[REVIEW] Nước mắt không rơi nhưng cảm xúc vẫn lắng đọng Trong Từng Nhịp Thở
Đánh giá phim · VLynd ·
Ra mắt khán giả đúng dịp Ngày Phụ Nữ Việt Nam, bộ phim tình cảm, nghị lực Trong Từng Nhịp Thở chính là lựa chọn số một của hội chị em trong ngày lễ này.
Breathe (tựa Việt: Trong Từng Nhịp Thở) dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của bệnh nhân bại liệt Robin Cavendish (do Andrew Garfield thủ vai) và cô vợ không biết đầu hàng số phận Diana (Claire Foy) đã cùng nhau chống lại căn bệnh quái ác này như thế nào. Với những người mắc phải căn bệnh bại liệt, sinh mạng của họ chỉ được tính bằng tháng, họ được chữa trị nhưng đó chỉ là cách để duy trì sự tồn tại thay vì sống một cuộc đời thật sự. Nhưng với Robin thì lại khác, căn bệnh đến với anh khi tuổi đời còn quá trẻ, chàng trai với sự nghiệp đầy triển vọng đã rất khổ sở, tuyệt vọng và chọn cách giải thoát bản thân. Tuy nhiên, đó không phải là điều cô vợ Diana cho phép, anh phải tiếp tục sống để chứng kiến con trai của họ trưởng thành.
Là bộ phim đầu tay của Andy Serkis trong vai trò đạo diễn, Trong Từng Nhịp Thở mang một gam màu ấm áp, nên thơ khác với sự lạnh lẽo, khốc liệt trong những bộ phim mà ông từng đóng như Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn, Đại Chiến Hành Tinh Khỉ. Xuyên suốt bộ phim về một người bệnh tật là khung cảnh thiên nhiên đẹp như mơ với những cánh đồng ngút ngàn bất tận, những ngọn núi hùng vĩ, những cung đường khúc khuỷu đầy khói bụi... Việc sử dụng tông màu ấm đem lại cảm giác gần gũi với khán giả, khiến họ cảm thấy bản thân như là một phần của gia đình Cavendish.
Hoạ chăng, trong bệnh viện, không khí nhợt nhạt bao trùm lên, sự sống trong nơi đó thật mong manh và con người chỉ tồn tại cho qua ngày. Hai màu sắc tương phản như thế như làm bật lên ý chí của nhân vật, anh chàng Robin cần được sống bên gia đình, cần được cảm nhận tấm lòng chân thành của người thân thay vì những đợt khám bệnh hời hợt. Sau khi có chiếc xe lăn cùng máy trợ thở, Robin trở lại bệnh viện, không khí lúc ấy bừng sáng hẳn lên như hy vọng của anh mang đến cho những người bệnh cùng phòng. Với một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng trong từng góc quay được trau chuốt, Trong Từng Nhịp Thở là lựa chọn an toàn của Andy Serkis. Có lẽ, ông cần có sự đột phá nếu muốn chứng tỏ khả năng đạo diễn.
Như màu sắc chủ đạo, nội dung của Trong Từng Nhịp Thở không đẫm nước mắt, chỉ là câu chuyện tình nhẹ nhàng với những nốt trầm sâu lắng. Trước khi xem, khán giả đều biết tình yêu chính là liều thuốc tinh thần đầy phi thường. Chính vì thế, yếu tố tình cảm và nghị lực cuộc sống được lồng ghép vào nhau. Tuy nhiên, các tình tiết lại đẩy quá nhanh làm khán giả không kịp cảm nhận làm thế nào mà sức mạnh tình yêu lại mãnh liệt như thế. Dường như, sự lạc quan mới chính là tinh thần chủ đạo, làm lu mờ đi cả tình yêu.
