[Review] Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa – Thừa sức bóp nghẹn những con tim rắn rỏi nhất

Đánh giá phim · hotakky ·

Cho dù có đặt nhiều kỳ vọng thì Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa chắc chắn không thể làm bạn thất vọng được. Cuối cùng, tôi đã tìm được một bộ phim Việt đủ sức bóp nghẹn trái tim mình, và những con tim rắn rỏi nhất, tôi tin là như thế.

Tôi đến xem Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa với tâm thế sẽ theo dõi một bộ phim với cảnh quay đẹp, chăm chút cho từng khung hình, còn kịch bản thì hạ hồi phân giải. Người ta vẫn nói, hy vọng càng nhiều, thất vọng càng cao. Có lẽ vì không kỳ vọng nhiều, cho nên… Không! Cho dù có đặt nhiều kỳ vọng thì Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa chắc chắn không thể làm bạn thất vọng được. Cuối cùng, tôi đã tìm được một bộ phim Việt đủ sức bóp nghẹn trái tim mình, và những con tim rắn rỏi nhất, tôi tin là như thế.

Một bộ phim có khả năng lấy đi nước mắt của khán giả
Một bộ phim có khả năng lấy đi nước mắt của khán giả

Phim có một khởi đầu chưa thật tốt. Giọng thoại của các diễn viên không được tự nhiên, cách dẫn dắt còn rập khuôn, các đoạn trao đổi để tiết lộ thông tin cho khán giả còn gượng ép. Phim mang hơi hướng liêu trai, dẫn dắt khán giả vào tình huống nhập hồn – xuyên không, nhưng rồi lại bỏ dở nó. Tôi chẳng rõ biên kịch có ý đồ gì, nhưng cảm nhận của tôi khi xem phim là nửa đầu và nửa sau không thật sự liên kết. Tôi có biết phim có hai đạo diễn và nhiều biên kịch, nhưng cái mà tôi nhìn thấy là những hình ảnh xuất hiện trên phim, và cảm giác để lại trong tôi là: cứ như có hai người khác nhau làm bộ phim này vậy. Một bên liêu trai nửa vời, thoại vụng, và về sau lên tay hẳn với những chi tiết gãy gọn, cả thoại cũng được xử lý mượt mà hơn. Chỉ có các góc quay là đẹp từ đầu đến cuối.

Bộ phim mang hơi hướng liêu trai
Bộ phim mang hơi hướng liêu trai

Như đã nói ở trên, Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa có thể sẽ khiến khán giả lấn cấn một chút bởi sự nhập nhằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và mơ, giữa góc nhìn của nhân vật này với nhân vật khác… Thêm nữa, việc lồng ghép yếu tố liêu trai nhưng không thật sự cần thiết làm phim trở nên lan man. Nhưng những yếu tố này không làm sức hút của phim thuyên giảm. Những hạt sạn nho nhỏ trong phim cũng dần được thay thế bằng những câu thoại xúc động, đạo cụ - bối cảnh được chuẩn bị kỹ lưỡng, và những vai diễn như trút hết thăng trầm trong đời người ra mà thể hiện. Phim cũng có một cái kết vừa vặn, thật buồn, mà cũng thật ấm áp.

Diễn biến có thể cứu vãn những hạt sạn nho nhỏ
Diễn biến có thể cứu vãn những hạt sạn nho nhỏ

Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa có tuyến nhân vật mà mỗi người được đắp cho nét tính cách và số phận riêng, không trùng lắp, không dư thừa. Và dù tình mẹ là điều hiện diện xuyên suốt phim, thì với tôi, Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa là một bộ phim của rất nhiều thứ tình cảm thiêng liêng: của người mẹ hết mực thương con, của người cha nhìn có vẻ nghiêm khắc nhưng lại dành cho con tình yêu vô bờ, của tình làng nghĩa xóm, của tình yêu nam nữ bất chấp thân phận… Mọi thứ tình cảm gói gọn trong 90 phút phim đẹp đến nao lòng. Cái đẹp không nằm trong những khung cảnh Việt Nam rộng lớn, với cánh cò bay lả, với núi non trùng điệp, với những cung đường trải dài tít tắp, mà nó nằm ở những góc hẹp của khu chung cư cũ kỹ, của cánh cửa sổ sừng sững chứng kiến tất cả. Ngay cả quảng cáo sản phẩm cũng lồng vào duyên dáng và xúc động đến lạ.  

