[REVIEW] Murder on the Orient Express 2017 - Nhạt nhẽo và vô vị
Đánh giá phim · Maii ·
Ngồi xem mà tôi phải cố gắng lắm mới không ngủ gục trong rạp. Tệ hại và mất thời gian, một bộ phim nhạt nhẽo, không hơn không kém.
Vậy là Murder on the Orient Express (2017) đã chính thức ra rạp. Mặc dù nhận được phản hồi tốt từ phần đông khán giả, nhưng đối với tôi đây vẫn là một bộ phim nhạt nhẽo, tệ hại và không có điểm nhấn. Xem xong tôi đã nghĩ vậy, và sau khi xem thử hai phiên bản khác: Một là bản Murder on the Orient Express năm 1974 của Anh quốc, do Albert Finney thủ vai chính; hai là bản của Nhật mang tên Orient Kyuukou Satsujin Jiken, do Mansai Nomura đóng vai nhân vật trung tâm; ý kiến đó của tôi vẫn sẽ được giữ nguyên.
Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn trinh thám Agatha Christie, phim xoay quanh một vụ án mạng trong đêm trên một chuyến tàu tốc hành Phương Đông, và tất cả các hành khách đều thuộc diện bị nghi vấn.
Bản 2017 quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Johnny Depp, Michelle Pfeiffer, Josh Gad, Judy Dench, Penelope Cruz, Willem Dafoe… Nhưng tất cả đều được thêm vào chỉ để làm nền cho đạo diễn kiêm diễn viên chính Kenneth Branagh. Không hiểu gom dàn sao này vào một bộ phim để làm gì khi phần lớn các cảnh quay chỉ xoay quanh việc làm sao “thần thánh hóa” Hercule Poirot một cách nổi bật nhất có thể?
Thời lượng bộ phim chưa đến 2 tiếng nhưng đã mất đến 15-20 phút đầu tiên chỉ để nói về chuyện Poirot là người theo chủ nghĩa hoàn hảo đến đâu, đo trứng thế nào, dẫm phân một chân rồi dẫm luôn chân kia cho đều, giải mã một vụ án phụ ở Istanbul, tất cả đều chẳng có đóng góp gì cho cốt truyện chính và cũng chẳng làm nổi bật thêm được điều gì đặc biệt ở Poirot. Thay vì thêm vào các tình tiết hoàn toàn vô nghĩa và cực kỳ thừa thãi này, có khi chỉ cần một phân cảnh nhỏ khi Poirot đi ngủ, lật báo, đeo găng, sửa râu, sắp xếp vật chứng trên bàn trong bản 74 và bản Nhật cũng đã đủ cho thấy ông là người kỹ tính thế nào. Điều này giúp nâng thời lượng tập trung vào vụ án và tăng tính hấp dẫn của bộ phim.
Một điểm nữa khiến tôi rất ghét nhân vật Poirot do Kenneth Branagh xây dựng: ông ta quá ngạo mạn. Ai đời giới thiệu bản thân với các hành khách lại phăng ra câu: “Tôi là Hercule Poirot, và có lẽ tôi là vị thám tử đại tài nhất thế giới” ?! Sau đó xuyên suốt bộ phim là một mình Branagh độc diễn toàn bộ, độc diễn trong điều tra, độc diễn trong phá án bằng mấy màn đoán mò nhảm nhí, và cuối cùng phân cảnh để các vị khách ngồi trên một chiếc bàn dài bên ngoài trời tuyết lạnh (Ủa để làm gì vậy trời?), ông ta đứng trước mặt và kết tội các nghi phạm như hình ảnh trong một “vị thần công lý” đang phán xét. Nếu không phải là đang muốn biến hình tượng Poirot thành thần thánh một cách hết sức lố bịch thì tôi cũng không biết phải gọi đấy là gì.
Việc tập trung nhiều vào Poirot khiến vai trò cũng như mối hận thù của các nghi phạm đối với nạn nhân trở nên hời hợt và chẳng đáng quan tâm. Phân cảnh 12 người lần lượt đâm chết kẻ thủ ác được miêu tả rất kỹ trong bản 74. Các nhân vật gọi tên người đã khuất và xuống tay để công lý được thực thi. Các tình tiết chính đều xuất hiện và được diễn giải hợp lý, câu chuyện buồn cũng như nỗi hận của các nghi phạm đều được thể hiện rõ.
