Tam quốc của các siêu anh hùng

Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·

Lĩnh vực phim siêu anh hùng của Mĩ hiện đang nằm trong tay 3 đại gia với 3 phong cách khác nhau. Và thú vị ở chỗ là tình thế của 3 vị đại gia này cũng không khác với 3 nước Ngụy Thục Ngô thời xưa bên Trung Quốc là bao.

Lĩnh vực phim siêu anh hùng của Mĩ hiện đang nằm trong tay 3 đại gia với 3 phong cách khác nhau. Và thú vị ở chỗ là tình thế của 3 vị đại gia này cũng không khác với 3 nước Ngụy Thục Ngô thời xưa bên Trung Quốc là bao.

(Bài viết có sử dụng hình ảnh của bộ truyện tranh “Hỏa phụng lieu nguyên” do Hội Những Người Hâm Mộ Hỏa Phụng Liêu Nguyên biên tập).

Tam Quốc là cái chi?

Đó là một thời đại mà nước Trung Hoa cổ bị chia thành 3 nước nhỏ gồm : Bắc Ngụy của họ Tào, Tây Thục của họ Lưu và Đông Ngô của họ Tôn. Quá trình hình thành ba quốc gia này và thống nhất nó đã được nhà văn La Quán Trung viết thành tiểu thuyết chương hồi “Tam Quốc Diễn Nghĩa” làm say mê người đọc của các quốc gia Châu Á.

Nước Tàu thì liên quan gì đến nước Mĩ?

Cuộc xung đột giữa 3 quốc gia Ngụy, Thục, Ngô từ lâu đã không còn gói gọn trong biên giới nước Trung Hoa cổ đại nữa. Những giá trị tinh thần, những bài học về quân sự, chính trị trong thời đại này đã trở thành những bài học được người đời nghiền ngẫm. Và cuộc cạnh tranh giữa ba đại gia trong làng phim siêu anh hùng quả thật có nhiều điểm tương đồng thú vị.

Những điểm tương đồng trong các sự kiện?

Để cho các bạn dễ hiểu, chúng ta hãy đi theo từng giai đoạn nhé.

Giai đoạn 1: Khởi nghĩa Khăn Vàng, Đổng Trác và sự thoái trào của dòng phim siêu anh hùng.

Cuối thời Đông Hán, do triều đình hủ bại mà dân sống không nổi phải trỗi dậy làm giặc. Khởi nghĩa Khăn Vàng của ba anh em họ Trương với slogan “Trời xanh đã chết, trời vàng nên theo”. Các tướng lĩnh của nhà Hán lúc này dồn hết hơi tàn mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa này. Sau đó, là sự hoành hành của mười tên thái giám khiến triều chính ngày một tệ hại. Hà Tiến là anh hoàng hậu lúc bây giờ mới triệu Đổng Trác vào kinh thành dẹp loạn. Nào ngờ Hà Tiến bị hoạn quan giết chết khiến Đổng Trác có cơ hội nắm quyền. Y ra sức cướp bóc, giết đại thần, tạo nên một trang sử đen tối cho nhà Hán.

Trở lại với dòng phim siêu anh hùng. Chúng ta có thể thấy là trước năm 2000 thì phần lớn các phim siêu anh hùng được xem là “ít nghiêm túc”, và hai hình tượng thành công nhất là Batman (cho Michael Keaton đóng) và Superman (Christopher Reeves). Trong giai đoạn này, nói đến phim siêu anh hùng là nói đến phim của DC. Những bộ phim của họ chống đỡ và cũng phá hoại hình ảnh của các siêu anh hùng dữ dội nhất.

Ví dụ như, Đổng Trác- kẻ tàn phá chính quyền nhà Hán là ai?

Xin thưa đó là cái của nợ Batman and Robin năm 1997 do Joel Schumacher đạo diễn.

Bộ phim hủy diệt hình tượng Batman và Robin, và dĩ nhiên đó là một bộ phim dở nếu xét trên các khía cạnh như tình tiết, phục trang và logic phim.

Giai đoạn 2: Lữ Bố giết Đổng Trác, Tào Tháo trỗi dậy, Tôn Sách báo thù.

