[REVIEW] Cô Ba Sài Gòn - Phim Việt hay nhất 2017!
Đánh giá phim · Hanhfm ·
Cô Ba Sài Gòn có thể sẽ khiến khán giả thất vọng vì họ tưởng là mình sẽ được xem một bộ phim lịch sử, hoặc không dễ làm hài lòng những khán giả khó tính vì bộ phim hoàn toàn có thể xuất sắc hơn nữa.
Phim xuất sắc là phim tốt cả nội dung lẫn kỹ thuật điện ảnh. Cô Ba Sài Gòn có thể sẽ khiến khán giả thất vọng vì họ tưởng là mình sẽ được xem một bộ phim lịch sử, hoặc không dễ làm hài lòng những khán giả khó tính vì bộ phim hoàn toàn có thể xuất sắc hơn nữa. Dù thế nào thì đây vẫn là phim Việt hay nhất 2017.
Đã có rất nhiều những lời khen có cánh và cả những lời phê bình thẳng thắn dành cho Cô Ba Sài Gòn từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, phục trang, bối cảnh... Tất cả những thứ bên ngoài mà người xem có thể dễ dàng đưa ra nhận xét đánh giá, nhưng tại sao không mấy khi chúng ta nhắc đến thông điệp của một bộ phim? Đương nhiên rằng các nhà phê bình chỉ trọng tâm đến ngôn ngữ điện ảnh, khán giả thì chỉ chú ý đến kỹ xảo hình ảnh, phim phần đa là để giải trí, phim nghệ thuật quá chẳng dễ hiểu chút nào, thành ra vấn đề quan trọng nhất của một bộ phim là thông điệp ý nghĩa lại không còn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá phê bình một bộ phim hay. Hãy bỏ qua tất cả những yếu tố mang tính kỹ thuật, hãy xem phim với một góc nhìn khác, nhìn từ bên trong, ta sẽ thấy một bộ phim hay dù nó không phải là một bộ phim hoàn hảo.
Không câu kéo khán giả bằng chiêu trò, mà sử dụng hình ảnh chiếc Áo Dài để tạo sự chú ý, Cô Ba Sài Gòn gây ấn tượng và thiện cảm với khán giả từ người trẻ đến người lớn tuổi bằng một bộ phim nhiều màu sắc nhưng vẫn mang thông điệp ý nghĩa. Ngay từ phút đầu tiên khán giả đã bị mê đắm bởi hình ảnh Sài Gòn năm 1969 - Hòn Ngọc Viễn Đông một thời, nhưng chỉ 15 phút sau Cô Ba Sài Gòn đã khiến khán giả bất ngờ vì câu chuyện không như những gì khán giả chờ đợi. Nhưng đây là một bất ngờ thú vị chứ không phải sự hụt hẫng. Nếu ôm đồm tất cả những ý kiến mà các nhà phê bình đưa ra như: tập trung khai thác câu chuyện lịch sử chiếc Áo Dài, nhắc đến đề tài chiến tranh, sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tác động đến Sài Gòn, hoặc phải có sự xuất hiện rõ nét hơn của hình ảnh người đàn ông trong phim...thì có lẽ bộ phim sẽ trở nên lủng củng và gãy vụn. Không lựa chọn đi theo lối mòn của những motif cũ ấy, đạo diễn và biên kịch của Cô Ba Sài Gòn đã rất khéo léo khi “gia giảm” chi tiết, thêm thắt nội dung để xây dựng một tổng thể hài hòa hấp dẫn. Không xây dựng xung đột giữa các mối quan hệ, mà Cô Ba Sài Gòn tập trung khai thác xung đột nội tâm của nhân vật giữa cái tôi - cái ta, giữa quá khứ - hiện đại, giữa cái cũ - cái mới. Đặc biệt phim quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng nhưng không ai lấn át ai, và dù chỉ xuất hiện vài giây họ vẫn tỏa sáng theo cách riêng của mình, điều mà đến phim Hollywood lắm khi còn khiến diễn viên xuất hiện như một trò đùa. Hơn thế nữa, Cô Ba Sài Gòn đã rất tinh tế khi lồng ghép yếu tố văn hóa truyền thống và kiến thức thời trang, để một bộ phim giải trí có thể là hời hợt bỗng trở nên chuyên nghiệp và đẳng cấp.
Không phải tuýp người hoài cổ chỉ biết có Áo Dài, cũng không phải kiểu người hào nhoáng chỉ biết đến vẻ đẹp bề ngoài của người phụ nữ, lại càng không cố gắng làm một bộ phim nghệ thuật vắng bóng khán giả, đạo diễn và biên kịch của Cô Ba Sài Gòn xây dựng chân dung người phụ nữ Việt xưa và nay, họ là những con người tân thời, hiện đại, dám nghĩ - dám làm, dù thất bại vẫn không đánh mất bản sắc, dù thành công vẫn không quên quá khứ... Với tuyên ngôn "Độc Lập - Tự Lo - Hạnh Phúc" bộ phim đã xây dưng một hình tượng đẹp và chân thực mà không riêng phụ nữ hay đàn ông, tất cả chúng ta ai cũng có thể tìm thấy mình trong Cô Ba Sài Gòn.