Về bản Nhật thì do đấy là phim truyền hình, độ dài thoải mái hơn nên có khả năng khai thác chi tiết hơn nữa, phim trình làng thêm các tập phim cho thấy câu chuyện đau thương của từng người, tại sao họ chọn bắt tay thực hiện một âm mưu kinh khủng như vậy. Bản Nhật được biên kịch rất chắc tay và logic. Dù chỉ là bản truyền hình nhưng diễn xuất, độ hấp dẫn và kịch tính của phim đều ăn đứt bản điện ảnh 2017 của Kenneth Branath.
Thêm nữa, Poirot của Mansai Nomura và Albert Finny đều có nét tính cách rất riêng. Bản Nhật thì Poirot (được đổi tên thành Takeru Suguro) có phần hơi lém lỉnh, nhưng không đáng ghét mà vui nhộn và hài hước. Poirot của Albert Finny thì đúng chuẩn, với thân hình hơi mập mạp, một quý ông lịch sự luôn để ý đến tiểu tiết. Cả hai đều rất gần gũi và rất “người”.
Họ có đặc điểm chung là hay sử dụng đòn tâm lý trong quá trình phá án, các lời khai vì quá hoàn hảo mà trở thành điểm không hoàn hảo trong mắt vị thám tử đại tài. Năng lực và khả năng suy luận xuất sắc của ông được người xem và các nhân vật công nhận một cách rất thuyết phục. Nhân vật người thư ký trong bản Nhật còn hỏi ông một câu: “Ngài là thần sao?”, Ông chỉ đơn giản đáp: “Tôi là thám tử.”
Còn Poirot của Kenneth Branath thì sao? Thùng rỗng kêu to. Poirot của ông trong bản 2017 cũng y như nhân vật Gilderoy Lockhart năm xưa trong Harry Potter Và Phòng Chứa Bí Mật mà ông từng thủ vai vậy, hào nhoáng bên ngoài nhưng bên trong thì rỗng tuếch. Với bộ râu trông giả tạo và phong cách quý ông ngầu lòi kiểu Anh lố bịch (vị thám tử nguyên tác là người Bỉ), Poirot của Branath cũng giống như một gã thám tử hạng xoàng lấy cái tên Poirot mà thôi.
Âm nhạc của phim cũng chẳng đọng lại gì trong khán giả, trong khi của bản Nhật và bản 74 đều rất nổi bật và ấn tượng, làm tăng tính bí ẩn cho câu chuyện. Không có các màn đánh đấm hay tình tiết được cải biên nhảm nhí và vô duyên như bản 2017, nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự kịch tính và hồi hộp theo dõi câu chuyện.
Các góc quay bản 2017 quá nhàm chán và bực mình. Tôi tự hỏi mục đích của việc quay chính diện từ trên xuống dưới trong lúc kiểm tra tử thi để làm gì? Góc nhìn của khán giả bị bó hẹp, còn lại thì nhân vật độc thoại từ trên xuống dưới y như góc quay.
Bản Nhật và bản 74 đa phần cũng đều tập trung vào hỏi cung, nhưng trong quá trình thẩm vấn thì các nghi phạm phô diễn tính cách đặc trưng và có các phân cảnh thuật lại hoạt động của họ, cuộc đối đầu ngầm giữa thám tử và kẻ tình nghi trở nên hấp dẫn hơn hẳn, khiến bộ phim không bị nhàm chán.
Còn ở bản 2017? Lời khai hời hợt, nhân vật cũng hời hợt, vài ba câu nói vài ba hành động như khạc nhổ, run lẩy bẩy lấy từ nguyên tác, còn lại ai cũng giống ai (ngoại trừ cái mặt). Ngồi xem mà tôi phải cố gắng lắm mới không ngủ gục trong rạp. Tệ hại và mất thời gian, một bộ phim nhạt nhẽo, không hơn không kém.