Để diệt Đổng Trác và vực dậy nhà Hán, các chư hầu đã tập hợp lại thành liên minh Quan Đông. Liên minh này bao gồm chư hầu ở các địa phương như : Tôn Kiên (cha Tôn Sách, người sau này sẽ đặt nền móng cho nước Ngô), Tào Tháo, Viên Thuật v.v. Tuy nhiên, vì các chư hầu đều có lòng riêng nên họ không thể đánh bại Đổng Trác. Thậm chí Tôn Kiên còn bị một chư hầu khác là Viên Thuật hại chết.

Các chư hầu vừa rút quân thì Lữ Bố, con nuôi Đổng Trác giết ông ta để chiếm quyền.

Người ta vẫn ưa thích truyền thuyết dân gian là Lữ Bố yêu Điêu Thuyền, thiếp của Đổng Trác mà giết Đổng Trác rồi gọi Lữ Bố là hạng hữu dũng vô mưu. Nhưng có một sự thật đó là Lữ Bố là võ tướng giỏi nhất thời đại đó với câu châm ngôn : “Ngựa có Xích Thố, người có Lữ Bố”. Trong “Hỏa Phụng Liêu Nguyên”, bộ truyện tranh của tác giả Trần Mỗ người Đài Loan cũng có phân tích:

“Phải! Đánh trận không phải trò trẻ con, nếu hữu dũng vô mưu thì sao là Thường Thắng Tướng Quân được? Chê địch khen ta chỉ dùng để an ủi tinh thần tướng sĩ thôi.”

Sở dĩ người viết phải dài dòng như thế, là vì muốn nhấn mạnh về tình huống tạo ra sự chuyển biến của dòng phim siêu anh hùng. Đó là sau “cú phốt” của Batman and Robin năm 1997, dòng phim siêu anh hùng gần như “tuyệt tích giang hồ”. Nỗ lực cứu triều Hán khỏi tay Đổng Trác nhưng thất bại có thể ví với Superman Return năm 2006.

Bộ phim chán đến mức một cái trailer và một chương trình giới thiệu về nó đã đủ nói hết nội dung tác phẩm phim. Và người ta thậm chí còn không thể nhớ đến diễn viên đóng vai siêu nhân tên gì, có phim nào khác hay hay không?

Thế rồi người hùng của DC nói riêng và dòng phim siêu anh hùng nói chung đã xuất hiện, cứu rỗi tất cả.

Vâng đó chính là “The Dark

Knight”  trong Dark Knight Trilogy.

Cùng nói về Batman, về siêu anh hùng nhưng những gì mà “The Dark Knight” làm được đã vượt quá chuẩn mực của bất kì bộ phim nào : những triết lý về xã hội, nhân tính, những đoạn nhạc nền epic và những cảnh quay hay đến nổi da gà giúp nó vượt vào top 25 film hay nhất do IMDB bình chọn.

Dark Knight của DC đã đem lại sự hứng khởi cho khán giả, nhưng người tận dụng tốt nhất cơn hứng khởi đó là Marvel- Tào Tháo!

Thực vậy, cùng thời với Dark Knight 2008 là “Iron Man” phần 1 cũng đầy hấp dẫn (theo đánh giá cá nhân thì đây là phim hay nhất trong loạt phim Iron Man cũng như các phim của Marvel). 3 năm sau đó người xem có ngay Captain America phần 1. Tuy không phải là một phim xuất sắc, nhưng vì có tính liên đới nhằm tạo ra một thế giới hoàn chỉnh cho Marvel, người xem vẫn đón nhận nồng nhiệt bộ phim này.

Trong khi đó, có một thế lực vẫn đang âm thầm “kiếm cơm” trong lúc DC vừa hồi sức và Marvel vừa trỗi dậy.

Đó là Fox-  nhà họ Tôn của cha con Tôn Kiên Tôn Sách.

