[REVIEW] Gintama live action – Bữa tiệc mãn nhãn dành cho fan hâm mộ
Bên cạnh các yêu tố vui nhộn, nhà sản xuất cũng không quên xây dựng cảm xúc cho nhân vật đúng theo nguyên tác.
* Tên nhân vật được trình bày theo qua tắc họ trước tên sau, tên nghệ sĩ tên trước họ sau.
*Điểm cộng:
- Chuyển thể trọn vẹn tinh thần của nguyên tác.
- Xây dựng nội dung một cách hợp lý.
- Các nhân vật như từ truyện bước ra.
- Dàn trai xinh gái đẹp.
*Điểm trừ:
- Kĩ xảo chưa tốt.
- Hơi khó tiếp cận với người chưa biết về Gintama.
- Phần âm thanh tốt nhưng chưa đủ.
- Bản dịch tiếng Việt khá tệ.
Mỗi bộ truyện là một thế giới rộng lớn nơi tác giả có thể thỏa sức sáng tạo về bối cảnh, thêm thắt nội dung hay mở rộng tuyến nhân vật. Chính vì vậy mà việc đưa khối công trình đồ sộ đó lên màn ảnh chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Khi cố gắng thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của đa số khán giả, ta có thảm họa Attack on Titan. Khi cố gắng bám sát nội dung nhưng cách thể hiện quá nhàm chán, ta được bom xịt Terra Formars. Còn khi cốt truyện chỉ được thay đổi một ít sao cho vừa vặn và hợp lý đồng thời diễn đạt chúng một cách sinh động, ta được tuyệt phẩm Gintama.
*Giới thiệu nội dung:
Live-action này sẽ bao gồm 3 câu chuyện.
Đầu tiên là cuộc gặp gỡ giữa Shimura Shinpachi (Masaki Suda), chàng samurai trẻ buộc phải cuối mình trước bọn ngoài hành tinh (Amanto) xâm lược và Sakata Gintoki (Shun Oguri), gã samurai lười biếng có mái tóc bạc bù xù cùng một lối sống sai trái, sẵn sàng quậy nát cả cái quán ăn chỉ vì mộ ly parfait sô cô la. Phần này kết thúc với một bài hát nhảm nhí do Gintoki tự thể hiện.
Phần thứ hai là chương Bắt bọ cánh cứng (tương ứng với tập 65 trong anime và chương 83-84 trong truyện). Ở Nhật, tùy theo chủng loại và kích thước mà bọ cánh cứng có thể bán được rất nhiều tiền. Và tất nhiên, hễ là những công việc ít tốn công sức mà có khả năng sinh lợi chắc chắn sẽ không vắng mặt lũ ngốc các thành viên trong Tiệm vạn năng Gin-chan. Trong 100 chương đầu của truyện thì phần bắt bọ chắc chắn thuộc top những phần hài hước nhất. Giả sử nếu có một ngày bạn vào rừng săn bọ, lỡ có bắt gặp một con gorilla một người đàn ông mặc mỗi cái khố, người phủ đầy mật ong đang giả làm một cái cây để dụ bọ. Lơ hắn đi! Rồi lỡ có gặp một một thanh niên điển trai đang sơn thứ gì đó trắng trắng lên thân cây để dụ bọ. Tiếp tục lơ đi! Còn nếu chẳng may tiếp tục nhìn thấy một con bọ khổng lồ to bằng người đang bám trên thân cây. Chạy ngay đi nếu không muốn bị lây bệnh ngốc! Khi xem đến đoạn này, cả rạp từ fan cho tới non-fan đều ngồi cười ngặt nghẽo, cảnh này cười chưa xong đến cảnh khác lại tiếp tục cười. Phải thừa nhận là khi được đưa vào thực tế chúng còn bựa hơn cả nguyên tác.
Cuối cùng và cũng là câu chuyện chiếm phần lớn thời lượng trong phim chính là chương Benizakura (Hoa anh đào đỏ thẫm). Chắc hẳn đây là chương quá quen thuộc đối với các fan của Gintama và cũng là đứa con cưng của các nhà sản xuất khi luôn được tin tưởng lựa chọn cho mỗi lần chuyển thể. Trong phần này, Tiệm Vạn Năng nhận được cùng lúc 2 yêu cầu: một là đi tìm anh bạn Katsura (Masaki Okada) hiện đang mất tích và hai là tìm ra tung tích của thanh quỷ kiếm Benizakura. Dần dần mọi manh mối đều quy về một điểm, kẻ đứng đằng sau tất cả chính là người bạn, người đồng đội cũ của cả Katsura và Gintoki, đó là Takasugi Shinsuke (Tsuyoshi Domoto). Trận chiến gay cấn bắt đầu từ đây.
