[REVIEW] All the Money in the World - Khởi đầu đáng tiền cho tháng phim Oscar tại Việt Nam
Đánh giá phim · JenLord ·
Nếu Mother! của Darren Aronofsky là bộ phim gây chia rẽ nhất năm, thì mảng lùm xùm của 2017 sẽ thuộc về All the Money in the World.
Nếu Mother! của Darren Aronofsky là bộ phim gây chia rẽ nhất năm, thì mảng lùm xùm của 2017 sẽ thuộc về All the Money in the World. Thực tế thì không mấy người biết về dự án này cho đến khi vụ bê bối của Kevin Spacey bị lật lại, ngay vào lúc mà Hollywood đang nóng lên với vấn nạn lạm dụng tình dục. Scandal trên buộc All the Money in the World phải đưa ra hai lựa chọn, hoặc là hoãn, hoặc là tiếp tục công chiếu như đã định và chấp nhận nguy cơ cao sẽ bị công chúng tẩy chay. Cuối cùng, động thái của Ridley Scott đã cho thấy sự đanh thép của ông trong vấn đề này khi vị đạo diễn quyết định cắt bỏ toàn bộ các cảnh của Kevin Spacey, thay thế bằng Christopher Plummer và tiến hành quá trình quay lại diễn ra trong vòng 10 ngày, tiêu tốn thêm $10 triệu và đẩy kinh phí vượt ngưỡng $40 triệu. Thế nhưng nhìn vào chất lượng của bộ phim hiện giờ, mấy ai lại tưởng tượng được nó gặp gian nan đến vậy.
All the Money in the World dựa trên câu chuyện có thật về vụ bắt cóc John Paul Getty đệ tam – cháu trai của ông trùm dầu mỏ John Paul Getty, cũng là tỷ phú đầu tiên ở Mỹ với khối tài sản thời bấy giờ vượt quá $1,2 tỷ.
All the Money in the World có một kịch bản rất chắc tay, dài hơn 2 tiếng với câu chuyện chỉ tập trung vào việc bắt cóc tống tiền nhưng lại không hề gây nhàm chán hay mệt mỏi. Sẽ có đôi lúc (chỉ đôi lúc thôi) bạn cảm thấy vài tình tiết hơi lê thê, tuy nhiên nó không ảnh hưởng gì đến mạch cảm xúc cả. “Tròn trịa” chính là tính từ nhảy ra trong đầu tôi đầu tiên sau khi ra khỏi rạp, All the Money in the World không quá xuất sắc nhưng lại đủ hay để làm hài lòng bất kì khán giả khó tính nào.
Về diễn xuất, tuy nhiều người nói rằng Christopher Plummer chiếm hết spotlight nhưng tôi thì lại không thấy vậy. Đúng là màn thể hiện của ông rất xuất thần, nhưng song song đó Michelle Williams cũng không hề lép vế. Khác hẳn với vai người vợ cam chịu, nhạt nhòa trong The Greatest Showman, diễn xuất của một bà mẹ với đứa con trai bị bắt cóc của cô rất thật, bất lực đến tuyệt vọng vì không kiếm ra được tiền trả khoản chuộc, nhưng cũng dữ dội và đầy cương quyết mỗi khi đương đầu với ông bố chồng bủn xỉn. Quay lại Christopher Plummer, đây có lẽ là vai diễn hay nhất trong sự nghiệp của ông tính đến thời điểm này, một J. P. Getty mất niềm tin vào con người vì nghĩ rằng tất cả chỉ chực chờ để moi tiền từ ông, một J. P Getty hóa ra cũng rất lo cho cháu mình nhưng vẫn muốn làm thế nào để tiết kiệm hết mức có thể.
Riêng Mark Wahlberg, tin đáng mừng là anh cuối cùng đã chọn được cho mình một phim tốt để mà xuất hiện, còn tin buồn là nhân vật của anh quá mờ nhạt, được giới thiệu ngay từ đầu là một cựu gián điệp CIA, nhưng suốt cả 2 tiếng lại không làm gì ngoài việc đi xung quanh Michelle Williams và đưa ra những lời khuyên không cần thiết. Có lẽ là do kịch bản vốn dĩ như vậy, thôi dù sao thì Mark cũng đã diễn tròn vai.
Có điều với tôi, thứ làm nên cái hay của All the Money in the World không phải là diễn xuất mà là thoại phim. Phải nói rằng lời thoại của tất cả các nhân vật từ chính đến phụ đều được viết cực kì tốt, quá tốt là đằng khác. Các màn đối đáp rất thú vị, vừa thông minh lại vừa khéo léo, đủ châm biếm để gây cười nhưng cũng dư sâu sắc để khiến người ta suy ngẫm. Chắc điều khiến tôi không hài lòng nhất là với mỗi câu thoại do J.P. Getty (Christopher Plummer) nói ra, tôi đều mất vài phút để mà trầm trồ nghĩ ngợi nên đâm ra bị phân tâm ở cảnh phim sau.
“Tiền không bao giờ chỉ là tiền, nó luôn tượng trưng cho thứ mà mọi người khao khát nhất, tìm ra được thứ đó thì chúng ta sẽ thương lượng được”.
Nội dung nôm na là như thế, và đây cũng là câu mà tôi thích nhất, không hề quá khi nói rằng sự mượt mà của kịch bản là 70% được dẫn dắt bởi thoại.
Nhìn chung, All the Money in the World không thuần kiểu hàn lâm khó nuốt như mỗi khi người ta nói về một phim được đề cử Quả Cầu Vàng hay Oscar - nó đủ chất giải trí, đồng thời cũng đủ chiều sâu để khi ra khỏi rạp bạn còn phải nghĩ về. Với tựa tiếng Việt là Vụ bắt cóc triệu đô, đây chắc chắn là một tác phẩm mà bạn nên ra rạp, một phần để thưởng thức, phần kia là để hiểu, rằng phải có một lý do nào đó mà Ridley Scott và Christopher Plummer mới được xem là những huyền thoại sống chứ.