[Review] The Salesman - Nhân đạo là ánh sáng

Đánh giá phim · Moveek ·

Giá trị truyền thống hay là chiếc lồng kính vô hình của con người

Bản thân mình cảm thấy đây thật sự là một bộ phim rất tuyệt vời, đạo diễn Asghar Farhadi đã xây dựng một kịch bản rất đời thường với một cặp vợ chồng mang hình ảnh đại diện cho giới trung lưu ở Tehran, một vở kịch được lồng ghép tài tình với thủ pháp kịch trong kịch, một thông điệp nhân đạo được đạo diễn gửi gắm vào cuối phim.

Giá trị truyền thống hay là chiếc lồng kính vô hình của con người

Đây là câu hỏi và vấn đề mà bộ phim đã đặt ra làm mình tâm đắc nhất. Trong một bối cảnh xã hội Iran nơi mà người dân tin vào những luật lệ, giáo điều đặt ra để bảo vệ giá trị của người phụ nữ, những thứ đã tồn tại nhiều thế kỉ qua liệu có phải là chiếc lồng kính vô hình đang giới hạn, cầm tù người phụ nữ nói riêng và xã hội Iran nói chung trong một "thế giới phẳng" đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

Bằng việc đi theo mô típ bóc mẽ câu chuyện theo từng phần một, đạo diễn dẫn dắt người xem thông qua nội tâm nhân vật, cái tưởng như là riêng để rồi bóc trần cái vấn đề của chung của xã hội, một người vợ bị xâm hại nhưng không dám đến cảnh sát để trình báo, một người chồng từ căng thẳng, bối rối để rồi cái ý nghĩ bạo lực về việc trả thù đã thay đổi con người anh ta. Cả hai nhân vật đều chia sẻ nỗi sợ hãi nhục nhã tột độ vì câu chuyện của mình được lan truyền từ người này đến người khác với thái độ phán xét của một xã hội vì quá tin tưởng đến những luật lệ, giáo điều hà khắc mà quên đi lòng trắc ẩn của nó. Bằng việc dùng vở kịch The Death of A Salesman, đạo diễn lồng ghép vào một câu chuyện của một người bán hàng cũng vì tin tưởng mù quáng giá trị của giấc mơ Mỹ mà đã tự cầm tù mình cả đời làm việc để mong lấy cái tự do để rồi khi chết đi để lại người vợ mình nấc lên trong nghẹn nào hai chữ "Tự Do" trước thi thể của bản thân. Hai câu chuyện nhưng đều đi chung đến một vấn đề liệu con người ta sẽ thay đổi hay sẽ mãi bấu víu vào những giá trị đã xưa cũ để tiếp tục cầm tù mình?

Nhân đạo là ánh sáng

Trường đoạn cuối phim có lẽ là lúc mà cả bộ phim tỏa sáng để tung ra đòn cuối cùng của mình với khán giả, đặt cả hai nhân vật của chúng ta vào tình cảnh đã tìm được kẻ thủ ác, với toàn bộ diễn biến của bộ phim mình tin ông Asghar Farhadi đã thật sự làm mờ đi ranh giới đúng sai trong tâm trí của khán giả, vì ngay lúc ấy ta có thể cảm thấy được rằng với tất cả những gì hai nhân vật đã chịu đựng họ có thể đối xử tàn bạo hơn và khán giả vẫn chấp nhận điều đó, điều mà gần đây phim Deadpool đã thực hiện. Nhưng chính lúc ấy bộ phim đã tách mình ra khỏi khuôn khổ của điện ảnh như chính thông điệp của nó, bằng tinh thần nhân đạo của mình thông qua việc vẽ nên bức tranh với chủ đề là buông bỏ và tha thứ, với thứ màu sắc vô cùng "thực" của mình, bộ phim lột tả một cách dữ dội quá trình đấu tranh nội tâm và hành động của nhân vật để đưa đến cái kết đầy day dứt và cảm xúc cho khán giả. Hình ảnh chiếc bàn họp với những chiếc bóng đèn được tắt đi để chừa lại một bóng lay lắt như một hình ảnh ẩn dụ không chỉ là về ánh sáng của lòng nhân đạo mà còn là câu hỏi mà bộ phim đặt ra mà mỗi cá thể nói riêng và cả xã hội nói chung sẽ còn phải tìm lời giải đáp.