[Review] Game of Thrones S06E03 - Oathbreaker
Tin điện ảnh · Luke from GoTVN ·
Tiếp nối cú twist hồi sinh động trời ở tập trước, trong tập này Jon đã lần lượt được những người bạn của mình chào đón trở lại
1. Jon Snow được bạn hữu chào đón, xử tử kẻ phản bội
Tiếp nối cú twist hồi sinh động trời ở tập trước, trong tập này Jon đã lần lượt được những người bạn của mình chào đón trở lại. Phải nói rằng mạch truyện Jon Snow trong tập này có nhiều câu thoại hết sức “mờ ám”. Đầu tiên là câu nói của Jon ngay sau khi vừa sống dậy: “Lẽ ra tôi không nên ở đây” (“I shouldn’t be here”). Phải chăng anh chỉ đơn giản là đang sợ những kẻ đã phục kích và đâm lén mình vẫn còn ở gần, và muốn lẩn trốn khỏi họ? Cũng có thể câu nói này ám chỉ chuyện Jon không muốn được hồi sinh, rằng anh chàng đã chứng kiến một hình ảnh gì đó sau khi chết đi và điều này khiến anh không muốn sống lại. Điểm mờ ám tiếp theo nằm ở câu hỏi của nữ phù thủy Melisandre về chuyện sau khi chết, Jon đã tới đâu và thấy những gì. Ban đầu mình đã cho rằng Melisandre trông đợi điều gì đó kiểu như Jon được gặp đấng tối cao R’hllor và được giác ngộ chân lý thần ánh sáng, hay Jon được chứng kiến viễn ảnh nào đó ở tương lai,... nhưng khá ngạc nhiên khi câu trả lời của Jon (“Chẳng có gì cả”) dường như lại làm Melisandre rất phấn chấn. Có thể tạm hiểu rằng: sau khi chết, lẽ ra Jon Snow sẽ đi sang thế giới bên kia, gặp lại người quen đã mất,..v..v.. nhưng vì anh vẫn đóng vai trò quan trọng trong những sự kiện sắp tới, nên một thế lực nào đó đã giữ chân Jon ở lại (lý do vì sao Jon “không thấy gì cả”), nhờ vậy Melisandre mới phục sinh anh thành công. Cách lý giải này xem ra khá hợp lý vì ngay sau cảnh này, Melisandre đã thốt lên: “Stannis không phải vị anh hùng trong lời tiên tri, đó phải là một người khác”, gần như ám chỉ đích danh Jon chính là người sẽ đứng ra chống lại hiểm họa tối thượng sắp xảy đến trên toàn Westeros (aka. Quỷ Bóng Trắng).
Khi Jon được đưa ra trước mặt các cư dân của Tường Thành, hầu hết đều tỏ ra vui mừng và thậm chí kính sợ anh hơn hẳn so với trước (Tormund: “Họ nghĩ cậu là một thứ thần linh gì đó, vì cậu trở về từ cõi chết”). Có vẻ như việc bị đâm chết rồi cứu sống sau 1 đêm mang lại nhiều lợi cho Jon hơn là hại. Ở cảnh cuối tập phim, Jon đích thân đứng ra hành quyết 4 phạm nhân đã hãm hại anh: Alliser Thorne, cậu hầu Olly, Othell Yarwyck, và Bowen Marsh. Trước khi chết Ser Alliser bảo Jon: “Giờ ta sẽ được nhắm mắt xuôi tay. Còn mi, lãnh chúa Snow, mi sẽ phải chiến đấu trận chiến của chúng (ám chỉ dân du mục) mãi mãi.” Có vẻ như dù là một kẻ nhỏ nhen, thù vặt, nhưng Alliser thực sự đã hành động vì những gì mình cho là đúng, và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đó. Hơi đáng tiếc vì nếu ông ta tham gia trận đánh Hardhome và tận mắt chứng kiến mối đe dọa từ Bóng Trắng, chưa biết chừng Alliser có thể trở thành một đồng minh thân cận của Jon giống như trong trận cố thủ Tường Thành ở tập 4x9. Sau một thoáng ngắn ngủi chần chừ, Jon xuống tay xử tử cả 4 phạm nhân bằng cách treo cổ. Hành động này, như đã nói, ngược với dự đoán của mình, tuy nhiên chính khoảnh khắc ngần ngại khi ra tay, cộng với ánh mắt buồn bã của Jon khi nhìn mặt Olly khiến cho mình tin rằng đây không hẳn là một bước chuyển biến tính cách. Sau khi 4 phạm nhân đã chết, Jon trao lại chiếc áo choàng đen của mình cho chiến hữu Edd và tuyên bố “Giờ anh có Lâu Đài Đen. Phiên gác của tôi kết thúc rồi”. Do lời thề của Đội Tuần Đêm có hiệu lực đến hết đời, cái chết 1 ngày của Jon đã giúp anh từ bỏ chức Tướng Chỉ Huy và mọi ràng buộc đi kèm với nó. Điều này đồng nghĩa với việc, Jon có thể thoải mái hợp sức với người du mục chiến đấu chống Bóng Trắng, hoặc kéo xuống phía nam đòi nợ Bolton mà không phải lấn cấn lương tâm. Quả là một cách mở nút cực kỳ thông minh và hợp lý mà bộ đôi biên kịch đã nghĩ ra.