Không chỉ là tình mẫu tử, nhiều thông điệp khác về tình yêu cũng được lồng ghép
Không chỉ là tình mẫu tử, nhiều thông điệp khác về tình yêu cũng được lồng ghép
 

Chắc chắn nhân vật để lại nhiều ấn tượng cho khán giả nhất phải là bà Tư do NSƯT Kim Xuân đảm nhận, nhưng tôi lại thích nhìn những nhân vật xoay quanh nhân vật người mẹ này. Tôi mến cô gái làm nghề không trong sạch đã có thể hoàn lương, dẫu không bao giờ thừa nhận tình cảm mình dành cho người hàng xóm, nhưng cũng chẳng khước từ anh ta bao giờ. Tôi thương người đàn ông yêu là yêu, chẳng nề hà nghề nghiệp của cô gái, bền bỉ một lòng yêu mà không cần đáp lại. Cái cột mốc 30 năm ấy là khoảng thời gian dài đằng đẳng người mẹ đau đớn chờ đợi con mình, 30 năm có hai người yêu thương nhau mà vẫn ngại ngùng không biết làm sao để chạm vào hạnh phúc, là người đàn ông bám víu vào thù hận để có cớ sống nốt những tháng ngày cô đơn… Nhưng tôi yêu nhất người cha do ông già Nam bộ Tấn Thi thủ diễn. Dù vai ấy nhỏ xiu xíu thôi, nhưng lại khiến tôi không thôi thổn thức. So với người mẹ lo lắng cho con từng chút một, thì người cha lại lặng lẽ hơn, nhưng cũng dữ dội không kém. Tôi biết có nhiều trường hợp, gia đình đang hạnh phúc, đột nhiên sự cố xảy ra khiến bậc làm cha mẹ mất đi đứa con yêu dấu, nhưng nếu người mẹ lặng lẽ đau khổ, thì người cha lại trút hết sự yếu mềm lên người thân còn lại của mình. Ông Tư trong Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa cũng là một người như thế, vì quá đau lòng, mà làm đau lòng người khác. Nhưng mà, cách thể hiện tình yêu có thể khác nhau, cách đón nhận mất mác có thể khác nhau, nhưng tình cảm to lớn của cha mẹ là điều không gì có thể so sánh được.

Không gì có thể sâu đậm bằng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái
Không gì có thể sâu đậm bằng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái

Nhân vật Sơn qua sự thể hiện Dương Cường có thể không xuất sắc, nhưng với vai trò dẫn dắt khán giả, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Anh cũng là nhân vật đại diện cho phần lớn khán giả trẻ, những người phải đứng vững trước sự cạnh tranh của đồng nghiệp, phải thể hiện cho người nhà – cấp trên thấy năng lực của mình, cũng như đứng giữa việc lựa chọn sự nghiệp vững chắc hay lương tâm của một con người. Tôi cực thích đoạn Sơn phân vân có nên đến nhà bà Tư không, và ba vợ của anh nói đại khái rằng, con phải biết ai là người đối xử thật lòng với con. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, Sơn đã đưa ra cho mình quyết định. Cách mà biên kịch xử lý ở nửa phần sau phim luôn là như thế, tất cả mọi quyết định đều thể hiện qua ánh mắt, chứ không qua câu thoại như ép khán giả phải hiểu theo ý đồ của mình. Như thế, các bạn chỉ cần diễn thôi, việc hiểu như thế nào, hãy để phần người xem.