*Lý giải về những điểm cộng
Nội dung: Việc chọn 3 phần trên để chuyển thể là hoàn toàn hợp lý. Cảnh Shinpachi và Gintoki gặp nhau vốn đã là huyền thoại và chẳng thể có cảnh nào tốt hơn để giới thiệu về Gintama. Tiếp đó, việc đặt một chương hài hước như Bọ cánh cứng trước một chương thiên về hành động và giải thích các mối quan hệ trong quá khứ như Benizakura đã giúp phim cân bằng hơn rất nhiều giữa yếu tố hài hước và hành động. Việc lèo lái nội dung để chuyển tiếp giữa các phần được làm rất tốt, ví như một cuộc nói chuyện giữa Gintoki và Katsura vốn không hề có trong nguyên tác đã được thêm vào để làm cầu nối cho phần thứ 2 và phần thứ 3. Vốn cốt truyện của chương Benizakura gần như không có sự tham gia của Shinsengumi nhưng đã được thay đổi đôi chút để dàn nhân vật đông đảo đều có thể góp mặt. Mặc dù giành phân nửa thời lượng phim tập trung vào Gintoki nhưng những nhân vật còn lại vẫn có khá nhiều đất diễn, vậy nên đừng lo lắng việc không đủ thời gian ngắm những nhân vật yêu thích nhé.
Gintama trên màn ảnh lần này là một Gintama trọn vẹn như vầng trăng trong đêm Edo với đầy đủ những đặc điểm vốn có. Vẫn là những trò đùa bậy mang phong cách bẩn bựa. Quen thuộc làm sao khi bắt gặp từ ch*nko hay hình ảnh cục trưởng Shinsengumi không mảnh vải che thân, những màn đối thoại tung hứng giữa các nhân vật vẫn chất như ngày nào hay là việc Elizabeth vẫn khéo léo để lộ lông chân như thường lệ. Cái chất Gintama còn đến từ những màn parody quen thuộc, sẵn sàng nhại theo bất cứ tác phẩm nào mà không sợ bị cơ quan bản quyền sờ gáy. Người viết xin được phép liệt kê một số nạn nhân trong phần phim này:
+ Golgo 13
+ Kí sinh thú.
+ Nobunaga Concerto live-action (Shun Oguri đóng chính)
+ Gundam
+ Okabe no Q-Taro
+ One Piece
+ Nausicaa of The Valley of The Wind (một bộ phim nổi tiếng của Studio Ghibli)
+ Chiến hạm không gian Yamamato (Space Battle Ship Yamato)
+ Lupin III live action (lại một phim Shun Oguri đóng chính)
+ 7 viên ngọc rồng (Dragon Ball)
Bên cạnh các yêu tố vui nhộn, nhà sản xuất cũng không quên xây dựng cảm xúc cho nhân vật đúng theo nguyên tác. Những cảnh hồi tưởng được thêm thắt, lồng ghép khéo léo đủ để cho người xem hiểu về sự gắn bó của bộ ba Gintoki - Katsura - Takasugi trong quá khứ cũng như biến cố đã khiến cả 3 đi trên những con đường khác nhau. Người thầy ấy còn, họ đi chung một hướng, người ấy mất, họ rẽ làm 3. Chỉ qua vài phân cảnh ngắn ngủi cũng đủ thấy nhân vật ấy có ảnh hưởng không thể đong đếm được đối với những cậu học trò của mình, khiến cho Takasugi vì sự ra đi của thầy mà quyết định hủy diệt cả thế giới.
Còn về phần Trảm nhân vương Nizo, tác giả Sorachi không chỉ đơn thuần muốn tạo ra một con quái vật để làm đối thủ với Gintoki. Bởi lẽ mỗi nhân vật trong Gintama đều có mục tiêu, có lẽ sống của riêng mình. Với Nizo, hắn sống chỉ với khao khát duy nhất là trở thành thanh kiếm soi đường cho người chủ mà mình tôn thờ. Mặc dù hắn đã gây ra rất nhiều tội ác (live-action đã giảm bớt những cảnh máu me so với anime) nhưng xét trên một khía cạnh nào đó thì vẫn đáng nhận được sự tôn trọng.
Diễn viên: Việc lựa chọn diễn viên cho live action Gintama vốn từ lâu đã chịu sự theo dõi gắt gao của cộng đồng Nhật. May mắn là áp lực của cộng đồng vẫn không làm ảnh hưởng tới khả năng diễn xuất của các nhân vật.
