[Tổng Hợp] 7 bộ phim "nhức não" của biên kịch Charlie Kaufman

Tin điện ảnh · Calvinnn ·

Charlie Kaufman là biên kịch rất có ảnh hưởng đến các thế hệ biên kịch sau này.

Danh sách những biên kịch người Mỹ đạt được danh tiếng, để nhiều khán giả biết đến trong vòng 30 năm trở lại đây thật ra là không nhiều. Đã từng có thời những biên kịch mới là những vị vua của Hollywood, cho tới khi những đạo diễn tác giả (auteur) đã ảnh hưởng phần nào danh tiếng của những nhà biên kịch do sự độc chiếm về mặt sáng tạo của họ cho cả bộ phim, bao gồm cả viết kịch bản.

Tất nhiên, vẫn còn những cái tên nổi bật như Aaron Sorkin, Steven Zaillian, Eric Roth, Kevin Willmott và Greta Gerwig. Nhìn vào những cái tên này, tất cả đều là biên kịch nhưng chỉ một là tự đạo diễn cho phim riêng của mình.

Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Tuy vậy, có một cái tên khác cần được thêm vào danh sách này là Charlie Kaufman, người mà các nhà phê bình đã cố gắng (và thất bại) trong việc đặt phong cách chỉ đạo của ông vào khuôn khổ thông thường. Kaufman đã tạo ra những tác phẩm độc nhất, ở thời điểm mà mọi studio đang liên tục đánh cược vào những bộ phim có phong cách dẫn chuyện mạo hiểm, vượt ngoài giới hạn.

Vị đạo diễn-biên kịch tài giỏi này dần trở nên có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến rất nhiều thế hệ, đến mức mà có thể nói rằng Kaufman ít nhiều cũng tạo nên một trường phái mới về cách viết kịch bản. Rõ ràng, từ “thiên tài” gần đây khá bị lạm dụng, và thường thì dùng sai, nhưng chúng ta có lẽ sẽ không ngại ngùng mà nói rằng, Charlie Kaufman là thiên tài.

Và cũng như bao thiên tài khác, sự nghiệp của Kaufman không phải lúc nào cũng thuận lợi. Dù sau tất cả, ông vẫn "bướng bỉnh” giữ nguyên những thứ vốn có của mình, đôi khi nhìn thế giới với một góc nhìn kỳ lạ, cho đây là một nơi vô định đáng sợ không có gì ngoài sự thờ ờ với những con người nhỏ bé, tuy rằng thực tế rằng những bộ phim của Kaufman viết kịch bản thường thể hiện được sự kết nối chân thật giữa người và người, giống như một sự thăng hoa về tâm hồn.

Antkind - tiểu thuyết đầu tay của Charlie Kaufman (Nguồn: Amazon)
Antkind - tiểu thuyết đầu tay của Charlie Kaufman (Nguồn: Amazon)

Trong hơn 2 thập kỉ, Kaufman vẫn giữ được phong độ và bản sắc của mình, liên tục thử thách sự mong đợi và suy đoán của người hâm mộ. Ông chỉ đạo bộ phim của riêng mình và từng viết một trong những kịch bản mà nhiều cinephile cho rằng đó là kịch bản chưa được sản xuất tuyệt vời nhất, mang tên Frank Or Francis - phim nhạc kịch thú vị về những nhà phê bình phim online và hiềm khích với những ngôi sao Hollywood.

 

Thế giới điện ảnh của chúng ta, vẫn bất định như mọi khi, luôn là mảnh đất màu mỡ, vui tươi và lạ thường, Kaufman là một trong những người tạo nên điều đó. Gần đây, ông cho ra mắt phim thứ 3 trong sự nghiệp đạo diễn của ông - I’m Thinking Of Ending Things. Chúng tôi quyết định tóm tắt lại tất cả những bộ phim có sự góp tay của Charlie Kaufman, từ khá, hay đến đáng thất vọng, thậm chí là nằm ở mức giữa. Cùng điểm qua nào!

1. Being John Malkovich (1999)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Năm 1999, khi kịch bản “chào sân” của Kaufman - Being John Malkovich, bất ngờ xuất hiện với khán giả như một quả bom, một sự sáng tạo thuần khiết, mới mẻ. Năm 1999 cũng thường được coi như là một năm đầy sự mới mẻ khi xuất hiện những studio làm phim không chính thống và giàu trí tưởng tượng, nhưng kể cả khi phải đối đầu với những tác phẩm như Magnolia, Fight Club và The Matrix. Being John Malkovich đánh bại tất cả bởi sự tầm nhìn táo bạo của phim, bằng chính phong cách diễn đạt đầy “con người”.

