[TỔNG HỢP] Smile (Cười) và 6 bộ phim kinh dị "xịn xò" ban đầu là phim ngắn
Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
Cười và những bộ phim kinh dị ban đầu là những phim ngắn chất lượng.
Các nhà làm phim kinh dị nhìn đâu cũng thấy ma quỷ là một căn bệnh nghề nghiệp mở đường cho rất nhiều bộ phim đáng sợ oanh tạc màn ảnh. Nhưng một số trước khi làm nên những phim điện ảnh rùng rợn, họ thường cô đọng ý tưởng của mình vào những thước phim ngắn. Điều tuyệt vời là chúng và phiên bản điện ảnh không kém gì nhau về chất lượng.
Cười (Smile) sẽ khiến bạn chết lặng với tầng ý nghĩa của nó.[REVIEW] Cười (Smile)
1. Mama (2013)
Thật khó tin bộ phim kinh dị được nhiều lời khen ngợi từ khán giả năm 2013 lại lấy cảm hứng từ một đoạn phim ngắn cùng tên ra đời năm 2008. Chỉ trong vòng 3 phút, đoạn phim ngắn này cô đặc tất cả những mỹ từ chúng ta có thể nghĩ đến về phim kinh dị - tối tăm, gay cấn, đáng sợ, hồi hộp và thực sự gieo rắc nỗi sợ hãi rùng rợn. Đoạn phim ngắn này đã khiến cả đạo diễn Guillermo del Toro phải dành lời khen ngợi cho đội ngũ sáng tạo. Nhưng có lẽ, điều tuyệt vời nhất là Mama (2008) đã làm nguồn cảm hứng cho một phiên bản điện ảnh dài hơn, với câu chuyện có thể giải thích những điều còn thiếu trong bản phim ngắn – một đặc trưng có thể thông cảm được của phim ngắn.
Mama kể câu chuyện trọn vẹn hơn về nguồn gốc của thực thể Mama – phản diện chính của phim. Bộ phim đã khắc hoạ một tình mẫu tử mang tính ám ảnh của 2 người mẹ mà ngay cả sự sống và cái chết cũng không thể khiến nó chấm dứt. Mama vận dụng tất cả những yếu tố hù doạ của đoạn phim ngắn, đồng thời thêm vô cho phim những tầng cảm xúc sâu lắng để giúp bộ phim thoát khỏi số phận thành một trong những gương mặt trống rỗng khác của thể loại kinh dị.
2. Oculus (2014) – Oculus: Chapter 3 – Man with the Plan (2006)
Nhắc đến cái tên Mike Flanagan, người ta mường tượng đến dự án Netflix The Haunting of Hill House, nhưng những mọt phim kinh dị cứng cựa hơn sẽ nhớ đến một cái tên khác – Oculus, hay được biết đến với cái tên Ma Gương. Bộ phim năm 2013 thuộc thể loại tâm lý, siêu nhiên, kể câu chuyện của một gia đình lụn bại khi vô tình mua phải một chiếc gương bí ẩn với quá khứ chết chóc.
Oculus trên thực thế dựa trên một phim ngắn kéo dài nửa tiếng do chính tay đạo diễn Mike Flanagan thực hiện năm 2006. Đó là 30 phút hồi hộp chỉ với một người đàn ông, kế hoạch của anh ta trước một tấm gương bị phủ vải trắng. Ngột ngạt, kinh hãi và thực sự chơi trò tâm lý với người xem, phiên bản dài thêm thắt nhiều chi tiết vào câu chuyện gốc, cũng như tăng mức độ kinh dị và “hack não” cho bộ phim. Và chúng có hiệu quả thật.
3. Lights Out (2016) – Light Out (2013)
Đến thập niên 2010, không có gì có thể khiến người xem bất ngờ nữa và điện ảnh kinh dị dường như đang rơi vào trạng thái bão hoà với những mô tuýp phim cũ kỹ và kịch bản dễ đoán. Khán giả đòi hỏi nhiều hơn và những bộ phim kinh dị trong danh sách này xuất hiện và trong đó có Lights Out.