Hiếm có live action nào mà dàn diễn viên chẳng có điểm nào để chê Gintama. Trước tiên phải nói về Kagura do Kanna Hashimoto thủ vai. Không ngờ cô bé diễn tuyệt vậy mà có người lại bảo là “bình hoa di động”, “không có gì ngoài vài bức ảnh huyền thoại”. Trong khi đó Kagura trên màn ảnh vừa đáng yêu vừa bẩn bựa, mang lại cảm tình còn hơn cả Kagura trong nguyên tác.
Gintoki thì lại là một vai tương đối khó, với một nam tài tử điển trai, phong độ ngời ngời như Shun Oguri thì quả là hơi vất vả cho anh khi phải cố gắng thể hiện một nhân vật đối lập hoàn toàn với mình. Vậy nên dù vẫn còn điểm chưa vừa ý nhưng nhìn chung anh diễn như vậy là đã tròn vai.
"Tắc kè" Masaki Suda với khả năng hóa thân thành nhiều kiểu nhân vật lại một lần nữa thành công với nhân vật Shinpachi. Còn về phần bộ ba Shinsengumi, ta có một gương mặt baby, một gương mặt phong trần, bụi bặm và một gương mặt (gorilla) gan góc giống y như những gì thể hiện trong nguyên tác. Hơi đáng buồn khi nhân vật mà người viết yêu thích là Otae không có quá nhiều đất diễn.
Đa phần khán giả vốn đều cho rằng trai Nhật không đẹp, gái Nhật không xinh. Chắc chắn bạn sẽ phải thay đổi quan niệm của mình sau khi xem Gintama. Bộ phim không chỉ quy tụ những diễn viên hàng đầu về mặt diễn xuất mà nếu đọ về sắc đẹp chắc chắn cũng không kém cạnh ai. Nếu bạn không phải fan Gintama và sợ xem phim sẽ không hiểu gì, vậy thì hãy đến vì dàn diễn viên, đảm bảo bạn sẽ không hối hận.
*Lý giải về những điểm trừ
Kĩ xảo: Gintama là một bộ phim với nhiều cảnh chiến đấu cùng những yếu tố khoa học viễn tưởng nên khâu kĩ xảo là rất quan trọng. Tuy nhiên, khâu kĩ xảo của Gintama chỉ ở mức tạm chấp nhận được. Có chăng điểm sáng là hình ảnh chú chó Sadaharu đáng yêu, nhưng các bước chạy của chú vẫn hơi thô. Còn lại, cảnh phi thuyền bay trên trời khá nửa vời, kĩ xảo khi đánh nhau cũng không đến nỗi nhưng những cái vòi do Benizakura tạo ra thì đúng là thảm họa. Dù vậy với Gintama đôi lúc chuyện kĩ xảo cũng có thể đem lại tiếng cười cho khán giả.
Khó tiếp cận nếu không phải fan: Với Gintama, việc nhớ một lượng lớn nhân vật cũng đã khó rồi chứ chưa nói đến những trò đùa thâm, từ lóng, những cảnh parody. Lỗi một phần còn đến từ người dịch thiếu kĩ năng và không chú thích cho phim. Chính vì vậy bạn sẽ cần một người có hiểu biết tương đối về manga-anime ngồi cùng để giúp hiểu rõ hơn, hoặc bắt đầu tìm hiểu về nguyên tác ngay từ bây giờ.
Phần âm thanh: Đừng hiểu nhầm, phần âm thanh trong Gintama không hề tệ chút nào. Chỉ là anime Gintama có phần soundtrack rất xuất sắc nhưng live action đã không kế thừa và khai thác thêm khoản này.
Dịch tệ: Từ Death Note đến Sword Art Online và bây giờ là Gintama, người viết thực lòng không hiểu tại sao khâu dịch thuật cho phim Nhật mãi vẫn không được cải thiện. Những người đã từng dịch Gintama từ manga đến anime đều làm rất tốt, chứng tỏ cộng đồng không thiếu người có khả năng dịch tốt bộ này. Thật sự rất thất vọng! Phần dịch thuật là cầu nối quan trọng nhất để phim tiếp cận với khán giả, nhưng lại một lần nữa nó đã bị xem nhẹ.
Gintama hoàn toàn có thể nằm trong top 3 live-action xuất sắc nhất của năm. Nếu là một thành viên của cộng đồng fan manga-anime thì chắc chắn bạn không nên bỏ lỡ tác phẩm này. Còn với những khán giả chưa hề biết gì về bộ 3 phá hoại của Tiệm Vạn Năng thì nên dành chút thời gian tìm hiểu thêm, chắc hẳn công sức bạn bỏ ra sẽ không hề uổng phí.