2. Flashback Tháp Niềm Vui
Đây có lẽ là cảnh được nhiều fan bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire (trong đó có các mình) trông mong nhất trong tập này. Tiếc rằng nó đã diễn ra hơi nửa vời và dừng lại ngay tại khoảnh khắc mà mình (Luke) trông đợi nhất. Để giải thích cặn kẽ về cảnh mơ quá khứ này, có lẽ page sẽ phải dành ra một bài riêng post trong những ngày tới, vì nó hơi dài và rắc rối. Tuy nhiên, một chi tiết cực kỳ quan trọng của mạch truyện này phải kể đến khoảnh khắc Bran cất tiếng gọi cha mình, Ned Stark thời trẻ. Trong một thoáng, Ned đã thực sự quay đầu lại như thể nghe thấy tiếng gọi của Bran. Chi tiết này chứng tỏ điều gì? BRAN DƯỜNG NHƯ CÓ THỂ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ KHỨ. Nói cách khác hình ảnh Bran và Quạ 3 Mắt chứng kiến có thể không hoàn toàn là một giấc mơ, mà họ đã thực sự đi ngược thời gian và chứng kiến cuộc đọ sức xảy ra. Nếu như Bran quả thực có khả năng thay đổi quá khứ, thì có thể nói cậu đang trên con đường trở thành nhân vật đáng gờm nhất trong câu chuyện Bảy Phụ Quốc, đàn áp hoàn toàn những thế lực khác như Daenerys và 3 con rồng lẫn đội quân Bóng Trắng. Sau khi vắng mặt suốt season 5, Bran đang trở lại ấn tượng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một đặc điểm khá thú vị mà mình để ý, đó là mạch truyện của Bran vốn diễn biến khá nhàm chán và chậm chạp trong các season trước; còn hiện tại nó có một loạt chuyển biến tích cực chủ yếu là do những giấc mơ của Bran đề cập đến các nhân vật thuộc mạch truyện khác. Nói ngắn gọn: Bran là nhân vật không mấy thú vị khi đứng độc lập, mà phải cần đến những tuyến nhân vật khác xen kẽ thì mới gây nhiều hứng thú. Đặc điểm này của Bran khá giống với một nhân vật khác mà mình sẽ đề cập ngay dưới đây.