Tôn Kiên chính là hậu nhân của Tôn Tử, người viết ra pho “Binh pháp Tôn Tử” lừng danh. Khi đánh Đổng Trác, Tôn Kiên “vô tình” tìm được ngọc tỉ (con dấu của nhà vua). Vì vậy mà dù võ công cao cường, tinh thông binh pháp nhưng ông vẫn bị những chư hầu xấu bụng khác hại chết. Không nhầm lẫn đi đâu được. Vì trước “Dark Knight” 2008 hay “Iron Man”, “Captain America” thì có một loạt phim khác nổi lên và giãy chết trước đó. Đó chính là “Xmen” của Fox!

X-Men 1 và 2 thì được khen ngợi nhiệt liệt, đưa tên tuổi của Hugh Jackman (diễn viên thủ vai Wolverine) lên cao và đem lại lượng fan đủ để xem tiếp 2 cái spinoff dở ẹc của anh ta. Cho nên khi X-Men 3 ra mắt, sự tệ lậu của bộ phim đã khiến Fox ăn gạch đá từ khán giả, tương xứng với cái chết của Tôn Kiên.

Và thú vị ở chỗ, Fox cũng có “ngọc tỉ” của riêng mình. Đó chính là bản quyền của các nhân vật thuộc nhóm Xmen. Và vì cái “ngọc tỉ” này mà Xmen không thể xuất hiện trong các phim Marvel, và dù có xuất hiện thì cũng chết nhảm như Quicksilver trong “Age of Ultron” ra mắt năm 2014. (Chạy nhanh như điện và bị đạn bắn chết. Nice logic, Marvel.)

Giai đoạn hiện tại: Tào Tháo bành trướng, Lưu Bị long đong, Tôn Quyền vững chãi.

Sau khi Lữ Bố chết, Tào Tháo đã vào kinh đô nắm quyền điều khiển vua nhà Hán và dần dần bành trướng thế lực. Trong tay có những mưu sĩ bậc nhất thiên hạ như Quách Gia, Giả Hủ, Tuân Úc, võ tướng thì có Trương Liêu, Từ Hoảng, Vu Cấm v.v. lại thêm cái danh “phò trợ nhà Hán” khiến thế lực của Tào Tháo như mặt trời giữa trưa. Và sau đó ông ta “nuốt” luôn cả Viên Thiệu khiến cho một nửa phía Bắc của Trung Hoa rơi vào tay mình.

Trong khi đó, hậu duệ nhà Hán là Lưu Bị vì thiếu một căn cứ ổn định và một mưu sĩ giỏi chính trị nên vẫn long đong lận đận, rày đây mai đó.

Còn ở phía Nam, Tôn Sách chết, em là Tôn Quyền lên thay đã thực hiện đường lối chiêu mộ nhân tài, củng cố thế lực của mình. Về mặt địa hình có con sông Trường Giang che chắn, còn về mặt nhân sự thì người ở Giang Đông đều tin yêu dòng họ Tôn. Vì vậy mà căn cứ của Tôn Quyền quả thực rất khó xâm phạm..

Giống như Tào Tháo nuốt Viên Thiệu, Marvel đã mạnh hơn bao giờ hết sau phi vụ sát nhập với Disney.

Có một số người chê bai rằng Marvel mà bị Disney mua về thì chỉ có làm phim cho … con nít xem. Nhưng họ nào biết rằng trong giai đoạn từ 2010 đến 2016, định hướng của Marvel là khán giả trẻ tuổi teen và khán giả phổ thông không cần quá rành về comic. Tức là việc Disney mua lại Marvel chỉ có lợi chứ không làm mất bản sắc của Marvel.

Trong khi đó, Lưu Bị - DC thì vất vả khởi sự. Trước đây, Lưu Bị quản lý Từ Châu và bị Lữ Bố chiếm. Sau khi Lữ Bố chết, ông ta dùng những gì còn sót lại để chống Tào Tháo và bị đánh cho tan tác, phải bỏ chạy theo Viên Thiệu. Viên Thiệu thua, Lưu Bị cũng chạy về Kinh Châu và khởi sự lại từ đầu.

Điều này có khác gì với việc sau khi “The Dark Knight trilogy” aka Lữ Bố kết thúc, DC bắt đầu khởi sự lại bằng “Man of steel” và không thành công lắm về doanh thu lẫn đánh giá từ giới phê bình.

