[Tổng Hợp] 5 Phim truyền hình đặc sắc làm nên thương hiệu Ryan Murphy
TV Series · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
5 bộ phim này đã định hình nên phong cách rất đặc trưng của Ryan Murphy.
Là một đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất, Ryan Murphy là người được biết đến với gu làm phim khác thường, khiếu hài hước độc đáo, và góc nhìn kỳ quặc về những con người thường bị phim ảnh lãng quên. Vài tượng Emmy liên hoàn và một hợp đồng Netflix triệu USD sau đó, ông trở thành một trong những gương mặt sáng giá nhất của mảng phim truyền hình.
Từ một nhà báo rỗng túi dọn đến Los Angeles vào năm 1989 để theo đuổi giấc mộng Hollywood, đến một nhà làm phim nổi tiếng được định giá $300 triệu, dưới đây là 6 dự án dài tập đã làm nên thương hiệu Ryan Murphy.
1. American Crime Story (2016 - )
Tập hợp các vụ án chấn động trong lịch sử Mỹ, gồm vụ án giết người gây tranh cãi của O.J Simpson, vụ ám sát nổi tiếng của tượng đài thời trang Gianni Versace, và gần đây nhất là bê bối Watergate làm sụp đổ nhiệm kỳ Tổng thống của Nixon, American Crime Story đem người xem vào những tháng ngày các vụ án này diễn ra.
American Crime Story là dự án hiếm hoi mà Murphy không đảm nhận vai trò biên kịch. Series điểm lại những sự thật và góc khuất trong các vụ án mạng và đem chúng đến với khán giả với phong cách dựng phim kết hợp nhuần nhuyễn tính tài liệu với chính kịch.
2. Popular (1999 – 2001)
Trước khi Glee ra đời, Murphy đã kịp sáng tạo một series gồm 2 mùa lấy chủ đề drama học đường. Popular có thể được coi là thành công đầu tiên Murphy đạt được sau khi từ bỏ sự nghiệp viết báo để bước vào thế giới không chắc chắn của điện ảnh. Series có thể không đem lại thành tựu lớn lao gì cho ông, nhưng nó là một bước đệm cần thiết để ông để lại dấu ấn của riêng mình.
Xoay quanh 2 cô nàng học sinh trung học với hai tính cách hoàn toàn khác biệt Brook McQueen (Leslie Bibb) nổi tiếng và Samantha McPherson (Carly Pope) lập dị khi cha của Brook và mẹ của Samantha quyết định tái giá với nhau, Popular là tác phẩm phim ảnh đầu tay của Murphy (trên cả 3 vai trò biên kịch, sản xuất và đạo diễn). Ra đời vào năm 1999, series không có được độ “tiến bộ” so với các dự án sau này. Nhưng đây vẫn là một bộ teen drama có nét thu hút xuất phát từ những yếu tố rập khuôn luôn có chỗ đứng trong cộng đồng ưa thích phim ảnh.
Bộ phim kết thúc mở và bị hoãn bất ngờ, nên hãy sẵn sàng cho những điều dang dở nếu bạn có ý định truy lùng bộ phim để xem.
3. Glee (2009 - 2015)
Kết hợp drama học đường và nhạc kịch, Glee theo chân giáo viên cấp ba Will Schuester (Matthew Morrison) trong quá trình tập hợp một nhóm học sinh kỳ quặc với tài ca hát thành nhóm hợp xướng chính cho trường trung học William McKinley. Đó là một công việc không dễ dàng khi anh phải tìm cách truyền cảm hứng cho những cá nhân hết sức tự ti hoặc hết sức coi trọng danh tiếng của bản thân để tham gia một câu lạc bộ được coi là lũ thảm hại trong hệ thống phân cấp bậc ở trường trung học.
Glee không phải dự án nổi tiếng nhất của Ryan Murphy, nhưng nó được coi series bước ngoặc đưa phong cách làm phim độc đáo của ông phổ biến rộng rãi đến người xem. Glee đặc biệt vì series tập trung vào những nhân vật từ xưa đến nay chỉ làm nền cho những hình tượng phim ảnh điển hình lúc bấy giờ. Đó là những học sinh thuộc những sắc tộc không mang màu da trắng, trẻ khuyết tật, nhân vật lưỡng tính và đồng tính, và các cô nàng “ong chúa” lẫn các ngôi sao thể thao trung học theo một cách nhìn sâu sắc hiếm khi được khai thác thời điểm bấy giờ.