Không như những cái tên đầu danh sách, phiên bản phim ngắn của Lights Out (2016) nhận về rất nhiều sự công nhận khi ra mắt. Sự yêu thích mà khán giả dành cho ý tưởng sáng tạo được đạo diễn David F. Sandberg thể hiện trong vỏn vẹn 2 phút 45 giây, tính cả phần credit, đã thuyết phục Sandberg làm thêm một phiên bản điện ảnh. Câu chuyện dài hơn tức nhân vật trong phim được khắc hoạ rõ hơn và nguồn gốc phản diện được thêm một tầng thương cảm. Một điều không đổi là cả hai phiên bản Lights Out đều thành công khiến người xem nghĩ lại mỗi khi với tay đến công tắc đèn ở nhà.
4. Saw (2004) – Saw 0.5 (2003)
Có lẽ khi tạo ra thước phim ngắn là Saw 0.5, đạo diễn James Wan hẳn không ngờ bản thân đang đạt nền móng cho một trong những thương định nghĩa lại dòng phim kinh dị tra tấn đầu thập niên 2000. Bắt đầu với David, nhân vật chính trong phim, đang run rẩy kể lại trải nghiệm bị một tên sát nhân kỳ lạ bắt cóc và ép chơi một trò chơi giải đố nếu muốn giữ mạng, Saw 0.5 chuyển mình thành một thương hiệu dài hơi với 8 phần phim tính đến thời điểm hiện tại mang tên Saw, đồng thời củng cố biệt danh “ông hoàng kinh dị” của Jame Wan.
Phần Saw đầu tiên là phần phim lấy cảm hứng trực tiếp từ đoạn phim ngắn hơn cả – kể về 2 người đàn ông buộc phải chơi trò chơi tử thần từ gã sát nhân mang biệt danh Jigsaw. Gay cấn, hồi hộp và thách thức người xem nhất vẫn là phần đầu tiên này. Đến nay, tinh thần của thương hiệu có thể đã loãng dần theo thời gian, nhưng trò chơi tra tấn trong Saw khiến những cái tên như Hostel, Escape Rooms có động lực theo đuổi những câu chuyện bớt sáo rỗng hơn. Đối với người xem, đó luôn là một tín hiệu tốt.
5. The Evil Dead (1981) – Within the Wood (1978)
Cult-classic The Evil Dead đến nay vẫn được xem là một ý tưởng thiên tài từ đạo diễn Sam Raimi trong buổi đầu sự nghiệp. Bộ phim kinh phí thấp này kết hợp yếu tố đẫm máu và những góc quay sáng tạo đểt thổi sức sống mới cho một chủ đề đã quá quen thuộc trong thể loại kinh dị. Hiếm có bộ phim kinh dị nào vừa khiến người xem vừa kinh hãi vừa phá lên cười như The Evil Dead. Nhưng bạn có biết, trước khi bắt tay vào làm bộ phim kinh điển này, Raimi đã thực hiện ý tưởng của mình dưới dạng phim ngắn Within the Woods nhằm thuyết phục những nhà đầu tư?
Và cách làm này đã có hiệu quả. Nhưng phải kể đến nỗ lực xây dựng thước phim chỉ kéo dài 30 quá hấp dẫn mà Raimi mới có thể có kinh phí để làm một bản phim hoàn chỉnh. Đến nay, nói đến phim kinh dị kinh điển, cái tên The Evil Dead chắc chắn xuất hiện và một thương hiệu kinh dị bắt đầu với một bộ phim ngắn.
Nói đến những phim kinh dị “break-out” của thập niên 2010, The Babadook mà không được xướng lên thì thật đáng tiếc. Đây cũng là một bộ phim mà ý tưởng độc đáo và câu chuyện chiêm nghiệm của nó lần đầu được đưa lên màn ảnh thông qua một phim ngắn được làm cách thời điểm phiên bản điện ảnh khá lâu – Monster.
Mặc dù không dư dả thời lượng để thiết lập tất cả những mảnh ghép quan trọng, Monster vẫn để lại những suy ngẫm ngổn ngang sau khi phim kết thúc, sau khi người xem bừng tỉnh sau những màn hù doạ đánh vào tâm lý của dự án.
7. Smile (2022) – Laura Hasn’t Slept (2020)
Laura Hasn’t Slept chỉ hạn chế câu chuyện của mình trong một căn phòng trị liệu tâm lý. Laura, nữ chính, đã ba ngày không ngủ được vì những cơn ác mộng của cô quá thật, thật đến mức cô tin rằng chúng có thể làm hại mình. Chỉ với nỗi sợ đó thôi đã khiến cô không dám chợp mắt. Bác sĩ tâm lý của cô có cách nghĩ khác. Nếu cô muốn ngủ được, Laura phải đối mặt với nỗi sợ của mình.