(ngân sách 225 triệu USD chưa tính chi phí quảng cáo và thu về 668 triệu USD. 56% trên Rotten Tomatoes và 7.2 trên IMDB).

Còn về phần Fox, thì điểm hay của họ là đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực và kiên trì giữ gìn những gì mình có. Họ không có hai anh hùng mang tính biểu tượng như Superman và Batman của DC, họ không có nguồn vốn và nhân lực của Marvel. Cái họ có là bản quyền của một nhóm nhân vật cực kì thú vị và đa dạng. Thế nên họ tập trung vào khai thác chúng theo những cách ảo diệu nhất!

Thực vậy, sau khi nhận ra nhóm Xmen “già” của Hugh Jackman đã bị “mất điểm” thì họ quay về quá khứ và khai thác thời trẻ của nhóm này. Nhờ vậy mà họ đã “thay máu” một cách ngoạn mục với sự diễn xuất ăn ý của bộ ba James McAvoy (vai Xavier), Jennifer Lawrence (vai Mystique) , Michael Fassbender (vai Magneto).  Và khi dân tình đang nghĩ rằng họ sẽ khai thác tiếp về chủ đề quá khứ, thì Fox lại “chơi chiêu” để loại bỏ những tác phẩm dở của mình như : X-Men Origin : Wolverine” (2009) và The Wolverine(2013). Đó chính là bộ phim Day of Future Past nơi mà các sự kiện bị đảo lộn bằng chuyến du hành ngược thời gian của Wolverine.

Và giờ đây, vũ trụ phim của Fox đã mới tinh, “như chưa hề có cuộc chia ly” để họ khai thác tiếp.

Những điểm tương đồng trong cá tính 3 vị đại gia

Khi triều Hán đánh mất uy tín và địa vị của mình, người dân chỉ cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn mà thôi. Chính vì vậy họ theo giặc Khăn Vàng, họ đi theo Tào Tháo vì những người đó đem lại tự do và công bằng cho họ. Họ cũng không cần biết đến cái gọi là “tư tưởng trung quân ái quốc” của đạo Khổng Mạnh thời bấy giờ.

Thế nên, việc người tài trong thiên hạ đi theo Tào Tháo là điều dễ hiểu: bản thân ông ta là người có tài và thực tâm lo cho nhân dân. Và ông ta cũng phò Hán chứ không đòi phế vua Hán lên ngôi. Nhà Hán vẫn còn, dân chúng có cơm ăn, quá ổn rồi còn gì!

Thế tại sao Lưu Bị không theo quách Tào Tháo cho mọi thứ nhanh được định đoạt?

Có rất nhiều lý do. Có người cho rằng ông ta là một kẻ ngang hàng với Tào Tháo nên không muốn theo y. Có người cho rằng ông ta là con cháu Hán triều nên không thể phó mặc quyền hành vào tay kẻ khác. Hay như Trần Mỗ, tác giả của Hỏa Phụng Liêu Nguyên cũng đã cho Lưu Bị thể hiện nỗi lòng:

Tức là, Lưu Bị giành thiên hạ để giữ gìn những giá trị đạo đức và ngăn những kẻ mượn danh nghĩa “thay triều đổi đại” mà tiến hành chính biến khiến bao người phải chết theo.

Người đã sống cách đây mấy trăm năm, tâm tư của họ chúng ta không thể hiểu hết được. Tuy nhiên, đánh giá chung cho tập đoàn nhà Thục Hán của Lưu Bị là một tập đoàn ôm các giá trị đạo đức và di sản của một triều đại cũ mà duy trì cuộc chiến. Cuộc chiến đó có thể vì thiên hạ, vì quyền lực, nhưng trước hết, đó là cuộc chiến khẳng định lý tưởng của chính mình.

