Thần tiên cũng nổi điên – Bao giờ phim Việt mới thôi để yếu tố hài phá hỏng kịch bản hay?
Tin điện ảnh · VLynd ·
Chuyển thể từ tác phẩm kịch ăn khách của Sân khấu Thế giới trẻ, bộ phim Thần tiên cũng nổi điên của biên kịch – đạo diễn Cao Tấn Lộc có vẻ không được lòng khán giả ngay từ trailer.
Chuyển thể từ tác phẩm kịch ăn khách của Sân khấu Thế giới trẻ, bộ phim Thần tiên cũng nổi điên của biên kịch – đạo diễn Cao Tấn Lộc có vẻ không được lòng khán giả ngay từ trailer. Với tình hình phim Việt trên màn ảnh rộng luôn tràn ngập yếu tố hài, thì bộ phim cũng không phải là ngoại lệ, hài và sao lớn là 2 yếu tố có thể thu hút khán giả, nhưng không đủ kéo người ta xem đi xem lại, hoặc tệ hơn là bị cắt suất chiếu do người xem không thèm đoái hoài.
Thật sự mà nói, Thần tiên cũng nổi điên có một kịch bản hay về tình yêu ngày nay. Đó là câu chuyện về cô gái tré vì dấn thân vào showbiz mà bỏ người mình yêu, hay câu chuyện về tình yêu “máy bay – phi công” mà người ta hay soi mói và thậm chí là câu chuyện tình cảm đồng tính đơn phương có chút tiếc nuối. Kịch bản hấp dẫn là thế, nhưng cách khai thác đã làm khán giả nổi điên theo thần tiên luôn. Đến với bộ phim, bạn có thể cười trước những tình huống oái ăm, những sự cố của nhân vật nhưng tiếng cười ấy không kéo dài lâu, hay đọng lại tí gì, thậm chí là có những chi tiết hơi sượng. Một yếu điểm nữa của Thần tiên cũng nổi điên là khai thác các mối quan hệ của nhân vật, cùng là phim Việt Nam nhưng về phần này thì mảng truyền hình làm tốt hơn nhiều (không thể chống chế do thời lượng mà hãy học hỏi cách khai thác). Các tuyến nhân vật đều có sự quen biết với nhau nhưng các tình huống của mỗi cặp như là các phim ngắn ghép lại thành một bộ phim hoàn chỉnh, rất ít sự kết nối giữa các nhân vật. Một điều ngộ nghĩnh nữa là có vẻ phim Việt rất chuộng làm chi tiết cảm động khiến khán giả phải bật cười?!
Về phần diễn viên, nhà sản xuất khéo léo khi sử dụng các diễn viên từng góp mặt trong vở kịch cùng tên như: Thu Trang, Hoàng Phi, Puka, Quang Tuấn để thu hút khán giả cùng các tên tuổi lớn khiến khán giả yên tâm là: Lê Khánh, Đại Nghĩa và Chí Tài, đồng thời sử dụng các diễn viên trẻ có tiềm năng như: Anh Tú, Diệu Nhi, Hạnh Thảo. Các diễn viên đều làm tròn vai, riêng tạo hình nhân vật Cupid của Hoàng Phi giống thần chết hơn là vị thần tình yêu tinh nghịch. Cặp đôi Thu Trang – Đại Nghĩa kết hợp khá là ăn ý, chất tình cảm giữa họ đem lại cảm giác vừa đáng yêu mà vừa có sự thấu hiểu lẫn nhau của Ông Tơ Bà Nguyệt. Nhân vật của Lê Khánh làm gợi nhớ đến nhân vật nữ đầu bếp Quyên e thẹn lẫn “hổ báo” khi yêu của chính cô trong bộ phim Cô dâu đại chiến (2011, 2014).
Như bao phim Việt khác, Thần tiên không nổi điên mở đầu bằng flycam ngoại cảnh tuyệt đẹp, đan xen đó là những cung đường lẫn cảnh biển khiến khán giả muốn “đưa nhau đi trốn” theo, ngay cả những cảnh quay trong nhà đều được trau chuốt. Bên cạnh đó, là quảng cáo cho các thương hiệu hơi lố cùng CGI có chút sai sai. Thiết nghĩ, nếu việc làm CGI còn hạn chế thì tốt nhất không nên lạm dụng, còn thua cả phim truyền hình nữa, sẽ có chi tiết làm khán giả thắc mắc là thần tiên được triệu hồi về trời hay được UFO đến đón về hành tinh mẹ. Bù lại là phần nhạc phim rất hay, bài hát được trau chuốt rất hợp với các phân cảnh đi kèm.
Không hiểu tại sao bộ phim lại bị gán mác NC-16 khi cảnh hun nhau cực ít và diễn viên lên giường vẫn còn bận đủ quần áo, máu me, bạo lực chắc chắn là như con nít giỡn với nhau. Nói tóm lại, nếu bạn theo xu hướng #nguoiVietunghophimViet thì bộ phim này không đến nổi quá tệ, nếu muốn thưởng thức trọn vẹn, tốt nhất đừng coi trailer gây hoang mang hay coi tác phẩm kịch được đánh giá cao.