3. Arya khỏi mù, liệu mạch truyện có thú vị hơn?
Vâng, nhân vật có chung tình trạng “không thú vị khi đứng độc lập, chỉ thú vị khi dính dáng đến người khác” với Bran không ai khác chính là cô chị Arya. Phải nói rằng lần cuối cùng mình thấy ấn tượng với mạch truyện của cô bé này đã trôi rất xa vào dĩ vãng: season 2 (khi Jaqen H’ghar giúp cô ám sát 3 sinh mạng ở Harrenhal). Còn từ đó đến nay, hành trình đi lang thang của Arya đã trở thành một trong những mạch truyện nhàm chán nhất, ít thú vị nhất đối với mình, và gần như tất cả những khoảnh khắc gay cấn hiếm hoi đều liên quan khá nhiều đến một nhân vật ngoài nào đó (như tập 4x10 gặp Brienne, chứng kiến Chó Săn chết; hay tập 5x10 ám sát Ser Meryn Trant từ Westeros sang). Các fan có thể thấy, ở tập 5x10, Arya bị mù, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm đến cô vì mọi chú ý đã đổ dồn về Jon Snow bị đâm. Tương tự ở tập mới nhất vừa qua, Arya được chữa khỏi mù lòa, nhưng cũng ít ai nhớ tới vì còn bận quan tâm những diễn biến khác. Công bằng mà nói trong Oathbreaker tuyến truyện Arya có những chuyển biến khá tích cực: được khôi phục thị lực, nhắc lại danh sách những kẻ mình mong cho chết, thừa nhận cái tên Chó Săn làm cô khó xử. Tuy nhiên nếu Arya không mau chóng gặp một nhân vật nào đó thuộc một tuyến truyện khác, RẤT CÓ THỂ những cải thiện này sẽ lại bị nhấn chìm trong một vòng luẩn quẩn như ở các season trước.
4. Mẹ Rồng bị đưa về Vaes Dothrak, Varys xử lý quân phản loạn
Sau khi được Khal Moro cởi trói và đối xử tôn trọng ở tập 6x1, khá kỳ lạ khi trong tập này, Daenerys được áp giải về thành phố thiêng Vaes Dothrak vẫn trong tình trạng đi bộ (dấu hiệu của sự hạ nhục đối với người Dothraki rất tôn sùng ngựa). Thắc mắc này đã nhanh chóng được giải đáp trong cảnh tiếp theo: Daenerys sẽ không được bảo vệ bởi tục lệ ở Vaes Dothrak, mà những người Dothraki sẽ cùng tụ họp lại quyết định số phận của cô. Tuy nhiên, các fan của Mẹ Rồng cũng không cần vì thế mà quá lo lắng, vì cũng như Jon Snow, Daenerys Targaryen đang một mình làm chủ một trong 3 tuyến truyện chính của Game of Thrones, nghĩa là có rất ít khả năng cô sẽ vướng vào rắc rối gì quá nghiêm trọng trong thời gian tới. Cùng lúc đó thì tại Meereen, Tyrion có vẻ đang rất hớn hở sau lần đầu tiên chứng kiến và thuần phục hai con rồng ở tập trước, đến mức anh liên tục rủ hai con người nghiêm túc Giun Xám và Missandei chơi trò chơi uống rượu nhảm nhí. Đây là một chi tiết khá ngộ nghĩnh tiếp nối pha liệt kê tên gọi của Daenerys trong tập 1. Bên cạnh đó, quan thái giám Varys cũng gây được ấn tượng khá lớn khi xuất hiện trong tư thế phe phẩy quạt kinh điển cùng việc dễ dàng mua chuộc, thu thập thông tin của quân địch. Dựa vào những “thành tích” mà bộ đôi Varys/Tyrion đã gặt hái ở season 2, mình đang rất mong chờ họ giải quyết vấn đề phản loạn ở Meereen một cách cool ngầu (có thể kết thúc bằng một trận đánh siêu kinh điển như Blackwater) trong các tập tiếp theo.
