[REVIEW] Hellboy (2019)
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · blakenguyen ·
Chiếc áo R-rated vẫn quá rộng với Hellboy 2019.
Sau hơn 10 năm kể từ khi đạo diễn Guillermo del Toro đem đến 2 tác phẩm về đứa con của địa ngục, Hellboy đã một lần nữa trỗi dậy nhưng đã được reboot hoàn toàn. Với nhãn R, Hellboy 2019 hứa hẹn bạo lực, máu me và hành động nhiều hơn so với câu chuyện thiên về trinh thám trong 2 phần trước. Và đạo diễn Neil Marshall, người nổi danh với những bộ phim kinh dị và series truyền hình Game of Thrones đã phần nào hiện thực hóa được bức tranh khác biệt về Hellboy.
Dựa theo nguyên tác Hellboy của tác giả Mike Mignola, đội ngũ sản xuất đã truyền tải một cách thoải mái câu chuyện về gã thám tử bị cắm sừng từ bé theo đúng tinh thần R-rated có phần đậm nét trong loạt truyện tranh gốc. Nội dung của phim tập trung vào cuộc đối đầu giữa Hellboy (David Harbour) và phù thủy hùng mạnh Nimue (Milla Jovovich) hay còn được gọi với biệt danh “Nữ hoàng Máu” để cứu thế giới. Trong nguyên tác theo tập truyện “The Wild Hunt”, vị nữ phù thủy hắc ám với sức mạnh khủng khiếp này là kẻ thù của vị vua vĩ đại nước Anh, Arthur và đại pháp sư Merlin. Được giải thoát sau trận chiến hơn nghìn năm trước và bị phong ấn, bà ta đã trở lại với âm mưu một lần nữa nhấn chìm nhân loại trong dịch bệnh. Lần này, trở ngại lớn nhất của Nimue, đồng thời là kẻ khiến bà ta hứng thú nhất lại chính là Red aka Hellboy, đứa trẻ được triệu hồi từ địa ngục và được nuôi nấng bởi Giáo sư Broom (Ian McShane), một thám tử chuyên điều tra các hiện tượng siêu nhiên. Liệu phần quỷ dữ trong tâm hồn Red có biến anh thành vị vua của chết chóc hay sự cương trực trong tâm trí anh sẽ là cứu tinh cuối cùng của loài người, khi anh đã thức tỉnh được sức mạnh của mình cùng với thanh gươm thần thánh Excalibur trong tay?
Vì đây là một bộ phim reboot nên việc tập trung giới thiệu các tuyến nhân vật cho tác phẩm cũng như mở ra mạch truyện lâu dài là điều tất yếu. Trong suốt nửa đầu của tác phẩm, khán giả sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của rất rất nhiều nhân vật, đến mức khó có thể nhớ được tất cả tên của họ. Tuy nhiên, thời lượng của bộ phim lại không đủ, khiến cho rất nhiều nhân vật phụ được gán cho vai trò quá nhỏ bé, sau đó hoặc là trở thành những cái xác không thể nhận diện (nhãn R mà, phải có nhiều người chết không toàn thây chứ), hoặc biến mất hẳn, khiến người xem có phần hoang mang liệu mình có cần phải biết nhân vật đó hay không?
Đối với những nhân vật còn lại có đóng góp đến mạch chuyện chính, thì cách kể chuyện của bộ phim lại không làm bật lên được tính cách, nét riêng của họ. Từ Hellboy, Alice (Sasha Lane), đặc vụ Daimio (Daniel Dae Kim) đến Nimue và các quái vật khác, không ai thật sự mang đến cho khán giả một câu chuyện thực sự thuyết phục. Khi bộ phim được đẩy lên cao trào, phần giới thiệu quá dài dòng đã vô tình khiến nửa sau bộ phim gần như bị hụt hơi, các tình tiết được đẩy lên quá nhanh nhưng không mang lại hào hứng và cảm giác háo hức cho khán giả vì mục đích, hành động của các tuyến nhân vật tỏa ra khá rời rạc và có phần thiếu logic, dù đặt trong bối cảnh là cuộc chiến tận thế giữa loài người và quái vật. Khán giả hẳn sẽ rất thất vọng khi những trường đoạn hoành tráng, đầy bạo lực được Lionsgate đặt vào trong trailer lại là những gì tốt nhất mà bộ phim có được, một tác phẩm có phần giới thiệu quá đầy đủ sẽ dễ khiến khán giả hụt hẫng khi nó không còn che dấu được điều gì thú vị nữa. Sự mong chờ cho một đoạn kết bi tráng, đậm chất siêu nhiên lại được thực hiện quá chóng vánh và hời hợt khi mục đích chính của nhà sản xuất lại là giới thiệu tương lai xa hơn của loạt phim.