"Cô Ba" 1969 - hiện thân của những người trẻ tân thời và hiện đại, mải mê chạy theo thời thượng, mà lãng quên hồn phách dân tộc, mà coi nhẹ giá trị truyền thống.
"Cô Ba" 2017 - hiện thân của những người đã từng trẻ vì bồng bột, ngông cuồng để rồi tự biến cuộc đời mình thành vũng lầy của sự kiêu ngạo và thất bại.
Hành trình trưởng thành của Cô Ba Sài Gòn nhận ra những sai lầm của bản thân cũng chính là hành trình khán giả nhìn lại những va vấp mà ai cũng từng phải trải qua trong cuộc đời, sự nghiệp. Và chúng ta nhận ra rằng chỉ khi đối mặt với thất bại từ quá khứ, nỗ lực làm lại cuộc đời chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của bản thân.
Cô Ba Sài Gòn không chỉ là con đường tìm lại chính mình mà đó còn là con đường tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc. Điểm đặc sắc nhất của bộ phim là con đường ngược chiều thời gian, chiều đi đến tương lai là hành trình "Cô Ba" tìm về nguồn cội của chiếc Áo Dài, và chiều ngược về quá khứ là hành trình "Cô Ba" tìm lại chính mình. Đó cũng là cách thời trang cách tân để phù hợp với thời đại mà vẫn không mất đi bản sắc dân tộc. Đó là cách con người thay đổi để tìm lại chính mình. Và nếu khán giả khó tính nào đó phản biện rằng Sài Gòn 1969 cũng đã là một Sài Gòn cách tân rất nhiều so với thời kỳ trước đó rồi, thì như vậy để thấy văn hóa truyền thống không "cổ hủ" hay "bảo thủ" như con người ta vẫn ngộ nhận, mà văn hóa truyền thống luôn phải tiếp biến theo dòng chảy của thời gian, để không bị đóng khung trong bảo tàng. Giá trị của văn hóa truyền thống là nó vẫn có thể đồng hành cùng con người phát triển theo thời đại mà không đánh mất bản sắc. Nhưng ngược lại, nếu cứ mải mê chạy theo thời thượng, chúng ta sẽ đánh mất tất cả, thậm chí là ngôi nhà của chính mình. Phân tích ra thế này để thấy ý tưởng kịch bản của Cô Ba Sài Gòn rất đặc sắc và bộ phim đã thành công khi truyền tải những thông điệp ý nghĩa sâu sắc và dễ cảm đối với khán giả.
Cô Ba Sài Gòn chắc chắn chưa thể làm hài lòng khán giả, vì phim bị "kịch tính" từ bối cảnh, phục trang đến diễn xuất của diễn viên. Và chiếc "áo dài" vẫn còn thiếu "quần", thiếu chiếc cúc cài khuy áo hay đường xẻ tà khoe đường cong quyến rũ... Nhưng nội dung chính của Cô Ba Sài Gòn không phải là chiếc Áo Dài mà là hành trình tìm về chính mình, tìm về với bản sắc văn hóa dân tộc. Và nếu chú ý theo dõi phần credit cuối phim, dễ nhận thấy ê-kíp thực hiện đều là những cái tên Việt, từ phần âm nhạc rất hay, đến phần quay phim trau chuốt với những cú máy dài xuyên không tạo ấn tượng tiếp nối... Không như một số bộ phim khác có sự đầu tư, hợp tác từ nước ngoài nhưng nội dung vẫn cứ chán như thường, vậy vấn đề không phải ở ai khác mà là chính chúng ta. Cô Ba Sài Gòn có thể tự hào là một sản phẩm Made In Việt Nam dù có bị chê là copy chỗ nọ hay học tập chỗ kia, thì phim Việt có thể chưa xuất sắc như nước ngoài nhưng là nỗ lực của chúng ta muốn khẳng định mình. Và sau Sài Gòn Anh Yêu Em, Cô Ba Sài Gòn... cũng như Cải Lương và Áo Dài... hy vọng sẽ có những bộ phim về địa danh và ngành nghề, văn hóa của Việt Nam được lên phim đẹp và hấp dẫn như thế.
Phim Việt giờ đẹp và chỉn chu không kém phim nước ngoài, nhưng nội dung thì... vẫn cần được đầu tư nhiều về chiều sâu. Bởi vậy hãy khoan nói đến những vấn đề kỹ thuật, kỹ xảo vì một bộ phim hay không chỉ ở ngôn ngữ điện ảnh, mà quan trọng là bộ phim mang thông điệp gì tới khán giả. Tìm lại nguồn cội, tìm về những giá trị truyền thống, tìm về với bản sắc văn hóa của dân tộc, đó là con đường đưa chúng ta tìm về bản thể của chính mình. Cô Ba Sài Gòn xứng đáng là Phim Việt hay nhất 2017! Còn phim xuất sắc nhất thì... đợi 1 tháng nữa xem sao.