lằn ranh thiện ác, tình đồng đội và phẩm giá Andre vẫn chọn cho mình con đường chông gai nhưng ngay thẳng nhất.

Chadwick Boseman (Andre) và Sienna Miller (Frankie). Ảnh: IMDb.
Chadwick Boseman (Andre) và Sienna Miller (Frankie). Ảnh: IMDb.

Kết cấu cốt truyện phim theo dạng tuyến tính, toàn bộ diễn biến đều theo một chiều thời gian, các tình tiết được phát hiện và giải quyết ngay tức thì, rất nhanh và gấp gáp. Điều này tạo nên hiệu ứng kể chuyện rất tốt, nhất là với thể loại trinh thám hình sự, nó khiến người xem bị cuốn hút không thể lơi lỏng bất cứ phút giây nào vì mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Tuy thế, vấn đề lớn nhất của phim này là nó quá dễ đoán, nếu theo dõi sẽ rất dễ dàng đoán ra được những “cú lật” (plot twist) trong câu chuyện và biết được ngay thủ phạm chính của vụ án. Nếu phim này thuộc các thể loại khác (như tình cảm, hài) có thể chẳng là vấn đề gì lớn nhưng với thể loại trinh thám hình sự thì không còn tính bất ngờ là điều tối kỵ. Các gợi ý được đưa ra quá lộ liễu làm sự hứng thú, tò mò của khán giả giảm đi rất nhiều.

Thanh tra Andre do Chadwick Boseman thủ vai được miêu tả là người lạnh lùng, thẳng thắn trong lúc điều và không để cảm xúc chi phối công việc, sẵn sàng ra tay tiêu diệt tội phạm khi cần thiết. Kiểu nhân vật “ngầu” này có vẻ hợp với chủ đề phim tuy nhiên những mô tả bằng lời nói của các nhân vật trung gian không thể thay thế cho mặt biểu diễn bằng hình ảnh. Việc thiếu các chi tiết để bộc lộ cá tính nhân vật khiến người xem không thể tạo ấn tượng cảm xúc trực quan – một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong xây dựng nhân vật trên phim ảnh. Các nhân vật phản diện cũng không có nhiều phân cảnh đắt giá để thể hiện hết cá tính và số phận đưa họ đến hành động tội ác. Trong hai nhân vật tội phạm thì Michael có đất diễn nhiều hơn nhưng Ray lại thành công hơn trong việc khắc họa nhân vật.

Stephan James (Michael) và Taylor Kitsch (Ray). Ảnh: IMDb.
Stephan James (Michael) và Taylor Kitsch (Ray). Ảnh: IMDb.

Sau thất bại nặng nề của John Carter (2012) tên tuổi của Taylor Kitsch bị ảnh hưởng nặng nề, anh phải tìm đến các vai diễn trong các bộ phim nhỏ hơn nhưng Kitsch đã được đánh giá khá cao qua các vai diễn chiến binh (trung sĩ Alex Hopper trong Battleship; Michael P. Murphy trong Lone Survivor) hay tội phạm (Chon trong Savages), điệp viên (Ghost trong American Assassin)… Ở bộ phim này, Kitsch vào vai cựu binh bất mãn muốn kiếm tiền để giúp người em trai của bạn thân đã qua đời, sự tàn nhẫn dứt khoát lẫn nghĩa khí giang hồ với Michael được anh khắc họa tốt và khiến người xem đồng cảm. Ngược lại Stephan James chưa đủ thuyết phục khi diễn vai Michael thông minh, có lý trí và đang dằn vặt vì tội lỗi, chỉ có phân cảnh trước khi chết được anh thể hiện khá tốt.

Màn diễn xuất đáng thất vọng lại đến từ diễn viên lão làng J.K. Simmons (Đội trưởng McKenna), đáng lý đây là nhân vật khá hay nhưng không hiểu vì thiếu đầu tư hay kịch bản quá nông mà nhân vật này không được nổi bật. Từng là một sĩ quan tiếng tăm, yêu thương cấp dưới dần sa ngã trước sự thất vọng với hệ thống công quyền và sức hấp dẫn của đồng tiền, đội trưởng Mckenna có đủ chất liệu để phát triển. Nhưng, ngoài những màn đao to búa lớn đầu phim và cảnh đấu súng hoang đường cuối phim cộng thêm những lời thoại vô vị đã giết chết cơ hội cứu cho kịch bản thiếu tính bất ngờ của bộ phim này.

Sienna Miller vào vai thanh tra đội phòng chống ma túy Frankie có thể xem là vai diễn tệ nhất trong phim. Đây cũng là nhân vật thú vị lại bị bỏ phí, đáng lẽ có thể đẩy những mâu thuẫn đạo đức với tình yêu con gái khiến Frankie bị dằn xé khi liên tục nhúng chàm. Cô và Andre có thể là 2 mặt của đồng tiền, một ẩn dụ về sự biến chất khi không thể duy trì sự chính trực thế nhưng kịch bản phim không đủ để làm người xem thấy được điều này và do đó khiến nhân vật này rất nhàm chán và không đủ sức thuyết phục cho phần kết.

J.K. Simmons (Đội trưởng Mckenna) và Alexander Siddig (Kẻ rửa tiền bẩn cho giới tội phạm Adi). Ảnh IMDb.
J.K. Simmons (Đội trưởng Mckenna) và Alexander Siddig (Kẻ rửa tiền bẩn cho giới tội phạm Adi). Ảnh IMDb.

Điểm sáng của phim ngoài phần tốc độ, nhịp phim mau chóng dồn dập được tiếp thêm bởi yếu tố nhạc nền rất hay và hợp với các phim trinh thám hình sự. Ngoài làm tốt ở các phân đoạn hành động thì nhạc phim ở những cảnh thể hiện khí phách của người cảnh sát chính trực cũng rất ấn tượng và giàu cảm xúc. Các cảnh quay hành động nói chung vừa đủ nhưng chưa có cảnh nào quá hấp dẫn hay mới mẻ để người viết phải trầm trồ. Thêm một điểm là phần tựa đề, 21 Cây Cầu, nhưng những cây cầu hầu như không đóng vai trò gì quan trọng lắm trong bộ phim này, đáng lý có thể tạo các cảnh hành động ngoạn mục trên cầu hay thậm chí dùng sự chia cắt của những cây cầu như sự ẩn dụ nào đó cho các tuyến nhân vật trong phim thì sẽ tốt hơn nhiều. Phim chỉ có kinh phí khá thấp (khoảng $33 triệu) nên cũng khó trách những màn cháy nổ không được chú trọng, vẫn còn phảng phất mùi của những phim hành động hạng B.

Dù có sự kết hợp của dàn diễn viên tốt nhưng thiếu một kịch bản hay khiến phim không đạt như mong đợi. Ở một khía cạnh khác, việc phim dễ đoán lại đi một dòng thời gian có thể đem tới một lựa chọn tốt cho những khán giả chỉ muốn tìm một bộ phim giải trí không cần mệt não suy nghĩ nhiều.