[Review] Smurfs: The Lost Village - Các tí hon màu xanh thiếu sức hút

Đánh giá phim · thaotk ·

Smurfs: The Lost Village có thể đủ để đáp ứng một số yêu cầu của trẻ em nhưng nó lại không dành cho người lớn.

Smurfs: The Lost Village là bộ phim thứ 3 của các Xì Trum được trình diễn trên màn ảnh lớn, nhưng lần này là một bộ phim hoạt hình chứ không phải là live-action như 2 phim trước, bạn có thể mong đợi điều gì đó mới mẻ mà vẫn giữ được bản chất gốc của thương hiệu lâu năm này? Sau 6 năm với 3 bộ phim được ra mắt thì không phải phần nào cũng làm tốt, và điều đó rơi vào bộ phim mà bạn sắp sửa thưởng thức trong năm nay. Thiếu sức hút và làm mất đi khá nhiều tiếng cười tự nhiên của khán giả, đây có thể xem là một thất bại của Xì Trum. Smurfs: The Lost Village có thể đủ để đáp ứng một số yêu cầu của trẻ em nhưng nó lại không dành cho người lớn.

Đạo diễn Kelly Asbury một lần nữa mang thế giới của những sinh vật kỳ diệu màu xanh đáng yêu đang sống trong những ngôi làng hẻo lánh trong rừng sâu trở lại. Với tên gọi The Lost Village nhưng phim lại tập trung chủ yếu vào Tí Cô Nương. Nàng Tí đang gặp khó khăn trong việc hiểu chính mình và cố gắng tìm mục đích của cô ấy trong cuộc sống. Trong lúc tìm hiểu, cô cùng với 3 người bạn là Tí Cận, Tí Đô và Tí Vụng Về phát hiện ra một ngôi làng cùng với các Xì Trum mới, cũng như âm mưu đen tối của lão Gà Mên, và cuộc phiêu lưu bắt đầu. Việc Tí Cô Nương không phải là một Xì Trùm đích thực lần nữa được khai thác, và điều này có gây nhàm chán không?

Smurfs: The Lost Village đã thể hiện tốt một chuyến phiêu lưu đầy màu sắc rực rỡ với muôn vàn thứ mới lạ. Một điểm cộng lớn cho âm thanh hay, hình ảnh đẹp, các Tí được thể hiện cũng rất sinh động. Bạn nên xem với định dạng 3D để có những trải nghiệm mãn nhãn nhất. Sẽ chẳng có bạn nhỏ nào rời mắt được với thế giới của những bông hoa quyến rũ và kỳ ảo, những sinh vật đáng yêu vô hại, với khu rừng kỳ ảo mà ai cũng muốn một lần đặt chân đến. Tuy thế, Smurfs: The Lost Village cũng có một điểm trừ to đùng vì tạo cảm giác đây là một bộ phim lười biếng, qua loa, làm cho có và nó chỉ dành cho trẻ em mà thôi. Nhũng fan ruột của Xì Trum từ những ngày đầu có lẽ cũng sẽ thất vọng vì sự hời hợt này. 4 nhân vật chính trong cuộc phiêu lưu lần này tuy mỗi người vẫn thể hiện được nét riêng đúng với tên gọi của mình nhưng lại được xây dựng một cách mờ nhạt, không ai nổi bậc hoặc thậm chí không gây ấn tượng cho người xem. Ngay cả các thành phần phụ như đám côn trùng thở ra lửa, hoặc những con thỏ phát sáng trong bóng tối... cũng không để lại nhiều ấn tượng gì cho khán giả. 

Đáng tiếc nhất phải kể đến thói quen thay từ "xì trum" cho một từ bất kỳ nào khác vào những câu trao đổi hàng ngày dường như đã bị biên kịch bỏ quên. Tôi sẽ xì trum bạn... Tại sao bạn lại xì trum như thế... Thói quen đáng yêu và đặc trưng Xì Trum ấy biến đâu mất rồi? Sau khi phim kết thúc, khán giả sẽ nhớ về điều gì nhất trong phim, ấn tượng với nhân vật nào nhất, nếu không phải là chú bọ hung có khả năng sao chép và in ấn xuất thần hiện diện chớp nhoáng trong phim?

Có khá nhiều tham vọng đặt ra qua kịch bản của bộ phim, từ vô số các tình tiết liên tục diễn ra, các bài học về việc thoát khỏi các chuẩn mực hay sự gia trưởng và những lợi ích về lòng tốt, việc giúp đỡ người khác hay sự dũng cảm. Nhưng mọi thứ lại được thể hiện một cách quá đơn giản, nó không đủ độ thâm thúy và tạo ra được sự thuyết phục. Đừng nói là phim thuần túy dành cho trẻ con, thì cốt truyện đơn giản thế này cũng chưa chắc giữ chân được các bạn đến hết phim.

Với 2 bộ phim trước, khá giả ấn tượng với phiên bản lồng tiếng Việt, tuy nhiên ở bộ phim hoạt hình lần này, có lẽ mọi người sẽ thất vọng đây. Phần lồng tiếng quá khô khan và chất giọng khá già so với hình ảnh đáng yêu của nhân vật. Tạo hình của lão Gà Mên trong phim hoạt hình lần này rất trẻ con, không tạo được sự đáng sợ, quỷ quyệt và nó làm hạn chế đất dụng võ cho nghệ sĩ Thành Lộc trổ tài lồng tiếng. Có thể nói, dường như nhân vật lão Gà Mên không ăn nhập gì với cái cách mà Thành Lộc thể hiện lão ta. Phần lồng tiếng cho các nhân vật khác lần này cũng không được tự nhiên và linh hoạt, nhất là Tí Vua không còn thể hiện được cái chất giọng trầm ấm, thương yêu và là một vị vua vĩ đại đầy trí thức như trong 2 bộ phim live-action trước.

À, nhắn nhỏ với các bạn là hãy ở lại xem hết credit cuối phim chứ đừng vội vã bỏ về nhé. Đoạn credit cực kỳ dễ thương luôn đấy. Người viết bài có một thắc mắc lớn là bản gốc có duyên được như thế không, hay nó chỉ thật sự duyên qua sự hóm hỉnh của nghệ sĩ Thành Lộc?

Khán giả đã mong muốn một kết thúc ấn tượng hơn, kiểu như sau quá trình ngã lòng về phía “Vương quốc nữ giới”, Tí Cô Nương mới nhận ra đâu là nơi mình thật sự thuộc về, và sự lựa chọn cuối cùng sẽ để lại sự xúc động cho người xem. Nhưng không! Smurfs: The Lost Village đã có một kết thúc đại đoàn viên đậm chất Quỳnh Dao. Phim có thể dùng những hình ảnh bắt mắt, sinh động và lung linh để bù đắp lại phần nào nội dung, nhưng phải phủ nhận rằng nó vẫn không giúp ích gì nhiều cho bộ phim. Tất cả đều cực kỳ đơn giản từ ý nghĩa cũng như cách giải quyết vấn đề, và nó không mang đủ nhu cầu và thị hiếu của người lớn cũng như các khán giả lâu năm của Xì Trum. Một phiên bản thuần dành riêng cho trẻ em, nhưng thật sự nó vẫn thiếu thu hút và hài hước để phục vụ cho các bé. Chúng ta cần một bộ phim xứng đáng hơn, nỗ lực hơn và nhiều thú vị hơn để có thể đưa vào danh sách giải trí dành cho mình.