Nam diễn viên Dương Cường đã thể hiện tròn vai
Nam diễn viên Dương Cường đã thể hiện tròn vai

Ngược lại, có một nhân vật mà tôi không sao đồng cảm được, ấy là vợ của Sơn. Tôi không rõ biên kịch xây dựng nhân vật này với mục đích gì ngoài việc cô cung cấp vài thông tin sơ sài về Sơn theo cái kiểu thoại gượng gạo, và tính cách nhí nhảnh của cô ảnh hưởng thế nào đến phim? Ngay đoạn đầu tiên khi cô nói chuyện với Sơn qua điện thoại tôi đã bị dội ngược. Sơn kể với cô về cuộc gặp gỡ kỳ lạ với người mẹ lạc con 30 năm, và cô đùa rằng, không chừng đó là mẹ thất lạc của anh. Cô có biết những câu nói kém duyên ấy là chạm vào nỗi đau của người bạn đời thiếu thốn tình cảm gia đình không? Thế mới nói, đoạn vụng về đầu phim và sự trôi chảy về sau, dường như hoàn toàn tách biệt.

Sơn và cô vợ gây ức chế cho khán giả

Lại có một nhân vật khác khiến tôi lấy làm tiếc. Đấy là nhân vật ông Phát của nghệ sĩ Lê Bình. Hiển nhiên tôi không bàn đến diễn xuất của chú, tôi chỉ tiếc cho 30 năm người hàng xóm sống vì hận một người. Tôi xin được tiết lộ luôn một phần kết thúc phim, bởi đây là điểm tôi còn chưa thỏa. Ông Phát nói dối 30 năm, để rồi cuối cùng cũng nhận ra mình đã sai. Tôi hiểu biên kịch muốn gửi gắm thông điệp đừng sống trong thù hận để rồi tự dằn vặt chính mình. Nhưng trong phim có chi tiết ông từng có tình cảm với bà Tư, nên tôi thiết nghĩ, nếu 30 năm ấy ông Phát nói dối là vì muốn bảo vệ bà Tư, thì phim càng bội phần ấm áp. 

Một nhân vật để lại tiếc nuối
Một nhân vật để lại tiếc nuối

Mang tựa Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa, phim lại thiếu đi chi tiết “có mẹ già nằm nghe nắng mưa”. Nếu có, phim sẽ tròn trịa hơn. Cũng như, cái kết khá đơn giản với hình người mẹ ngồi bên khung cửa sổ để ghi hình những lời cuối cùng dành cho con trai, trộm nghĩ, nếu thêm hình ảnh bà Tư tưởng tượng mình mặc chiếc áo dài đỏ sẫm đứng trên sân khấu với hàng trăm khán giả đang theo dõi, ánh đèn chiếu xuống người mẹ gầy gò thì sẽ đẩy cảm xúc của khán giả lên cao hơn nữa.

Vẫn còn thiếu một điều gì đó để đẩy cảm xúc khán giả
Vẫn còn thiếu một điều gì đó để đẩy cảm xúc khán giả

Kết phim, chắc hẳn sẽ có nhiều người vẫn còn loay quanh với câu hỏi, rốt cuộc Sơn là ai, có phải là Nam đầu thai không, Sơn có trở về quá khứ không hay đó chỉ là giấc mơ… Thêm nữa, phim bỏ vào quá nhiều yếu tố drama khiến khán giả lầm tưởng đây phim trinh thám tâm lý, đeo đuổi đáp án ai là hung thủ thật sự, để rồi ngớ ra phim không có ý khai thác theo hướng đấy. Nhưng đó chỉ là chút lăn tăn vội qua, bởi cái kết dừng lại rất đúng lúc. Chính vì nó ngưng như thế, nên khán giả mới vương vấn chút nuối tiếc, mới thút thít thật nhiều, mới khẽ mỉm cười. Mỉm cười bởi đã xem một phim thật sự xúc động, mỉm cười bởi Việt Nam đã làm được một phim đủ tầm mang đi đánh xứ người. Và chắn chắn, một chút lắng lòng nghĩ về cha, về mẹ của chính mình. Giống như tôi, khi những giọt nước mắt chưa kịp ráo đi, cùng với chiếc mũi khụt khịt, tôi chạy ào ra ra và gọi ngay cho mẹ, chỉ để nói: “Mẹ ơi, con yêu mẹ”.