[Tổng Hợp] 4 bộ phim của đạo diễn Tom Hooper có thể cho bạn lòng tin vào Cats
Tin điện ảnh · Ivy_Trat ·
4 bộ phim này sẽ cho bạn lòng tin vào Cats.
Được đạo diễn Tom Hooper cầm trịch, Cats chắc sẽ không kinh khủng như tạo hình của phim. Nếu còn lo lắng, có lẽ bạn nên xem lại những bộ phim cũng từng do Tom Hooper dưới đây đạo diễn xem sao.
Thời gian vừa qua, cộng đồng yêu thích phim điện ảnh đã được một phen rùng mình trước những hình ảnh và trailer mới nhất của dự án điện ảnh Cats. Thế nhưng, sau 2 trailer và một đống tin tức nhấn mạnh tạo hình của Cats đã làm người xem sang chấn tâm lý đến thế nào, chúng ta phải đối mặt với câu hỏi quan trọng luôn phải được nghĩ đến đối với bất kỳ bộ phim nào: Liệu đây có thể là một bộ phim chất lượng?
Hiện tại, trailer Cats đã phần nào hé lộ nội dung cơ bản của phim cho khán giả: một đống mèo sẽ tụ họp vào một ngày lễ rất đặc biệt trong năm để ứng tuyển cho một vị trí được trên thiên đường…của loài mèo, hay nói cách khác, được tái sinh vào một cuộc sống mới.
Nghe có vẻ như nội dung phim không có gì quái dị hay thất thường. Hơn nữa, đây còn là một bộ phim nhạc kịch quy tụ khá nhiều giọng ca thực lực. Còn phần diễn xuất, những tên tuổi diễn viên trong phim cũng vô cùng chất lượng. Như vậy, trở ngại của Cats rõ ràng là phần hình ảnh có phần nổi da gà của phim.
Quả thật, ngoài phần nhạc và dựng ảnh không có gì để nói, tạo hình nhân vật của phim không khỏi làm người xem phải ớn lạnh trước những chú “mèo” như bước ra từ một sự kiện dành cho những ai có sở thích “đặc biệt” với những bộ trang phục dạng thú. Nhưng, chỉ mình khía cạnh này liệu có đủ kết án Cats? Câu trả lời dĩ nhiên là không (Phim đã ra đâu mà đánh giá nè!). Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền suy đoán về phim.
Có một sự thật là những điều trên dễ làm người xem quên đi một thực tế là Cats được dẫn dắt bởi một đạo diễn đã chuyển thể tuyệt vời một tác phẩm văn học bất hủ của Victor Hugo, từng xây dựng những thước phim làm nao nức lòng người về người phụ nữ chuyển giới đầu tiên được ghi nhận, và từng khắc họa thành công hình ảnh một vị vua học cách vượt qua chứng nói lắp để thực hiện một bài phát biểu đã vực dậy đất nước đang trải qua Thế Chiến II: Tom Hooper.
Mặc dù phim truyền hình chiếm hầu hết sự nghiệp của Tom Hooper, nhưng khi ông bắt tay vào là phim điện ảnh, kết quả là vô cùng ngọt ngào. Những dự án điện ảnh của Hooper có thể được đếm trên đầu ngón tay nhưng lại có nội dung chất lượng. Bản thân Hooper cũng đã nhận được một giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Nên, vào lúc này, cái tên Tom Hooper đang trở thành cái tên bảo lãnh cho Cats.
Dưới đây là 4 bộ phim của Tom Hooper mà cộng đồng yêu phim ảnh có thể tham khảo để phần nào tự tin về Cats hơn, nếu bạn đã quyết định đi xem phim khi bộ phim ra mắt vào tháng 12 này.
4. The Dammed United (2009)
The Dammed United là bộ phim thể thao dành thời gian khai thác khía cạnh con người, lòng kiêu hãnh lẫn những hận thù giữa những họ.
The Dammed United không chỉ tập trung mô tả môn thể thao bóng đá bằng những trận cầu gay cấn, mà còn thể hiện thế giới đằng sau những trận đấu ấy. Đó là thế giới của những người quản lý, huấn luyện viên và những trò chơi chính trị của những tay doanh nhân điều hành câu lạc bộ.