Chính vì thế mà đại gia DC chính là một Lưu Bị đang trong cơn khốn cùng. Vì quá chậm chạp trong việc khởi sự, mà những bộ phim của DC nếu giữ phong cách “dark and deep” thì khó kiếm fan. Mà nếu làm theo kiểu đại chúng thì không thể bì lại với Marvel đã nắm gần hết số khán giả teen. Tuy nhiên, cái mà họ có là những fan gạo cội vì yêu thích những giá trị nhân văn và triết lí trong phim. Và dù không có một đội ngũ đồng đều và đông đảo như Marvel, thì những cá nhân xuất sắc mà DC có cũng tài ba không kém những Trương Phi, Quan Vũ của nhà Thục. Đó là Chirstopher Nolan đạo diễn Dark Knigh trilogy nay đã lui về vị trí sản xuất. Đó là Hans Zimmer với tài soạn nhạc “thần thánh”. Và là Zack Snyder với phong cách làm phim đặc trưng, cực kì thích hợp với phong cách “ẩn ý” của DC. Cứ thế, DC ôm những hình tượng kinh điển của truyện tranh như Batman và Superman đi tiếp con đường tăm tối của mình.Đúng như câu nói trong The Dark Knight Rises

_ Why do we fall? So that we can learn to pick ourselves up.
(Tại sao chúng ta vấp ngã? Chỉ để chúng ta có thể học cách đứng dậy).

Còn về Tào Tháo. Là một thiên tài quân sự và chính trị, ông ta đã nhìn thấu lòng người mà đi đến thành công. Trong tay Tào Tháo- Marvel hiện giờ là tất cả những gì một nhà sản xuất thèm muốn: một dàn fan hùng hậu, những đạo diễn tài ba như anh em nhà Russo ( Captain America 2, Civil War v.v.), những ngôi sao hot nhất hiện giờ như Robert Downey Jr., Chris Evan, hay gần đây nhất là Bennedict Cumberbatch…

Và đúng như những gì Tào Tháo đã làm cho dân chúng: ông ta cho họ cuộc sống cơm no áo ấm. Những fan Marvel cũng chỉ cần những bộ phim tươi vui nhí nhảnh đủ để giải trí. Và Marvel cho họ những điều đó. Đó là lý do tại sao Captain America 3: Civil War lại giống như một cuộc tình tay ba giữa ba người đàn ông và kết thúc khi chả ai chết. Môt cuộc chiến “huề cả làng”.

Với Đông Ngô của nhà họ Tôn, chúng ta có một quốc gia được xây dựng từ một gia đình có ảnh hưởng trong vùng. Những nhân tài về với Đông Ngô vì cảm thấy được trân trọng như những thành viên trong gia đình. Giống như Sách Tử viết: “Kẻ sĩ nhìn thấy Tôn Sách, không ai không tận tâm, vui vẻ nhận cái chết”.

Quay lại với Fox, kẻ “im hơi” nhất trong ba người. Như đã nói ở trên, Fox có một hướng đi thích hợp với nguồn lực hạn chế của mình. Chính vì thế mà những bộ phim của Fox dù khai thác xung đột giữa hai phe giáo sư X và Magneto, thì vẫn có không khí của những người anh em.  Những chàng trai thích cái cách hai phe đánh nhau nhưng vẫn xem nhau là anh em, cùng chống lại kẻ địch từ nhiều phía. Còn những cô gái thì thích cái mùi tình yêu trai đẹp giữa hai anh chàng thủ lãnh này (dù là phiên bản già của Sir Ian Mckellen và Pattrick Stewart hay Micheal Fassbender và James Mcavoy).

Cơ mà sự yếu kém của họ vẫn không thể nào tha thứ được qua thất bại của Fanstatic Four năm 2015.

Điều này khá giống với việc Fox chỉ giỏi giữ những cái có sẵn thay vì tạo mới. Cũng giống như Giang Đông giỏi thủ hơn công trong tam quốc vậy.

Siêu Anh Hùng là thể loại phim hấp dẫn vì nó bao gồm cả một nên văn hóa comic của Mĩ ẩn sau và sự cạnh tranh của các fandom (cộng đồng người hâm mộ). Với tư cách là fan của dòng phim này, tôi vẫn thích sự “chia rẽ” này vì nó tạo nên những nét riêng cho từng bộ phim. Còn bạn thì sao? Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về “cuộc chiến” này với Moveek qua phần comment nhé.