Do Spike Jonze đạo diễn, Being John Malkovich khắc hoạ sự cô độc đau đớn trong cuộc sống của những kẻ làm công việc sáng tạo, khát vọng vốn có để thoát khỏi sự ngột ngạt tù túng từ trải nghiệm của bản thân, và nếu thành thật thì. Một cái nhìn tiên đoán cho một xã hội đầy ám ảnh với văn hóa của người nổi tiếng, hào nhoáng nhưng chán chường. Being John Malkovich là một trong những phim mở đầu của thế kỉ mới, cũng như là bệ phóng cho sự nghiệp của một trong những biên kịch vĩ đại nhất. 

2. Human Nature (2001)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Đây là một bộ phim khá kì lạ. Human Nature, do Michel Gondry đạo diễn, có lẽ là cú flop thật sự duy nhất trong sự nghiệp Charlie Kaufman. Nhờ Gondry mà bộ phim trở thành một trai nghiệm điện ảnh kỳ quái. Đây là bộ phim mở đầu sự nghiệp của đạo diễn, sau một chuỗi những MV ca nhạc được đón nhận. Bộ phim không thật sự hợp với phong cách triết lý mơ màng, và cũng quá khô khan để tạo nên tiếng cười cho khán giả.

 

Phim kể về nhà khoa học điên (Tim Robbins) cố gắng làm một người tiền sử tên Puff (Rhys Ifans) trở nên văn minh hơn. Human Nature có một lịch sử sản xuất khá thú vị, kịch bản của Kaufman ban đầu được hướng cho đạo diễn Steven Soderbergh chỉ đạo.

Ifans đã cố gắng hết mình cho vai diễn một người tiền sử học cách để trở thành con người hiện đại, Patricia Arquette cố gắng hết sức để thủ vai một nhân vật nữ trong tuyến câu chuyện về tình yêu khá hời hợt trong phim (Kaufman tiếp tục viết những nhân vật nữ thu hút và mới mẻ hơn sau này trong sự nghiệp, nhưng vẫn còn khá chật vật).

Kịch bản của Human Nature không hợp với phong cách làm phim chất phác và ngây thơ mà Gondry hướng tới. Đây là bộ phim dành cho những ai muốn xem hết các tác phẩm thuộc về của Kaufman, và cũng dành cho những ai cười “rớt hàm” khi nhìn thấy mấy con chuột sử dụng dụng cụ ăn uống.

3. Adaptation (2002)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

18 năm sau khi ra mắt phim và vẫn quá là khó khăn cho người xem để miêu tả những gì diễn ra trong Adaptation của Spike Jonze: nỗi ám ảnh, thương mại hóa nghệ thuật, kẻ săn trộm phong lan, công việc biên kịch, tắc ý tưởng trong công cuộc sáng tạo, tình anh em hay là Nicolas Cage và sự kỳ quái của nam diễn viên...

Thành thật mà nói, bản chất “nhức não” của Adaptation, cùng với sự khó hiểu khi ngay cả những nhà phê bình phim lão làng cũng khó khăn khi cố gắng giải mã phép màu của bộ phim, chính là một trong những lý do đây là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất còn sót lại của thập niên 2000.

Đây là sự cộng tác lần thứ 2 giữa Jonze và Kaufman, Adaptation đã khéo léo xây dựng câu chuyện và lấn át cả chủ đề của mà cả hai đã khám phá trong Being John Malkovich, kết quả là một bản hợp xướng giữa bi kịch hài hước khó miêu tả thành lời, xoay vòng trong bộ não của những người yêu điện ảnh.

Cage đặc biệt mang tới 2 màn trình diễn tuyệt vời và nhập tâm nhất trong sự nghiệp của ông: Charlie - một kẻ ích kỉ, một phiên bản giả tưởng của Kaufman, và Donald - người anh em vui vẻ, luôn gặp may mắn của Charlie. Phim nói về rất nhiều thứ như quá trình tìm kiếm cảm hứng, nghịch lý khi chuyển thể lại một tác phẩm của nghệ sĩ khác, và một sự thật không thể chối bỏ của vũ trụ rằng điều duy nhất làm sự tồn tại đơn độc, khủng hoảng của con người trở nên đáng sống là những con người luôn bên cạnh bạn.

4. Confessions of a Dangerous Mind (2002)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Confessions Of A Dangerous Mind là một “kẻ ngoại đạo” thú vị trong những bộ phim của Kaufman, vì đây có lẽ là một trong những kịch bản không được chỉ đạo bởi cả Michel Gondry lẫn Spike Jonze, hay kể cả chính Kaufman.

