[REVIEW] Về Quê Ăn Tết – Tâm sự của những người xa quê
Tin điện ảnh · Maii ·
Được thực hiện trong thời gian khá gấp gáp, nhưng tổng thể Về Quê Ăn Tết khá ổn, dù còn sạn.
Được thực hiện trong thời gian khá gấp gáp, nhưng tổng thể Về Quê Ăn Tết khá ổn, dù còn sạn.
Về Quê Ăn Tết xoay quanh hai chị em Đậu Xanh (Ngô Thanh Vân) và Đậu Đỏ (Jun Phạm). Đậu Đỏ là anh chàng lơ xe thật thà, khao khát có tiền để về quê cưới vợ và ăn Tết với ba má. Nhưng người chị Đậu Xanh lái xe quá gớm nên chẳng có nơi nào chịu nhận. Cứ tưởng Tết này đói, nhưng bỗng dưng một ngày nọ, một người đàn ông tên Tư Ếch (Trung Dân) xuất hiện, đòi bao nguyên chiếc xe để về Cà Mau, tiền bạc không thành vấn đề. Và thế là rắc rối cũng bắt đầu từ đó.
Khá khen cho cốt truyện của phim khi không quá đơn giản, vừa đủ bất ngờ để lôi cuốn người xem. Không chỉ là chuyện một chuyến xe về quê ăn Tết, mà còn là chuyện cuộc đời, số phận của những con người xa quê trên chuyến xe đó, ẩn chứa nhiều thông điệp giản dị, nhân văn về tình cảm gia đình.
Màu phim ổn khá ổn, không quá lòe loẹt như 798 Mười mà vừa đủ sáng, đủ tươi, phù hợp với không khí Tết.
Một số phân cảnh được dựng hơi quá, khiến nó “quá kịch” chứ không thật mấy, ví dụ như cảnh chiếc xe lao vào một khu chợ Tết ở một vùng quê. Cái cảnh như thế thời này làm gì còn nữa, làm gì có ai ở quê mà ăn mặc thế nữa, có thể vẫn còn, có điều không đến độ như trong MV ca nhạc đồng quê thế kia. Tuy nhiên, nếu không quá khó tính thì khán giả vẫn có thể bỏ qua.
Dù là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh – kịch bản gia của Cô Thắm Về Làng, nhưng nhìn chung phim khá, không đến nỗi quá tệ. Đặc biệt khi chị cũng là biên kịch chấp bút cho kịch bản của Về Quê Ăn Tết, nên chỉ đã truyền tải sản phẩm trên giấy của chị thành hình ảnh đúng với ý đồ của chị. Chỉ tiếc một điều là nhiều đoạn hài hơi lố, phần do hành động của nhân vật, phần do cách diễn hơi cường điệu hóa của Ngô Thanh Vân. Nhất là đoạn đầu phim, còn lại thì đủ vui. Nếu biết tiết chế thêm xíu nữa, làm phần hài khéo tí nữa thì phim sẽ hay hơn.
Âm nhạc của Về Quê Ăn Tết ổn, tuy không ấn tượng. Dàn diễn viên khá tốt, tròn vai. Phần cũng do trình lái xe “xì tai” quái xế của Ngô Thanh Vân mà cảm xúc của các diễn viên trong phim ở các cảnh hành động đều rất thật.
Vai Tư Ếch viết ra hẳn là để đo ni đóng giày cho chú Trung Dân rồi nên không lo về diễn xuất, diễn và thoại đều rất tự nhiên. Jun Phạm cũng không có gì phải phàn nàn. Theo như anh chia sẻ thì mỗi ngày phải ra bến xe để xem các anh lơ xe cư xử thế nào, phải nhờ các anh chị đóng chung thêm thoại vào để diễn sao cho “chất”, sự chịu khó của Jun có thể nói là đáng khen và lên hình ổn, đủ “chợ búa” phù hợp với phim.
Phân đoạn hội thoại giữa anh và Will (365) hài, dù lố nhưng mà chấp nhận được. Nhân vật anh bán bánh mì của Will xuất hiện có xíu nhưng vui, cứ lặp đi lặp lại câu “Dư ngân lượng rồi, dư ngân lượng rồi” theo kiểu phim kiếm hiệp Hồng Kông làm khán giả không nhịn cười được. Phim cũng tập hợp khá nhiều danh hài có tiếng như Bạch Long, Phi Phụng, Hữu Lộc, dù xuất hiện ít phút thôi cũng đã đủ làm nên các mảng màu sắc đa dạng cho phim.
Phim có kha khá đoạn cao trào, không bị quá chán và quá ủy mị, biên kịch biết cách xây dựng cốt truyện và dẫn dắt sao cho ổn. Bối cảnh của phim đa phần nằm trên một chuyến xe về Cà Mau, ngoại cảnh được hạn chế bớt, không phô ra quá nhiều lỗi do được quay ở Bình Dương, Bình Chánh, không giống với các địa danh thực tế được nhắc đến trong phim. Một số cảnh không thể tránh được thì đành chịu, nhưng vẫn không ảnh hưởng mấy đến phim.
Đoạn cao trào cuối cùng khá “drama”, đủ gay cấn và kịch tính để níu chân khán giả đến phút cuối cùng (công nhận mấy anh công an đóng phim cũng nhiệt tình ghê). Thông điệp của phim lúc này mới hiện lên rõ ràng, tạo thành một cái kết đẹp. Nhiều người vì cơm áo gạo tiền mà không về quê ăn Tết, xem xong chắc cũng có phần hơi chạnh lòng.
Được biết, bộ phim được bấm máy ngay sau Cô Ba Sài Gòn, thời gian làm phim khá gấp rút nên sạn trong phim khá nhiều, nhưng nếu là khán giả dễ tính và không quá “soi”, thì bạn sẽ không cảm thấy tiếc tiền nếu lựa chọn Về Quê Ăn Tết. Có vẻ như “nội chiến” giành khán giả trong Xuân Mậu Tuất của phim Việt kỳ này sẽ khá khốc liệt, nhưng cũng chính vì sự cạnh tranh đó mà các nhà làm phim mới có động lực để có thể làm phim hay hơn, chỉn chu hơn nhằm phục vụ khán giả tốt hơn.