3. The Danish Girl (2015)
Mặc dù là một bộ phim gây tranh cãi, The Danish Girl vẫn là một dấu ấn điện ảnh đáng nhớ của Tom Hooper.
The Danish Girl tái hiện câu chuyện có thật của Lili Elbe, một trong những người chuyển giới đầu tiên được ghi nhận cách đây chừng 100 năm về trước.
The Danish Girl chứa rất nhiều cảnh quay cận cảnh, nhất là đối với những phân cảnh liên quan đến Lili (do Eddie Redmayne thủ vai). Cộng với một số chi tiết hơi hướng bị lãng mạng hóa, điều này đã thổi bùng tranh cãi về bộ phim. Bù lại, những cảnh quay khác, về mặt tổng thể, vẫn làm nên sự sống động trong mặt hình ảnh cho bộ phim.
2. Les Misérables (2012)
Có lẽ trong số những dự án điện ảnh của Tom Hooper, Les Miserables có thể là bộ phim đầu tiên những ai đang có ý định xem Cats tìm đến đầu tiên.
Dựa vào tác phẩm văn học cùng tên kinh điển của Victor Hugo, lấy bối cảnh những rối ren của nước Pháp ở thế kỷ 19, Les Miserables miêu tả sự khốn khổ của những con người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, đồng thời gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn. Đặc biệt hơn, Les Miserables được làm theo phong cách nhạc kịch – một điều mà bộ phim chia sẻ với Cats sắp ra mắt vào tháng tới đây.
Les Miserables làm công trình đáng nể với yếu tố phim ảnh hòa quyện hài hòa với yếu tố nhạc kịch. Nhiều ca khúc gốc được chính các chính các diễn viên như Hugh Jackman, Ann Hathaway cất giọng vô cùng dạt dào cảm xúc.
1. The King’s Speech (2010)
Có thể nói, trong số các dự án điện ảnh của Tom Hooper, The King’s Speech là bộ phim ông dành nhiều tâm sức nhất. Và điều này đã đem về cho ông một giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.
Nội dung phim xoay quanh những năm đầu trị vì của vua George VI (Colin Firth) sau khi cha ông, vua George V, qua đời và người anh trai, người kế vị chính thống, vua Edward VIII thoái vị để chạy theo tiếng gọi tình yêu. Vấn đề là vua George VI mắc phải tật nói lắp. Điều này làm ông trông kém cỏi và tự ti trong khi người dân Anh lúc ấy cần là một vị quân chủ uy nghi và cuốn hút, hai tính chất có ở cha và anh của ông. Tồi tệ hơn, nước Anh đã tuyên chiến với Đức nhằm đẩy lùi chủ nghĩa Phát-xít và dân chúng cần sự khích lệ của nhà vua.
The King’s Speech không chỉ là một câu chuyện về nghĩa vụ, về hoàng tộc, mà còn miêu tả cuộc đấu tranh với chính mình của một người đàn ông bị đặt vào một tình thế không thể vùng thoát – vua George VI vốn không muốn làm vua và, do là con thứ trong gia đình, chưa từng nghĩ mình có thể ngồi lên ngai vị, và cách ông ta vượt lên sự bất an của bản thân để trở nên vĩ đại.
Đạo diễn Tom Hooper đã vận dụng nhiều kỹ thuật quay phim và dựng cảnh cho The King’s Speech, như việc tận dụng nhiều ống quay 14mm, 18mm, 21mm, 25mm và 27mm cho nhiều cảnh quay khác nhau, đa số phân cảnh đều được quay trong nhà và thường được vận dụng những bối cảnh chật hẹp để nói lên cảm giác bị bóp nghẹt của nhân vật chính. Đối với những cử chỉ, Hooper lại tận dụng những cảnh quay rộng và chêm vào nhiều pha cận cảnh. Nhìn chung, phong cách hình ảnh của The King’s Speech vô cùng chỉnh chu và ánh lên nét nghệ thuật.