Thay vào đó, bộ phim đậm màu truyện tranh kể về một người dẫn chương trình truyền hình kiêm gián điệp CIA Chuck Barris, lại là lần đầu tiên của George Clooney trong vai trò đạo diễn. Nam diễn viên rất được yêu thích có kinh nghiệm chỉ đạo nhiều phim như Good Night And Good Luck cho đến bản chuyển thể phim truyền hình của Joseph Heller Catch - 22

Sự cộng tác giữa Kaufman và Clooney có vẻ không được thuận lợi cho lắm, khi Kaufman tuyên bố rằng ông không vui vẻ gì cho cam với cách mà Clooney đối xử với kịch bản (dường như những gì Kaufman đem vào kịch bản phần nhiều bị Clooney lờ đi). Mặc dù ai cũng muốn được xem phiên bản của Kaufman như thế nào, sự va chạm trong quá trình sáng tạo phim tạo nên một kết quả khá tò mò, và có lẽ đây là tác phẩm dễ tiếp cận nhất của Kaufman mà ông từng viết. 

Confession Of A Dangerous Mind là một bộ phim “mang danh” thể loại gián điệp với những cú twist ngã ngửa, những tiếng cười bất chợt, cùng với sự xung đột đầy bạo lực, tất cả đều được bắt trọn trong những khung hình đầy màu sắc của đạo diễn hình ảnh Newton Thomas Siegel. Phim là một bước đệm lớn cho vai chính của Sam Rockwell, người đã đem năng lượng kì quặc vào thể loại phóng khoáng như vậy, thứ mà sau này sẽ khiến khán giả yêu mến anh hơn.

5. Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Ai cũng có một lần đổ vỡ thật tệ hại trong đời đến mức mong muốn sẽ quay ngược thời gian và xóa bỏ kí ức. Thực tế thì, nếu bạn đã trải qua điều đó, bạn nên cảm thấy may mắn đi. Một trong những kịch bản đầy cảm xúc và xoắn não của Kaufman, Eternal Sunshine Of The Spotless Mind - bộ phim mà rất nhiều nhà phê bình cho là tác phẩm hoàn hảo nhất của Kaufman từng được tạo ra. Phim đem một ý tưởng đầy mới lạ lên màn ảnh, xoay quanh câu chuyện kì diệu về quá trình trị liệu bí ẩn của anh chàng cô độc Joel Barish (Jim Carrey).

Mục đích quá trình trị liệu: để có lại tất cả những kí ức về bạn gái cũ của Joel - Clementine (Kate Winslet). Mặc cho bản chất khó hiểu của bộ phim, Eternal Sunshine Of The Spotless Mind có lẽ vẫn là bộ phim có nhiều sự đồng cảm nhất của Kaufman: cả ông lẫn đạo diễn Michel Gondry hiểu được khát vọng muốn xóa bỏ mối quan hệ đổ vỡ ít nhiều gì cũng không có nghĩa lý gì. Dù một mối quan hệ có cho bạn rất nhiều sự đau lòng, thất vọng, nhưng chính điều đó đã hun đút con người, khiến bạn trở thành bạn như bây giờ. 

Phim còn có dàn diễn viên chất lượng không kém, Kate Winslet trong vai Clementine có một chút gì đó gọi là phóng khoáng và nổi loạn, còn Kirsten Dunst, Elijah Wood và Mark Ruffalo là tuyến nhân vật phụ hỗ trợ rất nhiều cho hành trình của 2 nhân vật chính tìm lại những kí ức vụn vỡ từ quá khứ, tạo nên một bản tình ca ấm áp và ngập tràn ánh nắng cảm xúc nhất trong tất cả những bộ phim của Kaufman.

6. Synecdoche, New York (2008)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Điều gì xảy ra nếu như Charlie Kaufman cố gắng làm quá sức bản thân? Chuyện gì xảy ra nếu ông không hợp tác với Spike Jonze và Michel Gondry để trung hòa câu chuyện của kẻ cả đời tìm kiếm bản thân mình?

Có lẽ câu hỏi quan trọng là sẽ xảy ra điều gì khi Kaufman cố gắng mang tiếng nói của mình về những vấn đề to lớn lên phim? Hay nói cách khác, sẽ ra sao nếu ông tạo ra một dự án đầy đam mê, vươn tầm thế giới, điều mà nhiều đạo diễn dành cả đời để phấn đấu và tự hào công bố nó như một tác phẩm đầu tay?

Khi đó, khán giả sẽ có một bộ phim tên Synecdoche, New York, ngắm nhìn Kaufman “bung xõa” với câu chuyện phim mà không phải bị kìm cặp bởi bất kì ai và cũng chả quan tâm tới bất kì ai nghĩ gì về tác phẩm của ông. Chuyện phim kể câu chuyện về Caden Cotard (Philip Seymour Hoffman), một nhân vật tự ti, buồn rầu khác từ đôi tay sáng tạo của Kaufman. Caden không khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, sự phiền não này khiến phim bị bóp nghẹt bởi chính màu sắc nghiêm túc của nó cùng với một chút sự hài hước đen tối.