Khi công bố tác phẩm sẽ là R-rated đồng thời đem đến các trailer vừa hài hước vừa đẫm máu, nhà sản xuất không giấu giếm tham vọng sẽ biến Hellboy thành một Deadpool với màu sắc siêu nhiên. Tuy nhiên, bộ phim của Neil Marshall lại thiếu quá nhiều yếu tố để có thể thành công như gã sát thủ lắm mồm của Sony/Marvel. David Harbour không có thần thái và chất giọng để dẫn dắt cả một bộ phim một cách hài hước như Ryan Reynolds. Lớp hóa trang Hellboy dù rất ấn tượng nhưng biểu cảm một màu dưới lớp da giả và cách sử dụng đài từ có phần hạn chế của bộ phim khiến các trò đùa rất nhạt và khó làm khán giả thích thú.
Phần nhìn cũng đã làm hạn chế chất R-rated trong phim. Ngoài khoảng 2 phút bị cắt vì quá bạo lực để qua kiểm duyệt, có cảm giác như bộ phim được làm tông tối đi rất nhiều, ít nhất là so với trailer được công bố, mục đích có lẽ để các cảnh chém giết đẫm máu ít bị phô và quá phản cảm đối với khán giả. Điều này làm trải nghiệm xem phim trở nên rất tệ vì phần lớn các bối cảnh diễn ra trong ban đêm và bạn hoàn toàn rất khó nhận biết rõ cử chỉ, tạo hình cũng như biểu cảm của các nhân vật trong một phông nền quá tối. Trong các khung cảnh sáng hơn, dù có thể thấy được sự đầu tư trên hóa trang của từng nhân vật nhưng vẫn bộc lộ chế trong khâu CGI cho đến các đại cảnh hành động, diễn ra quá nhanh và thiếu đi độ chi tiết, dứt khoát trong cử chỉ các nhân vật.
Với lần reboot lần này, nhà sản xuất đã thể hiện rõ tham vọng đối với thương hiệu Hellboy và không ngần ngại giới thiệu cho khán giả một thế giới siêu nhiên đầy mới mẻ. Tuy nhiên, phim việc nhồi nhét quá nhiều thông tin, dẫn đến thời lượng bị hụt và mọi tình tiết không được giải quyết một cách triệt để. Thế nhưng, nếu nhìn bức tranh toàn cảnh, khi Lionsgate quyết tâm theo đuổi dự án này thì phần giới thiệu các nhân vật trong năm nay là tiền đề vững chắc để Red và các cộng sự của mình sẵn sàng đối đầu với các kẻ thù mạnh mẽ hơn. Hi vọng Hellboy sẽ sớm trở lại với một chuyến phiêu lưu mới bên cạnh Alice và Daimio, trong một kịch bản cô đọng và chặt chẽ hơn.
Phim có 2 after-credit.
[REVIEW] Shazam!
Shazam! là bước đi thành công tiếp theo trong nỗ lực tái cấu trúc lại các phim DC.
[REVIEW] Chị Mười Ba: Phần Kết Thập Tam Muội
Chị Mười Ba: Phần Kết Thập Tam Muội nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả đã theo dõi web series nhưng bên cạnh đó, không ít người quan ngại rằng liệu phim có đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một bộ phim điện ảnh hay không.
[REVIEW] Lật Mặt 4: Nhà Có Khách
Lật Mặt 4: Nhà Có Khách hoàn toàn thành công trong việc mang lại tiếng cười cho khán giả.