[REVIEW] Atomic Blonde - Tín hiệu báo động về dòng phim điệp viên đang bị biến chất

Đánh giá phim · Hanhfm ·

Sau khi xem bộ phim này, trong mắt tôi hình tượng điệp viên như bức tường Bernlin đã hoàn toàn sụp đổ.

Từ xưa giờ, dòng phim điệp viên đã tạo nên những huyền thoại trên màn ảnh rộng. 007, U.N.C.L.E, Mission Impossible, Bourne, Jack Reacher, Kingsman... phong cách, đẹp trai, hào hoa, lịch lãm, tài năng, nhanh trí... là  hình tượng những nhân vật điệp viên nam luôn có một sức hút khó cưỡng với khán giả. Tuy nhiên hình ảnh nữ điệp viên gần như bị lu mờ cho đến khi Atomic Blonde xuất hiện. Với ham muốn “lật đổ” đế chế điệp viên mà nam giới đã và đang thống trị màn ảnh, bộ phim này đã thật sự thành công khi làm sụp đổ hình tượng điệp viên trong mắt khán giả.

Mượn bối cảnh lịch sử nước Đức những năm 1989, trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước khi bức tường Berlin sụp đổ, Atomic Blonde xây dựng hình ảnh nữ điệp viên xinh đẹp, lạnh lùng, gai góc Lorraine Broughton (Charlize Theron) thuộc tổ chức MI-6 có nhiệm vụ đến Berlin để truy tìm bản danh sách các điệp viên hai mang đang cố tẩu thoát về phía Tây Đức và thủ tiêu những đối tượng từng tuồn nhiều thông tin quan trọng cho Liên Xô. Nội dung của Atomic Blonde chỉ có vậy, vấn đề hấp dẫn là ở chỗ ai đáng tin, ai đáng ngờ, bộ phim thật sự qua mắt khán giả với một kịch bản không sao hiểu nổi.

Với dàn diễn viên ngôi sao đình đám, hình ảnh trau truốt, hành động mãn nhãn, hòa trộn với phong cách âm nhạc thập niên 80, Atomic Blonde thật sự khiến khán giả đã mắt, đã tai. Tuy nhiên mọi thứ trong phim bị làm quá mạnh tay từ nội dung đến hình thức. Hình ảnh màu mè, hành động dàn trải, âm nhạc ồn ào nhiều khi hơi nhức mắt nhức tai làm cho phần nội dung rối rắm lại càng khiến khán giả khó theo dõi. Một kịch bản tốt ở khâu thắt nút và cao trào, nhưng phần cởi nút có phần vội vàng, rắc rối chính là điểm yếu phá hủy toàn bộ công sức đầu từ của ekip làm phim. Dù sao khán giả cũng không phải quả lo lắng, hãy thả lỏng đầu óc và chỉ cần ngắm Charlize là đủ.

 

Khi ra rạp, Atomic Blonde được "ca tụng" là "John Wick phiên bản nữ". Thật ra sự so sánh này với tôi là hạ thấp chứ chẳng tâng bốc được gì cho phim. Bởi John Wick - một bộ phim "giết người chỉ vì một con chó", cho dù những kẻ giết chó là những kẻ đáng bị trừng trị, thì dù có Keanu Reeves, trong mắt tôi John Wick vẫn là một bộ phim "bạo lực thị giác khán giả". Và có thể dễ hiểu tại sao Atomic Blonde cũng vậy, bởi nó cùng ekip đạo diễn chứ đâu. Vậy nên khán giả có thể biết trước phong cách ra sao rồi đó, chỉ có đánh và đấm, không cần chú ý đến nội dung câu chuyện là gì, chỉ cần xem Charlie Theron là đủ. Vậy nhưng dù có tài năng, xinh đẹp, đánh đấm tuyệt đến đâu thì diễn viên cũng không thể cứu một bộ phim có kịch bản tồi và một đạo diễn quá ưa hình thức.

Với một nữ chính quá tuyệt vời, mặc gì cũng đẹp, đánh nhau cũng đẹp, giết người cũng đẹp, mà cái đẹp có thể làm lu mờ tất cả, bởi vậy có không ít những lời khen và lời chê được "giảm nhẹ" dành cho Atomic Blonde. Nhưng với tôi, đây là bộ phim xây dựng "sai lệch" về hình ảnh điệp viên. Quá bạo lực và tàn nhẫn, đầy âm mưu và nhiều góc khuất, nữ điệp viên Lorraine thật sự gợi cảm, nhưng nguy hiểm, tàn bạo nhưng hoạt động chỉ như một cỗ máy chiến đấu. Người xem không kịp thấy cô suy đoán, phán xét hay bày binh, bố trận, hoặc mưu trí thoát khỏi mưu kế của đối phương, mà những gì đập vào mắt khán giả là những màn đánh đấm hùng hục không mệt mỏi, hành hạ đối phương không thương tiếc. Tất cả khác hẳn với những bộ phim điệp viên mà khán giả vẫn thường yêu thích, với cách sử dụng tài tình sự thông minh, nhanh trí của nhân vật kết hợp cùng những pha hành động chủ yếu phô diễn vũ khí hiện đại, dàn siêu xe hoành tráng với những màn rượt đuổi hồi hộp, gay cấn... Ngược lại trong Atomic Blonde, điệp viên không có vũ khí tối tân hỗ trợ, chẳng có màn rượt đuổi siêu xe để trình diễn, mà chỉ có vũ lực và vũ lực.