Câu chuyện chi tiết về việc Caden cố gắng trút hết mọi buồn phiền vào trong một tác phẩm để đời, một trải nghiệm màn ảnh chân thật, không khó để thấy hình ảnh đó là ẩn dụ cho Kaufman cố gắng phấn đấu, đem sức nặng, chiều sâu, mục đích nhiều hơn vào trong sự khổ đau của nhân vật, để nó không chỉ đơn thuần là nỗi đau thông thường. Trong một bộ phim mà ranh giới giữa hiện thực và ảo tưởng bị xóa nhòa, cũng như đặt câu hỏi liệu Kaufman có chối bỏ sự ám ảnh với bản thân của mình, hay là dấn thân vào điều đó.

7. Anomalisa (2015)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Người xem đã phải chững lại với chủ nghĩa hư vô nặng nề trong Synecdoche, New York sẽ được thoải mái hơn khi biết bộ phim kế tiếp của Charlie Kaufman (đồng đạo diễn với Duke Johnson) là một phim hoạt hình thể loại stop-motion với không khí nhẹ nhàng hơn, đỡ cay đắng hơn các tác phẩm tiền nhiệm. Nói cách khác, phim “con người” hơn, dù rằng không có người “thật” nào xuất hiện trong đó.

Bộ phim hoạt hình đầy cảm xúc ngọt bùi cay đắng này hầu như được lồng tiếng bởi mỗi Tom Noonan, người đã đem giọng nói cảm xúc cho mọi nhân vật trong phim, trừ nhân vật chính Michael Stone. Nhân vật chính - một người làm dịch vụ khách hàng cô đơn, do David Thewlis góp giọng, gặp gỡ một nhân vật đồng hành nhẹ nhàng, nữ tính không tên (do Jennifer Jason Leigh lồng tiếng), vào một đêm định mệnh ở khách sạn Cincinnati.

Kaufman, Johnson và ekip đã tạo nên một thế giới mê hoặc của Anomalisa và đoạn độc thoại đau lòng mà Kaufman dành riêng cho nhân vật Thewlis ở đoạn kết, chắc chắn là điều hoàn mỹ nhất của bộ phim. Ở phim đầu tay mà ông đạo diễn, tức Synecdoche, New York, Kaufman mang tới cho khán giả một bài thơ của tính kiêu ngạo, dường như bằng lòng với việc ám ảnh với chính bản thân. Thì ở Anomalisa, ông chống lại chính điều đó. Thật là một điều tuyệt đẹp khi được chứng kiến.

8. I’m Thinking Of Ending Things (2020)

Nguồn: IMDb
Nguồn: IMDb

Khán giả đã đọc qua bài phỏng vấn mới nhất của Charlie Kaufman chưa? Đã xem qua 2 nỗ lực đạo diễn trước đó của ông chưa? Ông tiếp tục làm phim mà không có sự cộng tác của Spike Jonze, Micheal Gondry hay Duke Johnson đấy. Phim mà Charlie Kaufman chỉ đạo có xu hướng ảm đạm, đau khổ, theo chủ nghĩa hư vô và có cái nhìn không thiện cảm lắm cho con người. Vì vậy, I'm Thinking of Ending Things, thuộc thể loại kinh dị tâm lí, dựa trên cuốn sách cùng tên của Iain Reid là một thử thách đối với người xem, nói về sự cô độc, vô vọng và nuối tiếc.

Jesse Plemons và Jessie Buckley trong vai một cặp đôi trên hành trình vô tận đầy sóng gió về thăm cha mẹ của mình. Nhân vật nữ, người có tên thay đổi liên tục trong suốt cả bộ phim, đầy lòng nghi ngờ cùng những cảm xúc bất mãn, và luôn muốn kết thúc mối quan hệ đang diễn ra. Chính điều này đã tạo nên một chuyến đi nặng nề, siêu thực về hầu như mọi thứ, từ cuộc sống, thơ văn, phim ảnh và nhiều hơn vậy nữa. 

Khi đến nơi, cặp đôi được chào đón bởi bố và mẹ nhân vật nam (tên Jack), do David Thewlis và Toni Collette thủ vai. Mọi chuyện trở nên rùng rợn, đồng thời cũng kì quặc hơn trong quá trình họ ở lại đây. Có thể nói, I’m Thinking Of Ending Things kì dị, hấp dẫn, khó hiểu, vui nhộn và chứa đầy nhưng phân đoạn nhạc kịch mê hoặc, cùng với đoạn kết đầy mộng mị, khán giả còn có thể mong chờ điều gì nữa?

Nguồn: The Playlist