Tản mạn trong Hỏa Ngục
Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·
Nếu có 1 cái nút để tất cả loài người lăn ra chết, mình sẵn sàng bấm nó.
Đây không phải là một bài review phim, vì bài review phim thì phải nói về bộ phim. Đây là những gì xuất hiện trong đầu mình khi xem “Inferno” do Tom Hanks đóng chính.
1. Loài người có đáng chết không?
Có!
Nếu có 1 cái nút để tất cả loài người lăn ra chết, mình sẵn sàng bấm nó. Cũng giống như cái biểu đồ sau: những tình cảm tích cực chỉ chiếm 1/6 tình cảm của loài người.
Tại sao vậy?
Tại vì thế giới này bị chi phối bởi những kẻ ác. Điều đó làm cho cuộc sống đau khổ hơn rất nhiều. Chi phí duy trì chiến tranh của Mỹ gấp ngàn lần chi phí tạo ra hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục miễn phí nhưng họ đã làm gì? Họ chọn gây ra chiến tranh, một hệ thống y tế đắt đỏ và hệ thống cho sinh viên vay tiền để học và rồi khi các sinh viên tốt nghiệp mà chưa có việc làm ngay, những món student loan đổ ập lên đầu họ.
Hay như tiệm Cơm Sườn gần nhà mình. Ban đầu tiệm Cơm Sườn hứa rằng sẽ bán cho tất cả mọi người trong xóm, nhưng rồi sau đó chỉ còn lại bán cho những “người nào đó” với phương châm: “2 người mà có 1 người ăn 1 đĩa cơm và 1 người đứng ngó thì xem như mỗi người ăn ½ đĩa cơm”.
Mình biết là có những người tốt. Nhưng rồi cuộc sống sẽ nghiền nát họ như 5/6 cảm xúc tiêu cực nghiền nát 1/6 còn lại. Một xã hội loài người ngày một ngu ngốc và lệ thuộc vào thiết bị điện tử làm mình phát tởm. Loài người không mấy ai dùng bộ não để tạo ra điều tốt đẹp. Họ dùng nó để phục vụ cái Tôi ngu ngốc của họ. Và vì thế mà xã hội hiện đại giống như 1 Hỏa Ngục với đủ 7 đại tội. Câu nói “Loài người là căn bệnh ung thư” không phải là lần đầu xuất hiện. Một phiên bản khác hay ho, lạnh lùng hơn đã có trong “The Matrix” năm 1999.
Thế nên mình sẽ bấm nút! Giải thoát cho hành tinh tươi đẹp này và cả 1 loài người khốn nạn nữa.
2. Những gì mà Dan Brown có thể làm để tiểu thuyết Hỏa Ngục và film Hỏa Ngục hay hơn?
Đáng lẽ ông ta nên khai thác thêm về 7 đại tội. Nên để cho người xem tìm ra mình đang nằm ở Đại Tội nào thông qua lời giải của Robert Langdon. Bởi vì, sức hấp dẫn của “Mật mã Da Vinci”, “Thiên thần và ác quỉ” và “Biểu tượng thất truyền” nằm ở sự mập mờ trong câu hỏi: “Liệu những gì ghi trong Kinh Thánh có tồn tại hay không?”. Trong một tác phẩm khai thác về tội lỗi của con người và sự trừng phạt, nếu có những chi tiết giải đố kèm theo yếu tố rùng rợ thì Hỏa Ngục hẳn đã thành công hơn rất nhiều. Đáng lẽ Dan Brown nên học thêm cách diễn giải của phim “Se7ven” làm năm 1995. Không phải những kiến thức cổ, những đoạn thơ ít ai biết, mà là sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong phim làm cho 7 đại tội hiện ra rõ ràng, và người xem có thể thấy được Hỏa Ngục thực sự chính là trong từng hơi thở của họ.
3. Đại tội của mình là gì?
Nếu bạn xem film và muốn bấm cái nút. Thì chúc mừng, chúng ta có thể chia nhau 1 góc trong địa ngục dành cho “Envy”.
Nơi đày đọa những linh hồn luôn ghen tức với kẻ khác, đôi mắt chúng ta sẽ bị khâu lại vì chúng ta từ chối nhìn thấy phần tốt đẹp của con người, vì chúng ta cảm thấy căm hận thế giới này khi họ hạnh phúc. Thế nhưng cũng nhờ thế, mà chúng ta nhìn ra bản chất thật của dục vọng và hạnh phúc: đó chỉ là liều thuốc giảm đau để quên đi vực thẳm trước mặt.