Khán giả biết vợ chồng Robin - Diana phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng khán giả muốn biết anh này có gì để cô vợ sẵn lòng từ bỏ thanh xuân để hy sinh chăm sóc. Lúc Diana quyết định kết hôn với Robin, cô chỉ biết đó là định mệnh. Nhưng định mệnh không phải là lý do duy nhất cho tình yêu mãnh liệt đó. Hơn nữa, nghị lực cuộc sống vẫn chưa sáng tỏ. Chẳng qua tuy nằm liệt một nơi, Robin vẫn được vợ chăm sóc tận tình và chu du cùng gia đình nên vẫn lạc quan, yêu đời. Ngay cả tiệc chia tay Robin cũng đầy màu sắc và tiếng cười, hệt như phong thái của nhân vật. Có lẽ, đây là bộ phim do người con trai Jonathan sản xuất nên anh chỉ muốn đưa những khía cạnh tốt đẹp của gia đình lên màn ảnh.
Tuy thiếu đi sự cao trào nhưng Trong Từng Nhịp Thở vẫn có một chi tiết đủ bù đắp cho khán giả. Khi Robin tuyệt vọng muốn chết để giải thoát cho Diana, cô đã nhắc cho anh biết: cô muốn anh sống vì cô nhưng đừng nói anh sẽ chết để giải thoát cho cô. Vì với Diana, trong tình yêu này không hề có bế tắc. Chẳng phải khi chia tay, mọi người đều nói một câu xin lỗi đầy sáo rỗng: anh/em ra đi là điều tốt nhất cho em/anh sao. Đối phương không cần điều đó.
Với cốt truyện đơn giản, hai ngôi sao Andrew Garfield và Claire Foy đều thể hiện tròn vai. Nằm một chỗ, Andrew phải thể hiện cảm xúc nhiều hơn qua khuôn mặt và khán giả thích thú trước chất giọng khò khè của anh khi nói không ra hơi. Anh không cần phải cường điệu hoá nỗi tuyệt vọng của nhân vật vì đó là điều không cần thiết khi bên anh là cô vợ luôn biết động viên. Bên cạnh đó, Claire Foy đã hoá thân xuất sắc trong vai cô vợ cứng đầu, mạnh mẽ trong dáng dấp của một tiểu thư. Có thể thấy khi ở tuổi xế, nhân vật Diana không có vẻ gì là già đi hay mệt mỏi vì tự tay chăm sóc chồng là niềm vui mỗi ngày của cô. Tuy nhiên, khán giả trông chờ sự thể hiện nhiều hơn ở cặp diễn viên chính.
Các nhân vật phụ còn lại đều diễn tròn vai và không lấn át nhân vật chính, họ có thể tươi cười trước mặt nhưng lẳng lặng rơi những giọt nước mắt sau lưng đầy tinh tế. Hơi tiếc cho chàng diễn viên trẻ Dean-Charles Chapman trong vai người con Jonathan tuổi thành niên, vì khán giả nhớ đến mấy cậu nhóc dễ thương 3-4 tuổi hơn.
Tập trung vào phần hình ảnh, âm thanh được tiết chế, thi thoảng có vài bài nhạc cổ điển với lời ca ngọt ngào hoà vào từng nhịp thở của khán giả. Trang phục của các diễn viên nền nã, hài hoà trong từng khung hình, đẹp nhất là khi Diana trong chiếc váy trắng đánh đu quay vòng trên nền cỏ xanh mướt, mơ mộng về người mình yêu. Có điều, trang phục của Robin có hơi cầu kỳ so với một bệnh nhân bại liệt.
Khép lại bộ phim, nước mắt không rơi nhưng niềm tin về tình yêu lại một lần nữa sống lại. Khi chứng kiến quá nhiều sự phản bội, khán giả có quyền thưởng thức và tin tưởng vào tình yêu một lần nữa. Đôi khi, chúng ta chỉ cần người bạn đời có thể nhìn nhau cũng hiểu đối phương muốn nói gì như Robin và Diana.