Nếu trong thực tế và trên phim ảnh dù có hơi cường điệu thì hình tượng điệp viên luôn là những người thông minh, nhanh trí, đặc biệt là luôn tỉnh táo, thì trong hình tượng điệp viên trong Atomic Blone thật sự là "cô gái tóc vàng hoe". Sự xuất hiện của nhân vật Delphine - nữ điệp viên người Pháp có phần tẻ nhạt, nhiệm vụ của cô chẳng đóng góp gì cho sự hấp dẫn của bộ phim ngoài những màn tình tứ nóng bỏng bên cạnh vẻ gợi cảm khó cưỡng của Charlize Theron. Ngoài ra vai diễn điệp viên David Percival (James McAvoy) dù khá chất trong tạo hình nhưng cũng không thật sự nổi bật ngoài một kẻ dị hợm, âm mưu, đáng ngờ.

Nhân vật Delphine (Sofia Boutella) nữ điệp viên người Pháp có phần tẻ nhạt, chỉ biết chụp ảnh
Nhân vật Delphine (Sofia Boutella) nữ điệp viên người Pháp có phần tẻ nhạt, chỉ biết chụp ảnh

Cũng phải nhấn mạnh một điều nữa rằng Atomic Blonde là phim Mỹ và thường người Mỹ làm phim luôn thích xây dựng hình ảnh những nhân vật người Nga "ngố", thô kệch, tàn nhẫn, chỉ được cái to xác. Thêm nữa, hình ảnh điệp viên Pháp và Anh trong phim cũng phần nào không còn hoa mĩ như những bộ phim trước đây, mà người xem thấy họ "bản năng" và "con người" hơn. Và nếu chú ý sâu hơn vào cái kết của Atomic Blonde thì thật sự không hiểu bộ phim có ý đồ chính trị nào không? "Lừa được kẻ chuyên lừa gạt người khác, hẳn là sướng gấp đôi!" câu nói đầy tự tin và có phần nham hiểm của nữ điệp viên Lorraine cho thấy họ những là kẻ không đáng tin nhất. Dù vậy "Thế giới được vận hành bởi những điều bí mật." - câu nói của nhân vật điệp viên David Percival của James McAvoy cho thấy một thực tế điệp viên không có lựa chọn mình sẽ là kẻ xấu hay người tốt, bởi vậy họ hành động đôi khi không vì chính nghĩa. Sẽ hơi có phần quy chụp trong những phân tích này, nhưng rõ ràng Atomic Blonde, khiến người xem thật sự khó hiểu mục đích của điệp viên là gì, khi họ chỉ nhằm che giấu hành động của mình mà không thấy một mục đích cao đẹp hơn như giải cứu loài người, chấm dứt chiến tranh, hay góp phần phá bỏ bức tường Bernlin, bộ phim cũng không làm rõ.

Atomic Blonde là tín hiệu báo động về dòng phim điệp viên đang bị "biến chất" khi mà các nhà làm phim quá quan tâm đến độ hoành tráng về kĩ xảo, hành động, phô trương và ồn ào về hình ảnh, âm nhạc mà quên mất yếu tố trí tuệ, tính ly kỳ hấp dẫn của các nhân vật có thân thế bí mật, cùng tài đấu trí tinh nhanh, mới làm nên thành công cho thể loại phim này. Từ Keanu Reeves giờ đến Charlie Theron... còn ai nữa đang bị đạo diễn biến thành những nhân vật hành động mà không có nội tâm. Và một lần nữa Atomic Blonde lại bổ sung cho quan điểm của tôi về phim Hollywood bây giờ chỉ xem được diễn viên, kĩ xảo, hình ảnh còn lại kịch bản thì hời hợt, thiếu chiều sâu. Và tôi không có cảm giác là xem phim, mà là đang xem trình diễn thời trang, âm nhạc và hành động thể thao.  

Chê mãi cũng phải có cái gì khen, điểm cộng duy nhất là phim nhắc nhớ tới khán giả trẻ ôn lại vài chi tiết mang tính lịch sử. Tuy nhiên nó cũng là một vấn đề cần phải xem xét lại. Atomic Blone mượn đề tài chiến tranh để xây dựng một bộ phim chỉ có tính chất bạo lực và giải trí thì đây thật sự là một bộ phim thảm họa. Bởi chiến tranh không phải trò đùa và điệp viên trong chiến tranh lạnh không phải là những cỗ máy chiến đấu, họ thật sự là những con người thông minh, khéo léo, và đủ mưu trí để đối mặt với phe đối phương. Bởi vậy sau khi xem bộ phim này, trong mắt tôi hình tượng điệp viên như bức tường Bernlin đã hoàn toàn sụp đổ.