Glee cũng đào sâu những vấn đề dần trở nên nổi trội ngày nay, gồm chuyển giới, tự sát, chất nam tính độc hại và nạn bắt nạt học đường dưới một lối kể chuyện tinh tế, kết hợp với chất nhạc kịch pop gần gũi với giới trẻ. Không có gì ngạc nhiên khi phim thu hút một lượng lớn người hâm mộ ít nhiều tương tự với dàn nhân vật chính trong phim. Và họ đã làm cái tên Ryan Murphy trở nên quen thuộc hơn rất nhiều.
Bộ series này chứng tỏ Murphy thuộc kiểu đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất sở hữu những góc nhìn riêng biệt khi làm phim. Chính vì thế, với Glee, ông được coi là người đã khởi động xu hướng chuyển hướng spotlight cho những thành phần ít được chú ý hơn trong phim ảnh. Một điều đáng tiếc là giờ đây Glee được biết đến nhiều hơn bởi những tai tiếng hậu trường của nó, hơn là tính tiên phong của series.
4. Nip/Tuck (2003 - 2010)
Bộ phim lấy cuộc sống và sự nghiệp của 2 bác sĩ thẩm mỹ tại Miami làm tâm điểm. Nip/Tuck là sự pha trộn giữa các yếu tố tội phạm, drama gia đình, hài đen, châm biếm và có lối kể truyện quen thuộc của các bộ soap opera.
Ra đời sau cái kết “tụt mood” của dự án đầu tay Popular, Nip/Tuck khác xa so với series teen-drama với 6 mùa phim nghiêm túc và ảm đạm, ngay cả khi so sánh với các dự án được dán nhãn u tối hiện tại của Ryan Murphy. Đây là dự án mang trên mình dấu ấn sâu đậm nhất của Ryan Murphy và tầm nhìn ông dành cho những dự án tương lai. Series đặt cuộc sống của 2 nhân vật chính làm trung tâm, nhưng nó cũng lấy đó làm phương tiện nhằm tô đậm những con người không có nơi chốn để thuộc về, mãi mãi lạc loài, không thể yêu đúng cách hoặc không thể được yêu đúng cách, dị hợm, và tìm đến sự cứu rỗi trong phẫu thuật thay đổi điều gì đó về bản thân mình.
Nhưng ngay cả hành động cực đoan đó cũng không đi đến đâu. Đây là loại series sẽ làm người xem cảm nhận được sự vô bổ của nỗ lực thay đổi bản thân, hoặc sẽ được nhìn nhận là một câu chuyện tình méo mó giữa 2 người đàn ông thẳng chia sẻ chung nỗi niềm làm kẻ lạc lõng như chính các bệnh nhân của họ.
5. American Horror Story (2013 - )
Nói đến Ryan Murphy, người ta chắc chắn nghĩ ngay đến tuyển tập những câu chuyện kinh dị này. Có thể nói đây là series dài hơi và nổi tiếng nhất của Murphy tính đến thời điểm hiện tại. Series quy tụ những câu chuyện được làm theo công thức 3 hồi kể về những chủ đề kinh dị quen thuộc, như phù thủy, nhà ma, Satan, cho đến những chủ đề kỳ lạ được mở rộng sang lĩnh vực kinh dị như chính trị, người ngoài hành tinh đến văn hóa đại chúng.
Murphy lấy công thức điển hình làm nên một bộ phim kinh dị và ném nó ra cửa sổ, để xây dựng chất kinh dị riêng biệt cho American Horror Story. Đó là quá trình chậm rãi, đẫm máu và tra tấn tâm lý nhân vật. Các câu chuyện trong đây được tạo ra để vượt lên mục đích hù dọa thông thường – vì thế mà mà series có rất ít hoặc hầu như thiếu vắng jump-scare. Chúng là những góc nhìn khám phá những suy nghĩ tăm tối ở con người. Và, theo theo một khía cạnh khác, series là màn phản ứng lại sự vô ích được thể hiện ở Nip/Tuck.
Series tập hợp hết các kiểu nhân vật ưa thích của Murphy và cả sự lạc loài của họ. Nhưng lần này American Horror Story đưa ra những cách cứu rỗi cho sự cô độc sinh ra từ việc bị cô lập vì khác biệt, dù chúng biến thiên từ kỳ quặc đến vô cùng biến thái. Nhưng chúng vẫn thể hiện sự nhân đạo Murphy dành cho nhân vật của ông.