5. Diễn biến King’s Landing
Oathbreaker đánh dấu một số chuyển biến khá đáng chú ý trong mạch truyện King’s Landing. Đầu tiên là việc Cersei Lannister quyết định sử dụng Ser Gregor Clegane, hiệp sĩ thây ma khổng lồ để thoát khỏi tội danh mà tòa thánh Thất Diện Thần gán cho cô. Cá nhân mình cảm thấy rất hào hứng khi thái hậu đã trở về “bitchy mode” thần thánh của mình, thay vì trạng thái u sầu như ở 2 tập trước (“Nếu có kẻ nào âm mưu lợi dụng những mất mát của ta để làm lợi cho bản thân, ta muốn biết về hắn”). Thời cơ trả thù của bà hoàng Lannister dường như đã đến hồi chín muồi, tuy nhiên một sự việc khác lại xảy ra có nguy cơ cản trở tiến trình này: Vua Tommen, con trai Cersei dường như đang bị lung lay trước những lời có cánh của Đại Chim Sẻ về các vị thần. Vị mục sư già cả đã cực kỳ khôn khéo khi biến tình yêu của Tommen với mẹ mình thành một vũ khí thuyết phục, trong khi chỉ một phút trước đó còn là lý do Tommen muốn gây sự với ông. Liệu Tommen có đứng vững trước những lời dụ dỗ này hay không, khi mà Margaery Tyrell, hoàng hậu của cậu, hiện vẫn bị tòa thánh giam cầm. Một chi tiết quan trong khác là sự xuất hiện của Kevan Lannister, em trai lãnh chúa Tywin và là người đứng đầu hội đồng hoàng gia hiện thời. Khi hai đứa cháu của ông, Jaime và Cersei đòi tham gia, Kevan đã ra lệnh giải tán cuộc họp hội đồng thay vì cho phép. Đây là một quyết định khá sáng suốt của Kevan, bởi nếu được trao quyền, cặp sinh đôi đang sôi sục hận thù chắc chắn sẽ không ngần ngại tấn công tòa thánh, trong khi hiện tại đó vẫn là một thế lực rất mạnh và đang có trong tay con tin Margaery quý giá. Một tình tiết nhỏ khác đáng chú ý: Jaime đã đề cập đến việc Ellaria Sand, sau khi ám sát cha con Doran Martell trong tập 1, đã lên tiếp quản xứ Dorne. Có thể thấy nhà Lannister sắp sửa rơi vào tình trạng “thù trong giặc ngoài”, khi mà kẻ thù ở Dorne cũng nguy hiểm không kém tòa thánh Thất Diện Thần, chính là những kẻ đã lấy đi mạng công chúa Myrcella.
6. Mất Sansa, Ramsay được Rickon Stark.
Và cú twist đáng kể nhất của tập này thuộc về mạch truyện Winterfell. Lãnh chúa Smalljon Umber, người được giao phó che chở cho Rickon Stark từ tập 3x9, tới gặp Ramsay đề nghị giúp đối phó với quân của Jon đang tràn từ Tường Thành xuống. Khi được yêu cầu chứng minh sự phục tùng của mình với nhà Bolton, Smalljon đã đưa ra hai con tin cực kỳ bất ngờ: Osha và Rickon Stark, con trai út của lãnh chúa Ned. Cần phải nói thêm rằng, Umber là một gia tộc được Robb Stark tin tưởng khá nhiều trong cuộc chiến 5 vua (đây là lý do vì sao Rickon được khuyên tới nhờ họ giúp đỡ), tuy nhiên hầu hết công trạng của nhà Umber đều được lập nên do tay người cha Greatjon (Jon lớn). Không giống như cha mình, Smalljon (Jon bé) dường như không có nhiều tin tưởng nơi nhà Stark vốn đã lụi bại từ 3 season trước, và giờ đây khi phải đối mặt với mối đe dọa từ Tường Thành tràn xuống, chuyện hắn giao nộp Rickon cho Ramsay là một điều không mấy phi lý. Tuy vậy, nhiều fan vẫn hy vọng rằng đây chỉ là một chiêu lừa do những gia tộc thân tín của nhà Stark ấp ủ nhằm lật đổ Ramsay bạo ngược, dù nếu quả thực như vậy thì chiêu lừa này có phần quá mạo hiểm và rủi ro khi trình diện Rickon thật cho Ramsay định đoạt. Mất Sansa, lại có ngay Rickon, Ramsay đang là một trong những nhân vật số hên nhất từ đầu season tới nay – một dấu hiệu khá nguy hiểm trong thế giới Game of Thrones.
Nhìn chung, tập phim này chủ yếu tập trung xây dựng cốt truyện (build-up), ít tình tiết gây sốc như tập trước. Tuy nhiên xét tổng thể thì hai biên kịch D&D đang làm rất tốt với season 6, nhất là trong hoàn cảnh không còn sự trợ giúp từ “thánh” George R.R. Martin. Họ đã khôn khéo xây dựng kịch bản dựa trên những theory nổi tiếng nhất, logic nhất mà các fan A Song of Ice and Fire đã dày công thảo ra suốt nhiều năm qua.
[Review] Game of Thrones S06E02 - Home
Luke from GoTVN ·
Có bao nhiêu cách trong thế giới Game of Thrones để cứu sống Jon Snow?
Luke from GoTVN ·