[REVIEW] Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa – Bộ phim thay đổi thành kiến điện ảnh nước nhà
Đánh giá phim · Moveek ·
Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa hướng người xem đến một giá trị khác, thuần tuý hơn, dung dị hơn, mộc mạc hơn, và cũng nhân văn hơn rất nhiều.
Thường thì, phải đi bao xa, và đi mất bao lâu thì con người ta mới cảm thấy khao khát một mái nhà?
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nhưng hàm nghĩa của nó thì có thể rất mênh mông.
“Nhà” trong nụ cười của cô bạn thân là một gia đình ba thế hệ, có cả ông bà, cha mẹ, cô chú và mấy anh chị em họ ở cùng nhau, lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt.
“Nhà” trong kí ức của tôi là nơi tôi chạy quanh chân mẹ trong căn bếp nhỏ thơm mùi cà phê.
“Nhà” trong nỗi buồn của anh bạn sinh viên ở trọ, là cái xóm nhỏ thân mật với những ngôi nhà nằm san sát, có thể đứng bên hàng rào của mình mà chào hỏi sang nhà bên cạnh.
“Nhà” đối với những người Việt ở nước ngoài, chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông trên bản đồ thế giới, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, “Nhà” có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia.
Rất nhiều, rất nhiều định nghĩa.
Tôi biết có một trường hợp, mà “Nhà” là khu chung cư cũ kĩ đã xuống cấp trầm trọng. Mọi người gần như đã sơ tán hết, chỉ còn lại một anh hớt tóc, một cô bán cà phê, một ông lão lập dị và một bà mẹ đã mười mấy năm không bước chân ra đường.
Đó chính là “Căn nhà nằm nghe nắng mưa”.
Nơi ấy, đã từng đầy ắp tiếng cười và chan chứa tình làng nghĩa xóm. Những hình ảnh đầy hoài niệm của một Sài Gòn xưa cũ được tái hiện cách đầy đủ và trọn vẹn nhất: Cả xóm chỉ có mỗi một cái ti vi trắng đen, tối tối các bà các cô tụ tập lại ngồi xem cải lương; con hẻm chật ních thân hình mấy gã đàn ông đánh đàn, uống rượu; chiếc xe cà tàng sáng sáng vợ chồng đưa nhau ra chợ… Tất cả đều khiến mọi đối tượng khán giả cảm thấy xao động và thổn thức, đặc biệt là người sống ở thời điểm những năm tám mấy như ông bà, bố mẹ tôi, và những người lớn lên cùng lời kể chuyện thời xưa của họ, như tôi.
Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa mở đầu bằng việc Sơn - nhân vật chính trong bộ phim - nhận nhiệm vụ thuyết phục những người cuối cùng còn ở lại, đồng ý cho giải toả khu chung cư cũ kĩ mà họ, vì lý do nào đấy, nhất quyết không chịu rời đi. Trong quá trình lui tới để đàm phán, Sơn tình cờ biết được câu chuyện bị vùi lấp xoay quanh mẹ con bà Tư và cậu con trai - sau khi bị tình nghi là thủ phạm trong một vụ giết người - đã mất tích suốt ba mươi năm.
Trong trường hợp này, “Nhà” đồng nghĩa với “Trái tim người mẹ”.
Khi mà tình yêu thương dành cho con mình quá lớn lao, bất cứ người mẹ nào - không riêng gì bà Tư - cũng sẽ hành động giống như vậy: Dấm dúi cho con một khoản tiền, rồi bảo nó chạy trốn, bất chấp việc nó có phải thủ phạm hay không, cứ bảo vệ nó khỏi miệng lưỡi thế gian, khỏi búa rìu dư luận, còn mình ở lại gánh chịu thứ gì cũng được. Để rồi, nó cứ đi mãi, đi mãi, bi kịch đã khép lại từ lâu, giông tố cũng đã lặng, chỉ có đứa con trai vẫn không trở về…
Bà Tư ở lại, trở thành một “căn nhà nằm nghe nắng mưa”, để chờ đợi đứa con của mình. Ở lại cùng bà, là những người hàng xóm nghèo khổ, chân chất, nghẹn ngào thú nhận: “Tui làm sao bỏ bả một mình được?”; những người hàng xóm sẵn sàng dốc hết số tiền mình, nhờ một thanh niên xa lạ gọi bà một tiếng “Mẹ” để an ủi bà trong những ngày cuối của cuộc đời.
Thứ tình cảm ấm áp đó, cũng là một căn nhà.
Cậu thanh niên tên Sơn, từ một nhân viên chỉ đang cố hoàn thành nhiệm vụ của mình, sau một tai nạn giao thông, bỗng thấy bản thân quay ngược về ba mươi năm trước, chứng kiến tất cả những góc khuất của vụ án cũ, lẫn tình thương yêu vô điều kiện giữa những con người bình dị với nhau và dần dần bị chúng làm cho động lòng.
Thứ tình cảm tự nhiên đó, cũng là một căn nhà.
Quay trở lại định nghĩa ban đầu, “Nhà” vốn là một từ ngắn ngủi, nhưng nó luôn tạo nên cảm giác bình an, thanh thản khi nhắc về. Nó không chỉ là một danh từ, mà còn là một tính từ. Bởi lẽ nó không đơn thuần là nơi chốn, nó cũng có thể là tình yêu - thứ mà ta không nhìn được bằng mắt thường, chúng ta phải cảm nhận bằng tim, chúng ta phải ước ao, phải khao khát, phải hoài niệm bao nhiêu, mới có được cảm giác ấy.
Đó là điều mà tôi nghĩ Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa đã làm được.
Không thể tránh khỏi những khuyết điểm, song, vẫn phải công nhận rằng Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa đã trở thành một trong những bước chuyển mình đáng kể của phim Việt. Ít nhất là đối với tôi, đây là bộ phim khiến tôi thay đổi thành kiến đối với điện ảnh nước nhà. Không còn những phân cảnh gây cười nhạt nhẽo lấy ra từ mấy phong trào trên mạng xã hội, không còn những câu thoại gượng gạo, không còn những nội dung đầy tính thị trường, “mì ăn liền” mà tôi vẫn thấy ở phim Việt suốt thời gian qua. Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa hướng người xem đến một giá trị khác, thuần tuý hơn, dung dị hơn, mộc mạc hơn, và cũng nhân văn hơn rất nhiều. Đó là giá trị của tình mẫu tử, giá trị của gia đình, giá trị của tình làng nghĩa xóm, và giá trị của tình người.
REVIEW BY THI THI